Trà qua Văn học và Đời sống

Trà ơi, còn nước là vinh hạnh Cháy lưỡi khô môi thảm những ai?” (Phan Bội Châu) Dân ta bất đắc dĩ mới uống nước lã, mà phần đông, thích uống trà, uống sau mỗi b

“Trong ngôn ngữ nước ta có cụm từ mang tính Hán học: “Trà tam, rượu tứ” hoặc “Trà dư, tửu hậu”, nhằm ám chỉ mối giao lưu trong đời sống xã hội:
“Công em nấu nước pha trà
Duyên là một kiếp, tình là trăm năm”
Hoặc như trách cứ thiếu nữ bội bạc, bỏ bê việc nhà:
“Đi đâu mà bỏ mẹ cha
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng?”.
Vào những năm nước ngập, mất mùa, kinh tế khó khăn, nhà nào thiếu trà uống, thiếu trầu nhai, thì thật là khổ làm sao ?
“Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu trà, chẳng dám mua” (Nguyễn Khuyến).
Đứng trên quan điểm khoa học dinh dưỡng, đồ uống phải biết giữ đúng phương pháp thường thức để cung cấp năng lượng và dưỡng chất, giúp cơ thể điều hòa, tránh bệnh tật:
“Mai sớm một tuần trà
Canh khuya dăm chén rượu
Mỗi ngày mỗi được thế
Thầy thuốc xa nhà ta”.
Nếu cắt trà đem về để tươi, hãm vào bình nước sôi uống sẽ không ngon. Người ta đem trà ướp hoa sen cho nước đỏ, giống trà Thiết Quan Âm trong ca dao: “Chồng em còn ở sông Ngâu - Buôn chè mạn hảo năm sau mới về”. Đó có thể là trà Vân Nam hoặc trà Phổ Nhỉ, một địa danh trà ở Vân Nam - Trung Quốc. Còn có trà Long Tỉnh, nổi tiếng ở Tây Hồ, phía Nam Hàng Châu, tỉnh Triết Giang - Trung Quốc đã được ca tụng ở Việt Nam qua câu ca dao:
“Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Long Tỉnh, ngâm nôm Thúy Kiều”
Trung Quốc đã chấn chỉnh chế biến trà xanh như Long Tỉnh, Bảo Vân, Phổ Nhỉ... hay trà Ô Long như Thiết Quan Âm, Thiết La Hán, Thủy Tiên... kể cả trà bánh “Ô trà” Vân Nam. Hiện nay, chỉ có dân tộc Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam là vẫn giữ thói quen uống trà xanh hay trà Ô Long. Ngay cả các thanh thiếu nữ của Nhật cũng ngày càng uống trà đen kiểu trà gói Lipton
Sách “Vũ Trung Tuỳ Bút” của Phạm Đình Hổ (1768-1839) đã viết về “Cách uống trà” như sau:
“Cách uống trà thì trong sách Kiên Biều đã nói rõ. Họ Lư, họ Lục nổi tiếng về uống trà... Thị hiếu người nước ta cũng giống người Trung Quốc. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ, khách, mà ung dung pha ấm trà Tầu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục. ấy người xưa chuộng trà Tàu là vì vậy... Khi dạy học rảnh, ta thường cùng với người đàn anh trong làng là Tô Nho Sinh, dạo chơi chùa Vân, pha trà uống, hoặc trèo lên cái gò ba tầng ở phía Tây xóm ấy, rồi múc nước pha trà uống chơi. Trông thấy những cảnh mây nổi hợp tan, chim đồng bay lượn, cùng là cỏ cây tơi tốt hay tàn tạ, hành khách lại qua, ta thường gửi tâm tình vào cảnh ấy ngâm vịnh”.
Qua đoạn văn trên, có thể cảm thấy được thú vui uống trà của Phạm Đình Hổ cùng với ông bạn Tô Nho Sinh hòa mình với thiên nhiên cây cỏ, môi trường đồng quê. Điều đáng chú ý là nhà thơ đã mở đầu nhắc họ Lư, họ Lục tức là Lư Đồng (hiệu Ngọc Xuyên Tử) và Lục Vũ đời Đường ở Trung Quốc đã nổi tiếng uống trà. Hãy thử thưởng thức bài “Trà Ca” qua cảm xúc của Lư Đồng sau khi uống bảy chén trà:
“Chén thứ nhất nhuần môi họng
Chén thứ hai hết sầu đơn
Chén thứ ba như moi hết ruột gan đến năm ngàn pho sách
Chén thứ tư mồ hôi nhẹ nhàng, bao nỗi bực tức đời thường bay hết theo lỗ chân lông
Chén thứ năm gân cốt nhẹ nhàng
Chén thứ sáu thông đến các vị Tiên linh
Chén thứ bảy không uống được nữa, chỉ thấy gió mát lất phất hai nách”.
Các danh nhân Trung Quốc nổi tiếng đã đóng góp nhiều tác phẩm nói về trà, tiêu biểu như: Lục Vũ, Lư Đồng, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, Tào Tuyết Cần, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược...
Việt Nam cũng là quốc gia trồng trà và uống trà rất lâu trên thế giới. Nhưng về mặt văn hóa nghệ thuật... nói lên tâm tư, tình cảm của người Việt xưa nay đối với sản phẩm trà trong giao tiếp thì chưa có công trình sưu tầm và nghiên cứu có bề dầy lịch sử, liên tục và phong phú như ở Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Nước ta chỉ có tác phẩm nổi tiếng “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân là nói đến: “Những chiếc ấm đất” và “Chén trà trong sương sớm” là lý thú nhất.
Qua tìm hiểu nguồn gốc trà xanh của Trung Quốc, có thể truy nguyên là của Việt Nam. Bởi lẽ ngay Lục Vũ cũng khẳng định là trà xuất hiện từ phương Nam (Trà giã, Nam Phương chi gia mộc giã). Sách An Nam Chí Lược ghi vào thời nhà Đinh độc lập đã phải triều cống Trung Quốc trà thơm và Nguyễn Trãi ở Dư Địa Chí cũng đã kể đến trà Tước Thiệt (Trà chim sẻ) danh tiếng sản xuất ở Châu Sa Bội (Quảng Trị ngày nay), đó là cây trà xanh mọc chậm, năng suất kém, lá xanh đậm, chồi non màu xanh ửng đỏ và hoa đơn độc.
Qua nghiên cứu, chưa thấy tài liệu lịch sử cho biết người Việt Nam uống trà từ lúc nào. Sách An Nam Chí Lược ghi: “Tháng 5, năm thứ 8, niên hiệu Khai Bảo, Đinh Liễn tiến cống vàng, lụa, sừng tê, ngà voi, trà thơm”. Do vậy, ta có trà thơm uống đã hơn một ngàn năm và chắc hẳn, trà đem sang Trung Quốc tiến cống phải là trà khô. Điều này cho thấy thời trước, ta đã biết sao chế trà có hương thơm. Và trải qua quá trình hàng ngàn năm trước, trồng trà là mối lợi kinh tế đáng kể: “Kế sống sơn tăng trà ba mẫu - Sinh nhai ngư phủ trúc một cần” (Sách Cao Tăng truyện đời Lý - Khuyết danh).
Nhà cách mạng Phan Bôi Châu mượn chén trà để thức tỉnh hồn thiêng sông núi: “Trà ơi, còn nước là vinh hạnh - Cháy lưỡi khô môi thảm những ai?”.
Khách đa sâu đa cảm khi uống trà  đã mấy ai động lòng trắc ẩn cho người kỹ nữ bến Tầm Dương với những vị trà dằng dặc cơn sầu hiu quạnh:
“Khách trọng lợi, khinh đường ly cách
Mải buôn trà sớm tếch ngàn khơi
Thuyền không đậu bến mặc ai
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng”
(Tỳ Bà Hành)
Vâng, trà đã có chỗ đứng nhất định trong quan hệ xã giao. Để tiến dần đến đỉnh cao thưởng thức trà, người ta phải có cả một nghệ thuật pha chế từ cách chọn nước, chọn củi, áp lực lửa, thời gian sôi, ướp sen, sói, nhài, cúc, thủy tiên.v.v... cho tăng hương vị, tùy vị giác của mỗi người. Độc đáo hơn, khách còn chọn trà ngay tại các vùng trồng trà như Thái Nguyên, Lâm Đồng... Những nhà văn, nhà thơ thường mượn trà gây cảm hứng sáng tác. Thi hào Nguyễn Du đã diễn đạt sự nhung nhớ người yêu qua hình tượng hương trà: “Hương gây mùi nhớ, Trà khang giọng tình”.
Nhà thơ Tản Đà, những năm vào Nam viết báo ở Sài Gòn, rong ruổi đến Rạch Giá thăm nhà thơ hậu bối Kiên Giang. Hai người tâm đắc bàn chuyện văn chương đến tối mịt. Tản Đà thấy khát, gợi ý Kiên Giang nấu nước pha trà. Kiên Giang từ chối vì nhà hết củi, Tản Đà ngông nghênh xuống bếp, lát sau mang lên bình trà nóng. Hai người vừa uống vừa nói chuyện tới khuya. Sớm hôm sau, hai người đi chợ, Kiên Giang thấy Tản Đà đi chân đất, liền hỏi: “Guốc ông đâu?” Tản Đà đáp gọn: “Guốc tớ đã chẻ làm củi nấu nước pha trà đêm qua”.
Hiện nay, Y học đã khẳng định uống trà có tác dụng tiêu thực, giải nhiệt, thông huyết, lợi tiểu, làm dẻo mạch máu, chống ung thư... Do vậy, trà là thức uống rất lợi ích cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, thể hiện tinh thần văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc. Trà còn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, thu ngoại tệ rất lớn cho nước nhà.

  • Tags: