Tăng cường đổi mới sáng tạo tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh (Trường Đại học Mỏ - Địa chất)

Tóm tắt:

Trong những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thường xuyên quan tâm đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, kết quả qua việc đầu tư đổi mới công nghệ trong ngành khai thác than và khoáng sản đã góp phần tăng sản lượng khai thác bình quân 14%/năm; tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10% lên 80% trong những năm qua [7]. Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, cũng như kế hoạch phát triển trong những năm tiếp theo thì TKV cần triển khai nhiều giải pháp để tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo như xây dựng chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than, khoáng sản, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững; đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong nghiên cứu và phát triển; xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu, chỉ số đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp thuộc và trực thuộc TKV; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; áp dụng thí điểm quy định định mức sàn chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong tổng chi phí, giá thành của doanh nghiệp,... Vì vậy, bài viết này tập trung đi sâu vào bàn về các giải pháp tăng cường đổi mới sáng tạo tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Từ khóa: đổi mới sáng tạo, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

1. Khái niệm đổi mới sáng tạo

Theo OECD (2018), đổi mới sáng tạo là một sản phẩm hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến (hoặc sự kết hợp giữa các vấn đề trên) có sự khác biệt đáng kể với các sản phẩm hoặc quy trình trước đây của đơn vị và đã được cung cấp cho khách hàng tiềm năng hoặc đã có đơn vị sử dụng [1]. Theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (sửa đổi, bổ sung 2018), đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa [2]. Mặc dù có nhiều định nghĩa được các nhà nghiên cứu, tổ chức đề xuất, mỗi định nghĩa khai thác những khía cạnh (quá trình đổi mới sáng tạo hoặc kết quả đổi mới sáng tạo) hay những thuộc tính khác nhau của đổi mới sáng tạo, nhưng những định nghĩa này đều có những điểm chung là "tính mới" trong quá trình, hoạt động hay kết quả [4]. Như vậy, trong các định nghĩa về đổi mới sáng tạo của các nhà nghiên cứu, tổ chức trong nước và quốc tế thì khái niệm đổi mới sáng tạo theo Luật Khoa học và Công nghệ là khái quát nhất, thuận lợi cho việc đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

2. Thực trạng hoạt động đổi mới sáng tạo tại Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong những năm gần đây đã tích cực đổi mới sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, 66 đơn vị thuộc TKV đã thi đua, đóng góp 4.032 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động, nhiều đơn vị đã tiên phong ứng dụng các sáng kiến về công nghệ thông tin để từng bước hiện đại hóa công tác điều hành sản xuất. Một số sáng kiến đổi mới sáng tạo điển hình như sau [7, 10, 11, 12]:

+ Công ty cổ phần Than Mông Dương đã đưa hệ thống thiết bị cơ giới hóa hạng nhẹ đầu tiên của TKV vào thi công, lắp đặt, với quy mô gồm: 96 giàn chống thủy lực, hệ thống máy khấu, máng cào và băng tải vận chuyển than. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ của Than Mông Dương đã vượt công suất thiết kế. Tính từ tháng 6/2020 đến nay, sản lượng than nguyên khai của lò chợ đạt 304.000 tấn/năm; năng suất lao động trực tiếp đạt từ 18,8-25,6 tấn/công, trung bình đạt 22,2 tấn/công.

+ Công ty Than Nam Mẫu đã đưa xe khoan ZCY-60 hai choòng, sử dụng khí nén vào đào lò. Đây là thiết bị đào lò cải tiến từ máy xúc cũ đã hết khấu hao hoạt động. Xe được thiết kế 2 choòng khoan, mỗi mũi khoan đạt năng suất 0,72m/phút, chiều sâu mũi khoan 1.900mm, góc quay 45 độ, tiến độ đào lò trung bình đạt 3,2m/ngày. Với những tính năng như vậy, thiết bị này phù hợp làm việc ở những gương lò có tiết diện lớn,… Việc phát động phong trào đổi mới sáng tạo đã góp phần đào tạo nên một đội ngũ cán bộ công nhân giỏi tay nghề, hiểu và yêu công việc. Công ty đã có 105 sáng kiến, trong đó, có một số sáng kiến tiêu biểu như: Sáng kiến khai thông đào lò thượng trụ mức -50 đến +30, các lò nối vỉa trụ 7 khấu tận thu khu vực lò chợ I-7-30, lò chợ I-7-31 qua lò thượng vỉa trụ 7 mức -40 đến +25, số sáng kiến này đã làm lợi gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, sáng kiến khai thông lò chợ vỉa 6 mức +120 đến +130 để tận thu triệt để tài nguyên, giảm tổn thất than cũng đã làm lợi gần 800 triệu đồng. Hay sáng kiến đào lò thượng rút ngắn được 60m lò, không phải lắp đặt thêm 1 bộ máng cào vận tải và đã rút ngắn được thời gian bục lò thượng lên khu vực lò XV +125 khi đường lò thi công trong điều kiện đi lại, vận chuyển vật tư rất khó khăn, làm lợi trên 500 triệu đồng.

+ Công ty cổ phần Than Vàng Danh áp dụng hai hệ thống cơ giới hóa đào lò bằng máy combai EBH-45 vẫn đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Đây là máy đào lò thế hệ mới, được thiết kế đa chức năng, phù hợp với sản xuất của mỏ hầm lò và tiết giảm được nhiều chi phí. Tính toán trên giá thành 1m lò đào mới, công ty tiết kiệm được 1,5 triệu đồng. Chi phí này được tái đầu tư sản xuất, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

+ Công ty cổ phần Than Đèo Nai triển khai ứng dụng phần mềm nhật lệnh trực tuyến qua đó việc viết sổ nhật lệnh thủ công trước đây của Công ty được thay thế hoàn toàn bằng phần mềm công nghệ. Theo đó, toàn bộ nội dung nhận lệnh sẽ được xử lý trên phần mềm, chuyển đến từng lao động. Đầu ca, công nhân sẽ dùng điện thoại thông minh xem và xác nhận nhật lệnh. Phiếu nhật lệnh đầy đủ nội dung công việc, dự báo các nguy cơ mất an toàn, biện pháp thực hiện,... Nhờ vậy, các công trường, phân xưởng của Công ty có thể triển khai công việc mà không cần phải tập trung đông người. Công ty cổ phần Than Đèo Nai được đánh giá là điểm sáng trong phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh của TKV với việc áp dụng 350 sáng kiến vào sản xuất, trong đó có 34 dự án, đề tài về tin học hóa, tự động hóa trong giai đoạn 2017-2020.

+ Công ty Tuyển than Cửa Ông đã phát động cán bộ công nhân viên nghiên cứu sáng tạo, phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất máy móc, thiết bị. Nhờ đó, trong 5 năm qua, Công ty đã có 570 sáng kiến cấp công ty, 186 sáng kiến cấp phân xưởng với giá trị làm lợi ước đạt trên 32 tỷ đồng. Ngoài ra, xây dựng và đưa các phần mềm, như: quản lý vật tư, kế toán, cơ điện vận tải; quản lý, vận hành cân tàu hỏa động; phần mềm giám sát lưu chuyển dòng than của TKV; phần mềm cấp phát nhiên liệu tự động cho thiết bị cơ giới vào phục vụ công tác quản lý và điều hành sản xuất,...

TKV không ngừng triển khai công nghệ mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng cải tạo các mỏ than, các mỏ khoáng sản theo hướng “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao” để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đến nay, TKV đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu về phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Phần lớn các đơn vị hầm lò đã thực hiện đồng bộ thiết bị cơ giới hóa trong khai thác như các công ty: Hà Lầm, Khe Chàm, Vàng Danh, Nam Mẫu, Mạo Khê, Hồng Thái, Dương Huy, Thống Nhất, Hạ Long, Mông Dương. Trong lĩnh vực khai thác lộ thiên, đã ứng dụng các công nghệ mới trong việc khai thác xuống sâu dưới mức thoát nước tự chảy, áp dụng các thiết bị làm tơi đất đá bằng phương pháp không cần nổ mìn; công nghệ khoan, nổ mìn trong điều kiện lỗ khoan ngập nước; công nghệ sử dụng thiết bị đào lò vận tải liên hợp,… Trong lĩnh vực sàng tuyển than, đã áp dụng các công nghệ sàng tuyển tiên tiến để nâng cao chất lượng thành phẩm, tận thu than bã sàng và than chất lượng xấu bằng công nghệ huyền phù tang quay và huyền phù tự sinh,… Đặc biệt, TKV đã chủ động thiết kế, chế tạo công nghệ, thiết bị để tránh lệ thuộc vào nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đáng chú ý, là việc chế tạo thành công thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo đã góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật cho đội ngũ các cán bộ nghiên cứu, kỹ sư, công nhân trong việc làm chủ các vấn đề từ khâu thiết kế, lập quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị và thi công các công trình khai thác mỏ sâu,…

Báo cáo tại Đại hội Đại biểu lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ TKV [9] xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu đầu tư ra nước ngoài, tăng cường phát triển lĩnh vực nhập khẩu, pha trộn than để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước. Từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các kho cảng dịch vụ logistics phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, pha trộn than xứng tầm là nhà sản xuất chế biến, pha trộn than lớn nhất Việt Nam; phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”. TKV phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống dưới 20% và trong khai thác than lộ thiên xuống dưới 4,3%. Để đạt được mục tiêu trên, cần thiết phải tăng cường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ công tác phát triển khoa học và công nghệ; triển khai ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa các công đoạn như triển khai thí điểm cơ giới hóa hạng nhẹ trong khai thác hầm lò, đánh giá tổng kết để đưa vào áp dụng; tự động hóa tối đa các công đoạn của khâu sàng tuyển than; đầu tư công nghệ pha trộn hiện đại, cơ giới hóa các khâu bốc rót pha trộn theo hướng băng tải hóa nhằm tiến tới tự động hóa trong pha trộn than; xây dựng hệ thống giám sát từ xa, giám sát tình trạng hoạt động của thiết bị, giám sát điều kiện làm việc, quá trình vận hành dây chuyền sản xuất, hệ thống giám sát điều khiển tập trung đồng bộ,...

3. Một số giải pháp tăng cường đổi mới sáng tạo tại TKV

Theo kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2022, TKV tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch và duy trì, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm. Mục tiêu chung của Tập đoàn là: “An toàn - Phát triển - Hiệu quả”, tiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường quản lý tài nguyên, ranh giới mỏ, an toàn trong sản xuất, trong công tác cán bộ; thực hiện “thông minh hóa” trong quản lý và sản xuất; xây dựng hệ sinh thái TKV, kinh tế tuần hoàn; đồng bộ phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong toàn TKV để có hiệu quả cao nhất. Các chỉ tiêu chính năm 2022 của Công ty là: than nguyên khai sản xuất 39,1 triệu tấn; than tiêu thụ 43 triệu tấn; bóc đất đá 167.100 triệu m3; đào lò 258.117 m; sản xuất alumin quy đổi 1,3 triệu tấn; sản xuất điện 9,6 tỷ kWh,…; doanh thu 131.600 tỷ đồng; tiền lương bình quân 13,636 triệu đồng/người/tháng,… TKV tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo toàn và phát triển vốn. Thực hiện tăng năng suất lao động, tăng thời gian lao động hữu ích trong ca sản xuất, giảm thời gian giao ca bằng ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại cho công nhân hầm lò, tiếp tục thực hiện hoàn thiện mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh than, sản xuất than chất lượng cao. Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp; nâng cao chất lượng sản xuất cơ khí, dịch vụ. Triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân, trước mắt xây dựng nhà ở cho công nhân Than Núi Béo trong năm 2022. Đẩy mạnh công tác đầu tư, phát triển sản xuất, đặc biệt là các dự án khai thác hầm lò xuống sâu, dự án lộ thiên Bắc Bàng Danh [8],… Để đạt được các mục tiêu nêu trên, TKV cần tiếp tục thúc đẩy tăng cường đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp thuộc và trực thuộc, đồng thời cần triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, xây dựng kế hoạch, chương trình khoa học công nghệ hằng năm theo hướng khuyến khích phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của TKV; các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than, khoáng sản, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong nghiên cứu và phát triển theo nguyên tắc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, tin tưởng những người làm nghiên cứu và phát triển thay vì quản lý theo hướng chống thất thoát [5]; huy động nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài TKV tham gia nghiên cứu, thực hiện của nhiệm vụ khoa học công nghệ của TKV.

Hai là, xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu, chỉ số đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp thuộc và trực thuộc TKV. Qua kết quả đạt được có thể phân thành 4 hạng mức độ đổi mới sáng tạo sắp xếp từ cao xuống thấp tương ứng: tốt, khá, trung bình, yếu, để làm căn cứ đánh giá chất lượng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển,... đội ngũ nhà quản lý tại các doanh nghiệp, đặc biệt là giám đốc doanh nghiệp.

Ba là, phát triển hệ thống dự báo về việc đổi mới khoa học công nghệ, công tác quản trị tại TKV để chủ động xây dựng định hướng ưu tiên phát triển công nghệ trong quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản, từng bước lựa chọn mô hình quản lý tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế tại các doanh nghiệp. Tăng cường đi khảo sát, trao đổi, học học kinh nghiệm các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo, quản trị tiên tiến trên nền tảng áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bốn là, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại TKV, hình thành các doanh nghiệp có vai trò trung tâm dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực từ khoa học công nghệ cho đến công tác quản trị doanh nghiệp. Triển khai mạnh các hoạt động sáng tạo từ khâu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đến triển khai thử nghiệm.

Năm là, nghiên cứu áp dụng thí điểm quy định định mức sàn chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong tổng chi phí, giá thành của doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác giữa TKV với Tổng công ty Đông Bắc cũng như các doanh nghiệp trong nước và quốc tế liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh than, khoảng sản để đầu tư cho các nghiên cứu có chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao nhưng nếu thành công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cuối cùng, tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp hệ thống các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu của TKV để lựa chọn, tập trung xây dựng một số cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu mạnh, trở thành đơn vị đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo phục vụ cho các định hướng ưu tiên phát triển của TKV. Áp dụng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học cử cán bộ, viên chức biệt phái tại TKV. Cơ sở đào tạo thuộc TKV tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo nhân lực quản trị công nghệ và quản lý cho doanh nghiệp gắn với các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận như đào tạo nhân lực quản lý cho doanh nghiệp cần gắn với Bộ công cụ đào tạo về quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước do World Bank Group xây dựng [6].

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. OEC. (2018). Oslo Manual 2018: Guidelines for Collecting, Reporting and Using Data on Innovation, 4th Edition.
  2. Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
  3. Nguyễn Vân Hà (2020). Luận án tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế, Đổi mới sáng tạo sản phẩm và quy trình trong ngành khách sạn tại Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  4. Vũ Hồng Tuấn (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo quy trình - nghiên cứu trong các doanh nghiệp phát điện Việt Nam. Luận án tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  5. Bộ Khoa học và Công nghệ (2021). Dự thảo chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.
  6. The World Bank Group (2021). Bộ công cụ đào tạo về quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước.
  7. Nga Nguyễn (2022). Ngành Than chủ động hiện đại hóa công nghệ. Truy cập tại: https://congthuong.vn/nganh-than-chu-dong-hien-dai-hoa-cong-nghe-170163-170163.html
  8. Truyền thông TKV (2021). TKV triển khai kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2022. Truy cập tại: http://www.vinacomin.vn/tin-tuc/tkv-trien-khai-ke-hoach-phoi-hop-kinh-doanh-nam-2022-202112291905318219.htm
  9. Thảo Nguyên (2020). Đổi mới, tăng sức cạnh tranh cho ngành Than - Khoáng sản. Truy cập tại: https://www.vietnamplus.vn/doi-moi-tang-suc-canh-tranh-cho-nganh-thankhoang-san/648311.vnp
  10. Hoàng Yến (2021). TKV: Những sáng kiến tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Truy cập tại: https://baoquangninh.com.vn/nganh-than-voi-cac-sang-kien-lam-loi-ty-dong-2940865.html
  11. Thảo Nguyên. Ngành Than chuyển đổi theo xu thế cách mạng 4.0. Truy cập tại: http://tuyenthancuaong.com.vn/chi-tiet-tin/8735/Nganh-than-chuyen-doi-theo-xu-the-cach-mang-4-0/
  12. Hiểu Trân (2022). Công ty Than Nam Mẫu: Sôi nổi phong trào phát huy sáng kiến. Truy cập tại: https://baoquangninh.com.vn/cong-ty-than-nam-mau-soi-noi-mot-phong-trao-3181491.html

ENHANCING INNOVATION ACTIVITIES OF VIETNAM NATIONAL COAL - MINERAL INDUSTRIES HOLDING CORPORATION LIMITED

Assoc.Prof.Ph.D Nguyen Ngoc Khanh

Hanoi University of Mining and Geology

Abstract:

In recent years, Vietnam National Coal - Mineral Industries Holding Corporation Limited (Vinacomin) has regularly invested in innovation activities. These Vinacomin’s technological innovations have increased its mining output by 14% per year and improved its mechanization rate in underground mining from 10% to 80% over the past years. In order to fulfill the 2022 production and business goals, and development plans for coming years, it is necessary for Vinacomin to implement many solutions to enhance its innovation activites such as developing scientific and technological programs and tasks associated with coal & minerals mining value chains in order to ensure Vinacomin’s sustainable development goals. In addition, Vinacomin should innovate its financial management mechanism in research and development, develop a set of criteria, targets and indicators to assess the level of innovation in Vinacomin’s sub-enterprises, establish an innovation ecosystem, pilot regulations on spending floors for innovation activities in the total costs of enterprises, etc. This paper focuses on solutions for enhancing innovation activities of Vietnam National Coal - Mineral Industries Holding Corporation Limited.

Keywords: innovation, Vietnam National Coal - Mineral Industries Holding Corporation Limited (Vinacomin).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]