TÓM TẮT:
Bài báo phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở số liệu thứ cấp, tác giả đã phân tích tình hình mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2019 và giai đoạn khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Trên cơ sở đó, có nhận định về những tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của thị trường bán lẻ và đề xuất một số giải pháp phát triển hoạt động bán lẻ và thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.
Từ khóa: covid-19, thị trường bán lẻ, hệ thống phân phối, tỉnh Thanh Hóa.
1. Mở đầu
Trong những năm gần đây, hệ thống bán lẻ Việt Nam nói chung, hệ thống bán lẻ tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển các kênh phân phối hiện đại. Số lượng các trung tâm thương mại, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng lên. Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua, số lượng siêu thị, trung tâm thương mại ở nước ta đã tăng lên vượt bậc, nếu như năm 2015, cả nước có 563 siêu thị, thì đến năm 2018, số lượng siêu thị là 1009 (Niên giám thống kê, 2019). Sự phát triển hệ thống bán lẻ đã mang lại nhiều cơ hội cho khách hàng trong việc lựa chọn hàng hóa và dịch vụ; Khách hàng có thể tự do lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, hình thức mẫu mã, niêm yết giá, thời hạn sử dụng, và các dịch vụ kèm theo; đó cũng chính là những đặc trưng ưu thế của hệ thống bán lẻ hiện đại so với hệ thống phân phối truyền thống.
Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ hai cả nước về dân số và địa giới hành chính; Thị trường bán lẻ của tỉnh Thanh Hóa đang phát triển hết sức đa dạng và phong phú, có những bước phát triển vượt bậc với sự tăng lên nhanh chóng của các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi; Sự xuất hiện của các nhà bán lẻ lớn như Cooper Mart; Big C; Nguyễn Kim; Điện máy xanh, HC;… đã ngày càng thỏa mãn người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp cận thị trường hiện đại.
Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, các doanh nghiệp trong cả nước (Trần Thọ Đạt, 2020; Phạm Hồng Chương và cộng sự, 2020), trong đó có tỉnh Thanh Hóa (Ngô Chí Thành và cộng sự, 2020; Lê Hoằng Bá Huyền và cộng sự, 2020). Trước tình hình trên, phân tích sự phát triển của hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid 19, cũng như đề xuất các giải pháp phát triển là vấn đề hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Tổng quan nghiên cứu
Khái niệm về bán lẻ đã được các nhà nghiên cứu đề cập ở các khía cạnh khác nhau. Kotler and Keller (2006) cho rằng, bán lẻ là mọi hoạt động nhằm bán hàng hóa hay dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng cho cá nhân, không mang tính thương mại; trong khi đó, Micheal Levy (2010) định nghĩa rằng, bán lẻ là một loạt các hoạt động kinh doanh làm gia tăng giá trị cho sản phẩm dịch vụ được bán cho người tiêu dùng cuối cùng vì mục đích sử dụng cho cá nhân hoặc gia đình. Hoạt động bán lẻ ở nước ta được quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực dịch vụ, trong đó có hoạt động bán lẻ, chính vì vậy, đây cũng là chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế trong thời gian qua. Nghiên cứu của Trần Thọ Đạt (2020) đã chỉ ra rằng, ngày khi xuất hiện đại dịch Covid-19, các ngành dịch vụ đã bị ảnh hưởng ngay lập tức và khá mạnh. Ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành Du lịch (gồm dịch vụ du lịch, lưu trú và lữ hành). Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Ngô Chí Thành và cộng sự (2020) đã đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp sản xuất thông qua khảo sát các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh. Một nghiên cứu khác của Le, Nguyen, Ngo, Pham, và Le (2020) đã phân tích các chính sách tác động đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Mặc dù đã có những nghiên cứu trên phạm vi cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng về những tác động của đại dịch Covid-19 tới các lĩnh vực của ngành kinh tế, tuy nhiên, theo hiểu biết của tác giả đến thời điểm hiện tại chưa có các nghiên cứu trực tiếp đến phát triển hoạt động bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, phân tích hoạt động của thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây chỉ ra những tác động, cũng như những khó khăn, thách thức trong điều kiện xuất hiện đại dịch Covid-19 để đề xuất những hàm ý chính sách phát triển hoạt động bán lẻ là một trong những nội dung hết sức có ý nghĩa cần triển khai nghiên cứu.
3. Kết quả hoạt động bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
3.1. Phân tích mức bán lẻ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2019
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong 5 năm gần đây có những bước phát triển vượt bậc. Số liệu ở Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2015-2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng từ 52.445,5 (tỷ đồng) lên 91.995,2 (tỷ đồng). Trong dòng chảy chung của thị trường bán lẻ cả nước, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đầy đủ các loại hình kinh tế, bao gồm: Nhà nước, ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, loại hình ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 95% tổng mức bán lẻ). Bên cạnh đó, phân tích thị trường bán lẻ phân theo nhóm hàng cho thấy, các nhóm hàng trên thị trường bán lẻ ở tỉnh Thanh Hóa rất đa dạng, phong phú, bao gồm các nhóm hàng, như: Lương thực, thực phẩm; Hàng may mặc; Đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình; Vật phẩm văn hóa, giáo dục; Gỗ và vật liệu xây dựng; Ô tô các loại; Phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng); Xăng, dầu các loại; Nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu); Đá quý, kim loại quý và sản phẩm; Hàng hóa khác; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 30% tổng mức bán lẻ của tất cả các nhóm hàng). Ngoài ra, một số nhóm mặt hàng khác có giá trị tiêu thụ cao, như: Đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình; Xăng, dầu các loại; Hàng hóa khác.
Bảng 1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
giai đoạn 2015-2019
ĐVT: Tỷ đồng
|
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Sơ bộ 2019 |
TỔNG SỐ |
52.445,5 |
60.870,6 |
70.224,4 |
79.728,1 |
91.995,2 |
Phân theo loại hình kinh tế |
|
|
|
|
|
Nhà nước |
2.099,4 |
1.972,1 |
2.209,7 |
2.377,2 |
2.671,9 |
Ngoài Nhà nước |
50.025,5 |
58.568,3 |
67.671,0 |
76.998,8 |
88.924,6 |
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài |
320,6 |
330,2 |
343,7 |
352,1 |
398,7 |
Phân theo nhóm hàng |
|
|
|
|
|
Lương thực, thực phẩm |
15.465,4 |
18.402,1 |
21.959,6 |
25.681,2 |
30.384,1 |
Hàng may mặc |
2.558,9 |
3.145,0 |
4.625,6 |
4.874,4 |
5.461,5 |
Đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình |
7.328,8 |
8.717,7 |
9.195,4 |
10.718,6 |
12.634,4 |
Vật phẩm văn hóa, giáo dục |
988,5 |
1.087,1 |
1.246,0 |
1.375,3 |
1.682,0 |
Gỗ và vật liệu xây dựng |
3.232,5 |
3.638,4 |
4.107,5 |
4.567,9 |
5.573,8 |
Ô tô các loại |
1.615,2 |
1.761,8 |
1.987,8 |
2.383,8 |
2.821,4 |
Phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) |
4.387,9 |
5.052,7 |
5.360,6 |
5.746,0 |
6.165,9 |
Xăng, dầu các loại |
8.381,2 |
9.122,1 |
11.074,5 |
12.840,8 |
14.031,2 |
Nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) |
581,2 |
679,5 |
692,4 |
999,6 |
1.052,5 |
Đá quý, kim loại quý và sản phẩm |
1.993,0 |
2.324,5 |
2.495,9 |
2.675,3 |
2.933,9 |
Hàng hóa khác |
4.388,2 |
5.144,3 |
5.121,3 |
5.565,4 |
6.354,0 |
Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. |
1.574,4 |
1.795,4 |
2.087,8 |
2.299,8 |
2.800,4 |
Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2019)
3.2. Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động bán lẻ trên địa bàn tỉnh
Đại dịch Covid -19 diễn ra đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội và hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Lĩnh vực dịch vụ thương mại, hoạt động bán lẻ nói riêng là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đánh giá tác động ban đầu đối với hoạt động bán lẻ 9 tháng đầu năm 2020 được thể hiện trong Bảng 2.
Bảng 2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Chỉ tiêu |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
So sánh (%) |
|||
Cộng dồn 9 tháng |
Chính thức năm 2019 |
Cộng dồn 9 tháng |
Ước thực hiện năm 2020 |
9 tháng so sánh với cùng kỳ |
Ước năm so với cùng kỳ |
|
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và DV (triệu đồng) |
80.613.873 |
108.711.033 |
80.895.120 |
110.885.433 |
100,3 |
102,2 |
- Thương nghiệp |
68.286.729 |
91.995.205 |
70.436.481 |
95.961.641 |
103,1 |
104,3 |
- Khách sạn, nhà hàng |
8.656.852 |
11.728.804 |
7.256.632 |
10.541.999 |
83,8 |
89,9 |
- Dịch vụ lữ hành |
99.744 |
132.858 |
59.919 |
84.150 |
60,1 |
63,3 |
- Dịch vụ |
3.570.548 |
4.854.166 |
3.142.088 |
4.297.635 |
88,0 |
88,5 |
Nguồn: Số liệu của Sở Công Thương Thanh Hóa và tổng hợp tính toán của tác giả
Số liệu nghiên cứu cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ (TMLCBL) ước đạt 80.985 tỷ đồng, bằng 68,6% kế hoạch, tăng 0,3% so với cùng kỳ, rất thấp so với mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 8,6%. Trong đó, mức bán lẻ của các lĩnh vực giảm sâu so với cùng kỳ. Ước năm so với cùng kỳ, lĩnh vực khách sạn, nhà hàng đạt 89,9%; Dịch vụ lữ hành đạt 63,3%; Dịch vụ đạt 88,5%. Thực tế cho thấy, thị trường nội tỉnh đã hồi phục nhanh sau dừng cách ly xã hội. Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh nửa cuối tháng 5 trở đi đã sôi động hơn các tháng trước, nhưng chưa bằng thời điểm như trước dịch. Mùa du lịch biển diễn ra chậm, khách du lịch giảm rõ rệt, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.
4. Phân tích SWOT phát triển thị trường bán lẻ tỉnh Thanh Hóa trước tác động của đại dịch Covid-19
Trước tác động của đại dịch Covid-19 hiện tại và còn kéo dài trong thời gian tới, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có những điểm mạnh, điểm yếu, cũng như cơ hội và thách thức đặt ra trong quá trình phát triển. Một số nội dung chính được phân tích ở bảng SWOT dưới đây. (Bảng 3)
Bảng 3. Phát triển hệ thống bán lẻ trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Điểm mạnh - Tỉnh Thanh Hóa có các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ. - Là tỉnh có dân số đông, là thị trường tiêu thụ có quy mô lớn, với sự đa dạng người tiêu dùng ở các địa bàn khác nhau trong tỉnh. - Hạ tầng thương mại đã bước đầu phát triển, tạo điều kiện đảm bảo năng lực vượt qua khó khăn của đại dịch Covid 19. - Là tỉnh có nhiều sản phẩm, hàng hóa, nông sản có đủ điều kiện để cung cấp hàng hóa đa dạng, có chất lượng, đảm bảo những nguồn cung cho hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh trong điều kiện Covid-19. |
Điểm yếu - Tuy dân số đông nhưng thu nhập bình quân đầu người còn chưa cao, nên khi đại dịch Covid-19 diễn ra, các hộ gia đình và cá nhân thắt chặt thêm chi tiêu, tạo sụt giảm, khó khăn trong thị trường bán lẻ. - Tính chuyên nghiệp của hệ thống bán lẻ (nhất là đối với quy mô nhỏ) chưa cao; chuỗi liên kết, cung ứng chưa bền vững. - Kênh bán lẻ truyền thống hiện nay là hàng hóa chủ yếu vẫn gồm có lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu. - Hàng thực phẩm tươi sống chưa phong phú, đa dạng về chủng loại; Chưa có nhiều nông sản của địa phương được cung ứng trong hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh. |
Cơ hội - Tái cơ cấu hệ thống bán lẻ theo hướng kênh phân phối hiện đại và tiêu dùng, mua sắm tiện lợi. - Xây dựng lại các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết trong thị trường bán lẻ để hoạt động hiệu quả hơn. - Đổi mới tác phong, thái độ phục vụ đối với người tiêu dùng trong hệ thống bán lẻ. |
Thách thức - Kinh tế trong nước nói chung và kinh tế trong tỉnh vẫn còn nhiều bất ổn, khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19. - Quy mô bán lẻ tụt giảm; tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của các siêu thị, trung tâm thương mại trước bối cảnh đại dịch Covid-19. - Dưới tác động của đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng thay đổi, xuất hiện những nhu cầu và cách thức tiêu dùng mới; Khó khăn trong đại dịch Covid-19 tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường bán lẻ. |
5. Kết luận và khuyến nghị
Thanh Hóa là tỉnh có thị trường bán lẻ với quy mô lớn, phong phú về nhóm hàng tiêu thụ, có hệ thống phân phối đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng ngày càng chất lượng và hiện đại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh, trong đó trực tiếp ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Mức bán lẻ của nhiều lĩnh vực đã bị sụt giảm sâu so với cùng kỳ và so với kế hoạch đề ra. Phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh trước tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy, hệ thống bán lẻ của tỉnh có những điểm mạnh như được sự quan tâm về các chính sách khuyến khích đầu tư; là tỉnh có dân số đông với thị trường tiêu thụ lớn; có hệ tầng thương mại phát triển và có nông sản hàng hóa đa dạng, đáp ứng yêu cầu cung ứng cho hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra hệ thống bán lẻ của tỉnh đứng trước những thách thức như kinh tế trong nước, trong tỉnh còn nhiều bất ổn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; quy mô bán lẻ sụt giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi, và kể cả những cạnh tranh gay gắt trong thị trường bán lẻ.
Để phát triển thị trường bán lẻ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn tiếp tục tác động đến nhiều mặt của hoạt động bán lẻ, bên cạnh các chính sách của Nhà nước đã ban hành hỗ trợ, phục hồi phát triển doanh nghiệp, cũng như các chính sách hỗ trợ khác, tỉnh Thanh Hóa cần có các chính sách tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; tiếp tục đầu tư, nâng cấp kênh phân phối truyền thống, xây dựng mô hình chợ và cửa hàng an toàn thực phẩm; tăng cường xúc tiến các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực Công Thương, tạo điều kiện thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng thương mại. Về phía doanh nghiệp bán lẻ, cần tái cơ cấu hoạt động theo hướng đáp ứng các xu hướng tiêu dùng mới của thị trường khách hàng; nâng cao chất lượng phục vụ chuyên nghiệp; xây dựng các liên kết bền vững trong cung ứng và tiêu thụ, đa dạng hóa các hàng hóa cung cấp trên thị trường bán lẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 58 NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, (2019), Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa 2019, NXB Cục Thống kê.
- Sansa, N. A. (2020). The Impact of the COVID-19 on the Financial Markets: Evidence from China and USA https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3562530, xem ngày 22/12/2020.
- Ruiz Estrada, M. A., Koutronas, E., & Lee, M. (2020). Stagpression: The economic and financial impact of Covid-19 Pandemic. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3593144, ngày 22/12/2020.
- Trần Thọ Đạt, (2020), Tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam và giải pháp ứng phó, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 274, tháng 04 năm 2020, tr. 14-22 l, 2020.
- Le, H., Nguyen, T., Ngo, C., Pham, T & Le, T. (2020). Policy related factors affecting the survival and development of SMEs in the context of Covid 19 pandemic. Management Science Letters, 10(15), 3683-3692.
- Ngô Chí Thành, Lê Hoằng Bá Huyền, Nguyễn Thị Loan, (2020), Tác động của đại dịch Covid- 19 đến doanh nghiệp sản xuất: Trường hợp nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán, số 07 (204), 2020.
- Phạm Hồng Chương và nhóm Nhóm nghiên cứu Khoa Kế hoạch và Phát triển, Khoa Toán Kinh tế, Khoa Thống kê và Khoa Kinh tế học, (2020), Tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 274, tháng 04 năm 2020, tr. 2-13.
- Kotler, P. H. I. L. L. I. P., & Keller, K. L. (2006). Identifying market segments and targets. Marketing management, 12th edition. Singapore: Pearson Education.
- Levy, M., & Weitz, B. (2010). Retailing Management. USA: Internasional Edition.
- Chính phủ (2018), Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 Quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- UBND tỉnh Thanh Hóa (2020), Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, https://hdndthanhhoa.gov.vn/portal/pages/2020-6-15/Bao-cao-tom-tat-tinh-hinh-kinh-te--xa-hoi-6-thang--025243.aspx
Effects of the Covid-19 pandemic on the retail market in
Thanh Hoa Province
Ph.D Ngo Chi Thanh
Head, Department of Research and Technology Management
Lecturer, Faculty of Economics and Business Administration
Hong Duc University
ABSTRACT:
This paper assesses the effects of the Covid-19 pandemic on the retail market in Thanh Hoa Province. By analyzing the secondary data, this paper analyzes the retail activities in Thanh Hoa Province from 2015 to 2019 and from the start of the Covid-19 outbreak in early 2020. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to support the growth of Thanh Hoa Province’s retail market in the future.
Keyword: Covid 19, retail market, distribution system, Thanh Hoa Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2021]