Giấy dó, giấy sắc phong trong lịch sử văn hóa dân tộc vấn đề khôi phục vùng nguyên liệu và làng nghề

. Sự bất tử của giấy dó Để tạo ra di sản văn hoá thành văn (sách theo nghĩa rộng), người xưa đã phải chế tác, sản xuất và sử dụng nhiều loại nguyên vật liệu: đất sét, đất nung, đá, đồng, mai rùa, xươ

INhư chúng ta đã biết, xưa kia chưa có giấy công nghiệp, mọi nhu cầu sử dụng giấy trong toàn xã hội đều bằng giấy dó, bao gồm cả giấy dướng. Đó là nhu cầu về giấy để in sách, để ghi chép, học hành, thi cử. Đó là nhu cầu làm tranh dân gian (tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Sình của người Việt, tranh thờ của người Tày, Nùng, Dao, Hà Nhì, v.v…); làm đồ chơi Trung thu, làm vàng mã, làm pháo, làm hợp chất tạo khuôn đúc đồng, làm quạt, làm độn thêu nổi, in tiền giấy, làm bao bì, gói hàng hoá… Đặc biệt, giấy cho vua chúa dùng thì thường là loại giấy quý (giấy lụa, giấy vua phê, giấy sắc).

Đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy rất lớn và đa dạng trong xã hội, những người thợ giấy thủ công ở nước ta trước đây đã sáng chế ra mấy chục loại giấy khác nhau. Chỉ riêng làng nghề giấy An Cốc (Hà Tây) đã làm ra 7 loại giấy dó: 1) Giấy phương; 2) Giấy trúc; 3) Giấy khay; 4) Giấy [để tạo] giấy sắc; 5) Giấy vua phê; 6) Giấy hành ri; 7) Giấy bìa.

Còn trên đất Thăng Long - Hà Nội trước đây, đã tồn tại và phát triển mạnh các làng nghề giấy rất lâu đời, nổi tiếng (chậm nhất cũng như từ đầu thế XV). Đó là các làng giấy Yên Thái (tức An Thái) và Đông Xã chuyên làm các thứ giấy dó tốt và quý, Nghĩa Đô chuyên làm giấy sắc, Triều Khúc làm giấy moi, giấy sề.

II. Đặc tính của giấy dó

Sở dĩ giấy dó, giấy sắc có khả năng trường tồn, vượt qua mọi thử thách của không gian, thời gian, tác nhân gây hại khác (nóng ẩm, côn trùng, mực in, v.v…), chỉ trừ khi bị cháy hoặc bị lũ lụt, ngâm nước lâu ngày - chính là nhờ ở đặc tính độc đáo và quí giá của nó.

1. Giấy dó xốp nhẹ, bền dai

a) Tính xốp nhẹ của giấy dó

Điều dễ nhận thấy là giấy dó thủ công rất nhẹ, xốp.

Khi cầm cuốn sách bằng giấy dó trên tay, bao giờ ta cũng thấy nó quá nhẹ, thường chỉ bằng nửa hoặc già nửa trọng lượng cuốn sách in bằng giấy hiện đại cùng số trang và khổ sách.

Dù là giấy dó lụa, trắng mịn không kém các loại giấy tốt nhất hiện nay (giấy hiện đại nhập ngoại), thì bao giờ chúng ta cũng dễ nhận ra độ xốp của nó.

Đặc tính nhẹ và xốp ấy của giấy dó chính là do nguyên liệu, cách chế biến, xử lý nguyên liệu và công nghệ sản xuất giấy theo truyền thống lâu đời của dân tộc ta tạo ra. Đó là:

Giấy dó làm từ vỏ cây dó, cũng như giấy dướng làm từ vỏ cây dướng. Điều này khác hẳn công nghệ sản xuất giấy hiện đại, bỏ vỏ cây, chỉ lấy thân gỗ làm bột giấy.

Người thợ giấy thủ công ngâm ủ, nấu, đãi nguyên liệu vỏ dó, vỏ dướng và đem giã dó bằng cối giã như giã gạo, hay giã bột bún, chứ không đem nghiền bột giấy như kỹ nghệ giấy hiện đại.

Bột dó ngâm trong bể xeo (tàu xeo) tạo thành nước hồ, mà thực chất là dung dịch xơ - nước rất mịn. Tuy mịn như bột, nhưng vẫn là xơ vỏ dó.

Khi xeo giấy, người thợ dùng liềm xeo (khuôn có mành trúc hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó, lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó khi kết thúc công đoạn ép, phơi, nén hay cán phẳng sau đó. Xơ só kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp. Vì xốp nên giấy rất nhẹ.

b) Tính bền dai của giấy dó

Giấy dó có đặc tính rất bền dai, một đặc tính cơ lý rất quý giá, quan trọng và có ý nghĩa lớn trong biệc bảo tồn lâu dài các di sản văn hoá thành văn của dân tộc và nhân loại.

Sở dĩ có đặc tính ấy, chính là do cấu trúc đặc biệt của giấy với nguyên liệu xơ sợi từ vỏ cây dó, vỏ cây dướng với phương pháp sản xuất thủ công giã dó và xeo giấy của các thế hệ thợ giấy trong các làng nghề giấy lâu đời.

Giấy dó có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp, không theo thứ tự sợi ngang, dọc như tấm lụa dệt, mà theo dạng chuyển động brao, đa chiều. Trong tất cả các kiểu cấu trúc, dạng cấu trúc đa chiều và nhiều lớp là một cấu trúc có ưu thế nhất về tính chịu lực và độ xốp cao của sản phẩm. Về mặt này, lối kết cấu từ dạng bột của sản phẩm giấy hiện đại là kém nhất, tuy mặt giấy có phẳng hơn.

2. Giấy dó dễ “cắn màu”, hút và thoát ẩm

Giấy dó do có đặc tính xốp, với cấu trúc dạng xơ sợi đa chiều nói trên, nên rất dễ “cắn” màu mực khi viết, khi in. Đồng thời, giấy dó cũng có khả năng hút ẩm (hơi nước) và thoát ẩm nhanh khi bị ẩm ướt.

Vì vậy, trải qua mấy trăm năm tồn tại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm và phương tiện bảo quản rất kém ở nước ta, sách và các tài liệu Hán - Nôm của chúng ta còn lại đến ngày nay vẫn còn rõ nét chữ, đa số tài liệu vẫn dễ đọc, ít bị mờ nét chữ và màu mực viết hoặc in như sách báo cũ bằng giấy công nghiệp hiện đại.

Từ kinh nghiệm và thực tế lịch sử đó, nhiều nhà nghiên cứu thư viện, lưu trữ, bảo quản, xuất bản và chuyên gia ngành giấy trên thế giới và ở Việt Nam đã khẳng định: giấy dó chính là vật liệu lý tưởng nhất để in sách báo, phục chế sách báo, tài liệu cổ.

Hơn nữa, gần đây, nhiều bảo tàng lớn ở Châu Âu đã nhận ra đặc tính và tác dụng hút ẩm của giấy dó. Người ta dùng giấy dó, bồi dày hoặc xếp lớp để sau các bức tranh, ảnh để chống ẩm, nhằm bảo quản lâu dài những kiệt tác của nhân loại.

3. Giấy dó cách nhiệt, thẩm âm tốt, nhưng dễ cháy kiệt

Cách nhiệt, cách âm, thẩm âm, dễ cháy kiệt - những đặc tính của giấy dó, vừa có ý nghĩa sử dụng, vừa có dấu hiệu cảnh báo (chủ yếu là phòng chống cháy).

Giấy dó xốp nhẹ, có nguồn gốc thực vật, quá trình sản xuất không dùng axit, chỉ dùng vôi (xút), nhưng nồng độ vôi sau khi ngâm đãi kỹ xơ bột đó thì chỉ còn tỉ lệ rất thấp trong giấy thành phẩm. Mực, màu để viết và in sách bằng giấy dó hoàn toàn bằng nguyên liệu thiên nhiên, ít độc hại và càng không có axit, nên giấy dó, sách bằng giấy dó không chứa các yếu tố gây hại sức khoẻ cho con người.

Tính dễ cháy, cháy kiệt của giấy dó cũng cảnh báo chúng ta chú ý cao độ việc phòng chống cháy đối với các kho tàng di sản văn hoá thành văn cổ, vô cùng quý hiếm hiện nay và sau này.

Người ta nhận ra khả năng cách âm, cách nhiệt của giấy dó và từ đó, đã tận dụng tối đa loại nguyên vật liệu này trong sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt cho phòng nghỉ, máy móc quan trọng, tinh xảo, cần độ chính xác cao. Người ta cũng dùng giấy dó để chế màng loa máy thu thanh, thu hình… bởi ưu thế thẩm âm cao, chuẩn xác của loại giấy này.

Những đặc tính và tác dụng nói trên của giấy dó chưa phải là đã hết, chúng tôi chỉ đề cập những nét cơ bản, nổi bật. Nhưng chỉ chừng ấy đặc trưng và giá trị thực tiễn sử dụng, giấy dó đã chứng tỏ tính hơn hẳn của nó so với các loại giấy hiện đại.

Giấy hiện đại, giấy công nghiệp ngày nay vô cùng đa dạng, nhiều loại giấy cao cấp đã đạt tới hình thức đẹp mê hồn, lại thích ứng cho mọi loại máy in, nhất là viết tay bằng bút sắt, bút bi các loại. Giấy dó thường thích hợp cho bản viết bút lông (kiểu Trung Quốc). Nhưng, xét trên nhiều mặt, giấy dó có ưu thế hơn hẳn các thứ giấy khác, có thể tồn tại song song với giấy công nghiệp, bổ sung và làm phong phú hơn loại hình giấy trong thời hiện đại ngày nay, cũng như sau này. Vấn đề là tạo ra thị trường giấy dó trong và ngoài nước cho việc tiêu thụ giấy dó của các làng nghề giấy thủ công cổ truyền, ví như chúng ta ban hành chính sách quy định: các sách tốt, sách di sản khi xuất bản, cần phải in một số bản nhất định bằng giấy dó để lưu trữ đời đời; hoặc quy định đầu tư cho phục chế sách cổ, sách và tài liệu quý hiếm còn lại trong cả nước, bằng giấy dó tại các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng lớn tập trung ở các thành phố lớn... Bên cạnh đó, chúng ta cần định hướng quy hoạch phát triển vùng cây dó nguyên liệu, cũng như khôi phục một số làng nghề giấy dó lâu đời, trước hết là các làng giấy dó ở Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh. Song song nhiệm vụ này, cần tư vấn cho thành phố, một số Bộ hữu quan nghiên cứu, soạn thảo các quy chế, chính sách bảo tồn, phát triển nghề giấy dó để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, trong đó có vấn đề tạo yêu cầu sử dụng giấy dó, quy hoạch vùng cây nguyên liệu, đào tạo thợ và truyền dạy nghề.

Trên cơ sở đó, chúng ta tiến hành nghiên cứu quy hoạch vùng cây dó, mà trước hết là bảo vệ một số vùng cây dó rừng, trồng mới cây dó đồng bằng ở một vài nơi, với diện tích và sản lượng vừa đủ đảm bảo cung cấp cho nhu cầu sản xuất của các làng nghề giấy.

Như vậy, chúng ta còn khôi phục và phát triển được một số làng nghề giấy dó lâu đời và những vùng cây nguyên liệu đã từng có ở nước ta./.

  • Tags: