Trong bài viết này, chúng tôi muốn trình bày suy nghĩ bước đầu trong việc tìm hiểu thực trạng văn hoá quản lý Nhà nước đối với DNNN trên cơ sở kết quả khảo sát mẫu tại các khu vực phía Bắc và miền Trung, cụ thể là các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Với 225 phiếu trưng cầu đã thu được, sau khi xử lý đã cho kết quả rất bổ ích và thú vị.
Trước hết, với nội dung tìm hiểu về sự hiểu biết của đối tượng điều tra “thế nào là DNNN” thì có 73,3% những người được hỏi cho rằng, DNNN là những doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, hoặc là tổ chức kinh tế mà Nhà nước có cổ phần, góp vốn chi phối… Chỉ có 19,6% cho rằng, Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ.
Như vậy, những người trả lời đã hiểu đúng thực trạng về DNNN hiện nay.
Trong đó, những người có trình độ học vấn càng cao thì càng hiểu đúng vấn đề. Ví dụ, trong số những người trả lời đúng thì có tới 72,8% có trình độ đại học.
Vấn đề thứ hai mà chúng tôi đặt ra để tìm hiểu đó là đánh giá thực trạng hoạt động của DNNN trong giai đoạn hiện nay thông qua bảng dưới đây.
Qua bảng trên ta thấy, trong điều kiện hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp Nhà nước rất được quan tâm nhưng thực tế chỉ có 68.9% số người được hỏi trả lời là DNNN đã được đổi mới và nâng cao chất lượng. Đặc biệt có đến 43,1% số người được hỏi cho rằng, DNNN đang có nhiều yếu kém. Điều này đòi hỏi phải tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với các DNNN, nhất là vấn đề văn hoá quản lý cần phải được xem xét một cách thấu đáo như một yếu tố phi vật chất nhưng có thể mang lại những giá trị vật chất to lớn…
Để hiểu rõ thực trạng văn hoá quản lý Nhà nước đối với DNNN hiện nay, cần quan tâm đến một số nội dung đã được thực hiện trong quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp.
Theo kết quả điều tra, có 85,8% cho rằng “Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về DNNN”. Tỷ lệ này là cao, nhưng cần phải hiểu, thực tế vẫn còn tới 14,2% không thấy rõ điều này. Có nghĩa là, cần có sự rõ ràng, cụ thể hơn về việc ban hành các quy phạm pháp luật về DNNN. Đó là nguyện vọng không chỉ của các DNNN, mà còn là của dư luận xã hội nói chung.
Về nội dung “Nhà nước theo dõi và giám sát hoạt động kinh doanh của DNNN”, chỉ có 65,8% đồng ý. Theo chúng tôi, tỷ lệ này là thấp, có nghĩa là Nhà nước chưa làm tốt việc theo dõi và giám sát hoạt động kinh doanh của DNNN. Mặc dù nếu giám sát chặt chẽ hoạt động SX-KD của các doanh nghiệp, có thể dẫn đến hoạt động SX-KD của họ bị hạn chế. Tuy nhiên, qua số liệu trên, có thể thấy rằng, hoạt động của DN cần phải được thể chế hoá rõ ràng và có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Giai đoạn làm ăn theo kiểu “chụp, giật” lợi dụng kẽ hở của pháp luật hay sự lỏng lẻo trong quản lý đã qua rồi. Xã hội cần phải được xây dựng trên những giá trị văn minh, mà một trong những giá trị văn minh đó là “Sống làm việc theo hiến pháp, pháp luật”. Con người phải được sống trong một môi trường có trật tự, kỷ cương, có sự giám sát chặt chẽ của các thiết chế xã hội. Các DNNN cũng không thể không có sự giám sát, theo dõi chặt chẽ.
Một trong những nội dung đặt ra để nghiên cứu về văn hoá quản lý đối với DNNN là vấn đề “Nhà nước đã xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân lành nghề cho doanh nghiệp Nhà nước”. Rất tiếc chỉ có 59,1% đánh giá là tích cực. Qua đó có thể hiểu, một tỷ lệ không nhỏ đánh giá vấn đề này làm chưa tốt. Từ đây có thể thấy hiện trạng văn hoá quản lý hiện nay như thế nào. Bởi, cứ nói tới văn hoá, nói tới quản lý là nói tới con người cụ thể, đó chính là những con người thực thi nhiệm vụ ở các doanh nghiệp. Nếu vấn đề tổ chức, cán bộ chưa được quan tâm thì làm sao có thể có được một chuẩn mực văn hoá khi hành xử và thực thi công vụ. Tuy nhiên, nói như vậy có thể vẫn chỉ là suy luận đơn thuần. Để hiểu thêm và có nhận xét khách quan hơn, cần tìm hiểu vấn đề “Nhà nước đã tổ chức bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước” như thế nào? Kết quả thu được cho thấy, chỉ có 68% số người được hỏi đánh giá là có, 32% nói không. Có người nói, đây chỉ là những con số, nhưng chúng ta đều biết, thông qua những con số mà nhân loại hiểu ra rất nhiều điều. Vì vậy, từ những số liệu trên, chúng ta hiểu là cần phải làm gì và làm như thế nào về văn hoá quản lý Nhà nước với các DNNN hiện nay.
Có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, xin viện dẫn qua kết quả thăm dò, sự đánh giá của một số đối tượng được điều tra:
Từ kết quả trên cho thấy, “Các văn bản QLNN đối với DNNN phải thống nhất, khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa các văn bản” có đến 85,3% cho là quan trọng. Sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quản lý nhà nước hiện nay không phải là ít. Thậm chí các văn bản khi ban hành có thể dẫn đến sự đối đầu giữa quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Quyết định 2212/2005/ BTM về “Quy chế kinh doanh thép xây dựng” được Bộ Thương mại ban hành mới đây là một ví dụ.
Tiếp đến, 83,4% số người được hỏi có mong muốn là các văn bản Quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước phải dễ hiểu, chuẩn xác, khắc phục tình trạng từ ngữ không rõ ràng. Đây cũng là một tiêu chí hết sức quan trọng, bởi vì nếu văn bản không rõ ràng, chuẩn xác sẽ dẫn đến hiểu không đúng, hoặc cố tình biến báo để có lợi cho một bên nào đó, hoặc cố tình làm sai để rồi biện minh cho sự sai trái đó….
Riêng đối với đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với DNNN, có 64,1% số người được hỏi cho là cần được bồi dưỡng về văn hoá giao tiếp, ứng xử. Như vậy là vẫn còn một số lượng không ít các công chức hiện nay thể hiện sự yếu kém về văn hoá quản lý. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực quản lý Nhà nước đối với DNNN. Đặc biệt, còn có 73,7% cho rằng các công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với DNNN không được có những biểu hiện tiêu cực như sách nhiễu, nhận hối lộ. Như vậy, cũng có nghĩa là thực tế vẫn còn có những công chức khi thực thi công vụ vẫn còn sách nhiễu, gây khó khăn cho DN. Đây là thực tế đáng buồn, mặc dù tỉ lệ này không lớn, nhưng cũng không phải là hiếm.
Cuối cùng, là kết quả điều tra sự cần thiết phải xây dựng văn hoá quản lý Nhà nước đối với các DNNN, kết quả thu được như sau:
Như vậy là có đến 93,1 % những người được hỏi cho là cần và rất cần phải xây dựng văn hoá quản lý Nhà nước đối với DNNN. Các kết quả điều tra đã phần nào phản ảnh được thực trạng của văn hoá quản lý Nhà nước đối với các DNNN hiện nay.
Qua phân tích kết quả điều tra cho thấy, trong văn hoá quản lý Nhà nước đối với các DNNN đã có những mảng sáng nhất định cần tiếp tục và phát huy. Bên cạnh đó cũng còn có những mảng tối cần khắc phục để dần từng bước đưa văn hoá quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước trở thành một trong các yếu tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.