Tác động của đại dịch COVID-19 đến công việc kiểm toán ở Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Tác động của đại dịch COVID-19 đến công việc kiểm toán ở Việt Nam" do Nguyễn Thu Thủy (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang) thực hiện. DOI: https://doi.org/10.62831/202504049

Tóm tắt

Bài báo thể hiện kết quả nghiên cứu các nhân tố tác động đến chất lượng kiểm toán tại các doanh nghiệp dưới sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, phí kiểm toán ảnh hưởng mạnh nhất đến chất lượng công việc kiểm toán, tiếp theo đến chất lượng nhân viên kiểm toán, cuối cùng là lương của nhân viên kiểm toán, còn quy trình kiểm toán không có ý nghĩa.

Từ khóa: chất lượng kiểm toán; đại dịch Covid-19; phí kiểm toán; chất lượng nhân viên kiểm toán; lương của nhân viên kiểm toán; quy trình kiểm toán.

1. Đặt vấn đề

Sự bùng phát dịch Covid-19 (cuối tháng 12/2019 - tại Vũ Hán, Trung Quốc) đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn về y tế, xã hội, kinh tế… gây ra khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn gây ra những tác động đến tất cả các doanh nghiệp và mọi nền kinh tế trên toàn thế giới bao gồm cả nguồn nhân lực, hoạt động kinh doanh, sản xuất… Đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng lớn tới nhiều hoạt động của doanh nghiệp. Đại dịch bùng nổ vào thời điểm cuối năm trùng hợp với mùa kiểm toán. Điều đó, gây ra những thách thức lớn cho các kiểm toán viên khi vừa phải đối mặt với những nguy hiểm của dịch bệnh và những thay đổi trong quy trình công việc. Ảnh hưởng liên tục của Covid-19 đang làm thay đổi cách thức hoạt động và sự không chắc chắn về triển vọng của các doanh nghiệp trong tương lai. Điều này có ảnh hưởng tới việc lập các báo cáo kết quả hoạt động của các đơn vị cũng như công việc của kiểm toán viên (VACPA, 2020). Hoạt động kiểm toán độc lập đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và có tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp. Chất lượng báo cáo kiểm toán luôn được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp quan tâm. Các kiểm toán viên đưa ra ý kiến của mình dựa trên quan điểm khách quan về các báo cáo tài chính (Trần Tú Uyên, 2020). Điều này rất quan trọng đối với người sử dụng các báo cáo tài chính bởi nó đảm bảo các dữ liệu được công bố đã được đo lường và hiện hữu (Trần Tú Uyên, 2020). Kiểm toán viên thông qua quá trình kiểm soát đưa ra những ý kiến tư vấn giúp doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống kiểm soát, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tài chính nói riêng cũng như hoạt động kinh doanh nói chung (Lại Thu Thủy, 2018). Sau vụ bê bối của công ty kiểm toán hàng đầu Arthur Andersen và Tập đoàn Năng lượng Enron năm 2002 nhận thấy những rủi ro trong kiểm toán tăng cao và dấy lên những lo ngại về chất lượng kiểm toán. Sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 cũng đã đòi hỏi chất lượng kiểm toán phải được nâng cao. 

Gần đây, đại dịch Covid-19 gây ra những tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế các doanh nghiệp, tổ chức, định chế tài chính. Để hạn chế sự lây lan của virus Corona, các chính phủ đã tăng cường các biện pháp bao gồm cách ly xã hội, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, giãn cách và cấm đi lại. Tuy nhiên, những biện pháp này gây ra sự gián đoạn đáng kể trong các doanh nghiệp trên toàn thế giới dẫn đến bất ổn tài chính và các vấn đề được quan tâm đối với hầu hết các tổ chức. Covid-19 đã dẫn đến tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức, giảm tính thanh khoản, lợi nhuận và tác động đến đòn bẩy tài chính của các công ty (Khatib, S. F. A., & Nour, A. N. I, 2021) và dự kiến sẽ có ảnh hưởng tương tự đến chức năng kiểm toán. Trong khoảng thời gian đó, các kiểm toán viên phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp, làm cơ sở đưa ra kết luận kiểm toán phù hợp. Chất lượng bằng chứng kiểm toán rất quan trọng để kiểm toán viên có thể đưa ra ý kiến chính xác về báo cáo kiểm toán. Một số nghiên cứu (Deloitte, 2020; KPMG, 2020) chỉ ra rằng các quyết định và quy trình phòng ngừa được thực hiện như giãn cách xã hội và áp dụng hệ thống làm việc từ xa để đối phó với sự lây lan của virus Corona trên thế giới, có nhiều tác động và việc gia tăng số lượng người dùng hệ thống thông tin đã dẫn đến những rủi ro liên quan đến việc sử dụng hệ thống thông tin kế toán điện tử tăng cao trong các doanh nghiệp kinh doanh, gây ra gánh nặng trong hệ thống thông tin của đơn vị và tăng nguy cơ ngừng công việc đột xuất, việc bảo mật dữ liệu cũng bị đe dọa, điều đó làm giảm chất lượng thông tin đầu ra (Deloitte, 2020; KPMG, 2020). Do đó, các kiểm toán viên cần phải bắt kịp những thay đổi và phát triển liên tục trước sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường kinh doanh, các kiểm toán viên đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc phân tích dữ liệu và áp dụng những phương pháp kiểm toán phù hợp như kiểm toán từ xa. Kiểm toán từ xa - là phương thức được các công ty kiểm toán áp dụng trong mùa dịch Covid-19 và có khả năng ứng dụng lâu dài trong tương lai. Câu hỏi được đặt ra rằng liệu các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên ứng xử như thế nào trong mùa dịch Covid-19 và tác động của đại dịch tới chất lượng kiểm toán tại Việt Nam. Do đó, tác giả muốn đánh giá về những thay đổi trong công việc của kiểm toán và chất lượng kiểm toán ở Việt Nam trước những ảnh hưởng của đại dịch. 

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Các khái niệm trong nghiên cứu

Kiểm toán độc lập: Theo Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/03/2011 của Quốc hội: “Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán: Theo Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/03/2011 của Quốc hội: “Báo cáo kiểm toán là văn bản do kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam lập sau khi kết thúc việc kiểm toán, đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và những nội dung khác đã được kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán”. Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính đánh giá tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.

Chất lượng kiểm toán: Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 (VSA220) - Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán thì: “Chất lượng hoạt động kiểm toán là mức độ thỏa mãn của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của kiểm toán viên; đồng thời thỏa mãn mong muốn của đơn vị được kiểm toán về những ý kiến đóng góp của kiểm toán viên, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, trong thời gian định trước với giá phí hợp lý”. 

Chất lượng hoạt động kiểm toán được xét xem dưới 3 góc độc và đây cũng được xem như là các tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá chất lượng kiểm toán: 

- Mức độ người sử dụng thông tin thỏa mãn đối với tính khách quan và độ tin cậy của kết quả kiểm toán. 

- Mức độ đơn vị được được kiểm toán thỏa mãn về ý kiến đóng góp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. 

- Báo cáo kiểm toán được lập và phát hành theo đúng thời gian đã đề ra trong hợp đồng kiểm toán và chi phí dịch vụ kiểm toán ở mức hợp lý. 

2.2. Các lý thuyết nền tảng và mô hình nghiên cứu

2.2.1. Lý thuyết ủy nhiệm 

Lý thuyết ủy nhiệm được phát triển bởi Jensen và Meckling (1976) và sau đó là Fama và Jensen (1983). Mô hình lý thuyết này chỉ ra rằng bên ủy nhiệm cần phải sử dụng các cơ chế thích hợp để hạn chế sự phân hóa lợi ích bằng cách (Phan Thanh Hải, 2021): (i) Thiết lập những cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các nhà quản trị; (ii) Thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của bên được ủy nhiệm. Xuất phát từ sự bất đồng trong việc ủy nhiệm, mâu thuẫn của sự ủy nhiệm càng cao càng làm tăng nhu cầu về mức độ đảm bảo đối với bên thứ ba. Áp dụng mô hình lý thuyết này sẽ giải thích cho mối quan hệ cơ bản trong cấu trúc của các chủ thể tham gia vào hoạt động kiểm toán độc lập mà đầu tiên đó chính là mối quan hệ giữa kiểm toán viên - người sử dụng thông tin. Trong mối quan hệ này, rõ ràng tất cả các chủ thể đều có những lợi ích của riêng mình và đều mong muốn các lợi ích đó được tối đa hóa. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa và hạn chế sự phân hóa về lợi ích thì rõ ràng giữa bản thân các chủ thể này phải hình thành các cơ chế thích hợp đặc biệt là các cơ chế giám sát, liên kết. Theo đó, kiểm toán viên chính là người đại diện được công chúng ủy nhiệm, thay mặt cho công chúng trong việc đánh giá, giám sát chất lượng công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp được kiểm toán. Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cũng phải đảm bảo duy trì chất lượng kiểm toán đối với các dịch vụ được cung cấp, để đảm bảo duy trì niềm tin của công chúng đối với nghề nghiệp kiểm toán (Phan Thanh Hải, 2021). Các nhận định trên cho thấy, lý thuyết Ủy nhiệm bên cạnh việc giải thích về nhu cầu kiểm toán, còn làm cơ sở cho việc giải thích nhu cầu về chất lượng kiểm toán cũng như nghiên cứu về các nhân tố có tác động đến chất lượng kiểm toán (Phan Văn Dũng, 2015).

2.2.2. Lý thuyết cung cầu 

Lý thuyết cung cầu là một trong những nội dung quan trọng nhất của kinh tế học, được xây dựng dựa trên cơ sở của mô hình cung cầu, để phân tích hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng tác động qua lại với nhau trên thị trường. Cùng với đó, mô hình cung cầu còn thể hiện sự tác động từ chính sách của cơ quan quản lý trên thị trường (Phan Thanh Hải, 2021). Áp dụng trong nghiên cứu này thì lý thuyết cung cầu sẽ là lý thuyết nền giải thích cơ chế về nhu cầu của khách hàng, khả năng đáp ứng của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán về chất lượng kiểm toán, cũng như cơ chế giá cả trong mối quan hệ cung cầu giữa kiểm toán viên và khách hàng, các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ cung - cầu về giá phí kiểm toán, chất lượng kiểm toán. Tác động quan hệ cung cầu về chất lượng kiểm toán giữa khách hàng và doanh nghiệp kiểm toán đã đặt ra một yêu cầu đối với các công ty kiểm toán trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng và khả năng cung cấp của kiểm toán viên, công ty kiểm toán. Nhu cầu và khả năng này chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chất lượng kiểm toán cả về phía cung (của công ty kiểm toán và kiểm toán viên) lẫn phía cầu (khách hàng) (Phan Văn Dũng, 2015).

2.2.3. Lý thuyết tiền lương hiệu quả 

Lý thuyết tiền lương hiệu quả là lý thuyết của kinh tế học vĩ mô và kinh tế học lao động đề cập đến việc doanh nghiệp trả tiền lương cho nhân viên cao hơn mức cân bằng của thị trường ở cùng một vị trí. Lý thuyết này cho biết rằng mức lương các công ty trả cho nhân viên của mình tương ứng với những gì họ đã bỏ ra. Chính vì thế, nếu trả lương cho nhân viên cao hơn thị trường sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần làm việc, nâng cao năng suất làm việc của nhân viên. Áp dụng trong nghiên cứu này, lý thuyết tiền lương lý giải việc tăng lương sẽ có thể thúc đẩy kiểm toán viên thực hiện công việc của mình một tốt hơn, hoặc các doanh nghiệp kiểm toán có thể tìm được những kiểm toán viên có kinh nghiệm và trình độ cao hơn.

+ Mô hình nghiên cứu: 

Trong thời gian bùng dịch Covid-19, đã có rất nhiều yếu tố tác động đến công việc của ngành kiểm toán và có ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán. Qua tổng hợp các nghiên cứu trước của tác giả Saddam A.Hazaea và cộng sự (2022); Lê Ngọc Tùng (2022), có nhiều điểm tương đồng với vấn đề đang nghiên cứu. Dựa vào những lý thuyết và mô hình nghiên cứu của các giả nêu trên, người nghiên cứu đã đánh giá và lựa chọn các nhân tố, từ đó đưa ra mô hình nghiên cứu được thể hiện tại Hình 1: Mô hình khái quát các nhân tố tác động đến công việc của kiểm toán gây ra những ảnh hưởng trên chất lượng kiểm toán.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

 

 

 Chất lượng báo cáo kiểm toán có thể bị ảnh hưởng bởi phí kiểm toán (Homayoun, S., & Hakimzadeh, M, 2017); Al Amosh, H., & Khatib, S. F. A, 2021).  Các thủ tục kiểm toán có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các thủ tục kiểm toán là một phần thiết yếu của quy trình kiểm toán (Saddam A.Hazaea và cộng sự, 2022). Trình độ chuyên môn kiểm toán viên có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hài lòng của khách hàng, cũng như chất lượng của báo cáo tài chính (Boon, K., McKinnon, J. & Ross, P, 2008). Trong những năm gần đây, vấn đề tiền lương của kiểm toán viên đã trở thành một vấn đề quan trọng do những thay đổi lớn trong ngành kế toán công đã dẫn đến sự phức tạp hơn và tăng trách nhiệm và khối lượng công việc đối với kiểm toán viên (Persellin, J., Schmidt, J.J., Vandervelde, S.D., & Wilkins, M, 2018). Mô hình bao gồm 5 biến tiềm ẩn (thang đo được thể hiện tại Bảng 1).

2.3. Phương pháp nghiên cứu 

Quá trình nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp hỗn hợp, kết hợp đồng thời giữa 2 phương pháp định tính và định lượng để giúp mở rộng chiều sâu của nhận định và xác nhận. Việc tiếp cận đầu tiên là nghiên cứu định tính được thực hiện để khám phá các nhân tố tác động đến công việc của kiểm toán viên và chất lượng kiểm toán trong giai đoạn đại dịch COvid-19 bùng phát. Dựa trên tổng quan lý thuyết về nhân tố ảnh hưởng đến công việc kiểm toán và chất lượng kiểm toán, nghiên cứu định tính sẽ giúp điều chỉnh và xác định mối quan hệ giữa các thang đo (biến) trong mô hình nghiên cứu đề xuất (Phan Văn Dũng, 2015). 

Thông qua phân tích định lượng sơ bộ, bảng câu hỏi sơ bộ sẽ được chỉnh sửa và sau đó dùng để khảo sát chính thức. Dữ liệu sau khi thu thập được thông qua khảo sát chính thức sẽ được tổng hợp, làm sạch, mã hóa và tiến hành phân tích định lượng. Nghiên cứu sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm toán và chất lượng kiểm toán. Các bước trong mô hình cấu trúc tuyến tính gồm có: (i) phân tích độ tin cậy của thang đo; (ii) phân tích nhân tố khám phá; (iii) kiểm định bằng hồi quy. Thông qua kết quả phân tích sẽ đo lường được tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến công việc kiểm toán và chất lượng kiểm toán.

3. Kết quả nghiên cứu và hàm ý

Nghiên cứu chính thức được tiến hành bằng cách gửi bảng câu hỏi khảo sát đến 110 kiểm toán viên độc lập đang làm việc tại các công ty kiểm toán tại Việt Nam. Tiếp theo, tác giả sẽ thực hiện việc sàng lọc những mẫu không hợp lệ. Dữ liệu thu thập được sẽ tiến hành phân tích bằng phần mềm SPSS 22.0 và bảng tính Excel. (Bảng 1)

Bảng 1:. Tổng hợp kết quả các bước phân tích độ tin cậy của mô hình đo lường

Biến

Thang đo

Cronbach’s Alpha

Phân tích nhân tố khám phá

Loại

Hệ số tải  nhân tố

Biến độc lập                                      

 

KMO 0,862                     

Tổng phương sai trích 78,624%

Phí kiểm toán

Chung  

0,900

   

Khó khăn toàn ngành. 

0,891

 

0,713

Giữ được lượng khách hàng ổn định. 

0,888

 

0,663

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản của các tổ chức. 

0,865

 

0,832

Việc không thực thi các luật và tiêu chuẩn điều chỉnh mối quan hệ giữa các tổ chức và kiểm toán viên. 

0,875

 

0,773

COVID-19 ảnh hưởng đến sức mua và sức bán của các tổ chức. 

0,868

 

0,787

Quy trình kiểm toán

Chung   

0,910

   

Khó khăn trong việc đi lại nên yêu cầu kiểm toán viên phải làm việc từ xa với các doanh nghiệp 

0,901

 

0,825

Tính kịp thời của việc tiếp nhận thông tin sẽ khó thực thi khi vận hành từ xa. 

0,898

 

0,855

Không thể nắm rõ số lượng hàng tồn kho, tiền thực tế của doanh nghiệp nên kiểm toán viên chỉ có thể đánh giá qua sự biến động các số dư, dòng tiền vào ra, cũng như thuyết minh báo cáo tài chính,… 

0,897

 

0,812

Kiểm toán viên thực hiện phỏng vấn, đối chiếu qua nhiều nền tảng xã hội (GG meet, zoom,...). 

0,899

   

Kiểm toán viên có thể linh hoạt lựa chọn hình thức kiểm toán (trực tiếp kết hợp từ xa hoặc từ xa hoàn toàn) 

0,895

 

0,529

Sự vắng mặt của các hệ thống hiện đại và sự phụ thuộc vào phương tiện truyền thông xã hội ảnh hưởng đến độ tin cậy của dữ liệu thu được. 

0,899

X

 

Việc sử dụng các thủ tục phân tích để xác minh các thủ tục kiểm toán đã cho kết quả tương tự khi thực hiện các thủ tục kiểm toán truyền thống. 

0,900

X

 

Sửa đổi hệ thống làm việc và tạo/ hủy bỏ một số hoạt động trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh. 

0,903

X

 

Thời gian được phân bổ để thực hiện các thủ tục kiểm toán đã tăng lên trong thời gian bùng phát Covid-19. 

0,911

X

 

Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến phương pháp thu thập và xác minh bằng chứng kiểm toán 

0,903

X

 

Chất lượng của kiểm toán viên

Chung

0,871

   

Việc hủy bỏ các khóa đào tạo và chương trình phát triển chuyên môn khác cho kiểm toán viên trong trong thời kỳ Covid-19 

0,850

X

 

Việc đào tạo và cập nhật kiến thức chuyên môn cho kiểm toán viên gặp khó khăn 

0,834

X

 

Trình độ chuyên môn của các kiểm toán viên giảm trong thời kỳ Covid-19 

0,843

 

X

 

Thiếu nhân sự do bệnh tật hoặc cách ly 

0,843

 

0,874

Rủi ro trong sự giám sát từ xa quá trình làm việc của kiểm toán viên. 

0,846

 

0,904

Lương của nhân viên kiểm toán

Chung 

0,892

   

Giãn cách xã hội trong thời gian dài, ảnh hưởng đến việc duy trì kinh doanh của các đơn vị kiểm toán. 

0,939

X

 

Tiền lương cung cấp cho các kiểm toán viên giảm trong thời gian bùng phát Covid-19. 

0,865

 

0,828

Kiểm toán viên được yêu cầu tăng thời gian quy định cho kiểm toán mà không tính phí trọng yếu cho thời gian bổ sung. 

0,852

 

0,863

Do hậu quả của Covid-19 đối với hoạt động tài chính của các tổ chức, đã có sự chậm trễ trong việc nhận lương. 

0,852

 

0,907

Các đơn vị ngừng chi trả các phần thưởng, ưu đãi của kiểm toán viên. 

0,833

 

0,906

Biến phụ thuộc                                 

 

KMO 0,747                     

Tổng phương sai trích 70,382%

Chất lượng kiểm toán

Chung

0,856

   

Phí kiểm toán giảm 

0,847

 

0,784

Quy trình kiểm toán thay đổi 

0,814

 

0,850

Chất lượng của kiểm toán viên bị suy giảm 

0,776

 

0,894

Lương của nhân viên kiểm toán bị giảm 

0,826

 

0,824

Để xác định, đo lường và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng kiểm toán trong giai đoạn Covid-19 ở Việt Nam, người nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính bội giữa 4 nhân tố ảnh hưởng thu được từ phần phân tích nhân tố khám phá ở trên. Giá trị của các nhân tố được dùng để chạy hồi quy là giá trị trung bình của các biến quan sát. Kết quả hồi quy đa như sau:

Chất lượng kiểm toán

=

0,382*

Phí kiểm toán

+

0,324*

Chất lượng kiểm toán viên

+

0,201*

Lương nhân viên kiểm toán

Với giá trị R2=50,40%, biến “quy trình kiểm toán” bị loại ra khỏi mô hình (do Pvalue=64,5%).

Hàm ý rút ra từ kết quả nghiên cứu

            Kết quả nghiên cứu cho thấy phí kiểm toán ảnh hưởng mạnh nhất đến chất lượng công việc kiểm toán, tiếp theo đến chất lượng nhân viên kiểm toán, cuối cùng là lương của nhân viên kiểm toán, còn quy trình kiểm toán thể hiện không có ý nghĩa tạo ra chất lượng kiểm toán.

4. Kết luận 

Nghiên cứu đã chỉ ra được những nhân tố tác động và mức độ tác động của đại dịch Covid-19 đến công việc của kiểm toán. Nhân tố phí kiểm toán là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất tới chất lượng kiểm toán ở Việt Nam trong giai đoạn Covid-19 bùng phát.

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Việt

  1. Quốc hội (2011). Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12.
  2. Bộ Tài chính (2012). Chuẩn mực kiểm toán số 220 (VSA 220): Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính.
  3. Lại Thị Thu Thủy (2018). Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoại tại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại, Hà Nội. 
  4. Lê Ngọc Tùng (2022). Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  5. Phan Thanh Hải (2021). Nhân tố ảnh hưởng đến giá phí kiểm toán, chất lượng kiểm toán. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Duy Tân. 
  6. Phan Văn Dũng (2015). Các nhân tố tác động đến chất lượng kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam theo định hướng tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  7. VACPA  (2020). Một số vấn đề kiểm toán viên cần lưu ý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến công việc kiểm toán. 

Tiếng Anh

8. Al Amosh, H., & Khatib, S. F. A. (2021). Corporate governance and voluntary disclosure of sustainability performance: the case of Jordan. SN Business & Economic, 1(12), 1-22.

9. Boon, K., McKinnon, J. and Ross, P. (2008). Audit service quality in compulsory audit tendering: Preparer perceptions and satisfaction, Accounting Research Journal, Vol. 21 No. 2, pp. 93-122. 

10. Deloitte (2020). Delivering remote internal audits responding to COVID-19. Deloitte.

11. Homayoun, S., & Hakimzadeh, M. (2017). Audit Fee and Audit Quality: An Empirical Analysis in Family Firms. International Journal of Economics and Financial Issue 7(2), 469-476. 

12. Khatib, S. F. A., & Nour, A. N. I. (2021). The Impact of Corporate Governance on Firm Performance During The COVID-19 Pandemic: Evidence from Malaysia. Journal of Asian Finance, Economics and Business, 8(2), 943-952.

13. KPMG (2020). COVID-19. The Impact on Internal Audit. March 2020. 

14. Persellin, J., Schmidt, J.J., Vandervelde, S.D., & Wilkins, M. (2018). Auditor perceptions of audit workloads, audit quality, and job satisfaction. S.S.R.N. Electronic Journal. 78. 

15. Saddam A.Hazaea, Mosab I. Tabash, Abdul Aziz Abdul Rahman, Saleh F.A.Khatib, Jinyu Zhu, H Gin Chong (2022). Impact of the COVID-19 pandemic on audit quality: Lessons and Opportunities, vol.6, pp.71-86. 

16. Tran Tu Uyen (2020). Factors Affecting the Audit Quality of Financial Statements of Listed Businesses, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 36, No. 1 (2020) 34-48. 

        

Impact of the COVID-19 pandemic on audit quality in Vietnam

Nguyen Thu Thuy

Faculty of Economics, Nha Trang University 

Abstract

This study examines the factors influencing audit quality in businesses amid the impact of the COVID-19 pandemic. The findings reveal that audit fees have the most significant effect on audit quality, followed by auditor expertise and auditor compensation. In contrast, audit procedures were found to have no substantial impact on audit quality. These insights contribute to a deeper understanding of audit practices in the post-pandemic era and offer implications for improving audit standards and financial transparency.

Keywords: audit quality, COVID-19 pandemic, audit fees,; quality of auditors, salary of auditors, audit procedure.