Một số giải pháp giảm tổn thất điện năng ở điện lực Thái Nguyên

1. Vài nét về Điện lực Thái Nguyên. Điện lực Thái Nguyên là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Công ty Điện lực I - Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Với sản lượng điện thương phẩm hàng năm đạt khoản

2. Thực trạng tổn thất điện năng ở Điện lực Thái Nguyên.
Để giảm tổn thất điện năng từ năm 1996 Điện lực Thái Nguyên đã thành lập Tổ giảm tổn thất điện năng (đến năm 1998 thì chuyển thành Ban giảm tổn thất điện năng) do Giám đốc Điện lực trực tiếp chỉ đạo, nhằm xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình, biện pháp giảm tổn thất điện năng trong toàn Điện lực. Với những cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên Điện lực Thái Nguyên, việc thực hiện chương trình giảm tổn thất điện năng đã thu được các kết quả bước đầu hết sức khả quan và đáng khích lệ. Nếu như năm 2000, tỷ lệ tổn thất điện năng của Điện lực Thái Nguyên là 7,30% thì đến năm 2004, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn là 6,28%. Tình hình tổn thất điện năng trong các năm 2000-2004 được thể hiện trên các số liệu ở biểu 1.
Các số liệu về hệ số tổn thất điện năng của Điện lực Thái Nguyên trong các năm từ 2000 đến 2004 (biểu 1), cho thấy, tỷ lệ tổn thất điện năng thực hiện năm 2004 đã giảm đi 1,02% so với năm 2000 – một con số không lớn về mặt giá trị số học nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt to lớn về mặt hiệu quả kinh tế – xã hội. Tỷ lệ tổn thất điện năng thực hiện năm 2004 là 6,28% đã ở mức khá thấp. Tuy nhiên, nếu so sánh tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2004 của Điện lực Thái Nguyên với một số điện lực khác trong Công ty Điện lực 1 thì còn nhiều điện lực khác có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp hơn so với tỷ lệ tổn thất điện năng của Điện lực Thái Nguyên Chẳng hạn như: Điện lực Hà Tây 5,62%, Điện lực Hải Dương 6,17%, Điện lực Hưng Yên 5,93%. Hơn nữa, đối với Điện lực Thái Nguyên, trong tổng sản lượng điện để tính tổn thất, phần bán cho khách hàng ở cấp điện áp trung thế 6, 10, 22, 35 kV chiếm tỷ trọng lớn (biểu 2), mà đây lại là thành phần có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp, dễ quản lý. Do vậy, Điện lực Thái Nguyên có thể giảm hơn nữa tỷ lệ tổn thất điện năng của mình. Vấn đề đặt ra đối với Điện lực Thái Nguyên hiện nay là, cần tìm ra và thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. (Xem biểu 2)
3. Một số giải pháp giảm tổn thất điện năng ở Điện lực Thái Nguyên.
Để giảm tổn thất điện năng, chúng ta có thể áp dụng nhiều biện pháp, ngoài các biện pháp về kỹ thuật, công nghệ đang được áp dụng phổ biến hiện nay ở các Điện lực, trong khuôn khổ bài viết này, xin được đề xuất một số giải pháp về kinh tế và tổ chức như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện việc giao chỉ tiêu tổn thất điện năng cho các chi nhánh điện trong Điện lực thực hiện, muốn vậy cần thực hiện các biện pháp sau:
+ Xây dựng và lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống các công tơ đo đếm điện năng trên các đường dây trung thế tại ranh giới các chi nhánh điện để có thể giao toàn bộ sản lượng điện cho các chi nhánh điện chịu trách nhiệm quản lý về mặt tổn thất, nhằm nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các chi nhánh điện trong việc ổn định và giảm tổn thất điện năng chung của toàn Điện lực, tránh tình trạng điện thương phẩm do chi nhánh điện quản lý, khai thác và bán cho các khách hàng sử dụng điện, nhưng bản thân chi nhánh lại không chịu trách nhiệm gì về tổn thất điện năng trên các đường dây trung thế này.
+ Xây dựng một chương trình tính toán tổn thất điện năng (tổn thất kỹ thuật) đảm bảo thực sự khoa học, chính xác và mang tính thuyết phục cao, để có cơ sở cho việc giao chỉ tiêu tổn thất điện năng cho các chi nhánh trong Điện lực. Không nên giao chỉ tiêu tổn thất điện năng chủ yếu dựa vào kết quả thực hiện trong kỳ kinh doanh trước. Điều này dẫn đến tình trạng, nếu chi nhánh nào trong kỳ kinh doanh trước phấn đấu có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp thì đến kỳ kinh doanh sau sẽ bị giao chỉ tiêu tổn thất điện năng thấp hơn và ngược lại. Cách làm như vậy nhiều khi làm triệt tiêu động lực phấn đấu giảm tổn thất điện năng của các chi nhánh điện trong Điện lực.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý khách hàng.
Trước hết, cần bắt đầu bằng việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ, khoa học, chính xác về các khách hàng sử dụng điện. Dựa vào cơ sở dữ liệu đó, Điện lực Thái Nguyên cần thực hiện quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng điện hàng tháng của các khách hàng, để từ đó có các biện pháp kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những hiện tượng bất bình thường trong việc sử dụng điện của khách hàng. Chẳng hạn, nếu điện năng tiêu dùng trong tháng thay đổi (tăng, giảm) quá nhiều so với các tháng trước đó, thì cần phải kiểm tra lại khách hàng đó xem nguyên nhân xuất phát từ đâu, do hệ thống đo đếm điện năng hỏng, không chính xác, chết cháy; hay do nhân viên ghi chữ ghi sai chỉ số công tơ; hay do khách hàng mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, có thêm những thiết bị sử dụng điện mới; hoặc là do khách hàng lấy cắp điện... Việc quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng điện của khách hàng không những chỉ dựa vào các thông số tính toán trên cơ sở dữ liệu về khách hàng đã xây dựng, mà cần đặc biệt quan tâm chú trọng đến việc sử dụng đội ngũ cán bộ công nhân viên làm công tác kinh doanh điện năng (ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, quản lý đường dây và trạm biến áp), bởi hơn ai hết, họ là những người thường xuyên có những mối liên hệ trực tiếp với khách hàng và do đó nắm rõ và hiểu về khách hàng nhất. Vấn đề là ở chỗ, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức cũng như tinh thần trách nhiệm của họ để có thể đảm đương được nhiệm vụ này.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, thay thế định kỳ các thiết bị đo đếm điện năng đúng thời gian quy định, nhằm đảm bảo và duy trì chất lượng, độ chính xác cho hệ thống đo đếm điện năng.
Việc làm này tưởng chừng hết sức đơn giản, nhưng do số lượng khách hàng ngày một tăng, số lượng các thiết bị đo đếm điện năng là rất lớn, do đó, để có thể xác định được số lượng, địa chỉ, loại công tơ đến hạn phải kiểm tra hoặc thay thế định kỳ, tốn nhiều thời gian và công sức. Để làm được điều này, trước hết cần xây dựng được và cập nhật thường xuyên một cơ sở dữ liệu đầy đủ, khoa học và chính xác về hệ thống đo đếm điện năng của khách hàng sử dụng điện. Đối với những khách hàng có sản lượng điện năng tiêu thụ lớn, cần tăng cường và rút ngắn chu kỳ kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng.
Thứ tư, thực hiện việc tính toán, cân bằng điện năng giao nhận tại các trạm biến áp 110 kV, các trạm biến áp trung gian 35/10 kV, 35/6 kV, nhằm khoanh vùng, nhận dạng được khu vực, đường dây có tổn thất điện năng lớn. Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân gây tổn thất điện năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ năm, tổ chức bộ máy quản lý, theo dõi tổn thất điện năng một cách khoa học và chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân trong việc thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng.
+ Thành lập Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng, trong đó có ít nhất 02 thành viên là chuyên viên các Phòng Kinh doanh điện năng và phòng Kỹ thuật. Bộ phận này có chức năng nhiệm vụ chính sau:
- Tổng hợp, tính toán, theo dõi tình hình tổn thất điện năng của các chi nhánh điện và của toàn Điện lực.
- Kiểm tra, hướng dẫn các chi nhánh trong việc quản lý, theo dõi, tính toán tổn thất điện năng và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm giảm tổn thất điện năng của đơn vị mình.
- Tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Điện lực các biện pháp, các chương trình nhằm giảm tổn thất điện năng.
+ ở các chi nhánh điện cũng cần thiết phải tổ chức một bộ phận theo dõi tổn thất điện năng (từ 1 đến 3 người) nằm trong Tổ kinh doanh hoặc Tổ quản lý tổng hợp. Bộ phận này có trách nhiệm tính toán, theo dõi, quản lý tổn thất điện năng, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp giảm tổn thất điện năng của chi nhánh điện.
+ Việc quản lý lưới điện và quản lý khách hàng ở các chi nhánh được giao cho các tổ quản lý địa bàn chịu trách nhiệm thực hiện. Các tổ quản lý này được biên chế thành 3 bộ phận:
- Bộ phận quản lý, vận hành, theo dõi, sửa chữa lưới điện, lắp đặt công tơ.
- Bộ phận ghi chỉ số công tơ.
- Bộ phận thu ngân (thu tiền điện).
Cả 3 bộ phận này đều phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện giảm tổn thất điện năng trên địa bàn do mình quản lý. Trong đó, do tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng mà bộ phận quản lý và bộ phận ghi chỉ số công tơ sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn bộ phận thu ngân.
Thứ sáu, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công nhân viên làm công tác kinh doanh điện, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục nhằm làm thay đổi nhận thức của bản thân người lao động để họ thấy được việc chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình, quy phạm trong sản xuất, kinh doanh điện năng là vì lợi ích thiết thân của chính bản thân họ, sau đó, mới là lợi ích chung của toàn Điện lực. Như vậy, sẽ tạo ra động lực cho người lao động trong việc thực hiện các biện pháp giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả kinh doanh bán điện.
Để giảm tổn thất điện năng, cần thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp và các biện pháp này phải được thực hiện liên tục, thường xuyên, không ngừng. Chỉ cần một chút sao nhãng, thoả mãn với kết quả đã đạt được là có thể dẫn đến tỷ lệ tổn thất điện năng bùng phát, không kiểm soát nổi.

  • Tags: