Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án đối với tranh chấp tiêu dùng

ThS. Nguyễn Thị Dung (Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH University), TS. Phạm Công Thiên Đỉnh (Khoa Chính trị và Luật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (HCMUTE)

Tóm tắt:

Tranh chấp tiêu dùng là loại tranh chấp diễn ra phổ biến trong xã hội ngày nay với tính đa dạng của hoạt động tiêu dùng. Do đó, cần có cơ chế pháp lý phù hợp để giải quyết tranh chấp này một cách hiệu quả. Bài viết tập trung làm rõ vấn đề thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án đối với tranh chấp tiêu dùng được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), đồng thời nêu lên thực trạng giải quyết tranh chấp tiêu dùng hiện nay và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Từ khóa: tranh chấp tiêu dùng, thẩm quyền, thẩm quyền xét xử, phương thức giải quyết tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng.

1. Đặt vấn đề

Đối với các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng (GQTCTD) theo Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (LBVQLNTD 2010) quy định tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng (NTD) và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: thương lượng; hòa giải; trọng tài; Tòa án. Trong đó, Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính truyền thống lâu đời mà các bên tranh chấp thường lựa chọn như là một phương thức sau cùng khi các phương thức khác không đạt được hiệu quả như mong muốn. Khi xảy ra tranh chấp trong tiêu dùng thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác (khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) (sau đây gọi tắt là BLTTDS 2015). Vấn đề đặt ra là, khi khởi kiện thì các đương sự cần phải xem xét vụ việc đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự không, nếu thuộc thì sẽ do Tòa án nào giải quyết? Do đó, yêu cầu về xác định đúng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm đối với việc giải quyết tranh chấp tiêu dùng là rất quan trọng; bài viết sẽ tập trung làm rõ vấn đề này, góp phần bảo đảm việc giải quyết các tranh chấp tiêu dùng hiệu quả trong thực tiễn.

2. Khái quát về tranh chấp tiêu dùng và thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với tranh chấp tiêu dùng

2.1. Khái niệm, đặc điểm về tranh chấp tiêu dùng

Khái niệm về tranh chấp tiêu dùng: Tranh chấp theo nghĩa thông thường: “Giành nhau một cách giằng co cái không rõ thuộc về bên nào hoặc đấu tranh giằng co khi có ý kiến bất đồng”[1]. Tiêu dùng, nói cách đơn giản “sử dụng của cải vật chất để thỏa mãn các nhu cầu của sản xuất và đời sống”[2].

Đối với tranh chấp tiêu dùng được hiểu: “Tranh chấp tiêu dùng là tranh chấp phát sinh trong quan hệ tiêu dùng liên quan về lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa các bên, trong đó xuất hiện một bên chủ thể đặc biệt là NTD và bên còn lại là thương nhân hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận”[3].

Đặc điểm tranh chấp tiêu dùng:

Một là, phát sinh những mâu thuẫn mà không thể giải quyết giữa NTD với nhà kinh doanh.

Hai là, tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền, lợi ích của các bên, trong đó NTD đóng vai trò trung tâm, khi lợi ích tư của NTD bị cho rằng gây thiệt hại hoặc thiệt hại thực tế xảy ra.

Ba là, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ hợp pháp của NTD bị xâm phạm.

Bốn là, tranh chấp của NTD không vì mục đích sinh lợi. NTD luôn ở vị thế bất cân xứng, NTD luôn ở vị thế yếu, là nạn nhân của các thương nhân.

Năm là, phải xuất hiện một chủ thể đặc biệt là NTD.

2.2. Thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với tranh chấp tiêu dùng

Thẩm quyền được hiểu là quyền chính thức được xem xét để kết luận một vấn đề. Thẩm quyền gắn liền với quyền và nhiệm vụ mà pháp luật quy định cho cơ quan nhà nước, người nắm giữ những chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đó để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của họ. Khi thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn trong thẩm quyền, các quyết định và phán quyết của các cơ quan, cá nhân này được bảo đảm thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước. Trong pháp luật hiện hành của Việt Nam, thuật ngữ thẩm quyền thường được sử dụng trong các cụm từ như “thẩm quyền xét xử”, “thẩm quyền điều tra”, “cơ quan có thẩm quyền”, “cấp có thẩm quyền”[4]

Thẩm quyền xét xử của Tòa án được hiểu là quyền xem xét và quyết định trong hoạt động xét xử của Tòa án theo quy định của pháp luật.

Trước tiên, thẩm quyền xét xử của Tòa án được hiểu là một quyền chuyên biệt được trao riêng cho Tòa án, khác với thẩm quyền của các cơ quan khác. Thẩm quyền xét xử là quyền chung của các Tòa án không phân biệt phân cấp, phân vùng lãnh thổ.

Thứ hai, thẩm quyền xét xử của Tòa án còn được hiểu là thẩm quyền riêng của từng Tòa án cụ thể được phân định theo cấp, theo khu vực hành chính và theo vụ việc. Thẩm quyền riêng của các Tòa án trong việc xét xử được phân định dựa theo cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án bao gồm: thẩm quyền xét xử theo loại việc, thẩm quyền theo cấp Tòa án và thẩm quyền theo lãnh thổ[5]

Như vậy Thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với tranh chấp tiêu dùng được hiểu là quyền xem xét và quyết định trong hoạt động xét xử của Tòa án theo quy định của pháp luật đối với tranh chấp phát sinh trong quan hệ tiêu dùng liên quan về lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa các bên, trong đó xuất hiện một bên chủ thể đặc biệt là NTD và bên còn lại là thương nhân hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Theo quy định của pháp luật tố tụng của Việt Nam hiện nay thì nguyên tắc tổ chức Tòa án dựa trên cấp xét xử là lưỡng cấp tài phán: sơ thẩm và phúc thẩm. Vậy thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với tranh chấp tiêu dùng là quyền xem xét và quyết định trong hoạt động xét xử của Tòa án theo quy định ở cấp xét xử thứ nhất (sơ thẩm) đối với tranh chấp phát sinh trong quan hệ tiêu dùng.

3. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án đối với tranh chấp trong tiêu dùng theo quy định của BLTTDS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019

3.1. Thẩm quyền theo loại việc

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo loại việc là tổng hợp các loại vụ việc về dân sự mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Thẩm quyền về loại việc của Tòa án sẽ phân định với những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác. Mục đích và ý nghĩa của việc phân định thẩm quyền của Tòa án theo loại việc là để phân biệt được thẩm quyền của Tòa án với các cơ quan tổ chức khác, bởi vì trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Nhà nước không chỉ thừa nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án, mà còn phân quyền cho một số cơ quan, tổ chức khác có quyền giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó xác định thẩm quyền theo loại việc để phân biệt được thẩm quyền giữa các Tòa án chuyên trách với nhau, xem tranh chấp đó thuộc Tòa Dân sự, Tòa hình sự, Tòa hành chính,… giải quyết.

Theo quy định của BLTTDS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án nhân dân bao gồm: Tranh chấp dân sự Điều 26 (14 loại tranh chấp); tranh chấp hôn nhân gia đình Điều 28 (8 loại); tranh chấp kinh doanh thương mại Điều 30 (5 loại); và tranh chấp lao động Điều 32 (5 loại). Trong 4 nhóm tranh chấp trên lại không đề cập tranh chấp tiêu dùng. Nói cách khác, thẩm quyền chung của Tòa án quy định nhiều loại tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án, nhưng không quy định cụ thể về tranh chấp tiêu dùng. Mặc dù vậy, ở mỗi nhóm tranh chấp BLTTDS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2019) đều dự phòng một điều khoản với từ “tranh chấp khác” đó là những tranh chấp thỏa mãn 2 điều kiện:

+ Vụ việc không được BLTTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) liệt kê.

+ Không có một văn bản pháp luật nào quy định loại việc này do cơ quan, tổ chức khác giải quyết.

BLTTDS sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 với rất nhiều những quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả vì con người và hướng tới con người, ghi nhận các giá trị phổ quát về quyền con người được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, trong đó có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019). Do đó, mặc dù không liệt kê tranh chấp tiêu dùng là một loại tranh chấp thuộc nhóm riêng, nhưng khi quan hệ tiêu dùng xảy ra tranh chấp,  cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tòa án không được quyền từ chối với lý do tranh chấp đó chưa được liệt kê cụ thể trong Luật.

Để giải quyết tranh chấp tiêu dùng hiện nay, Tòa án sẽ kết hợp pháp luật nội dung với pháp luật hình thức để đưa ra phán quyết có hiệu lực thi hành, cụ thể luật nội dung bao gồm Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đóng vai trò là vị trí trung tâm, ngoài ra còn áp dụng các luật liên quan, như: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa,… Còn luật hình thức quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tiêu dùng được quy định cụ thể tại BLTTDS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019. Cũng theo quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án thì có vai trò của Tòa chuyên trách theo Điều 36, Điều 38 BLTTDS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019. Các lĩnh vực mà Tòa chuyên trách đảm nhận vẫn không đề cập Tòa chuyên trách cho lĩnh vực tiêu dùng. Ngoài ra, liên quan về Tòa phá án nói chung và Tòa phá án trong tiêu dùng nói riêng pháp luật Việt Nam không có quy định. Việc thiếu quy định Tòa chuyên trách cho lĩnh vực tranh chấp tiêu dùng là một việc thiếu sót, nếu không có Tòa chuyên trách trong lĩnh vực tiêu dùng thì NTD sẽ bị thiệt thòi. Hiện nay, thẩm quyền Tòa chuyên trách có “thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện” giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và “thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh” giải quyết theo thủ tục sơ thẩm sơ thẩm, phúc thẩm.

3.2. Thẩm quyền theo cấp Tòa

Việc xác định đúng thẩm quyền của Tòa án theo cấp chính là việc xác định xem đối với một vụ án dân sự cụ thể nói chung và vụ án tranh chấp về tiêu dùng nói riêng do Tòa án nhân dân cấp huyện hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết. Vì theo quy định của pháp luật tố tụng của Việt Nam hiện nay, nguyên tắc tổ chức Tòa án dựa trên cấp xét xử là lưỡng cấp tài phán: sơ thẩm và phúc thẩm. Việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án theo cấp được quy định tại Điều 35, 37 BLTTDS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019 dựa trên tính chất phức tạp của từng loại vụ việc, dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thực tế của đội ngũ cán bộ Tòa án.

Theo đó, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp huyện hiện nay được quy định: Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 Bộ luật này; Tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật này; Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 Bộ luật này; những tranh chấp trên, mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy tác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện (trừ khoản 4 Điều 35).

Theo Điều 37 BLTTDS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019, thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Ngoài ra, “Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện” (khoản 2 Điều 37 BLTTDS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019). Có thể nhận thấy thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh được phân định rõ ràng, tránh tình trạng vượt cấp hay thụ lý nhầm.

3.3. Thẩm quyền theo lãnh thổ

Về nguyên tắc, việc phân định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ phải được tiến hành dựa trên cơ sở bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án được nhanh chóng, đúng đắn, bảo đảm việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, nhưng vẫn đảm bảo Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án thuận lợi nhất cho việc tham gia tố tụng của đương sự, là Tòa án có điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết vụ án. Về căn bản, các quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ tại Điều 39 và Điều 40 BLTTDS 2015 đã kế thừa các quy định trước đây. Theo đó, tại Điều 39 BLTTDS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ là giới hạn (khả năng) do pháp luật quy định xác định chức năng giải quyết các vụ việc tranh chấp tiêu dùng của Tòa án theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ quy định Tòa án có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp tiêu dùng theo yêu cầu của đương sự khi khởi kiện. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được xác định: nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở; theo sự lựa chọn của đương sự; đối với tranh chấp bất động sản thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi có bất động sản. Bên cạnh các quy định về xác định thẩm quyền như trên thì để đảm bảo thuận tiện cho nguyên đơn trong việc tham gia tố tụng, tại Điều 40 BLTTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định nguyên đơn, người yêu cầu có thể lựa chọn Tòa án mà không cần sự đồng ý của bị đơn. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi, sự chủ động cho chủ thể khởi kiện lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết cho mình trong một số trường hợp, như: nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn; tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,…

4. Một số vướng mắc về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án đối với tranh chấp tiêu dùng và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật

4.1. Một số vướng mắc về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án đối với tranh chấp tiêu dùng

- Về việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong các vụ việc tranh chấp tiêu dùng: Hiện nay, trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cũng không có định nghĩa tranh chấp tiêu dùng là tranh chấp như thế nào? Theo quan điểm của tác giả Phạm Công Thiên Đỉnh: “Tranh chấp tiêu dùng là tranh chấp phát sinh trong quan hệ tiêu dùng liên quan về lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa các bên, trong đó xuất hiện một bên chủ thể đặc biệt là NTD và bên còn lại là thương nhân hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận”. Trong Điều 69 LBVQLNTD 2010 và BLTTDS năm 2015 xác định tranh chấp tiêu dùng là tranh chấp dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Nhưng trong 4 nhóm tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân được quy định trong BLTTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cụ thể tại các Điều 26 (tranh chấp dân sự), Điều 28 (tranh chấp vê hôn nhân gia đình), Điều 30 (tranh chấp kinh doanh thương mại), Điều 32 (tranh chấp về lao động) không có Điều luật nào liệt kê cụ thể về tranh chấp tiêu dùng.

Ngay trong Điều 26 BLTTDS cũng không có liệt kê tranh chấp tiêu dùng. Hay nói cách khác, thẩm quyền chung của Tòa án được quy định nhiều loại tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng không có quy định cụ thể về tranh chấp tiêu dùng. Điều này là một bất cập vì tranh chấp tiêu dùng cũng là một tranh chấp rộng và mang tính phức tạp, do đó khi giải quyết tranh chấp, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hiện nay còn hay bị nhầm giữa tranh chấp tiêu dùng là loại tranh chấp thuộc tranh chấp dân sự thông thường với tranh chấp trong kinh doanh thương mại. Bởi vì quy định tại Điều 30 BLTTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định rất rõ việc xác định những tranh chấp nào là tranh chấp kinh doanh thương mại.

Theo đó, khi có một trong các loại tranh chấp quy định tại các khoản từ 1 đến 4 của Điều 30 thì tranh chấp đó thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong đó, quy định tại khoản 5 Điều 30 là quy định mở: “Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, chỉ khi có một văn bản quy phạm pháp luật xác định quan hệ đó là tranh chấp kinh doanh thương mại thì Tòa án vận dụng khoản 5 Điều 30 để thụ lý, giải quyết. Tương tự như vậy, tại Điều 26 BLTTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) xác định những tranh chấp nào là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân, cụ thể từ khoản 1 đến 13 của Điều này. Còn tại khoản 14 của Điều 26 là quy định mở “Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, mặc dù tranh chấp tiêu dùng là loại tranh chấp rộng và phức tạp, nhưng trong cả 2 điều luật trên không liệt kê tranh chấp tiêu dùng thành nhóm tranh chấp cụ thể mà để vận dụng vào quy định mở trong Điều luật. Bên cạnh đó, tiêu chí lợi nhuận chưa thực sự rõ ràng về mặt lý luận và thực tiễn. Nếu phân biệt quan hệ về kinh doanh dựa trên yếu tố lợi nhuận và quan hệ dân sự dựa trên yếu tố phi lợi nhuận mà không đưa ra tiêu chí cụ thể, khác biệt sẽ phát sinh sự bất ổn khi có tranh chấp liên quan đến “tiêu dùng” xảy ra sẽ khó phân loại các tranh chấp. Chẳng hạn, các trang thiết bị, đồ vật,… có thể vừa dùng cho mục đích kinh doanh, vừa dùng cho sinh hoạt khi xảy ra tranh chấp sẽ dẫn đến việc cùng một quan hệ nhưng có thể xảy ra 2 tranh chấp: tranh chấp tiêu dùng và tranh chấp trong kinh doanh thương mai. Theo luật về quyền của NTD Anh quốc[6]. Đồng thời có thể thấy nếu các trang thiết bị, đồ vật được sử dụng nhiều trong kinh doanh hơn trong tiêu dùng (có số tỷ lệ phần trăm cao hơn, ví dụ: 95% thời gian trang thiết bị, đồ vật đó được dùng với muc đích để kinh doanh thì sẽ không được xem là NTD[7]) lúc đó, khi tranh chấp xảy ra sẽ áp dụng là tranh chấp trong kinh doanh thương mại và loại trừ khả năng tranh chấp trong tiêu dùng. Như vậy, khi tranh chấp “tiêu dùng” không có mục đích lợi nhuận là tranh chấp dân sự, điều này phù hợp với quy định của LBVQLNTD 2010 và BLTTDS hiện hành. Tuy nhiên, với tiêu dùng hay bán lại (có lợi nhuận) nếu xảy ra tranh chấp cũng cần được Luật bảo vệ và cần quy định thuộc loại tranh chấp nào để xác định thẩm quyền của Tòa án cho chính xác.

- Về vấn đề thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án: trên thực tế, các chủ thể khởi kiện khi lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp tiêu dùng thường xuyên xảy ra vấn đề là lựa chọn Tòa án không đúng thẩm quyền do xác định loại tranh chấp sai như phân tích ở trên, từ đó dẫn đến việc lựa chọn Tòa án giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật. Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi nguyên đơn cư trú hay có trụ sở giải quyết nhưng phải là Tòa án có thẩm quyền, thỏa thuận chọn Tòa án vượt cấp là vô hiệu.

- Về vấn đề Tòa chuyên trách cho lĩnh vực tiêu dùng:

Hiện nay, về cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TCTAND) năm 2014. Theo đó, Tòa chuyên trách được tổ chức ở TAND cấp cao (Điều 30), TAND cấp tỉnh (Điều 38) và TAND cấp huyện (Điều 45). Còn trong BLTTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện được quy định tại Điều 36, thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 38. Trong các Tòa chuyên trách theo pháp luật quy định thì không có Tòa chuyên trách cho lĩnh vực tranh chấp tiêu dùng, đây là một thiếu sót, vì không có Tòa chuyên trách thì sẽ không có sự tập trung những người có chuyên môn trong lĩnh vực tiêu dùng để giải quyết tranh chấp tiêu dùng, từ đó có thể gây ra những thiệt thòi cho người tiêu dùng.

- Về vấn đề án phí: Theo quy định tại Điều 146 BLTTDS 2015 thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí được đặt ra đối với người đưa ra yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phải nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí để Tòa án thụ lý vụ án trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Như vậy, việc nộp tiền tạm ứng án phí và lệ phí đối với người có nghĩa vụ là một trong những căn cứ để Tòa án thụ lý vụ án, nếu không nộp Tòa án sẽ không thụ lý. Tại khoản 2 Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 quy định “2. NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án”, chưa phân định rõ là Tòa án cấp nào. Và trong vụ án giải quyết tranh chấp nếu NTD thua kiện thì phải đóng án phí[8], điều này chưa thực sự phù hợp với tinh thần bảo vệ NTD ở vị thế yếu, vì NTD luôn ở vị thế yếu nếu buộc họ có nghĩa vụ đóng án phí khi yêu vầu của họ không được chấp nhận thì sẽ dẫn đến tâm lý họ sẽ ngại ngần khi muốn khởi kiện ra Tòa án mặc dù quyền và lợi ích của họ đang bị xâm phạm bởi chủ thể khác trong tranh chấp tiêu dùng.

4.2. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp tiêu dùng

- Về việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong các vụ việc tranh chấp tiêu dùng: Thứ nhất, trong LBVQLNTD 2010, cần phải có định nghĩa tranh chấp tiêu dùng là tranh chấp như thế nào để khi đương sự khởi kiện ra Tòa án có căn cứ để thụ lý cho đúng.

Đối với quy định của BLTTDS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), cần thiết phải liệt kê tranh chấp tiêu dùng là một loại tranh chấp riêng biệt để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án theo loại việc, theo cấp và theo lãnh thổ cho chính xác, tránh việc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng bị nhầm lẫn. Thực tế trong xét xử cho thấy, khi có tranh chấp tiêu dùng xảy ra, đương sự làm đơn khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu giải quyết thì Tòa án thường xác định là “tranh chấp dân sự thông thường”. Như vậy, sẽ dẫn đến việc NTD không được hưởng các quyền ưu tiên như trong LBVQLNTD đã quy định, chẳng hạn như “NTD không phải tạm ứng án phí, lệ phí của Tòa án” (Điều 43 LBVQLNTD 2010. LBVQLNTD năm 2010 và dự thảo Luật BVQLNTD năm 2023 nên quy định về tranh chấp tiêu dùng như sau: Tranh chấp tiêu dùng là tranh chấp có liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tranh chấp phát sinh do các mâu thuẫn không thể giải quyết về quyền, nghĩa vụ giữa NTD không vì mục tiêu lợi nhuận với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và dịch vụ.

Thứ hai, cần thành lập Tòa chuyên trách trong tòa án nhân dân cho lĩnh vực tranh chấp tiêu dùng trong để tập trung những người có chuyên môn trong lĩnh vực tiêu dùng vào việc giải quyết tranh chấp tiêu dùng, nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp và đồng thời bảo vệ các bên bị xâm phạm trong lĩnh vực tiêu dùng.

Thứ ba, đối với án phí theo Khoản 2 Điều 43 LBVQLNTD năm 2010 không nên quy định “NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án”, mà nên quy định NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án các cấp. Bên cạnh đó, với tinh thần bảo vệ NTD ở vị thế yếu nên quy định NTD được miễn án phí bất kể họ ở vị thế là nguyên đơn, bị đơn, hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì: Trong tranh chấp tiêu dùng thì NTD luôn ở vị thế yếu, kinh phí của họ hạn hẹp hơn so với các doanh nghiệp, thương nhân; Miễn án phí để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NTD bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; Khuyến khích và thúc đẩy NTD nói lên tiếng nói khi họ bị thiệt hại.

 Thứ tư, tại Điều 40 BLTTDS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định nguyên đơn, người yêu cầu có thể lựa chọn Tòa án mà không cần sự đồng ý của bị đơn kèm theo điều kiện nhất định của pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên bảo vệ quyền lợi NTD thông qua việc giải quyết tranh chấp tiêu dùng, nên quy định thẩm quyền khởi kiện theo đơn vị hành chính lãnh thổ như sau: nguyên đơn là NTD có Tòan quyền khởi kiện tại nơi nguyên đơn cư trú, có trụ sở hoặc nơi làm việc. Điều này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nguyên đơn, khuyến khích nguyên đơn chủ động thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình trước Tòa án.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Hoàng Phê (2018), Từ điển tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, tr.1297.
  2. Hoàng Phê (2018), Từ điển tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, tr.1255.
  3. Phạm Công Thiên Đỉnh (2022). Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân bằng Tòa án theo pháp luật Việt Nam hiện nay. Luận án Tiến sĩ Luật học, tr.50.
  4. Từ điển Luật học, trang 701, Nhà xuất bản Tư pháp.
  5. Từ điển Luật học, trang 701, Nhà xuất bản Tư pháp.
  6. Law of UK, Consumer Right Act 2015, Article 2 (3).
  7. Phạm Công Thiên Đỉnh (2022). Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân bằng Tòa án theo pháp luật Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, tr 34.
  8. Điều 147 BLTTDS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Hiến pháp năm 2013.
  2. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.
  3. Quốc hội (2015), Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015.
  4. Quốc hội (2010), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
  5. Quốc hội (2014), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
  6. Nguyễn Trọng Điệp (2014), Giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng với thương nhân ở Việt Nam hiện nay.
  7. Nguyễn Thanh Lý (2019), Bàn về khái niệm người tiêu dùng và cơ chế phát sinh quyền được bảo vệ của người tiêu dùng, Tạp chí Nghề luật, số 4.
  8. Hoàng Phê (2018), Từ điển Tiếng Việt, Hà Nội: Nxb Hồng Đức, tr.1297.

THE FIRST-INSTANCE JURISDICTION OF THE COURT FOR CONSUMER DISPUTES

Master. NGUYEN THI DUNG

Faculty of Law, HUTECH University

Ph.D PHAM CONG THIEN DINH

Faculty of Political Science and Law

Ho Chi Minh City University of Technology and EducationFaculty of Law, Ho Chi Minh City University of Technology

Abstract:

Increased consumption leads to an increase in the number of consumer disputes. Therefore, it is necessary for Vietnaam to develop an appropriate legal mechanism to effectively resolve this type of dispute. This paper is to clarify the first-instance jurisdiction of the Court for consumer disputes in accordance to the Civil Procedure Code 2015 (amended and supplemented in 2019). This paper also presents the current consumer dispute settlement in Vietnam and makes some recommendations to improve related regulations to better resolve consumer disputes.

Keywords: consumer disputes, jurisdiction, dispute resolution methods, consumer protection.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2023]