Sản lượng tăng vọt, doanh thu trên mỗi TEU liên tục được cải thiện
Vừa qua, Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) đã có buổi họp cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024 và một số triển vọng năm 2025 với Chứng khoán SSI.
Tại buổi họp, ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept cho biết sản lượng thông quan qua các cảng của tập đoàn đã tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 4/2024. Trong đó, sản lượng tại cụm cảng Hải Phòng đạt 433.000 TEU, tăng 28% so với quý 3/2024 và tăng tới 61% so với quý 4/2023, nhờ liên tục nỗ lực cải tiến chất lượng dịch vụ, tăng cường các sản phẩm chuyển đổi số, không ngừng gia tăng năng lực khai thác, vận hành.
Sản lượng tại Cảng Gemalink tại cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đạt công suất tối đa, khoảng 400.000 TEU trong quý 4/2024.

Đồng thời, tập đoàn đã thành công trong việc tăng giá cước xếp dỡ cảng lên thêm 10% nhờ khung giá cước cao hơn do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, cũng như được hỗ trợ bởi thị trường vận tải container mạnh mẽ trong năm 2024.
Ngoài ra, tập đoàn đã liên tục gia tăng doanh thu trên mỗi TEU bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn cho khách hàng vào làm hàng tại cảng, song song với đó là nỗ lực tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept chia sẻ.
Nhờ đó, Tập đoàn Gemadept ghi nhận 4.832 tỷ đồng doanh thu trong năm 2024, tăng 25% so với năm 2023. Trong đó, mảng khai thác cảng đem về hơn 4.200 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 44%, chiếm 86% tổng doanh thu so với tỷ trọng 75% của năm 2023.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm 24% đạt 1.905 tỷ đồng do tập đoàn không còn ghi nhận khoảng lãi đột biến nhờ thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ như năm 2023. Kết quả, Tập đoàn Gemadept đã vượt 20% mục tiêu doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
Tự tin cạnh tranh tại cụm cảng Hải Phòng
Chia sẻ với Chứng khoán SSI về một số mối quan tâm chính từ phía các nhà đầu tư, ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept khẳng định tập đoàn có vị thế tốt tại cụm cảng Hải Phòng, bất chấp áp lực cạnh tranh ở đây đang tăng cao hơn khi các bến cảng mới đi vào hoạt động.
Cụ thể, Tập đoàn Gemadept cho biết đang có lợi thế rõ ràng về vị trí chiến lược, năng lực tiếp nhận cỡ tàu lên đến 48.000DWT, cầu bến có thể tiếp nhận cùng lúc 4-5 tàu, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ Cảng thông minh (SmartPort), bên cạnh đó dự án nạo vét luồng kênh Hà Nam gần đây đã đặt cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) lên vị thế tương đương với khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện góp phần khơi thông luồng lạch, thay đổi tập quán khai thác cảng và cân bằng mớn nước giữa hai khu vực cảng lớn nhất cả nước, gia tăng sức chở của tàu, tiết giảm thời gian, chi phí logistics và phát huy lợi thế của cụm cảng khu vực nói chung và cảng Nam Đình Vũ nói riêng.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, dự án nạo vét Hà Nam được thực hiện xong đã cho phép cảng Nam Đình Vũ tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải lên đến 48.000 DWT đầy tải - cỡ tàu lớn nhất có thể vào khu vực Đình Vũ (Hải Phòng). Đặc biệt, cảng này nằm ngay cửa sông Bạch Đằng với mớn nước sâu và vũng quay tàu rộng và cũng là nơi thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng.

Hiện Tập đoàn Gemadept đang triển khai Giai đoạn 3 nhằm nâng công suất của cảng Nam Đình Vũ lên mức 2 triệu TEU/năm, trở thành cảng sông lớn nhất và quy mô nhất tại miền Bắc, có thể đón được các tàu feeder, tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept cho biết kế hoạch cuối cùng sẽ được trình lên Đại hội đồng cổ đông để phê duyệt. Nhưng vì năm 2025 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chứng khoán SSI cho rằng nhà đầu tư có thể kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cốt lõi của Tập đoàn Gemadept đạt 16% trong năm 2025.
Chứng khoán SSI cũng nhận thấy sự lạc quan của ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept đang kỳ vọng vào các bước tiến tích cực trong các quý tới, và có quyết tâm để đạt được tăng trưởng vào năm 2025.
Với các dự án cảng hiện tại, gồm Giai đoạn 3 - Cảng Nam Đình Vũ và Giai đoạn 2 – Cảng Gemalink, Chứng khoán SSI đánh giá sẽ được phát triển và đạt hiệu suất tối đa vào khoảng năm 2030. Do đó, kế hoạch 5 năm sắp tới là điều cần theo dõi chặt chẽ, vì sẽ thể hiện kế hoạch phát triển tiếp theo của Tập đoàn Gemapdet và có thể nhắm đến các dự án bổ sung trong 5 năm tới.
Quyết tâm thoái vốn mảng cao su trong năm nay
Đối với các tin đồn về việc thoái vốn mảng cao su trên thị trường, ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept nhấn mạnh mục tiêu của việc thoái vốn mảng cao su cố gắng hoàn thành vào năm 2025, nhưng không đưa thêm thông tin chi tiết.
Tập đoàn Gemadept bắt đầu đầu tư vào mảng cao su từ năm 2011. Từ năm 2013, tập đoàn này được Chính phủ Hoàng gia Campuchia cấp đất tô nhượng kinh tế tại địa bàn xã Royor, huyện Kohgnek, tỉnh Mondulkiri, với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho việc khai thác cây cao su và nhiều loại cây công nghiệp khác. Quỹ đất của dự án lên đến 30.000 ha, giúp Tập đoàn Gemadept trở thành một trong số ít doanh nghiệp nước ngoài được cấp một diện tích đất lớn, liền thửa, tại địa bàn khá thuận lợi của Campuchia.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, tính tới ngày 30/6/2024, mảng cao su của Tập đoàn Gemadept có giá trị tài sản ghi nhận 2.631 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, tập đoàn này ghi nhận 1.324 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở các dự án trồng cao su.