Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Thị phần thép xây dựng lên cao kỷ lục, dự kiến biên lợi nhuận neo cao

Bất chấp sức ép từ thép Trung Quốc giá rẻ, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ cao hơn nửa đầu năm.
Tập đoàn Hòa Phát
Thị phần trong mảng thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát đã đạt tới 37,9%.

Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán Vietcap, trong 7 tháng đầu năm nay, doanh số bán thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đã tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng này vượt xa mức tăng trưởng chung toàn ngành là 13%. Qua đó, giúp thị phần của Tập đoàn Hòa Phát trong mảng thép xây dựng lên mức cao kỷ lục 37,9%.

Bên cạnh đó, mặc dù tăng trưởng doanh số thép cuộn cán nóng (HRC) trong 7 tháng đầu năm 2024 của Tập đoàn Hòa Phát thấp hơn so với thép xây dựng, nhưng mức tăng trưởng vẫn mạnh so với mặt bằng chung, đạt 17%.

Trái ngược với một số lo ngại về sự suy giảm biên lợi nhuận, Chứng khoán Vietcap nhận định biên lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm nay của Tập đoàn Hòa Phát sẽ cao hơn so với giai đoạn nửa đầu năm 2024.

Tính từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc liên tục lao dốc đã khiến nước này đẩy mạnh xuất khẩu thép giá rẻ ra khu vực, khiến giá thép tại Việt Nam giảm. Tuy nhiên, chi phí đầu vào (than cốc và quặng sắt) của Tập đoàn Hòa Phát lại đang có mức giảm mạnh hơn. Điều này sẽ giúp Tập đoàn Hòa Phát bảo vệ được biên lợi nhuận gộp.

Bên cạnh đó, thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc chủ yếu tác động đến các sản phẩm định hướng xuất khẩu của Tập đoàn Hòa Phát như HRC và tôn mạ. Từ đầu năm đến nay, giá HRC của Việt Nam đã giảm 19%, giống với mức giảm 19% của HRC Trung Quốc.

Trong khi đó, giá bán trung bình thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát được bảo vệ bởi mức thuế 16,3%-21,3% đối với thép nhập khẩu, chỉ ghi nhận mức giảm 4% kể từ đầu năm đến nay, thấp hơn so với mức giảm 16% của thép thanh Trung Quốc.

Giá cổ phiếu HPG Tập đoàn Hòa Phát
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Ấn Độ áp thuế với thép Việt, doanh nghiệp thép nào ít bị ảnh hưởng nhất?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, tiêu thụ thép trên thị trường nội địa của Tập đoàn Hòa Phát được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm nay nhờ kỳ vọng thị trường bất động sản hồi phục và hoạt động xây dựng tăng tốc khi bước vào quý 4 - mùa cao điểm thi công xây lắp. Qua đó, thị trường nội địa sẽ trở thành trụ đỡ cho sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát.

Hiện Tập đoàn Hòa Phát đang dồn lực triển khai Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) vào giữa tháng 9/2024, sau đó tập đoàn sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị.

Với tiến độ hiện nay, Phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm 2024 và đi vào khai thác thương mại để ghi nhận doanh thu từ đầu quý 1/2025. Phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý 4/2025.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hoà Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của Tập đoàn Hoà Phát cạnh tranh hơn về giá cả.

Dự án Dung Quất 2 được kỳ vọng khi đi vào hoạt động tối đa công suất sẽ giúp doanh thu hàng năm của Tập đoàn Hoà Phát tăng thêm 4 - 5 tỷ USD so với mức 6,5 tỷ USD hiện tại.

Duy Quang