Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Hà Tĩnh có thế mạnh ở cả 3 vùng sinh thái: biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Nói đến tiềm năng để phát triển công nghiệp của tỉnh, trước hết phải nói đến mỏ quặng sắt Thạch Khê và sự phong phú đa dạng về TNKS. Mỏ quặng sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, hàm lượng sắt trên 60,8% là mỏ quặng có chất lượng tốt và lớn nhất Việt Nam. Ngoài quặng sắt, trên địa bàn còn titan, mangan, vàng, thiếc, than, nước khoáng, vật liệu xây dựng... Sa khoáng titan trữ lượng trên 5 triệu tấn, hàm lượng TiO2 trên 52% phân bổ dọc theo bờ biển từ Nghi Xuân vào đến Kỳ Anh; các sản phẩm sơ chế gồm Ilmenite, Zircon, Rutin... đang là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tỉnh trong mấy năm nay. Các loại khoáng sản còn lại đang được Tỉnh chỉ đạo tổ chức khai thác, chế biến ở qui mô phù hợp có hiệu quả.
Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, trữ lượng cá, tôm, mực vùng lộng hàng trăm ngàn tấn. Trên địa bàn tỉnh có 6 ngàn ha đất đầm bãi ven bờ, 12 ngàn ha ao hồ, mặt nước, Tỉnh đang tập trung chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản phục vụ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và phát huy ưu thế của sinh thái biển trong việc tổ chức các dịch vụ: tắm, nghỉ dưỡng, du lịch... Trên địa bàn tỉnh hiện có một số điểm du lịch, nghỉ dưỡng tốt như Thiên Cầm, Xuân Thành, Hoành Sơn, Chân Tiên...
Rừng và đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh có diện tích lớn (chiếm 41% diện tích đất tự nhiên), độ che phủ cao (>40%), có nhiều loại động thực vật quí hiếm, trữ lượng gỗ trên 2 triệu m3. Mấy năm gần đây, Tỉnh chỉ đạo tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển các loại cây lấy gỗ, thông, cao su, chè... phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn, bên kia là nước bạn Lào, trước mặt là biển Đông, trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam... là đầu mối của nhiều tuyến giao thông liên quốc gia: Quốc lộ 8A, quốc lộ 12A, cảng biển Vũng áng... Cảng biển nước sâu Vũng áng gắn với KCN Vũng áng, tàu tải trọng lớn (trên 5 vạn tấn) vào ra thuận lợi, Tỉnh đang tổ chức khai thác có hiệu quả. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương cộng với sự nỗ lực cố gắng của Tỉnh nên đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh đã phát triển đáng kể: 100% đường bộ Tỉnh quản lý, hệ thống đường liên thôn, liên xã cơ bản được rải nhựa, bê tông... 100% số xã, 97,8% số hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia, cơ sở vật chất của các ngành GD - ĐT, Y tế, VH, Bưu chính Viễn thông... đang từng bước được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trên địa bàn Tỉnh có một hệ thống lưới điện đồng bộ cả cao áp, trung áp và hạ áp với 1 TBT 3 x 145 MVA 500/220-110 KV, 1 TBT 125 MVA 220/110-35KV, 5TBT cân điện áp 110KV/35-22KV và hàng ngàn trạm biến thế khu vực, đảm bảo cấp điện liên tục, lâu dài cho phát triển KT - XH của Tỉnh và vùng.
Nắm chắc các điều kiện lợi thế trên, sau ngày tái lập tỉnh, ngoài việc tập trung XĐGN, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH từng bước được ổn định và cải thiện đời sống về mọi mặt cho nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã chú trọng đến việc khai thác tiềm năng phát triển Công nghiệp - TTCN (phải nói thêm, để có kết quả như hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã trải qua một thời gian hàng chục năm “gồng mình vượt cạn” để thoát khỏi cảnh: 22% hộ dân thuộc diện đói nghèo; các tuyến giao thông tỉnh quản lý không có một mét đường nhựa, cơ sở hạ tầng, Y tế, GD, VH - XH thấp kém, các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ bé, manh mún, lạc hậu vài thế hệ, hàng loạt HTX, làng nghề đóng cửa sau khi mất thị trường Đông Âu và Liên Xô cũ, công nhân bỏ XN chạy chợ kiếm sống từng ngày...). Qua các kỳ đại hội, Tỉnh Đảng bộ đều có Nghị quyết chuyên đề chỉ đạo phát triển: NQ 05 (Đại hội XIII), NQ 04 (Đại hội XIV), NQ 06 (Đại hội XV); HĐND, UBND Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho đầu tư phát triển (Chỉ thị 19, các Quyết định: 2323, 2380, 2632...), tổ chức nhiều diễn đàn thu hút đầu tư từ bên ngoài... nên tình hình CN - TTCN có chuyển biến tích cực: Giai đoạn 2001 - 2004 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21%, năm sau cao hơn năm trước và tăng dần trên cả 3 khu vực: QD, NQD, FDI. Năm 2003 tăng 20,9% so với 2002, năm 2004 tăng 26% so với 2003. Một số KCN cụm công nghiệp làng nghề được hình thành: KCN Vũng áng, KCN Gia Lách, cụm Công nghiệp Thị xã Hà Tĩnh, các cụm Công nghiệp, Làng nghề: Thái Yên, Trường Sơn (Đức Thọ), Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh), Thạch Đồng (TX Hà Tĩnh)... Nhiều dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến: Bia (CHLB Đức), chế biến đá (Italia), chế biến Zircon siêu mịn (Tây Ban Nha), chế biến thủy sản đông lạnh (Nhật Bản); 5 doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 - 2000, ISO 14001, HARC, EIC, một số sản phẩm đã được nhận giải Vàng ở các hội chợ quốc gia, quốc tế: Bia, nước khoáng, titan... Từ 2001 đến 2004 có 55 dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 1400 tỷ đồng. Hoạt động KHCN, sáng kiến làm lợi trong các doanh nghiệp sôi nổi, hiệu quả; đã có nhiều đóng góp trong tăng trưởng phát triển của ngành, có nhiều công trình mang lại giá trị làm lợi hàng tỷ đồng. Quan trọng hơn là hàng năm, ngành đã đóng góp gần 30% tổng thu Ngân sách nội tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 55.000 lao động (kể cả khu vực chuyên doanh và kiêm doanh).
Tuy vậy, do điểm xuất phát thấp, xa các trung tâm KT - TM lớn, nội thân nền kinh tế không đủ tạo nên các điều kiện có tính đột phá, nên đến nay, Hà Tĩnh vẫn nằm trong “TOP” 10 tỉnh nghèo nhất của cả nước. Kinh tế Công nghiệp chậm phát triển, tỷ trọng CN - XD trong GDP mới chiếm 20,26%, GTSXCN (tính theo giá CĐ 1994) chưa vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng, trong đó 90% là Giá trị SX Công nghiệp địa phương. Mỏ sắt Thạch Khê - tài sản vô giá thiên nhiên ban tặng cho nhân dân Hà Tĩnh nếu được triển khai sẽ tạo yếu tố đột phá của nền kinh tế Hà Tĩnh nói chung, Công nghiệp nói riêng, niềm mong đợi mòn mỏi gần 40 năm nay của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vẫn nằm yên trong lòng đất.
Đột phá khẩu đã mở, tranh thủ thời cơ, khai thác cao các nguồn lực, Hà Tĩnh quyết tâm vượt qua mọi thách thức, xây dựng một tỉnh có Công nghiệp phát triển.
Nghị quyết 39 NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị như một luồng sinh khí mới tiếp thêm sức sống mạnh mẽ cho các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và đối với Hà Tĩnh, sức mạnh được nhân lên gấp bội. Với quan điểm tập trung các nguồn lực và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, đưa KT - XH phát triển với tốc độ nhanh hơn so với bình quân cả nước, theo tinh thần chỉ đạo của TW, dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê gần khu luyện kim Vũng áng sẽ được triển khai; Cảng biển nước sâu Vũng áng sẽ được nâng cấp, mở rộng; Khu đô thị Vũng áng (Kỳ Anh) sẽ ra đời một số khu vực kinh tế quan trọng của Tỉnh gắn với vùng sẽ được hình thành, phát triển: Vinh - Bắc Hà Tĩnh, Vũng áng - Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình...
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê gắn với khu luyện kim Vũng áng có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển KT - XH của Hà Tĩnh và là Dự án thực sự có tính đột phá để tạo ra bước đi dài hơn, nhanh hơn cho ngành công nghiệp tỉnh nhà. Với sự tham gia của khu liên hợp mỏ luyện kim, sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh ở mức hai con số nguyên, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH - HĐH. Có khu liên hợp mỏ luyện kim sẽ kéo sự có mặt của các ngành công nghiệp sau thép và bên thép: đóng tàu, ô tô máy kéo, cơ khí chế tạo, cơ khí nông cụ, công nghiệp điện, hóa chất, dầu khí,... thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị, KCN, cụm công nghiệp ngành nghề nông thôn, các ngành hàng TM - DL - DV. Ngoài việc tạo việc làm cho gần 1,3 vạn lao động của dự án còn góp phần chuyển dịch một bộ phận lớn lao động nông nghiệp sang các ngành sản xuất, dịch vụ khác. Nếu tất cả diễn ra thuận chiều cộng với những gì Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã chắt chiu tạo dựng được trong nhiều năm qua, nhất định trong một tương lai gần, Hà Tĩnh sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp thép lớn nhất đất nước, một tỉnh có kinh tế phát triển.
Tuy vậy từ chủ trương đến hiện thực còn có khoảng cách, hơn nữa Dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê gắn với KCN luyện kim là một dự án có quy mô và vốn đầu tư rất lớn, kỹ thuật phức tạp, nên tiến độ triển khai nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào nguồn lực dự trữ tài chính quốc gia. Khả năng thu hút đầu tư từ bên ngoài, quyết tâm huy động nguồn lực tại chỗ của Tỉnh, cùng với sự chỉ đạo, tổ chức bước đi và những cơ chế chính sách đầu tư năng động, phù hợp từ Trung ương đến địa phương. Trước mắt, Tỉnh cần tập trung làm tốt các vấn đề sau đây:
Một là: Chủ động lập qui hoạch, bổ sung, điều chỉnh qui hoạch hiện có của các cơ sở công nghiệp của tỉnh phù hợp hướng chỉ đạo theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Qui hoạch đô thị, qui hoạch phát triển công nghiệp (các KCN, cụm công nghiệp làng nghề, ngành nghề nông thôn, hệ thống năng lượng, bưu chính viễn thông, nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, XK...). Phối hợp với các tỉnh lân cận (Nghệ An, Quảng Bình) hình thành qui hoạch phát triển công nghiệp liên tỉnh, vùng và cơ chế phối hợp đầu tư xây dựng, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển KT - XH, phát triển công nghiệp.
(Xem tiếp trang 36)
(Tiếp theo trang 34)
Hai là: Xác định rõ vai trò, vị trí của Tỉnh trong nhiệm vụ phát triển công nghiệp thép trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với ngành thép, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, kết hợp huy động năng lực tại chỗ, có kế hoạch triển khai dần một số dự án hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê và khu liên hợp luyện kim: Đường bộ từ mỏ đi về TX Hà Tĩnh; Tuyến đường sắt, đường bộ từ mỏ sắt Thạch Khê đến Khu liên hợp; Tuyến QL 12A từ QL 1A đến Cảng Vũng áng; Mở rộng Cảng Vũng áng; Dự án cấp điện, cấp nước cho khu vực mở và khu liên hợp; Dự án quy hoạch khu tái định cư. Trước mắt, chuẩn bị phương án giải phóng mặt bằng, qui hoạch khu tái định cư cho mỏ sắt Thạch Khê và nhà máy thép cán nóng 1,5 triệu tấn/năm. Nghiên cứu mạnh dạn tham gia và đề xuất với Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Tổng Công ty Thép Việt Nam có phương án, cơ chế huy động nguồn lực cho Dự án liên hợp mỏ - luyện kim với phương châm triển khai sớm, đồng bộ và hiệu quả.
Ba là: Hoàn thiện cơ chế chính sách khó khăn đầu tư đủ sức hấp dẫn, tăng cường cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, một cửa, tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế trên địa bàn để thu hút mạnh đầu tư trong những năm sắp tới.
Bốn là: Tiếp tục củng cố các cơ sở sản xuất hiện có dưới các hình thức đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, hợp tác liên doanh, liên kết; chuyển đổi hình thức sở hữu, quản lý để nâng cao hiệu quả trong SXKD đồng thời nghiên cứu đầu tư một số dự án mới mang tính đón đầu hoặc trực tiếp cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu hay dịch vụ cho ngành thép: sản xuất Feromangan, đá vôi, ô xy, chế biến thực phẩm rau quả, bánh kẹo, nước giải khát, du lịch, nghỉ dưỡng...
Năm là: Chủ động xây dựng qui hoạch và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp thép nói riêng trên cơ sở đầu tư, củng cố, mở rộng hệ thống các trường dạy nghề, cơ sở đào tạo đại học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Chủ động cung cấp nguồn lao động có chất lượng cao, cơ cấu đồng bộ và đảm bảo số lượng cho sự phát triển.
Con đường về đích còn nhiều gian nan, thách thức, nhưng với sự dồn sức của Trung ương và cả nước cho vùng và sự chia sẻ của cả nước cho Hà Tĩnh; Hà Tĩnh quyết tâm huy động tối đa mọi nguồn lực có thể khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để xây dựng một tỉnh công nghiệp phát triển.
Công nghiệp Hà Tĩnh - Thực trạng và triển vọng
TCCT
Tiềm năng lớn, quyết tâm bứt phá cao, nhưng điểm xuất phát thấp, nội thân nền kinh tế không đủ sức tạo ra yếu tố đột phá, nên đến nay Hà Tĩnh vẫn là tỉnh nghèo, công nghiệp chậm phát triển.