Tóm tắt:
Bài viết đề cập một cách khái quát nhất về tài phán hành chính từ khi giành độc lập năm 1945 cho đến nay, nội dung chủ yếu của tài phán hành chính đề cập đến đối tượng khiếu kiện là các quyết định hành chính, hành vi hành chính và các cơ chế giải quyết của Tòa án.
Từ khóa: tài phán hành chính, Việt Nam, năm 1945.
1. Tài phán hành chính Việt Nam giai đoạn trước năm 1996
1.1. Giai đoạn 1945 - 1975
Sau khi giành được độc lập năm 1945, nước Việt Nam non trẻ vừa mới ra đời lại phải đương đầu với các âm mưu xâm lược và can thiệp của Pháp và Mỹ, phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm sau đó. Thời kỳ này, đất nước tạm thời bị chia làm 2 vùng lãnh thổ miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa). Sau khi đất nước bị chia cắt, 2 chế độ chính trị pháp lý khác nhau đã dẫn đến hoạt động tài phán hành chính cũng có sự phát triển khác nhau[1].
1.1.1. Tài phán hành chính ở miền Bắc Việt Nam
Ngay từ những ngày đầu tiên giành được độc lập và thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đặt nền tảng pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp hành chính nói chung và phương thức giải quyết khiếu nại hành chính nói riêng. Tại Điều 2 của Sắc lệnh này, Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền: nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát;... Quy định này cho thấy, Nhà nước dân chủ kiểu mới sau khi thành lập đã thể hiện sự thừa nhận quyền phản kháng các quyết định hành chính bất hợp pháp được ban hành bởi cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân và Chính phủ.
Ngày 9/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai thông qua. Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn của chính quyền nhân dân non trẻ, Hiến pháp năm 1946 thực sự là công cụ đặc biệt quan trọng và có hiệu lực nhất để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thực hiện quyền lực nhân dân. Lần đầu tiên các quyền tự do dân chủ của người dân được ghi nhận và đảm bảo, thông qua các quy định cụ thể về quyền cơ bản của công dân trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và tự do cá nhân như quyền tham gia chính quyền và công dân kiến quốc (Điều 7), quyền bầu cử và ứng cử (Điều 18), quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài (Điều 10),... Phần lớn nội dung của Hiến pháp năm 1946 quy định về cơ cấu bộ máy nhà nước nhằm xác định trách nhiệm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, trong đó có quy định cơ quan tư pháp là Tòa án nhân dân, có chức năng bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Sau khi Hiến pháp năm 1946 ra đời, mặc dù không có văn bản nào chính thức thành lập cơ quan tài phán hành chính ở miền Bắc Việt Nam nhưng Luật Thuế trực thu ban hành theo Sắc lệnh ngày 18/6/1949, tại Điều 120 có quy định: Người phải nộp thuế nếu không đồng ý với thuế suất áp dụng cho mình thì sau khi đã khiếu nại đến Ty thuế có quyền “khiếu nại trước Tòa án hành chính”[2]. Điều này cho thấy, Nhà nước ta đã thừa nhận sự tồn tại của tranh chấp hành chính cũng như vai trò của tài phán hành chính. Cũng theo quy định tại Sắc lệnh này, một hội đồng tối cao Thuế trực thu được thành lập để xét xử các việc tố tụng về thuế trực thu trong khi chờ đợi tòa hành chính thành lập. Như vậy, trong giai đoạn này, mặc dù Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận sự tồn tại của tranh chấp hành chính và bước đầu có cơ chế giải quyết nhưng chưa hình thành cơ quan tài phán hành chính độc lập.
1.1.2. Tài phán hành chính ở miền Nam Việt Nam
Miền Nam Việt Nam với chế độ chính trị khác với miền Bắc Việt Nam từ năm 1950 đến năm 1954 tồn tại 3 hệ thống tài phán hành chính:
Một là, hệ thống hỗn hợp pháp viện bao gồm 2 cơ quan, tòa án hành chính hỗn hợp đặt tại Đà Lạt và Ủy ban thượng thẩm hỗn hợp đặt cạnh Tham chính viện Pháp. Hai tổ chức này được thành lập theo Nghị định thư ngày 17/6/1950 của Cao ủy Pháp tại Đông Dương và Quốc trưởng Việt Nam.
Hai là, hệ thống tài phán Việt Nam, gồm có Tòa án hành chính và Ban hành chính tối cao pháp viện được thành lập do Pháp lệnh số 5 ngày 18/10/1949 và Pháp lệnh số 2 ngày 5/1/1950.
Ba là, hệ thống pháp đình hành chính Pháp.
Ba hệ thống tài phán trên có thẩm quyền xét xử các tranh chấp hành chính tại Việt Nam. Thời kỳ xét xử các tranh chấp hành chính bởi 3 hệ thống này kết thúc bởi Hiệp ước tư pháp ngày 16/9/1954 được kí giữa Chính phủ Pháp và Việt Nam.
Đến thời kỳ 1954-1975, tại miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn thành lập tòa hành chính theo Pháp lệnh số 2 (5/1/1950) và được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 36 (8/11/1954); Tham chính viện được thành lập do Pháp lệnh số 38 (9/11/1954); Tối cao viện pháp được thành lập theo Hiến pháp năm 1967 tại các điều 80, 83. Ba cơ quan tài phán này có quyền tài phán hành chính trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Các cơ quan tài phán hành chính tạo thành một hệ thống tài phán hành chính và được thành lập theo cấp xét xử[3].
Nhìn chung, ở miền Nam Việt Nam, hệ thống tài phán hành chính thời kì này (1954-1975) về cơ cấu tổ chức đầy đủ hơn, thẩm quyền được mở rộng hơn, cụ thể tập trung vào xét xử sơ thẩm, chung thẩm và tranh tụng liên quan đến hành vi của công chức trong chính quyền. Hoạt động của các tổ chức này tồn tại cho đến trước ngày 30/4/1975.
1.2. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1995
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng pháp lý của nhà nước Xô Viết - không ủng hộ việc thành lập mô hình tài phán hành chính độc lập. Do vậy, trong một thời gian dài ở Việt Nam không thiết lập mô hình tài phán hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động giải quyết các tranh chấp hành chính vẫn được tiến hành bởi hệ thống tòa án tư pháp. Theo Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định rằng: “Khi có khiếu nại cơ quan hộ tịch từ chối việc đăng ký hộ tịch thì tòa án cấp huyện nơi có trụ sở của cơ quan hộ tịch bị khiếu nại đứng ra giải quyết. Nếu có đủ căn cứ pháp lý để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn thì Tòa án xác định bị đơn của việc kiện là cơ quan hộ tịch và ra bản án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn”. Ngoài ra, tòa dân sự còn giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất của cả khu đất và trên đó có nhà ở, vật kiến trúc hoặc cây lâu năm đang có tranh chấp. Trong trường hợp giải quyết các tranh chấp này, Tòa án xem xét tính hợp pháp và bãi bỏ những quyết định do cơ quan hành chính ban hành như Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyết định về sở hữu nhà ở[4]. Đến Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, tại Điều 12 quy định: “Khi xét xử vụ án dân sự, tòa án có quyền hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Điều này cho thấy, đã có việc giải quyết một số tranh chấp hành chính bằng tòa án tư pháp (tòa dân sự) tại thời điểm chưa có tòa hành chính.
Ngoài những trường hợp đã đề cập, theo Quyết định số 10/HĐBT ngày 14/1/1985 của Hội đồng Bộ trưởng, một số quyết định hành chính do cơ quan hành chính ban hành để xử lí buộc thôi việc đối với công nhân, viên chức, quyết định buộc bồi thường phí tổn cho Nhà nước đối với học sinh học nghề trong nước, học sinh học nghề hoặc giáo viên dạy nghề và thực tập sinh ở nước ngoài vì bị thi hành kỉ luật cũng do Tòa án thụ lí và giải quyết theo thủ tục dân sự[5]. Dưới góc độ lịch sử, tài phán hình sự, dân sự thường xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với tài phán hành chính. Điều này cho thấy đối tượng xét xử của Tòa án ban đầu chỉ là các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân công dân mà chưa xem xét đến hành vi vi phạm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thông qua hoạt động quản lý hành chính. Vì vậy, tài phán hành chính được thiết lập ở giai đoạn sau này là một tất yếu trong xã hội, là một xu hướng chung của các quốc gia, trong đó có Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, hoạt động tài phán hành chính xuất hiện thông qua những quy định rải rác trong các văn bản pháp luật ở mức độ khác nhau mà chưa có một nguyên tắc tổng quát thừa nhận hoạt động tài phán hành chính với tư cách là một nhánh độc lập và hoạt động đó cũng nằm trong khuôn khổ và áp dụng trình tự, thủ tục dân sự mà thôi[6]. Chỉ đến những năm 1990, vấn đề thành lập cơ quan tài phán hành chính để giải quyết tranh chấp hành chính mới được đề cập trong tiến trình dân chủ và cải cách hành chính nhà nước.
2. Tài phán hành chính Việt Nam giai đoạn 1996 - 2010
Trong công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia nói riêng và xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung, Tòa án có vai trò đảm bảo một trong những giá trị quan trọng của nhà nước pháp quyền: tất cả các hành vi có dấu hiệu vi phạm phạm luật cần phải được xét xử bởi Tòa án. Trên tinh thần đó, tài phán hành chính được hiểu “là hoạt động xét xử các tranh chấp hành chính giữa công quyền với công dân, cơ quan, tổ chức do cơ quan tài phán của nhà nước thực hiện theo trình tự tố tụng nhất định được pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước”.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, ngày 28/10/1995, tại kì họp thứ 8, Quốc hội Khóa IX đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân, trong đó quy định Tòa án nhân dân có chức năng xét xử những vụ án hành chính và thành lập tòa hành chính trong Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án nhân dân cấp tỉnh. Kể từ ngày 01/7/1996, phương thức giải quyết tranh chấp hành chính tại Tòa án nhân dân đã chính thức được thiết lập nhằm bảo đảm quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hành chính của cá nhân, tổ chức khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm bởi việc ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính của chủ thể có thẩm quyền trong quản lý hành chính nhà nước.
Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính ban hành ngày 21/5/1996 (sửa đổi bổ sung năm 1998 và 2006) quy định quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc đối tượng xét xử của tòa hành chính được xác định dựa trên phương pháp liệt kê. Theo đó, chỉ những quyết định hành chính, hành vi hành chính nào được quy định cụ thể trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính, hay một văn bản pháp luật cụ thể nào đó bị cá nhân, tổ chức, khiếu kiện thì tòa hành chính mới có quyền thụ lí giải quyết[7]. Ngoài các vụ việc được quy định cụ thể từ khoản 1 đến khoản 21 Điều 11 của Pháp lệnh, thì thẩm quyền của tòa hành chính còn được quy định trong các văn bản pháp luật khác[8]. Phương pháp này có ưu điểm khá rõ ràng, để các bên nhận biết được tình huống khởi kiện có được Tòa án thụ lý hay không. Về phía Tòa án, trong giai đoạn đầu tiên mới thành lập tòa hành chính, mặt chuyên môn của Thẩm phán, tổ chức của Tòa án còn chưa được hoàn thiện nên việc sử dụng phương pháp liệt kê các trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án là phù hợp. Bên cạnh đó, việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính giữa tòa án nhân dân các cấp thời kì này là hoàn toàn phù hợp với năng lực xét xử của thẩm phán và tòa án các cấp, tránh được chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức được bảo vệ kịp thời[9].
Trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2010, sự ra đời và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính (tòa hành chính) đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp hành chính, đồng thời có sự phân định giữa việc giải quyết tranh chấp hành chính theo con đường tố tụng hành chính do tòa án đảm nhận và cơ chế tự kiểm soát thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo do chính cơ quan hành chính tiến hành. Tòa hành chính ra đời với những nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo trình tự tố tụng riêng biệt là cơ sở vững chắc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân. Mặc dù vậy, việc giải quyết các vụ án hành chính là hết sức phức tạp, xuất phát từ đặc thù của mối quan hệ pháp luật hành chính, cần phải tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức, hoạt động để tòa hành chính đáp ứng được yêu cầu trong thời kì đổi mới, phù hợp với xu hướng cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
3. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay
Năm 2010 đánh dấu một bước hoàn thiện mới về thiết chế tài phán hành chính. Đó là sự kiện Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được ban hành năm 1996 (sửa đổi bổ sung các năm 1998, 2006) được thay thế bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn là: Luật Tố tụng hành chính. Đến năm 2013, khi bản Hiến pháp hiện hành của Việt Nam được ban hành, trong đó đặc biệt chú trọng việc ghi nhận, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì việc quy định lại về các văn bản tố tụng (trong đó có tố tụng hành chính) để phù hợp là rất cần thiết. Do vậy, năm 2015, cùng với một số đạo luật tố tụng khác, Luật Tố tụng hành chính ra đời thay thế cho Luật Tố tụng hành chính năm 2010 với những quy định hoàn thiện hơn về việc giải quyết tranh chấp hành chính tại Tòa án nhân dân.
Trong quy định của Luật Tố tụng hành chính (năm 2010 và năm 2015), đối tượng khởi kiện vụ án hành chính đã được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định theo hướng liệt kê trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây. Theo đó, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức[10]; tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước thỏa mãn điều kiện tại khoản 1, khoản 2 (đối với quyết định hành chính) và khoản 3, khoản 4 (đối với hành vi hành chính) Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Như vậy, quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan công quyền luôn tiềm ẩn khả năng trở thành đối tượng xét xử của Tòa án, bằng một vụ án hành chính. Cùng với việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân, những quy định của Luật Tố tụng hành chính về trình tự, thủ tục tố tụng ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn như quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, chứng minh và chứng cứ, thủ tục đối thoại, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính,...; đảm bảo việc giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật. Qua đó, ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết về nhân quyền.
Thực tế áp dụng Luật Tố tụng hành chính (năm 2010, 2015) khẳng định“các khiếu kiện vụ án hành chính hiện nay chủ yếu là khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai”[11]. Điều đó cho thấy sự quan tâm bậc nhất của người dân là quyền sử dụng đất đai bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước; và người dân thông qua việc xét xử của Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án chỉ thụ lý những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính khi mà những quyết định, hành vi này ảnh hưởng trực tiếp tới chủ thể có quyền khởi kiện.
4. Kết luận
Trên đây là một số nghiên cứu về tài phán hành chính ở Việt Nam từ khi giành độc lập năm 1945 đến nay. Nghiên cứu đã thể hiện quá trình hình thành và phát triển của tài phán hành chính ở Việt Nam dưới góc độ xét xử của Tòa án đối với các tranh chấp hành chính. Mặc dù so với các nước trên thế giới, tài phán hành chính xuất hiện ở Việt Nam khá muộn, nhưng với sự quyết tâm xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, nhà nước Việt Nam đã liên tục có sự điều chỉnh thích hợp để tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý hành chính, mở rộng phạm vi xét xử các khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân, tạo sự khách quan, công bằng trong quan hệ pháp luật tố tụng hành chính. Đây là một trong những biểu hiện của dân chủ, đồng thời góp phần xây dựng một nhà nước Việt Nam thực sự của dân, do dân và vì dân.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam, (2012), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.30.
2 Điều 120 Luật Thuế trực thu ban hành theo Sắc lệnh số 49/SL ngày 18/6/1949.
3 Thanh tra nhà nước (1992 - 2002), Một số vấn đề về tài phán hành chính của chính quyền Sài Gòn và đề xuất mô hình tài phán hành chính ở Việt Nam - Kỷ yếu nghiên cứu khoa học thanh tra, tr.132.
4 Mục IV, V Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/10/1990 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.
5 Điều 1 Quyết định số 10/HĐBT ngày 14/01/1985 quyết định về việc chuyển Tòa án nhân dân xét xử những việc tranh chấp trong lao động.
6 Vũ Thư, Các mô hình tài phán hành chính và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, tài liệu Hội thảo Tài phán hành chính trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế vở Việt Nam ngày 14,15/6/2010.
7 Điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi, bổ sung các năm 1998, 2006) liệt kê 22 nhóm việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa hành chính.
8 Khoản 22 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm 1998, 2006)
9 Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm 1998, 2006)
10 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
11 Vũ Quang Huy (2019). Giải quyết án kiện hành chính rất cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người bị kiện. Truy cập tại: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/giai-quyet-an-kien-hanh-chinh-can-su-tham-gia-tich-cuc-cua-nguoi-bi-kien-75172.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Vũ Quang Huy (2019). Giải quyết án kiện hành chính rất cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người bị kiện. Truy cập tại: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/giai-quyet-an-kien-hanh-chinh-can-su-tham-gia-tich-cuc-cua-nguoi-bi-kien-75172.html
- Vũ Thư (2010). Các mô hình tài phán hành chính và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Tài liệu Hội thảo Tài phán hành chính trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, ngày 14, 15/6/2010.
- Thanh tra Nhà nước (1992 - 2002). Một số vấn đề về tài phán hành chính của chính quyền Sài Gòn và đề xuất mô hình tài phán hành chính ở Việt Nam. Kỷ yếu nghiên cứu khoa học thanh tra.
- Đại học Quốc gia Hà Nội (2012). Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
A JUDICIAL REVIEW OF ADMINISTRATIVE ACTION SINCE THE INDEPENDENCE OF VIETNAM IN 1945
Ph.D student HA THI HANG
Hanoi Procuratorate University
Abstract:
This paper presents a judicial review of administrative action since the independence of Vietnam in 1945. The paper focuses on the object of the complaint are administrative decisions, acts and settlement mechanisms of courts.
Keywords: judicial review of administrative actions, Vietnam, 1945.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]