Nhìn lại 30 năm
Có thể đánh giá, một trong những thành tựu nổi bật của thành phố Hồ Chí Minh sau 30 năm nhìn lại là việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách đầu tư chủ động và sáng tạo. Thành phố là nơi đi đầu trong cả nước về phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và là nơi thu hút được nhiều nhất vốn đầu tư nước ngoài. KCX Tân Thuận được báo chí nước ngoài đánh giá là một trong những KCX thành công trong khu vực châu á - Thái Bình Dương hiện nay. Nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư nước ngoài đã được cải tiến và đơn giản hóa. Cơ chế “một cửa, một dấu” đã được áp dụng tại các KCX và KCN rất được các nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh.
Tiếp xúc với phóng viên TCCN, ông Nguyễn Thái An – Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp – TTCN Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 6 thành tựu của ngành Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nổi bật từ sau 1975 đến nay bao gồm: Phát triển hàng hóa - Đổi mới công nghệ thiết bị từ thủ công cơ khí hóa và nay là kỹ thuật cao – Phát triển nhiều khu công nghiệp và nâng cấp hạ tầng giao thông – Phát triển lao động – Phát triển thị trường trong nước và ngoài nước.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng có trình độ cao và tiếp thu nhiều thành tựu kinh tế – khoa học – kỹ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới.
Tiếp tục tăng trưởng mạnh
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch và phát động phong trào thi đua ngành Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm 2005, ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp Thành phố: “Năm 2004 dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công nghiệp, lãnh đạo UBND Thành phố, sự phối hợp hỗ trợ của các Sở, Ngành, Quận, Huyện, sự nỗ lực của các doanh nghiệp... đã giúp cho ngành Công nghiệp Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng trên 15%, kim ngạch xuất khẩu tăng 17%, góp phần vào thành tích chung của Thành phố”.
Phương hướng nhiệm vụ năm 2005
Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Năm 2005, tuy các nhà doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn khi bước vào lộ trình thực hiện toàn diện cơ chế AFTA và Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ, do khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của các doanh nghiệp còn thấp, nhưng bước sang năm 2005, ngành Công nghiệp Thành phố sẽ có nhiều thuận lợi như năng lực và trình độ sản xuất của nhiều ngành gia tăng đáng kể, chất lượng sản phẩm nhiều mặt hàng được cải thiện, đáp ứng được thị trường trong và ngoài nước. Do đó giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 dự kiến sẽ tăng 15,3% so với năm 2004 và tốc độ kim ngạch xuất khẩu năm 2005 dự kiến sẽ tăng từ 17% trở lên.
Kiến nghị
Một số kiến nghị được Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra trong Hội nghị gồm:
- Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp.
- ứng dụng khoa học công nghệ nhằm từng bước hiện đại hóa ngành Công nghiệp bằng cách đẩy mạnh hoạt động đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của các ngành sản xuất, trong đó chú trọng các ngành sản xuất thực phẩm, thực hiện cam kết AFTA, các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp chế biến và công nghiệp xuất khẩu.
- Thành lập Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển công nghiệp và khuyến công để phát triển các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp như xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu công khai, trợ giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh.
Thống nhất quản lý ngành công nghiệp trên địa bàn đưa về Sở Công nghiệp và có qui chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong công tác quản lý công nghiệp trên địa bàn.
- Thành phố cần sớm thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để doanh nghiệp chủ động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
ý kiến chỉ đạo
Trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của toàn thể Đại biểu tham dự Hội nghị bao gồm đại diện Thành uỷ – UBND thành phố Hồ Chí Minh và Đại biểu các Sở Công nghiệp Đà Nẵng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước..., Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các doanh nghiệp và sự quan tâm nhiệt tình của lãnh đạo địa phương đã làm cho sức mạnh của ngành Công nghiệp Thành phố phát triển với nhiều cơ hội. Bộ trưởng Hoàng Trung Hải nhất trí với 10 giải pháp của Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Bộ trưởng chỉ đạo: “Với vai trò thiết yếu trong hội nhập kinh tế thế giới, Công nghiệp Thành phố cần tập trung đẩy mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế như: May Mặc, Giày Da, Công nghệ Thực phẩm,... Trong chuyển dịch cơ cấu, đòi hỏi những bước đi, những quá trình tiếp thu và chuẩn bị tốt, cần có chính sách đúng và nguồn nhân lực thích hợp với nền kinh tế thị trường”.