Tôi nhớ lại mùa hè 1993, Công ty mới thành lập được 1 năm. Tôi về làng nghề may da Kiêu Kỵ (Gia Lâm) để xem cơ sở 2 của Công ty đặt ngay tại làng nghề quê anh Bào. Cơ sở sản xuất của Công ty lúc đó mới có vài chục em đang học nghề với hơn chục chiếc máy khâu hiệu Singer cũ kỹ. Khuôn viên rộng 2600 mét vuông, vốn là cơ sở của HTX May da Thành Công bị phá sản năm 1991. Tôi hơi ngỡ ngàng... thì anh Bào đã giải thích:” “Cơ sở này, Công ty Ladoda mua lại của HTX Thành Công. Thời gian tới sẽ xây nhà xưởng, chỗ này là hội trường, mặt đường kia là cửa hàng giới thiệu sản phẩm, chạy suốt vào trong là các phân xưởng cắt may, đóng gói, nhà kho, nhà ăn, nhà tắm, sân xe... khép kín.”
Anh Bào “vẽ” theo trí tưởng tượng trên mảnh đất 2600 mét vuông mênh mông cỏ mọc. Thật khó mà hình dung được. Tôi cứ băn khoăn về sự quá hăm hở của anh, dám mở công ty “hai hát” (HH- hữu hạn) giữa cái làng nghề may da Kiêu Kỵ đang điêu đứng này. Khi tôi hỏi: “Công thức anh đang thực hiện là gì?’’ Anh Bào trả lời: “Nghề + Chất lượng = Ladoda.”
Tôi hỏi tiếp: “Thế còn sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các ban ngành, đồng vốn, thị trường... thì sao?”. Vẫn lời anh Bào: “Đó là điều kiện rất “cần” và cực kỳ quan trọng, tôi chưa đề cập ở đây. Tôi đang nói điều kiện “đủ “ là 3 cộng: Nghề - Công nghệ - Chất lượng.”
Nghe anh nói thì tôi tin, nhưng cơ ngơi thì chưa thấy đâu cả. Tôi ái ngại cho anh đã “ke ván đóng thuyền” ra khơi khi nghề may da Hà Nội chìm tận đáy. Theo số liệu lúc đó, Hà Nội có 23 HTX may da thì chỉ có cơ sở Điện Biên là trụ lại được. Số còn lại thì phải phá sản, bán máy.“Anh có mạo hiểm không?”. Anh Bào tự tin trả lời: “Phương châm là 4 biết: Biết mình, biết người, biết việc, biết điều. Đem cộng với nghề, công nghệ, chất lượng, là có thể thành công. Kiêu Kỵ này là điểm hẹn với anh”.
Bây giờ, đặt chân đến Công ty Ladoda, tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của làng nghề. Dọc con đường nhựa chạy vào làng, hai bên đường đã là nhà cao tầng, cửa hàng, cửa hiệu, mua bán đông vui, người xe nhộn nhịp. Giá đất Kiêu Kỵ phải tính bằng “cây”, không còn “bèo bọt” như 10 năm về trước nữa. Kiêu Kỵ đang giàu có, với thế mạnh làng nghề đang được sắp xếp lại, minh chứng rõ nhất là sự hiện diện của công ty Ladoda. Khuôn viên 2600 m2 đã xây dựng như lời anh Bào 10 năm về trước, đủ chỗ làm việc cho 270 công nhân, không lúc nào thiếu việc. Một hội trường lớn sức chứa 300 chỗ ngồi, thường xuyên có hội nghị khách hàng. Vẫn cái bắt tay thật chặt, tiếng nói sang sảng, anh Bào lại nhấn mạnh yếu tố đã trở thành phương châm :
- Nói về “Nghề” thì tôi về quê hương Kiêu Kỵ, vì người Kiêu Kỵ có hoa tay thiên phú. Đã tổ chức được 14 khoá đào tạo nghề cho 630 học sinh, giữ lại làm cho Công ty được 300 người, còn lại các em tự về mở hiệu, nhận may gia công cho Công ty lúc rộ việc.
- Về “Công nghệ” đã thay đổi 4 lần. Từ máy Singer sang máy may của Hunggary, lại chuyển sang máy Juki và Mitsubishi của Nhật Bản. Năm 2002 mua hẳn một dây chuyền may da ổ to hiệu Unicom của Nhật Bản và Hàn Quốc, có đủ thiết bị chuyên dùng như máy định hình, máy vừa may vừa xén, máy đính bọ, máy chặt, máy tán rivê và một dây chuyền làm dây thắt lưng của Italia. Có máy giá tới 1200 USD.
- Về “Chất lượng”, được tạo bởi “hoa tay” làng nghề cộng với “công nghệ tiên tiến”. Trong 11 năm, Công ty đã tung ra thị trường trên 200 kiểu dáng mới, được người tiêu dùng ưa chuộng như cặp Ca 07, Ca 53, Ca 84 v.v... Có sản phẩm tuổi thọ 5 đến 6 năm. Vinh dự cho Công ty là được làm cặp đựng tài liệu phục vụ các kỳ Đại hội Đảng, Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên... Trong suốt thời gian đó, Công ty đã đoạt 10 Huy chương vàng tại các Hội chợ trong nước và quốc tế. Năm 2001 được cấp chứng chỉ ISO 9001-đó là “giấy thông hành” cho Công ty vào thị trường Tây Âu và Mỹ.
- Xin anh nêu vài con số cụ thể ?
- Năm 1993, doanh thu của Công ty đạt khoảng 500 triệu đồng. Từ 1996 đến 2002, doanh thu mỗi năm tăng lên từ 9 tỷ đồng đến 11 tỷ đồng. Năm 1993, Công ty chỉ sản xuất được 50.000 sản phẩm, thì năm 2003 đã có 500.000 sản phẩm. Mạng lưới đại lý của Công ty trong toàn quốc đã lên đến con số 30. Hàng năm, giá trị xuất khẩu của Công ty chiếm từ 30 đến 35% tổng giá trị sản lượng...
Tôi tính nhẩm, mỗi năm Công ty đóng góp vào Ngân sách khoảng 700 triệu đồng tiền thuế. Lương bình quân 740.000 đồng/người mỗi tháng. Và đã 11 năm nay, Công ty không có công nhân phải nghỉ vì thiếu việc làm. Năm 2003, lương bình quân của công nhân đạt 800.000 đồng/người/tháng. Doanh thu đạt 12,5 tỷ đồng. Công ty đã ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 29 triệu đồng, ủng hộ địa phương 30 triệu đồng...
Anh Đinh Quang Bào, người làng nghề Kiêu Kỵ, mồ côi cha mẹ từ thuở 13, phải lặn lội ra phố Hà Trung (Hà Nội) để học nghề may da kiếm sống. Từ đó anh gắn bó với nghề đã 40 năm. Ngọt, bùi, cay, đắng với nghề đã nếm đủ. Chị Chi, người vợ, người trợ thủ đắc lực cho anh Bào, trên cương vị Phó giám đốc, tâm tình: “Chúng tôi muốn tạo dựng cho các con một công ty mang nghề truyền thống trên mảnh đất đã sinh ra chúng tôi.” Anh Bào phấn khởi thông báo một tin vui, đầu năm Giáp Thân, Công ty đã thuê được 25.500 m2 đất để mở rộng sản xuất và dự kiến tuyển thêm 200 lao động có nghề may da để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tôi hỏi anh Bào trước lúc chia tay là anh có suy nghĩ gì trước thềm năm mới? Anh vui vẻ trả lời rằng, gọi là suy nghĩ hay vài lời kiến nghị, đó là Công ty đã thuê được mặt bằng để mở rộng sản xuất, phát triển nghề truyền thống. Vì vậy, Công ty rất cần Liên minh HTX, các ban ngành, hỗ trợ cho Công ty được vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà máy vào quý I năm 2004 này.
Tôi trở về Toà soạn để lên khuôn bài báo này, cùng chiều là những chuyến xe tải hạng nhẹ chở đầy cây quất cảnh trĩu quả chín vàng, từ Văn Giang hối hả “chảy” vào Thành phố. Mùa Xuân đã về.
Xuân Giáp Thân 2004.