Hỏi: Tôi là Lê Văn Đạt, công nhân xây dựng đang thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn tại Công ty Xây dựng công nghiệp ở Hà Nội, năm nay 57 tuổi, có thời gian thực tế làm việc trong doanh nghiệp nhà nước là 18 năm 7 tháng, có hệ số lương 3,05 (bậc 6, nhóm lương mức III A6 xây dựng cơ bản, phụ cấp khu vực 0,4, tiền lương tối thiểu là 290.000đ/tháng. Hiện nay, Công ty tôi đang tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp và tôi được xếp vào đối tượng lao động dôi dư. Như vậy là đúng hay sai ? Nếu tôi về nghỉ hưu trước tuổi thì tôi có bị thiệt thòi nhiều không ? Tôi sẽ được hưởng chế độ như thế nào theo chính sách hiện hành của Nhà nước ?
Trả lời: Trường hợp của Ông có thể được xếp vào đối tượng dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Theo Nghị định 41/2002/NĐ - CP và Thông tư 11/2002/TT - BLĐTBXH, ông thuộc đối tượng đóng tiếp bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi. Theo tiết d, khoản 3, điều 3, ông được giải quyết các chế độ sau:
Tiền lương cấp bậc và phụ cấp mỗi tháng:
290.000 x (3,05 +0,4) = 1.000.500 đ
- Tiền trợ cấp mất việc làm theo thời gian thực tế làm việc (Mỗi năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước được hưởng 1 tháng tiền lương cấp bậc và phục cấp đang hưởng):
1.000.500 x 18,7 tháng =18.709.350 đ
- Tiền trợ cấp thêm 1 tháng tiền lương cấp bậc đang hưởng cho mỗi năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước:
1.000.500 x 18,7 tháng =18.709.350 đ
- Tiền trợ cấp cố định một lần: 5.000.000 đ
- Tóm lại, khi về nghỉ, Ông được hưởng một khoản tiền tổng cộng là: 41.418.700 đ. Số tiền này sẽ do Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư của Nhà nước và doanh nghiệp trả, nhận tại doanh nghiệp ông đang làm việc.
- Ngoài ra, để được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, Ông còn phải tự đóng tiếp bảo hiểm xã hội với mức 15% tiền lương tháng trước khi nghỉ việc cho cơ quan Bảo hiểm xã hội tại nơi cư trú cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, với mức tiền hàng tháng là:
1.000.500 x 15% =150.075 đ
Hỏi: Người lao động ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, nếu vi phạm về quy định về thời hạn báo trước, thì ngoài việc phải bồi thường khoản tiền lương của những ngày không báo trước, hành vi này có bị coi là chấm dứt hợp đồng trái pháp luật không ?
Trường hợp lao động nữ có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ... trong thời gian đang mang thai, thì doanh nghiệp phải xử lý như thế nào ? (Nếu phải chờ đến khi con đủ 12 tháng tuổi, doanh nghiệp mới có quyền xử lý kỷ luật, thì trong quan hệ lao động sẽ phát sinh rất nhiều phức tạp).
(Một bạn đọc ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời: Vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Vụ Lao động - Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thì được trả lời:
Người lao động đơn phương chấm dứt hơp đồng lao động không đúng quy định tại Điều 37 của Bộ Luật Lao động, vi phạm về điều kiện chấm dứt hoặc về thời gian báo trước, thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường các khoản theo quy định của Luật Lao động.
Việc kéo dài thời gian xem xét, xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 33/2003/NĐ - CP ngày 2/4/2003 của Chính phủ, có sử đổi bổ sung một số điều quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.