Tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam - Vấn đề và giải pháp

Những đóng góp của FDI trong các năm qua. FDI - nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với đầu tư và phát triển không chỉ đối với các nước nghèo, mà kể cả c

Đối với Việt Nam, sau hơn 17 năm đổi mới, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp phần bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, tăng cường tiềm lực kinh tế để khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước như dầu khí, điện...Tính từ năm 1988 đến hết năm 2003, trên phạm vi cả nước, đã có trên 4.500 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký 46 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được vốn đầu tư từ trên 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỷ trọng đóng góp của FDI vào GDP có xu hướng tăng lên qua các năm: năm 1992 là 2%, năm 1996 là 7,6% thì năm 1999 là 10,3%, năm 2000 chiếm 13,3% GDP, năm 2002 chiếm 13,5%, năm 2003 khoảng 14%. Nguồn vốn này cũng góp phần tích cực vào việc hoàn chỉnh ngày càng đầy đủ và tốt hơn hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, bưu chính viễn thông,... hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá các khu vực phát triển, hình thành các khu dân cư mới, tạo việc làm cho hàng vạn lao động tại các địa phương. Những vấn đề trên cho thấy tác dụng và ảnh hưởng quan trọng của FDI đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong các năm qua, FDI tại Việt Nam có tăng lên, song mức tăng được đánh giá là khá khiêm tốn so với một số nước trong khu vực. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút nguồn lực quan trọng này để phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Cần phải khẳng định rằng, FDI là nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, song việc quản lý FDI tại Việt Nam còn nhiều hạn chế như: công tác thu hút, quản lý và thực hiện đầu tư chưa tốt, dẫn đến FDI tăng giảm không theo dự báo và dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý FDI cũng như xảy ra các tiêu cực,  khiến cho những nhà đầu tư không muốn tiếp tục đầu tư...

Trong giai đoạn từ 1988 đến 1990, FDI chưa ảnh hưởng mạnh đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Trong 3 năm, FDI chỉ đạt được hơn 1,79 tỷ USD vốn đăng ký. Lượng FDI vào Việt Nam thấp trong giai đoạn này là do có quá nhiều thủ tục phiền hà khi các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường Việt Nam. Mặt khác, tâm lý e dè của các doanh nghiệp nước ngoài về tình hình chính trị và đảm bảo đầu tư ở Việt Nam còn khá nặng nề, do thiếu thông tin cần thiết trong giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế.

Giai đoạn 1991 đến 1997, trong 7 năm liên tục, FDI đã tăng trưởng khá nhanh, đạt  29,8 tỷ USD, vốn  thực hiện là 13,2 tỷ USD, vốn đăng ký là 29,8 tỷ, mức thực hiện so với đăng ký là 44,3%. Riêng trong 4 năm 1994 – 1997, lượng FDI vào Việt Nam đạt rất cao, thu hút được 23,4 tỷ USD; trong đó năm 1995 đạt là 6,53 tỷ USD và năm 1996 đạt mức kỷ lục là 8,49 tỷ.

Giai đoạn 1998 – 2000, FDI vào Việt Nam giảm mạnh. Việc giảm sút về FDI bắt đầu từ năm 1998 do ảnh hưởng từ nhiều nhân tố, trong đó có sự biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Năm 1998, vốn đăng ký là 3,897 tỷ USD, năm 1999 giảm xuống chỉ còn 40,2%, ở mức 1,568 tỷ USD,  năm 2000 là 1,973 tỷ USD chỉ bằng 49,7% so với năm 1998. Trong 3 năm, mức FDI đạt được đã giảm rõ rệt, năm 1998 là 2,4 tỷ, năm 1999 đạt 2,2 tỷ và năm 2000 đạt khoảng 2,22 tỷ USD. 

Kể từ  năm 2001 đến nay, FDI đã tăng rõ rệt. Lượng FDI đăng ký năm 2001 là 2,5 tỷ USD, tăng 26,8%, vốn  thực hiện là 2,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2000. Năm 2002, vốn đăng ký gần 1,4 tỷ USD và thực hiện đạt 2,35 tỷ USD. Tính cả năm 2003, có 620 dự án được cấp phép đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký đạt 1,55 tỷ, giảm 18,5% số dự án và tăng 7,14% về vốn đăng ký so với 2002. Cũng trong năm 2003, có 345 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 1,15 tỷ USD, tăng 9,2% về số dự án và 1,2% về vốn so với năm 2002. Như vậy, riêng trong năm 2003, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2002. Với kết quả này, lũy kế đến nay, cả nước có 4.266 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 46 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt trên 27,3 tỷ USD, mức thực hiện so với đăng ký là 59,34%.

 

Ảnh hưởng của FDI đối với tăng trưởng và phát triển

Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp FDI đã chiếm tỷ trọng 13 – 14% GDP, 35,5% tổng sản lượng công nghiệp và 18,6% tổng vốn đầu tư xã hội; ngoài dầu thô, chiếm tỷ trọng 33,8% kim ngạch xuất khẩu; Hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế FDI (trừ ngành dầu khí) trong năm 2003 phát triển khá. So với năm 2002, doanh thu của các doanh nghiệp FDI tăng 36,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 35,3%; nộp ngân sách đạt 465 triệu USD, tăng 1,3%; tạo ra việc làm cho khoảng 665.000 lao động, tăng 7,3% so với năm 2002.

Như vậy, ảnh hưởng của FDI đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế – xã hội của đất nước như tăng năng suất lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp, đóng góp ngày càng lớn vào thu ngân sách và cải thiện môi trường sống của xã hội, hình thành và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm… để sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên trong những năm qua, lượng FDI vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (khoảng 66,6% số dự án và 56,8% vốn), lĩnh vực dịch vụ chiếm 19,5% số dự án. Số ít còn lại thuộc về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Song, lượng FDI bình quân trên 1 dự án đầu tư chỉ khoảng 2,4 triệu USD (ở khu vực Đông Nam á là 5-7 triệu USD/1 dự án, Trung Quốc là 8-10 triệu USD/dự án), cho thấy, số vốn đầu tư và chất lượng đầu tư bình quân cho một dự án là chưa cao. Vấn đề là làm thế nào để tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng như nâng cao chất lượng FDI vào các dự án.

 

Tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng FDI đối với mỗi dự án đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời nâng cao uy tín của môi trường đầu tư Việt Nam, chúng ta cần thực hiện ngay một số giải pháp nhằm thu hút mạnh mẽ vốn  FDI và thực hiện được nhiệm vụ mục tiêu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng phát triển nhanh như sau:

Một là, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư cao hơn và có chất lượng hơn. Một môi trường đầu tư hấp dẫn khi chúng ta xây dựng được một hệ thống chính sách pháp luật rõ ràng, cụ thể. Các văn bản pháp luật phải minh bạch, có hệ thống, không trùng chéo, không tuỳ tiện thay đổi, nhất là đối với các luật thuế cũng như đối với các lĩnh vực không khuyến khích và cấm đầu tư; đơn giản hoá hệ thống thuế; xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ… Cải cách triệt để thủ tục hành chính trên cơ sở xây dựng và hình thành hệ thống thủ tục hành chính phù hợp, đồng thời thường xuyên giám sát, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và hạn chế những tiêu cực xảy ra trong đầu tư. Giảm thủ tục, phiền hà, sách nhiễu khi cấp phép đầu tư. Giảm các cấp quản lý đầu tư tiến tới 1 cửa, một con dấu trong đầu tư, giảm tính phân biệt giữa các thành phần kinh tế. Xác định hoạt động đầu tư là hoạt động kinh tế của doanh nghiệp; cơ quan nhà nước làm công tác quản lý thuần tuý, không can thiệp quá sâu vào hoạt động đầu tư và quyết định đầu tư của các doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan quản lý trước hết có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiến hành thực hiện hoạt động đầu tư. Khuyến khích các địa phương cạnh tranh thu hút FDI; xoá bỏ chế độ mua bán ngoại tệ bắt buộc, hoàn thiện các chế định trọng tài, tăng cường tham khảo ý kiến nhà đầu tư trong xây dựng pháp luật. Việt Nam cần phải tăng cường phân cấp và uỷ quyền quản lý đầu tư cho các cơ sở, địa phương, trong đó cho phép các địa phương được quyền cấp phép đầu tư cho các dự án có lượng vốn đầu tư lớn, có nhiều lợi ích và hiệu quả đối với quốc kế, dân sinh.

Hai là, thiết lập lại danh mục dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài rõ ràng, cụ thể, thiết thực, hiệu quả với nhiều ngành nghề đầu tư theo hướng có lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài thời kỳ 2001 – 2005 đã được ban hành, nhưng những dự án trọng điểm nhất vẫn chưa thu hút và hấp dẫn được các nhà đầu tư. Vì vậy, cần rà soát lại danh mục dự án này để điều chỉnh và bổ sung những dự án có quy mô lớn cần kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng thực sự có lợi cho cả nhà đầu tư cũng như cho đất nước. Đồng thời, các bộ, ngành và các địa phương có liên quan cần hoàn chỉnh nghiên cứu tiền khả thi với các thông số kinh tế – kỹ thuật cần thiết để tạo điều kiện cho việc tuyên truyền vận động đầu tư trong giai đoạn sắp tới. Với danh mục dự án đầu tư cũng cần thể hiện tất cả các thông số hấp dẫn các nhà đầu tư, quy định phân vùng đầu tư theo các chỉ tiêu lượng vốn, lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, chế độ khuyến khích ưu đãi. Đồng thời, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực hẫp dẫn có lợi nhuận cao mà Nhà nước vẫn độc quyền, tiến tới xoá bỏ độc quyền đầu tư trong một số lĩnh vực này. Danh mục này cũng cần được xây dựng trên cơ sở phát huy các lợi thế của Việt Nam, có tính tập trung cao, tránh sự đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, hướng đích. Việt Nam cần có các định hướng rõ ràng các ngành cần đầu tư như những lĩnh vực công, nông hay thương nghiệp nào cần thu hút đầu tư nước ngoài thì tập trung thực hiện ưu đãi. Căn cứ trên việc xếp hạng của các tổ chức quốc tế về năng lực cạnh tranh trong đầu tư của từng nước (hoặc tập đoàn kinh tế), cũng như sự đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nước ta để sửa đổi, bổ sung những nhân tố có liên quan, sao cho hấp dẫn được cả những nhà đầu tư ở những nước khó tính nhất. Giảm thiểu các chi phí đang được xem là cao hơn các quốc gia cùng khu vực như điện, vận tải, cước phí viễn thông…nhằm tạo động lực thu hút mới đối với các nhà đầu tư.

Ba là, Thành lập câu lạc bộ FDI Việt Nam nhằm tổ chức các hoạt động như tư vấn, hướng dẫn hình thức và thủ tục đầu tư; xúc tiến thu hút FDI từ các nước; mở chiến dịch mới về vận động, xúc tiến đầu tư tại các quốc gia trọng điểm truyền thống như Nhật Bản, Singapore, EU, Đài Loan, Hàn Quốc… thiết lập các giải pháp về nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh của nước ta. Coi trọng và đánh giá đúng vị trí của các thị trường và đối tác truyền thống, chủ yếu là các nước châu á vốn có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hoá với Việt Nam. Đồng thời, cần mở rộng việc thu hút FDI từ các nước đối tác mới như Hoa Kỳ, Nam Mỹ… Coi trọng việc đề ra các giải pháp để ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao, viễn thông, xây dựng các công trình ngầm, các công trình treo. Đồng thời khuyến khích và hỗ trợ cho người Việt Nam ở nước ngoài kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trực tiếp đầu tư về Việt Nam.

Bốn là, Thiết lập các chính sách, chủ trương cụ thể nhằm chủ động xử lý, đối phó và giải quyết những vướng mắc của nhà đầu tư, tăng lòng tin của các nhà đầu tư.

FDI đã được xác định là nguồn vốn quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Trong hơn 17 năm qua, kể từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước, FDI đã có những đóng góp cơ bản quan trọng. Đến nay, nền kinh tế đã từng bước ổn định, Việt Nam đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phát triển tăng tốc, FDI lại càng đóng vai trò quan trọng hơn. Để có thể thu hút nhiều hơn lượng vốn này, chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn và xác định đúng vai trò cũng như tầm quan trọng của FDI đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Có như vậy mới tạo thêm sức hút vốn  FDI để  thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước./.

  • Tags: