TÓM TẮT:
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Hoa Kỳ đã được triển khai cách đây trên 130 năm, với việc thành lập Hiệp hội Các trường đại học và trung học Hoa Kỳ vào năm 1885. Từ đó đến nay, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học Hoa Kỳ đã góp phần vào việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của đất nước này luôn xếp hàng đầu thế giới.
Hệ thống Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được chính thức hình thành khi thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2003. Hệ thống được vận hành trong thực tiễn từ khi ban hành Quyết định số 65 /2007/QĐ-BGDĐT “Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học” gồm 10 Tiêu chuẩn, 61 Tiêu chí. Hiện nay, hệ thống Kiểm định cơ sở Giáo dục đại học đang thực hiện theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bài viết nêu tổng quan Kiểm định giáo dục đại học Việt Nam, tham chiếu với Kiểm định giáo dục đại học Hoa Kỳ và đề xuất mô hình tổ chức kiểm định mới để phù hợp với Điều 52 “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục” của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14.
Từ khóa: Đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, giáo dục đại học, mô hình tổ chức, chương trình đào tạo.
1. Kiểm định giáo dục đại học Hoa Kỳ
1.1. Vai trò lịch sử của kiểm định trong giáo dục đại học Hoa Kỳ
Kiểm định giáo dục là một trong những cơ chế đánh giá và công nhận tiêu chuẩn chất lượng đối với các trường đại học và các chương trình giáo dục bậc đại học, sau đại học tại Hoa Kỳ. Cơ chế này được ra đời từ cuối thế kỷ XIX, với sự thành lập của Hiệp hội Các trường đại học và trung học vào năm 1885.
Kiểm định giáo dục là hoạt động tự nguyện của mỗi trường cao đẳng, đại học, chương trình giáo dục, không hề bắt buộc hay phải chịu trách nhiệm bởi cơ quan chính phủ trung ương. Mỗi tiểu bang trong số 51 tiểu bang đều có tiêu chuẩn đánh giá, cũng như hệ thống quản lý cấp phép riêng dành cho các trường Đại học công lập và tư thục. Một trường đại học được cấp giấy phép hoạt động trong một tiểu bang nào đó không có nghĩa là đã được kiểm định chất lượng giáo dục.
Công việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học thật sự uy tín tại Mỹ là của các trung tâm kiểm định độc lập. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác và nhất quán, những trung tâm kiểm định này phải được Bộ Giáo dục Mỹ (USDE) hoặc Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA) công nhận.
Thực tế, có tới hàng ngàn trường đại học ở Mỹ “đã được kiểm định chất lượng”. Nhưng trong số đó, có rất nhiều trường được kiểm định bởi các tổ chức không có kiểm định của USDE vàCHEA.
Theo thời gian, một số hiệp hội khu vực được thành lập. Các hiệp hội thành lập các tổ chức kiểm định riêng biệt, chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn và đạt các tiêu chuẩn trường với tư cách thành viên. Đến đầu những năm 1970, hầu hết các tổ chức cấp bằng giáo dục đại học đều được kiểm định hoặc nộp đơn xin kiểm định.
1.2. Mục đích của kiểm định trong giáo dục đại học
Hoa Kỳ không có một cơ quan tập trung thực hiện sự kiểm soát quốc gia đơn lẻ đối với các tổ chức giáo dục sau trung học (giáo dục đại học). Các tiểu bang giả định mức độ kiểm soát khác nhau đối với giáo dục, nhưng nói chung, các tổ chức giáo dục đại học (IHEs) được phép hoạt động với sự độc lập và tự chủ đáng kể. Do đó, tính chất và chất lượng của các chương trình IHEs có thể rất khác nhau. Vai trò của kiểm định trong giáo dục đại học nhằm giúp đảm bảo mức độ chất lượng chấp nhận được trên một loạt các chương trình và các cơ sở. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (ED) mô tả thực tiễn kiểm định là một phương tiện tiến hành đánh giá phi chính phủ, để đánh giá các tổ chức và chương trình giáo dục, với một số mục đích sau đây:
- Đánh giá chất lượng của các chương trình học tập tại các tổ chức giáo dục đại học.
- Tạo ra văn hóa cải tiến liên tục chất lượng học tập tại các trường cao đẳng và đại học, kích thích nâng cao tiêu chuẩn chung giữa các tổ chức giáo dục.
- Liên quan đến đội ngũ giảng viên và nhân viên trong việc đánh giá và lập kế hoạch thể chế.
- Thiết lập các tiêu chí để chứng nhận và cấp phép tính chuyên nghiệp và để nâng cấp các khóa học được cung cấp.
Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học Hoa Kỳ (CHEA) (The Council for Higher Education Accreditation) hiện có khoảng 3.000 trường cao đẳng và đại học cấp bằng. Các cơ quan kiểm định, mô tả kiểm định là một quy trình đánh giá chất lượng bên ngoài được giáo dục đại học tạo ra và sử dụng để xem xét các trường cao đẳng, đại học và các chương trình nhằm đảm bảo chất lượng, cải thiện chất lượng. CHEA xác định cụ thể các vai trò hoặc mục đích công nhận sau đây:
- Đảm bảo chất lượng. Kiểm định là phương tiện chính mà các trường cao đẳng, đại học và chương trình đảm bảo chất lượng cho sinh viên và công chúng. Tình trạng được công nhận là một tín hiệu cho sinh viên và công chúng rằng một tổ chức hoặc chương trình đáp ứng các tiêu chuẩn ở ngưỡng tối thiểu. Ví dụ như: giảng viên, chương trình giảng dạy, dịch vụ sinh viên và thư viện. Tình trạng được công nhận chỉ được chuyển tải nếu các tổ chức và chương trình cung cấp bằng chứng về sự ổn định tài khóa.
- Cung cấp quyền tham gia vào các quỹ liên bang và tiểu bang. Kiểm định là cần thiết để thâm nhập vào các quỹ liên bang như tài trợ sinh viên và các chương trình liên bang khác. Quỹ hỗ trợ sinh viên liên bang chỉ dành cho sinh viên, nếu tổ chức hoặc chương trình họ đang theo học được công nhận bởi một tổ chức kiểm định.
- Thu hút sự tự tin của khu vực tư nhân. Tình trạng công nhận của một tổ chức hoặc chương trình rất quan trọng đối với người sử dụng lao động khi đánh giá thông tin đăng ký của người xin việc và khi quyết định có cung cấp hỗ trợ cho nhân viên hiện tại đang tìm kiếm giáo dục bổ sung hay không. Các cá nhân và cơ sở tư nhân tìm kiếm bằng chứng kiểm định khi đưa ra quyết định về việc cho tư nhân.
- Dễ dàng chuyển [tín dụng]. Kiểm định là rất quan trọng đối với sinh viên để chuyển giao trơn tru các khóa học và chương trình giữa các trường cao đẳng và đại học. Các tổ chức tiếp nhận lưu ý xem các khoản tín dụng mà sinh viên muốn chuyển có được nhận tại một tổ chức được công nhận hay không.
1.3. Các cơ quan kiểm định giáo dục Hoa Kỳ
Có ba loại kiểm định hệ thống giáo dục của các trường đại học, cao đẳng tại Mỹ. Đó là kiểm định Vùng (Regional Accreditation), kiểm định Quốc gia (National Accreditation) và kiểm định Chuyên ngành (Specialized accreditation).
Cả ED và CHEA đều xem xét kỹ lưỡng các cơ quan kiểm định và xác định xem họ có phải là cơ quan đáng tin cậy về chất lượng giáo dục được cung cấp hay không. Sự công nhận ED được xem là quan trọng hơn, bởi vì IHE phải được công nhận bởi một cơ quan công nhận, được ED công nhận để tham gia vào các chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo Tiêu đề IV của HEA hoặc các chương trình liên bang khác. Hiện tại, có 7 cơ quan kiểm định khu vực hoạt động tại 6 khu vực của Hoa Kỳ. Các cơ quan kiểm định này tập trung vào các khu vực cụ thể.
Hiện nay, các trường đại học được coi là uy tín tại nước Mỹ phải được công nhận bởi 6 tổ chức kiểm định Vùng sau:
- Middle States Commission of Higher Education (MSCHE);
- New England Association of Schools and Colleges, Commission on Institutions of Higher Education (NEASC-CIHE);
- North Central Association of Colleges and Schools, The Higher Learning Commission (NCA - HLC);
- Southern Association of Colleges and Schools Commission on Colleges (SACS);
- WASC Senior College and University Commission;
- Western Association of Schools and Colleges, Accrediting Commission for Community and Junior Colleges (ACCJC).
Sáu tổ chức kiểm định Vùng này đều được công nhận bởi Hội đồng Kiểm định Giáo dục đại học (Council for Higher Education Accreditation - CHEA, được coi là cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học cao nhất của Mỹ) và Bộ Giáo dục Mỹ.
Ngoài 6 tổ chức Kiểm định Vùng, còn có Cơ quan kiểm định quốc gia của Hoa Kỳ kiểm định chuyên ngành để kiểm định các chương trình đào tạo.
2. Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, cả nước có 237 trường đại học, 1.707.025 sinh viên đại học và hàng năm có 320.578 sinh viên tốt nghiệp đại học. Các chuẩn mực trong giáo dục đại học từng bước được nâng cao. Sinh viên khi tốt nghiệp phải có những năng lực để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.
Từ năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, nay là Cục Quản lý chất lượng. Giai đoạn này, dự thảo các tiêu chuẩn kiểm định trường đại học đã được đề xuất trên cơ sở tham vấn ý kiến của TS. Lenn Majori Peace, chuyên gia kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ.
Cho đến nay, các văn bản quy phạm về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh. Quá trình phát triển hệ thống kiểm định đã trải qua thời gian hơn 15 năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 5 tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục, hệ thống Kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam đã được hình thành và đi vào hoạt động.
Theo số liệu công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 254 cơ sở giáo dục đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 225 cơ sở giáo dục đại học và 29 trường cao đẳng sư phạm); 128 cơ sở giáo dục đại học và 6 trường Cao đẳng sư phạm được 5 trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài và công nhận đạt chất lượng. Có 118 chương trình đào tạo (CTĐT) hoàn thành tự đánh giá, trong đó có 87 CTĐT được đánh giá ngoài và 62 CTĐT được công nhận theo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Ngoài ra, có một số trường và chương trình đào tạo được một số tổ chức kiểm định quốc tế như: HCERES, AUN-QA, CTI, ABET, ACBSP, FIBAA đánh giá và công nhận chất lượng.
Hiện nay, hành lang pháp lý về Kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam đã được thiết lập, tạo điều kiện và cơ chế cho các hoạt động Kiểm định chất lượng giáo dục; các quy trình, thủ tục Kiểm định chất lượng giáo dục đã có căn cứ pháp lý để triển khai. Các chính sách về Kiểm định chất lượng giáo dục dần được thể chế hóa. Bước đầu có các chế tài đối với công tác đảm bảo và Kiểm định chất lượng giáo dục. Nhiều kết quả lớn và quan trọng trong thực tiễn hoạt động của công tác kiểm định đã được khẳng định. Tuy nhiên, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập và đã được nhiều nhà giáo, nhà khoa học đề cập trong các cuộc hội nghị, hội thảo, hay trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngày 19/11/2018, Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Theo đó, điều 52, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung có nội dung “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học”.
Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhất để hệ thống ĐBCL và Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế song hành với hệ thống giáo dục của Việt Nam nói chung, đặc biệt là hệ thống giáo dục đại học nói riêng. Để thực hiện Luật số 34/2018/QH14 với nội dung của Điều 52: “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học…”, việc xây dựng mô hình tổ chức hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục mới là hết sức cần thiết và cấp bách.
3. Đề xuất mô hình tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục đại học mới cho Việt Nam
Để thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học Luật số 34/2018/QH14, tác giả xin đề xuất 2 mô hình tổ chức mới như sau:
Mô hình 1:
- Ưu điểm: Định chuẩn, so chuẩn thống nhất.
- Rủi ro: Hành chính, tổ chức phức tạp.
Mô hình 2:
- Thuận lợi: Hành chính đơn giản; tập trung công việc.
- Rủi ro: Không thống nhất định chuẩn; nhiều việc cho trung tâm.
4. Kết luận
Hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam đang tiếp cận với hệ thống của thế giới, đặc biệt là của Hoa Kỳ. Hệ thống đó đang hoạt động tích cực và hiệu quả, có đóng góp quan trọng trong công tác đảm bảo và cải tiến chất lượng giáo dục đại học. Nhiệm vụ cần thiết là triển khai Luật số 34/2018/QH14 (Luật Giáo dục đại học) và thực hiện Nghị định Số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung, một số điều của Luật Giáo dục đại học; đồng thời sớm bổ sung Thông tư, hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm định, đặc biệt là đối với các trung tâm đang trực thuộc các trường đại học và phát triển các trung tâm mới để hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục được kế thừa và phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Mạng lưới đảm bảo chất lượng quốc tế INQAHE https://www.inqaahe.org/associate-members-list?page=6#
- Mạng lưới đảm bảo chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương, Asia Pacific Quality Network (APQN) | APQN https://www.apqn.org.
- Mạng lưới các trường đại học AUN AUN Network http://www.aunsec.org/
- Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, ngày 19/11/2018.
- Bành Tiến Long, Phạm Xuân Thanh: Một số ý kiến về quy hoạch và phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Báo cáo tại Hội thảo tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, tháng 1/2020.
- Schindler, L., Puls-Elvidge, S., Welzant, H., & Crawford, L. (2015). Definitions of quality in higher education: A synthesis of the literature. Higher Learning Research Communications, 5(3), 3-13. http://dx.doi.org/10.18870/hlrc.v5i3.244
- Lee Harvey (2004) The power of accreditation: views of academics , Journal of Higher Education Policy and Management, http://dx.doi.org/10.1080/1360080042000218267.
- Paul L. Gaston: Assessment and Accreditation- An Imperiled Symbiosis. National Institute for Learning Outcomes Assessment April 2018.
- Accreditation and Accountability: Looking Back and Looking Ahead- Institute for Research and Study of Accreditation and Quality Assurance. Council for Higher Education Accreditation.
Areference to American Higher Education Accreditation and the proposal for new accreditation model for Vietnam
Master. Banh Thi Hong Lan
School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology
Dr.Sc Banh Tien Long
Hanoi University of Science and Technology
ABSTRACT:
The accreditation of higher education in the United States has been implemented for over 130 years with the establishment of Association of American Universities in 1885. Since then, the higher education accreditation has contributed to ensure the world-class quality of American higher education.
The Vietnamese Higher Education Quality Accreditation System was formally established when the Department of Quality Control under tthe Ministry of Education and Training was established in 2003. This system has been put into practice since the Decision No. 65/2007/QD-BGDDT on criteria for assessing the education quality of universities with 10 Standards and 61 Criteria was promulgated. Current, the system is being implemented in accordance with the Evaluation Standards promulgated together with the Circular No. 12/2017/TT-BGDDT dated May 19, 2017 of the Minister of Education and Training.
This article outlines an overview of Vietnam's higher education accreditation in reference to the American Higher Education Accreditation and proposes a new accreditation model to comply with Article 52 "Educational Quality Accreditation Organization” of the Law No.34/2018/QH14 amending and supplementing a number of articles of the Law on Higher Education.
Keywords: Quality assurance, quality accreditation, higher education, organizational model, training program.