Tổng công ty Khoáng sản – TKV: Đầu tư đúng hướng, hiệu quả cao

Vài năm trở lại đây, tình hình sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty Khoáng sản – TKV đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện và nâng cao.

 Năm 2007, Tổng công ty có sự thay đổi lớn về nhân sự: Tổng giám đốc Trần Xuân Hòa được Nhà nước giao trọng trách Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), kế nhiệm là kỹ sư Đặng Thanh Hải, sinh năm 1966, là người kế tục chèo lái con tàu Tổng công ty Khoáng sản - TKV lập nên những thành quả mới trong sản xuất - kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

Phải nói rằng, năm 2006 là một bước ngoặt mới trong quá trình xây dựng và phát triển Tổng công ty Khoáng sản - TKV. Lần đầu tiên sau nhiều năm thăng trầm trong cơ chế thị trường để tìm hướng phát triển, Tổng công ty Khoáng sản đã hoàn thành kế hoạch với mức tăng trưởng 25% về giá trị tổng sản lượng, doanh thu tăng 96% so với năm 2005, lợi nhuận đạt hơn 300 tỷ đồng.

Bước sang thực hiện nhiệm vụ năm 2007, sau 2 năm gia nhập Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, phát huy những thành quả đạt được, vượt qua nhiều khó khăn như thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản còn phức tạp, thuế đất, thuế xuất khẩu khoáng sản, giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng, nhưng với sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên, sự đoàn kết nhất trí, theo phương châm “kỷ luật và đồng tâm”, Tổng công ty Khoáng sản đã hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất – kinh doanh với các chỉ tiêu chủ yếu sau: Giá trị tổng sản lượng đạt hơn 500 tỷ đồng, tăng 27%, doanh thu đạt hơn 2200 tỷ đồng, vượt 52%, nộp ngân sách nhà nước hơn 200 tỷ đồng, tăng 220%, lợi nhuận đạt hơn 400 tỷ đồng vượt 20% so với thực hiện năm 2006. Thu nhập bình quân của CBCNV toàn Tổng công ty đạt gần 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Có được những thành quả này, ngoài sự cố gắng của tập thể, cán bộ, công nhân, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Tổng công ty, sự hỗ trợ tạo điều kiện của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, phải kể đến chiến lược đầu tư phát triển đúng hướng của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam trước đây. Nhờ làm tốt công tác dự báo biến động thị trường, Tổng công ty đã khẩn trương triển khai và tập trung nguồn vốn, nhân lực để sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao như Dự án đầu tư tổ hợp đồng Sin Quyền, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng với công suất tuyển 40.000 tấn tinh quặng/năm, trong đó Nhà máy Mỏ tuyển đồng Sin Quyền đã được hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2006. Cho đến nay, sau hơn một năm vận hành, Nhà máy Tuyển tinh quặng đồng đã đạt công suất 42.000 tấn/năm, vượt 2.000 tấn so với công suất thiết kế. Điều đáng nói ở đây là, lúc lập dự án và đầu tư xây dựng, giá đồng trên thị trường thế giới mới ở mức 2.200 USD/tấn. Nhà máy được đưa vào vận hành đúng lúc giá đồng thế giới tăng với tốc độ phi mã và đã có lúc lên đến 7.500 USD/tấn, từ đó cho thấy hiệu quả đầu tư của dự án này là rất lớn.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư cho dự án này là 235 tỷ đồng, công suất thiết kế 10.000 tấn kẽm/năm. Sau khi tiến hành một số giải pháp quan trọng, đảm bảo môi trường sản xuất, cuối năm 2006, Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động và đến nay đã đạt công suất 8.000 tấn kẽm/năm. Đồng thời với việc đưa Nhà máy Kẽm Điện phân Thái Nguyên vào vận hành thì giá kẽm trên thế giới cũng liên tục gia tăng. Vào thời điểm đầu tư xây dựng giá kẽm thế giới mới ở mức 1.200 USD/tấn, sau đó, giá kẽm đã có lúc lên tới 3500 USD/tấn, hiện nay giá kẽm thế giới đang đứng ở mức 2300 USD/tấn.

Việc đưa những dự án đầu tư trên vào hoạt động đã làm thay đổi diện mạo của Tổng công ty Khoáng sản - TKV. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty đã bắt đầu có lãi, năm sau cao hơn năm trước, đời sống cán bộ công nhân không ngừng được cải thiện. Vai trò, vị thế của Tổng công ty Khoáng sản - TKV ngày càng được khẳng định một cách vững chắc trong cơ chế thị trường.

Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2008 - 2010, Tổng công ty tiếp tục đầu tư vào một số dự án trọng điểm, như: Khu liên hợp gang thép Cao Bằng, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, công suất 220.000 tấn phôi thép/năm; Nhà máy Xi măng Tân Quang, Tuyên Quang, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng với công suất 1 triệu tấn xi măng/năm; Nhà máy kéo dây đồng, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, mở rộng khai thác và nâng cao công suất Tổ hợp đồng Sin Quyền, công suất 80.000 tấn tinh quặng/năm; mở rộng, nâng công suất mỏ sắt Nà Lũng công suất 350.000 T/năm, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Đảm bảo đến năm 2010, tổng doanh thu của Tổng công ty đạt trên 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 500 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/ người/tháng.

Với một chiến lược đầu tư đúng hướng, tập trung và có chọn lọc, khi các dự án hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ góp phần quan trọng đưa Tổng công ty Khoáng sản - TKV lên một tầm cao mới. Cùng với các giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các mặt quản lý, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo an toàn lao động gắn với bảo vệ môi trường, chắc chắn trong những năm tới, Tổng công ty Khoáng sản -TKV ngày càng phát triển ổn định và bền vững.

  • Tags: