TÓM TẮT:
Mục đích của bài viết phân tích những tác động của Blockchain đến hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT), đồng thời đưa ra một số giải pháp cho chiến lược và kế hoạch hành động nhằm giúp lĩnh vực này vượt qua thách thức, bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) trong giai đoạn hiện nay. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu dựa trên các tài liệu có sẵn từ tạp chí, sách, công trình nghiên cứu và quan điểm của các tác giả được thể hiện trên các trang website làm cơ sở để thực hiện phân tích đánh giá. Những khám phá trong nghiên cứu sẽ góp phần xây dựng cơ sở lý luận và phương hướng trong việc đưa ra một số đề xuất nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) nhanh chóng ứng dụng công nghệ Blockchain vào hoạt động kinh doanh, đem lại cơ hội, giá trị và doanh thu mới cho DN.
Từ khóa: công nghệ chuỗi khối, hệ thống thông tin kế toán, tác động, khả năng ứng dụng, doanh nghiệp Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, Blockchain - công nghệ số là một chủ đề “nóng” nhất hiện nay, gây được nhiều sự chú ý trên các diễn đàn trong và ngoài nước. Ở Việt Nam cũng có một số tác giả đã và đang tiến hành nghiên cứu các vấn đề về Block chain như Nguyễn Thanh Huyền (2018), Trương Thị Hoài, Đào Thị Lan (2019) đã tìm hiểu về các nội dung trọng tâm như công nghệ Blockchain, nguyên lý hoạt động, giải pháp ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Tuy nhiên, những bài viết hoặc nghiên cứu sâu ảnh hưởng của Blockchain đến HTTTKT chưa nhiều. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả tổng hợp, phân tích tác động của Blockchain đến HTTTKT với mong muốn đóng góp một cái nhìn đa chiều hơn cho các DN trước thách thức áp dụng công nghệ mới trong thực tiễn nghề nghiệp. Ngoài ra, tác giả còn đưa ra một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) nhanh chóng ứng dụng công nghệ Blockchain vào hoạt động kinh doanh đem lại cơ hội, giá trị và doanh thu mới cho DN.
2. Tổng quan về cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1. Khái niệm Blockchain
Blockchain thường được định nghĩa là một cơ sở dữ liệu trực tuyến mở và được chia sẻ để theo dõi các giao dịch và bảo mật dữ liệu (Wang & Kogan, 2018).
Theo Don & Alex Tapscott, công nghệ chuỗi khối Blockchain được định nghĩa trong cuốn sách Blockchain Revolution (2016) như sau: "Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số không thể bị phá hỏng của các giao dịch kinh tế, có thể được lập trình để ghi lại không chỉ những giao dịch tài chính mà có thể ghi lại tất cả mọi thứ có giá trị".
Theo Wikipedia, Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.
Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Blockchain là một hệ thống dựa trên sổ sách kế toán phân tán nhiều nút trên mạng. Mỗi nút đồng thời là một máy khách (client) và cũng là một máy chủ (server), do đó mỗi người dùng có thể sao chép một bản riêng cho mình. Dữ liệu được lưu trữ vào mỗi khối (block), khi có khối mới hình thành sẽ tạo một bản sao được mã hóa của khối trước. Các khối sau được gắn vào chữ ký xác thực để tạo ra một chuỗi các hành động hoặc giao dịch, phân phối và chống giả mạo. Do đó, Blockchain tạo ra một hệ thống thông tin thực sự, gần như không thể làm sai lệch hoặc phá hủy các hồ sơ nhằm che giấu các hoạt động nhất định. Vì vậy, đối với hoạt động kế toán, đây có thể là một công cụ hiệu quả để đảm bảo tính minh bạch và mức độ tin cậy cao về thông tin kế toán và báo cáo dữ liệu [3].
Blockchain được tạo ra để chống lại sự cố ý can thiệp thay đổi dữ liệu. Công nghệ Blockchain có một tính chất rất đặc thù là truyền tải dữ liệu không đòi hỏi bất kỳ “trung gian tin cậy” cụ thể nào để xác nhận thông tin. Các dữ liệu thông tin sau khi được nhập vào trong chuỗi khối Blockchain sẽ không thể thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự chấp thuận của tất cả mọi người trong hệ thống. Bởi ngay cả khi một phần của hệ thống Blockchain bị tấn công, các phần khác cũng không bị ảnh hưởng và vẫn tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin cũng như tái xây dựng lại các phần bị mất/hỏng.
2.2. Giới thiệu về Hệ thống thông tin kế toán
Hệ thống TTKT là một hệ thống được thiết lập nhằm mục đích thu thập, xử lý và cung cấp thông tin tài chính cho các đối tượng bên trong và bên ngoài DN (Abdulqawi và Alshaefee, 2012). Ngày nay, hệ thống TTKT không chỉ liên quan đến các dữ liệu và thông tin tài chính, mà còn liên quan đến cả những dữ liệu và thông tin phi tài chính, các đối tượng ra quyết định bao gồm cả những đối tượng bên trong và bên ngoài tổ chức (Wilkinson và cộng sự, 2000).
HTTTKT là hệ thống xử lý dữ liệu và các giao dịch cung cấp thông tin cho người dùng để lập kế hoạch, kiểm soát và vận hành DN (Romney và cộng sự, 1997).
Thực tế, theo thống kê và nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu cho thấy, các nhà quản lý thường nhận được thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác hoặc thông tin chính xác, nhưng không kịp thời. Bên cạnh đó, kế toán còn phải đối mặt với tình trạng quá tải thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm toán và kiểm soát nội bộ, nơi mà khối lượng và sự phức tạp của thông tin cần kiểm tra là rất lớn. Vì vậy, ứng dụng công nghệ Blockchain trong kế toán là giải pháp tốt nhất để giúp DN giải quyết được những vấn đề nêu trên.
2.3. Phương pháp nghiên cứu và thu thập thông tin
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu thống kê mô tả thông qua việc thu thập các tài liệu, bài nghiên cứu trong và ngoài nước về Blockchain và tác động của chúng đến HTTTKT và lĩnh vực kế toán. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phương pháp nghiên cứu nhân quả để chỉ ra mức độ ảnh hưởng của Blockchain đến lĩnh vực kế toán trong tương lai, từ đó kiến nghị các giải pháp nhằm giúp lĩnh vực kế toán vượt qua những thách thức mà công nghệ Blockchain đem lại.
Thông tin trong bài viết chủ yếu là thông tin thứ cấp được tác giả thu thập, chọn lọc, phân loại và sắp xếp từ các bài báo viết về chủ đề công nghệ Blockchain và tác động của chúng lên HTTTKT và ngành nghề Kế toán, được đăng trên các trang website chuyên ngành Kinh tế, Tài chính, Kế toán và Kỷ yếu hội thảo khoa học.
3. Vai trò của Blockchain đến HTTTKT
HTTTKT là một hệ thống được thiết lập nhằm mục đích thu thập, xử lý và cung cấp thông tin tài chính cho các đối tượng bên trong và bên ngoài DN (Abdulqawi và Alshaefee, 2012). Ngày nay, HTTTKT không chỉ liên quan đến các dữ liệu và thông tin tài chính mà còn liên quan đến cả những dữ liệu và thông tin phi tài chính, các đối tượng ra quyết định bao gồm cả những đối tượng bên trong và bên ngoài tổ chức (Wilkinson và cộng sự, 2000).
HTTTKT bao gồm 5 bộ phận: (1) Thu thập dữ liệu, (2) Xử lý dữ liệu, (3) Lưu trữ, (4) Cung cấp thông tin và (5) Kiểm soát và phản hồi. Các bộ phận này kết hợp với nhau để thực hiện các quy trình xử lý kế toán, đồng thời kết nối các hoạt động DN nhằm tạo ra những giá trị cho DN.
Về mặt bản chất, kế toán là quá trình xác định/nhận diện, ghi chép, tổng hợp và báo cáo các thông tin kinh tế tài chính của một DN cho những người ra quyết định. Có thể dễ dàng nhận thấy sự đột phá của công nghệ ảnh hưởng đáng kể đến quy trình kế toán, cho phép người kế toán có thể quản lý các hoạt động hiệu quả hơn, linh hoạt hơn thông qua cơ sở của internet khi tất cả hoạt động đều trong thời gian thực và thông tin được chia sẻ ngay lập tức. Dưới góc độ kinh doanh, công nghệ blockchain được định nghĩa là một sổ cái mở và phân tán. Công nghệ này có khả năng ghi chép lại và xác minh các giao dịch mà không cần tín nhiệm cho một cơ quan trung gian nào. Bản thân công nghệ này tồn tại như một file lưu trữ rất nhiều giao dịch được ghi chép lại gọi là khối (block), tạo nên hệ thống ghi chép, lưu trữ và quản trị tài sản cho các DN. Công nghệ này được thiết kế vô hiệu hóa với việc sửa đổi dữ liệu, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng Blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo.
Trong cơ sở dữ liệu truyền thống, dữ liệu được tổ chức thành các hàng trong bảng, tức là sổ cái, nơi mỗi bản ghi được lưu trữ ở một vị trí duy nhất và người dùng có thể sửa đổi nó bằng cách truy cập, sửa đổi và ghi đè lên tệp gốc. Nhưng khi sử dụng Blockchain, HTTTKT được phát triển trên 3 cấp độ: cấp độ dữ liệu quản lý, cấp độ thứ hai chuyển đổi dữ liệu thành thông tin một cách hợp lý và cấp độ thứ ba mức độ trình bày cung cấp giao diện.
Một đặc điểm cơ bản khác của công nghệ Blockchain khi được áp dụng cho kế toán là bất biến. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
CNTT ngày càng phát triển thì việc bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin là một vấn đề rất cần thiết. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy định về bảo đảm và an toàn và thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, Luật Kế toán năm 2015 đã sửa đổi đề cập nhiều hơn tới các quy định ứng dụng CNTT vào lĩnh vực kế toán, như: Quy định về chứng từ điện tử, chữ ký trên chứng từ điện tử, lập và lưu trữ chứng từ kế toán, mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán, sửa chữa sổ kế toán… đáp ứng được đòi hỏi thực tế trong bối cảnh CNTT và ứng dụng trong các hoạt động kinh tế và kế toán. Các công ty tài chính, các DN nếu ứng dụng công nghệ Blockchain vào để thiết kế HTTTKT sẽ đáp ứng được tất cả các nhu cầu: xử lý, lưu trữ, bảo mật thông tin của DN và cung cấp thông tin một cách nhanh nhất cho nhà quản trị DN. HTTTKT dựa trên công nghệ Blockchain sẽ tạo ra một hệ thống kế toán theo thời gian thực, luôn được giám sát và kiểm toán liên tục để phát hiện gian lận tài chính.
Bằng cách tạo ra một sổ cái chung duy nhất trên mạng lưới máy tính, người dùng có thể đăng ký quyền sở hữu nhiều loại tài sản, từ cổ phiếu, chứng khoán, bất động sản, xe cộ hay một tác phẩm nghệ thuật. Chuỗi khối tạo ra một hồ sơ truy nguyên theo thời gian thực, do vậy nếu công nghê Blockchain được chấp nhận rộng rãi, vai trò của các kiểm toán viên trong việc xác minh các giao dịch được thực hiện trong Blockchain sẽ không còn cần thiết. Trên thực tế, một số nước đang triển khai việc sử dụng Blockchain để lưu trữ các hồ sơ như giấy khai sinh, giấy phép lái xe, bằng đại học,…
Ứng dụng Blockchain giúp bảo mật thông tin kế toán, bởi đó là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền mặt được giám sát chặt chẽ. Ngoài ra còn giúp DN quản lý tốt về tài sản, nguồn vốn, hàng hóa… khi sử dụng hợp đồng thông minh (Smart Contract -SC). Tất cả các tài sản các điều khoản của hợp đồng sẽ được mã hóa và chuyển vào block của Blockchain tạo ra một SC. Sau đó hợp đồng thông minh này sẽ được phân phối và sao chép lại bởi các nút (note).
Tóm lại, HTTTKT dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain có thể cung cấp hệ thống báo cáo và kế toán theo thời gian thực, ngăn chặn gian lận trong thanh toán, an toàn và minh bạch các thông tin kế toán, đảm bảo tính bảo mật, quyền riêng tư của chủ sở hữu.
4. Tác động của Blockchain đến hệ thống thông tin kế toán
Việc ứng dụng công nghệ Blockchain hiện nay vẫn là một chủ đề còn mới mẻ và chưa được sử dụng rộng rãi nhưng theo ông David Lyford-Smith (Đại diện Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales) khẳng định “Blockchain có nhiều tiềm năng ảnh hưởng đến tương lai, nhưng ở thời điểm hiện tại, Blockchain vẫn chỉ dừng lại ở quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, trong tương laiBlockchain sẽ có những tác động”.
Thực tiễn cho thấy, CNTT đã ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến công tác tổ chức kế toán nói chung, chất lượng thông tin kế toán nói riêng, thể hiện rõ nhất ở phương thức xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin kế toán đã có những bước nhảy vọt so với quy trình xử lý kế toán thủ công trước đây, cụ thể:
- Về quy trình kế toán: Nhờ công nghệ thông tin, hoạt động kế toán tại DN trở nên hiệu quả hơn, minh bạch hơn và chuyên nghiệp hơn (Trương Thị Đức Giang - Nguyễn Hải Hà, 2019). Việc ứng dụng Internet kết nối vạn vật, lưu trữ và phân tích thông tin trên nền tảng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong kế toán giúp cho việc thu thập, tính toán và báo cáo dữ liệu đơn giản và nhanh chóng hơn để những người làm kế toán tập trung vào các trách nhiệm cao hơn. Quá trình ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ giúp xử lý được những vấn đề phức tạp mà không mất quá nhiều thời gian và chi phí. Các công việc đơn giản như nhập liệu, xử lý các bút toán tự động, ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính được thay thế tự động bằng các công nghệ hoặc bằng các phần mềm. Điều này dẫn đến sự thay đổi về thói quen cũng như quy trình của kế toán, số lượng nhân viên kế toán, nhà quản trị lãnh đạo DN chuyên nghiệp hơn, giảm bớt áp lực về chi phí, nhân lực, cơ sở hạ tầng.
- Về thu thập dữ liệu: Chứng từ kế toán là một phương tiện vô cùng quan trọng trong việc thu thập các dữ liệu đầu vào của HTTTKT. Với mô hình kế toán truyền thống, các chứng từ kế toán thường được làm bằng giấy và được lưu trữ thủ công theo đúng quy định của pháp luật về chứng từ kế toán. Nhưng khi áp dụng công nghệ Blockchain, tất cả các hoạt động liên quan đến chứng từ kế toán từ khâu lập, luân chuyển và lưu trữ chứng từ đều được số hóa hoàn toàn và được thay thế bằng hóa đơn điện tử. Với chứng từ điện tử, việc ghi chép và hạch toán ban đầu được thực hiện thông qua quá trình nhập liệu và hệ thống chuyển giao dữ liệu điện tử, đồng thời việc xét duyệt được thực hiện thông qua việc nhập các mật mã hay chữ ký điện tử.
- Về xử lý dữ liệu: Khi ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ làm thay đổi toàn diện về cách thức và phương pháp xử lý dữ liệu kế toán thu thập được. Công nghệ Blockchian được định nghĩa là một sổ cái mở và phân quyền có khả năng ghi chép lại và xác minh các giao dịch mà không cần tín nhiệm cho một đơn vị trung gian thứ ba. Bản thân công nghệ này tồn tại như một file lưu trữ rất nhiều các giao dịch được ghi chép lại gọi là khối (block) trong Blockchain. Công nghệ này cho phép sử dụng mật mã và các giao thức tin nhắn phân tán để tạo lập ra các thông tin kế toán chi tiết theo yêu cầu của kế toán. Đồng thời, khi sử dụng công nghệ này thay thế hệ thống ghi sổ kép bằng hệ thống ghi sổ đa chiều. Các giao dịch sẽ được ghi nhận trực tiếp, tạo ra một hệ thống các bản ghi được xác minh tự động và có thể xem bởi mọi người dùng trong chuỗi khối đó theo thời gian thực.
- Về lưu trữ dữ liệu: Một trong những ưu điểm của các công nghệ mới được nhắc đến nhiều nhất là lợi ích về lưu trữ dữ liệu kế toán. Tất cả các dữ liệu đều được lưu trữ trên sổ cái phân tán và được bảo mật. Dữ liệu một khi đã được lưu vào Blockchain thì không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Blockchain có tác dụng làm giảm phần lớn khả năng xảy ra sai sót, không thể sửa chữa, thay đổi một khi đã được lưu vào Blockchain. Với công nghệ Blockchain, thay vì các DN tự lưu trữ và quản lý hồ sơ dữ liệu độc lập, tất cả các thông tin giao dịch của cả hai bên tham gia giao dịch đều được tự động ghi chép và lưu trữ lại trên một sổ cái công khai theo thời gian thực.
- Về cung cấp thông tin đầu ra: Công nghệ số tác động đến phương thức cung cấp thông tin kế toán cho các đối tượng sử dụng thông tin. Các kết quả của quá trình kế toán có thể tích hợp với nhiều thông tin khác nữa nhằm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của những người sử dụng. Đối với thông tin kế toán tài chính, quá trình này hoàn toàn có thể cung cấp một cách tự động, triển khai khoa học và không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài như khi sử dụng công nghệ Blockchain. Đối với thông tin kế toán quản trị, với khả năng thu thập dữ liệu lớn, tốc độ xử lý nhanh, các thông tin chi tiết nhất cũng được thu thập và phân tích, trên cơ sở đó sẽ cung cấp cho nhà quản trị DN một cách kịp thời, chính xác để đưa ra các quyết định điều hành tối ưu trong DN. Công nghệ Blockchain luôn đảm bảo các thông tin về hoạt động của DN không bị gián đoạn hoặc phá hủy bởi nguyên nhân nào đó. Khi có bất cứ sự cố nào đó xảy ra, DN luôn có sẵn sự bổ sung, thay thế kịp thời của các bản ghi tự động hoặc dữ liệu của toàn hệ thống đã được lưu trữ trên đám mây.
- Về kiểm soát - phản hồi: Một trong những vấn đề lo ngại của các DN hiện nay khi ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kế toán là an toàn dữ liệu. Sự phát triển của internet đặt ra những thách thức về bảo mật thông tin, đặc biệt là thông tin kế toán quản trị. Ví dụ khi DN áp dụng công nghệ Blockchain, khi kế toán viên thực hiện giao dịch trên chuỗi thì mọi máy tính trong mạng lưới sẽ xác định và kiểm tra người dùng có được phân quyền giao dịch hay không, từ đó đảm bảo được tính vẹn toàn của các dữ liệu, nâng cao tính an toàn và bảo mật của thông tin kế toán.
- Về hệ thống kiểm soát nội bộ: Hệ thống kiểm soát nội bộ thường chỉ tập trung vào các chỉ số kinh tế tài chính với thói quen tìm lỗi, chịu trách nhiệm, ít chú trọng tới kiểm soát toàn bộ hoạt động của tổ chức, ngăn chặn các hành vi gian lận. Đây cũng là một trong những lỗ hổng DN cần sớm khắc phục. Trong môi trường tin học hóa, việc kiểm soát nội bộ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các thông tin các dấu vết kiểm toán thường không được lưu lại, hoặc chỉ lưu trong thời gian ngắn và phải cần tới sự hỗ trợ của máy tính. Điều này gây khó khăn cho người sử dụng trong việc kiểm tra, phát hiện kịp thời các sai sót, đặc biệt là các sai sót trong chương trình ứng dụng.
5. Khả năng ứng dụng công nghệ Blockchain vào AIS tại các doanh nghiệp Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đang cần và rất muốn tiến hành ứng dụng Blockchain vào các ngành công nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, các DN truyền thống tại Việt Nam còn dè dặt trong việc đầu tư vào phát triển của công nghệ này. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ mới này sẽ phải phụ thuộc phần nhiều vào các công ty khởi nghiệp chú trọng vào Blockchain DN nước ngoài có vốn đầu tư vào nước ta [4].
Theo thống kê của Infinity Blockchain Lab, hiện tại ở Việt Nam công nghệ Blockchain được áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính (hơn 83%), chuỗi cung ứng (40%). Ứng dụng phổ biến nhất của Blockchain là về tài chính và điểm thuận lợi cho nước ta khi tiếp nhận những thành tựu ở ngành này là việc đã có rất nhiều tổ chức về tài chính lớn hoạt động lâu năm tại Việt Nam. Có thể kể tới như các công ty kiểm toán trong nhóm Big 4, các ngân hàng như Standard Chartered, Sumitomo Mitsui Banking và MUFG Bank,... Với sự hậu thuẫn của công ty mẹ ở nước ngoài, các tổ chức này sẵn sàng ứng dụng Blockchain tại Việt Nam ngay khi công nghệ này chứng minh được sự hữu dụng của mình trên thế giới.
Bên cạnh đó, một số DN khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam như: Công ty Vakaxa, AChain, Kambaria, Kyber Network,… đã xây dựng những nền tảng Blockchain hoạt động hiệu quả, thu hút được sự quan tâm và đầu tư lớn của cộng đồng Blockchain trên toàn thế giới. Đây là cơ hội cho Việt Nam đón đầu ứng dụng công nghệ Blockchain, nhằm cắt giảm các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp các DN Việt Nam cạnh tranh với các DN nước ngoài. Theo số liệu từ Nasdaq, cho đến nay, có 4 tổ chức kiểm toán hàng đầu thế giới bao gồm PwC, Deloitte, Ernst & Young và KPMG đều đã thành lập ban nghiên cứu về Blockchain cùng những ứng dụng của công nghệ này trong ngành kế toán, kiểm toán. Các DN lớn về công nghệ tại Việt Nam cũng tiên phong trong ứng dụng công nghệ Blockchain, như: Viettel, TMA Solution, FPT, MISA,…
Gần đây nhất, việc ứng dụng của công nghệ Blockchain đã được triển khai trên phần mềm hóa đơn điện tử. Đi tiên phong trong dịch vụ phát triển giải pháp và ứng dụng công nghệ Blockchain trên phần mềm hóa đơn điện tử là MISA. MISA phát triển MeInvoice.vn - Giải pháp hóa đơn điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ Blockchain giúp gia tăng tính bảo mật, an toàn và minh bạch của hóa đơn cho DN. Công nghệ Blockchain trên MeInvoice được hiểu như một cuốn sổ cái, ghi nhận toàn bộ trạng thái và cập nhật đầy đủ thông tin về hóa đơn cho các bên tham gia đều có thể kiểm tra và xác thực thông tin. Trong thời gian tới, các công ty phần mềm kế toán nên khai thác sâu hơn các ứng dụng của Blockchain không chỉ trên phần mềm hóa đơn điện tử, mà trên các phần mềm kế toán.
Ngoài ra, các nền tảng ứng dụng khác trong kế toán trên Blockchain cũng được các công ty công nghệ và phần mềm tại Việt Nam triển khai nghiên cứu như dự án về Hợp đồng thông minh (smart contract - tối ưu hóa về thời gian, chi phí và tính an toàn thông tin), HTTTKT ghi ba (A triple entry Accounting information system) - với sự liên kết chặt chẽ các bước trong đoạn thực hiện từ dữ liệu đầu vào đến hệ thống xử lý ERP và các ứng dụng được tích hợp trong quá trình thực hiện [5].
Blockchain được kỳ vọng là một chiến lược quan trọng, phải mất nhiều năm - có thể hàng thập kỷ Blockchain mới được phát triển đầy đủ, chuẩn hóa, kết hợp vào cơ sở hạ tầng website và hệ thống tài chính. Chúng ta cần phải làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm chi phí vận hành DN. Khi ứng dụng Blockchain trong AIS bạn sẽ được cung cấp các sổ sách đáng tin cậy và giảm thiểu sự điều chỉnh. Kế toán sẽ cũng hiệu quả hơn vì thông tin chính xác có độ tin cậy cao hơn, tốn ít thời gian hơn cho các thủ tục thông thường và giúp kế toán có nhiều thời gian cho các hoạt động quan trọng. Bảng 1 trình bày các tác động của Blockchain có trong các hoạt động kế toán.
Bảng 1. Các tác động của Blockchain đối với các hoạt động kế toán
Hoạt động |
Các tác động của Blockchain |
Nhập dữ liệu đầu vào |
Nhập dữ liệu một cách tự động Giảm thời gian và chi phí cho việc nhập liệu |
Xử lí giao dịch |
Xử lí giao dịch theo thời gian thực bởi một cộng đồng mạng Tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn và luật pháp Phát hiện lỗi kịp thời |
Lưu trữ |
Tất cả các giao dịch được xác minh, lưu trữ bởi tất cả các người dùng Tất cả các giao dịch đều được lưu trữ một cách minh bạch Lưu trữ theo dạng giao dịch hoặc được đưa về dạng dữ liệu giao dịch, dữ liệu có trạng thái gắn liền với mốc thời gian Blockchain sử dụng phương thức sao lưu dự phòng hoàn toàn sang một/nhiều note một cách liên tục kết hợp song song cơ chế bảo vệ toàn diện |
Bảo mật |
Tiêu chuẩn an toàn được nhúng trong toàn mạng Quản lý danh tính và quyền truy cập Bảo mật dữ liệu Giao tiếp an toàn Bảo mật hợp đồng thông minh Chứng thực giao dịch |
Đối chiếu giao dịch |
Tự động hóa đối chiếu (nếu các giao dịch diễn ra giữa các bên trong một mạng Blockchain duy nhất) Giải quyết ngay lập tức Giảm thời gian dành cho việc đối chiếu và tăng hiệu quả |
Báo cáo tài chính |
Báo cáo tài chính gần như thời gian thực Không có lỗi Khó gian lận |
Lập kế hoạch tư vấn |
Cung cấp hồ sơ đầy đủ, chính xác cho nhân viên kế toán, nhanh chóng phát hiện ra các vấn đề |
Hỗ trợ quyết định |
Cung cấp thông tin đáng tin cậy và kịp thời cho người dùng. Blockchain cung cấp khả năng phân tích thời gian thực đối với dữ liệu khi dữ liệu đang di chuyển Nâng cao khả năng phân tích lịch sử dữ liệu và thực hiện mô hình hóa trong dài hạn Dự đoán hậu quả của hành động Lập các hợp đồng thông minh bằng các mô hình phân tích nhúng (nghĩa là để xác định xu hướng) |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
6. Giải pháp khi ứng dụng Blockchain vào lĩnh vực Kế toán
Thứ nhất, cần xây dựng khung chính sách và môi trường thể chế thuận lợi cho Blockchain phát triển, trước tiên cần xác định đây là mục tiêu dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc trong dài hạn của nhà nước. Nghiên cứu hành lang pháp lý quy định về tự động hóa, số hóa các quy trình thủ tục liên quan tới hoạt động của DN, tiếp theo là xây dựng các chính sách hỗ trợ DN về cả hoạt động, quy trình cũng như tài chính (chính sách cắt giảm thuế, hỗ trợ vốn vay),… đối với một nhóm các DN tiên phong, từ đó tạo thành một môi trường cạnh tranh cho các DN khác, cũng như các chủ thể khác của nền kinh tế tận dụng đà tăng tốc phát triển.
Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghệ, chủ động tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên công nghệ số; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh.
Thứ ba, cần phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu về chuyên môn và có khả năng hội nhập; tăng cường công tác đào tạo phát triển các kỹ năng mềm hiệu quả, hoạt động nhóm tích cực và sử dụng thành thạo công nghệ số theo nhu cầu thị trường.
Thứ tư, rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội.
7. Kết luận
Blockchain cung cấp một cách hoàn toàn mới để ghi nhận, xử lý, lưu trữ các giao dịch và thông tin tài chính. Ứng dụng Blockchain trong kế toán sẽ giúp các giao dịch trực tuyến có tốc độ cao; tài khoản có thể được cập nhật bằng ứng dụng điện thoại thông minh; hệ thống nhận dạng dữ liệu quang cho phép bạn tự động hóa toàn bộ quá trình, giúp cho các nhà quản lý có được những thông tin nhiều chiều và sâu rộng để phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định trong kinh doanh và quản trị DN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hussein, A. I., Mahmood, S. M., & Hussein, W. N. & ALSaqa. Z. H. (2019). The Impact of Blockchain on Accounting Information Systems. Journal of Information Technology Management; 11, 62-80.
- Hoàng Thị Hương Lan. (2020). Nghề kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên công nghệ số (blockchain). Tạp chí Công Thương. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghe-ke-toan-kiem-toan-trong-ky-nguyen-cong-nghe-so-blockchain-71955.htm.
- Shyshkova. (2018). Prospects for the implementation of blockchain in accounting. Accounting and Finance, 2, 61-68.
- Bùi Văn Dương, Nguyễn Hữu Quy, Võ Thị Trúc Đào (2021). Tác động của công nghệ blockchain đến hệ thống thông tin kế toán. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Tháng 11/2021, 25-28.
- Nguyễn Thị Hải Hà, et all. (2020). Công nghệ blockchain thành tựu và khả năng ứng dụng tại Việt Nam. Hội thảo khoa học Quốc gia Hà Nội, 189-197.
- Lê Minh Thành (2021). Ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành Kế toán - Kiểm toán. Tạp chí Công Thương, số 28, tháng 12/2021. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ung-dung-cong-nghe-blockchain-trong-nganh-ke-toan-kiem-toan-86821.htm
- Vũ Hải Yến, Vũ Thị Thu Hà. (2020). Những tác động của công nghệ Blockchain ảnh hưởng tới kế toán kiểm toán. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, Tháng 5/2020, 109-112.
- Nguyễn Thị Huyền Trang, Công Vũ Hà Mi (2020). Tác động của ứng dụng công nghệ thông tin đến hệ thống thông tin kế toán. Tạp chí Tài chính. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tac-dong-cua-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-den-he-thong-thong-tin-ke-toan-330742.html.
- Nguyễn Trung Kiên (2018). Tổng quan ứng dụng của công nghệ blockchain đối với các ngành/nghề. Websitesite Cục Tin học hóa. Truy cập tại: https://aita.gov.vn/tong-quan-ung-dung-cua-cong-nghe-blockchain-doi-voi-cac-nganhnghe.
- Phan Thị Hương Giang, Kim Hương Trang (2021). Ứng dụng công nghệ blockchain, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam. Truy xuất tại: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ung-dung-cong-nghe-blockchain-nang-cao-hieu-qua-chuoi-cung-ung-nong-san-tai-viet-nam-331037.html
- Phạm Đình Tuấn. Ảnh hưởng từ cách mạng công nghiệp 4.0 đến thông tin kế toán trong doanh nghiệp. Truy cập tại: https://www.hoiketoanhcm.org.vn/vn/trao-doi/anh-huong-tu-cach-mang-cong-nghiep-40-den-thong-tin-ke-toan-trong-doanh-nghiep/.
Impacts of Blockchain on the accounting information system and the applicability of Blockchain in Vietnamese enterprises
Master. Le Thi Kim Thoa1
Master. Tran Anh Son1
1University of Finance - Marketing
ABSTRACT:
This paper analyzes the impacts of Blockchain on the accounting information system and provides some strategic solutions and action plans to help this field overcome challenges and keep pace with advancements in information technology. This paper’s analysis is mainly based on previous journals, books, researches, and authors' opinions expressed on the Internet. This paper’s findings are expected to contribute to building a theoretical basis and direction in making some proposals for enterprises to quickly apply the Blockchain technology into their businesses in order to gain more revenues, values and opportunities.
Keywords: Blockchain, accounting information system, impact, applicability, Vietnamese enterprises.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2022]