Tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,93%
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất ổn, khó lường, đặc biệt là xung đột quân sự, bất ổn chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh so với USD; giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới… biến động mạnh.
Dù trong bối cảnh ấy, các hoạt động kinh tế - xã hội nước ta phục hồi tích cực hơn, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; tăng trưởng vượt dự báo của các tổ chức và kịch bản điều hành, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, "không bàn lùi, chỉ bàn làm", nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn đặt ra.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,0%).
"Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%)", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 diễn ra sáng nay (6/7).
Cùng với đó, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ duy trì đà tăng khá. Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý II tăng 8,55%, tính chung 6 tháng tăng 7,54%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,04%, tính chung 6 tháng tăng 8,67%. Tháng 6, có gần 23,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Đồng thời, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II tăng 7,5% so với cùng kỳ; 6 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%).
Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại rất lớn và cho rằng các cấp, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024
Trên cơ sở kết quả quý II, 6 tháng và dự báo cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6% (kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,7% và 7,0%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,7% và 0,6%.
Cũng tại Phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7% dựa trên 6 yếu tố sau: (1) Xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; (2) Đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; (3) Duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...; (4) Du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; (5) Các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực; (6) Sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, ...; nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%.
10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý tới
Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong tháng 7 và quý III/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lưu ý 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.
Thứ nhất, khẩn trương cụ thể hóa, đưa các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào cuộc sống.
Thứ hai, nhanh chóng ban hành, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn ở cả Trung ương và địa phương trong tháng 7 để có thể áp dụng ngay các Luật: Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở từ ngày 01/8/2024.
Thứ ba, bảo đảm tiến độ các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Thứ năm, tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ sáu, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Thứ bảy, cụ thể hóa các điều ước quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển
Thứ tám, chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy; nâng cao chất lượng dự báo, chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ, thiếu nước, xâm nhập mặn... Thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, nghiên cứu thành lập Quỹ chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong tháng 7.
Thứ chín, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục củng cố và không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Cuối cùng, tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.