Năm 2002, giá nguyên vật liệu điện, nước, gas, than đều tăng rất nhiều, trong khi các sản phẩm của Công ty Sứ Hải Dương buộc phải giảm giá từ 5-10% do sức mua của thị trường giảm. Bên cạnh đó, hàng nhập lậu trốn thuế của Trung Quốc vẫn đang cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của Công ty. Dù vậy, ước tính năm 2002, doanh thu của Công ty vẫn tăng 18% so với năm 2001. Tỉ trọng hàng cao cấp chiếm 15-17%. Chất lượng sứ đang dần được nâng lên, trắng và nhẹ, nước men mịn và bóng, hoa văn đều, đẹp. Đặc biệt, năm nay Công ty đẩy mạnh công tác xuất khẩu với mức tăng hơn 77% so với năm 2001. Khách hàng chủ yếu vẫn là các nước châu Âu. Riêng thị trường Nhật Bản vẫn ưa chuộng các sản phẩm làm theo phương thức thủ công.

Triển khai dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA của Trung Quốc, Công ty Sứ Hải Dương đã trang bị thêm hệ thống in đề can, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu này không phải nhập ngoại. Mẫu hoa được thiết kế trên máy vi tính, sau đó in thành đề can rồi trang trí trên sản phẩm sứ. Phương pháp này đã làm năng suất lao động tăng gấp 30 lần, chất lượng sản phẩm lại cao hơn, do đường nét đều, đẹp, mẫu hoa lại đa dạng, phong phú.

Nói về khả năng hội nhập của Công ty trong thời gian tới, Giám đốc Công ty - ông Hà Thế Quang nói: Hiện tại, giá sản phẩm sứ của các nước Đông Nam á còn cao so với các sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước, nên tính chất cạnh tranh không khốc liệt lắm. Nhưng đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất lại là Trung Quốc. Bằng nhiều con đường, các sản phẩm sứ của Trung Quốc đang có mặt tại thị trường Việt Nam với giá rất rẻ. Mỗi năm, hàng Trung Quốc có thể giảm từ 10-15% giá, nên việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty vẫn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.

 

  • Tags: