Là một phần không thể thiếu của quê hương đất trăm nghề, Thanh Oai còn được biết đến như là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc: Làng nón lá ở Phương Trung (Làng Chuông đã được công nhận là làng điển hình của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ); làng điêu khắc ở Võ Lăng (Dân Hoà), Dư Dụ (Thanh thuỳ); làng làm quạt ở Vác; làng làm sơn tượng Võ Tăng; làng làm tương ở Cự Đà; làng làm giò chả Ước Lễ… Ngoài ra, rải rắc khắp Huyện là nghề mây tre đan, sản xuất nông lâm sản, kim khí… Hàng năm, cứ vào ngày mùng 10 âm lịch, làng nón Phương Trung lại khai hội chợ Chuông (bán nón và nhiều nguyên liệu làm nón). Hội chợ thu hút rất nhiều khách du lịch, đây cũng là dịp làng Chuông quảng bá sản phẩm và những nét đẹp văn hóa của một làng nghề truyền thống lâu đời.
Với 12.382 ha diện tích đất tự nhiên, số dân là 174.552 người, huyện Thanh Oai có vị trí khá thuận lợi, Quốc lộ 21B chạy dọc suốt chiều dài của Huyện, ngoài ra, ở rìa phía Tây Bắc còn có Quốc lộ 6, tỉnh lộ 71 nối từ Quốc lộ 21B và Quốc lộ 1A, đây là những tuyến giao thông quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Theo sử sách ghi lại, thì tên gọi Thanh Oai đã có từ thời Lý, vào đời Lê, Huyện này là vùng đất thanh bình thuộc phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam, năm 1888 mới chuyển về thuộc tỉnh Hà Đông và bây giờ là thành phố Hà Nội. Không chỉ là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, con người nơi đây còn rất cần cù chịu khó, yêu lao động. Ngày xưa, đất này nổi tiếng là đất khoa bảng với nhiều tiến sỹ, ông nghè…, trong chiến tranh cứu nước, Thanh Oai là quê hương của“Tam Hưng anh dũng, Quế Sơn kiên cường”, hàng nghìn người con Thanh Oai đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Với một diện tích đất canh tác không nhiều, nhưng lại có một lực lượng lao động dồi dào, giàu kinh nghiệm sản xuất, từ xưa, người Thanh Oai đã không chỉ sống bằng cây lúa. Theo khảo sát gần đây, với đơn vị hành chính là 24 xã và 1 huyện lỵ (thị trấn Kim Bài), Huyện được chia thành 120 làng, trong đó, 103 làng có nghề, gần 50 làng được chính thức công nhận làng nghề. Đến nay, tỷ lệ số hộ ở Thanh Oai tham gia vào sản xuất ngành nghề khá cao (chiếm 31%), thu nhập bình quân của lao động nghề cao gấp 1,5 - 2 lần lao động không tham gia làng nghề. Sự phát triển này cho thấy, sự năng động tìm tòi của người dân và chủ trương đúng đắn của chinh quyền địa phương trong việc tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh sẵn có, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Ngày nay, ngoài việc phát triển nở rộ của các nghề theo nhu cầu mới, tại các làng nghề truyền thống của Huyện, cuộc cạnh tranh khắc nghiệt của cơ chế thị trường đã khiến nhiều làng phải tự đổi mới và tìm ra hướng đi riêng. Với sự khéo léo, kinh nghiệm được kế thừa từ bao đời nay, kết hợp cùng sự năng động trong thời cơ chế thị trường, nhiều nghệ nhân Thanh Oai đã tìm ra hướng đi để nhiều nghề truyền thống được tồn tại và phát triển, nâng cao vị thế của sản phẩm làng nghề. Họ không chỉ gìn giữ được vốn nghề truyền thống của địa phương, mà còn nhân cấy thêm nhiều nghề mới như may công nghiệp, chẻ tăm hương, dệt len, mây giang đan,… Nhiều hộ gia đình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, sơn mài đã tìm được thị trường tiêu thụ, không chỉ ở trong nước mà còn vươn xa tới khu vực Đông Á, hay châu Âu…
Có vị trí thuận lợi trên mảnh đất trăm nghề, tập trung nhiều đường giao thông quan trọng, Huyện đã xác định sản xuất lúa thuần túy thì không thể làm giàu được. Từ nhận thức này, Đảng bộ và chính quyền huyện Thanh Oai chủ trương quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thực hiện chủ trương đó, các cụm điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã và đang được xây dựng dọc hai bên đường quốc lộ 21B. Thanh Oai đã hình thành 4 cụm kinh tế và một khu công nghiệp gồm Kim Bài, Bình Minh, Dân Hoà, Thanh Thuỳ với trên 65 doanh nghiệp cổ phần, công ty TNHH, các HTX và tổ hợp sản xuất. Các doanh nghiệp trong 4 cụm kinh tế này làm ăn khá hiệu quả, giải quyết số lượng lớn lao động trên địa bàn. Theo một cán bộ Phòng Công Thương Huyện thì tới đây, Thanh Oai sẽ tiếp tục hình thành các cụm, điểm công nghiệp tập trung. Hiện tại, Cụm công nghiệp Bình Minh có quy mô 20 ha cùng 4 điểm công nghiệp: Điểm Bích Hòa (14 ha), điểm Thùy (5,8 ha), điểm Bình Minh (3,5 ha) và điểm Dân Hòa (gần 10 ha), đã tiếp nhận hàng chục dự án kinh tế của nhiều hộ, các doanh nghiệp thuê đất phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Với việc khôi phục nhiều làng nghề truyền thống lâu đời như nón Chuông, quạt giấy Vác, điêu khắc Dư Dụ…, không chỉ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động của địa phương, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Đứng đầu trong danh sách phân bố không gian làng nghề của Huyện phải kể đến là nghề làm nón ở xã Phương Trung với khoảng 13 thôn, tiếp đến là nghề chẻ tăm hương xuất khẩu với 6 thôn, kim khí 5 thôn, khâu bóng da 5 thôn… Bên cạnh các nghề truyền thống như nghề nón lá, điêu khắc…, rất nhiều nghề được nhân cấy ở Huyện có chiều hướng phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể như nghề khâu bóng da, chẻ tăm hương, mây tre giang đan… Các doanh nghiệp ở làng nghề này đều rất chú ý đến việc đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương trên thị trường.
Làng nghề nón Chuông xã Phương Trung
Nói đến nghề truyền thống của Thanh Oai thì nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất phải kể đến là nghề làm nón làng Chuông (xã Phương Trung). Nằm cách Hà Đông khoảng 40 cây số theo quốc lộ 21B, ngoài 7/7 xã của làng Chuông (Trung Chính, Quang Trung, Mã Kiều, Tân Dân, Liên Tân, Tây Sơn, Tân Tiến) đã chính thức được công nhận làng nghề vào năm 2001, thì có đến 6 thôn của những xã này cùng tham gia vào làm nón, sản xuất các vật liệu nón như các thôn Thị Nguyên, Mộc Xá (xã Cao Dương); thôn Động Giã (xã Đỗ Động); thôn Đôn Thư (xã Kim Thư)… Nghề nón của làng Chuông là nghề truyền thống có từ vài trăm năm trước, xưa, làng chỉ làm nón cổ như nón quai thao, Xuân Kiều, nay chủ yếu làm nón cách tân (số làm nón quai thao còn rất ít). Không chỉ nổi tiếng trong quá khứ, hiện tại và rất được ưa chuộng ở khắp mọi miền đất nước, nón làng Chuông với sự khéo léo, tài hoa, tâm huyết của nhiều nghệ nhân trong làng và bằng những nét đẹp văn hóa truyền thống, đã được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Công, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…
Xã Phương Trung có hơn 3.478 hộ thì có 90% số hộ tham gia làm nón, nghề nón không mang lại thu nhập cao, nhưng lại rất ổn định và tận dụng được nhiều lao động trong gia đình như người già, trẻ em. Làm nón cho thu nhập bình quân khoảng từ 7 - 9 triệu/người/năm. Dù chiếc nón ngày nay được nhiều địa phương sản xuất, nhưng nổi tiếng và có nghề thì làng Chuông vẫn là số 1. Nón Chuông đẹp và để lại ấn tượng bởi sự tinh xảo và những vòng nón (16 vòng) vừa đều vừa chắc, các mũi khâu không mau, không thưa, nhẹ nhàng, thanh thoát. Mỗi năm, làng Chuông làm ra khoảng 3 triệu chiếc nón, không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ gia đình, mà còn được gửi đi tham gia nhiều sự kiện trọng đại của đất nước mang tầm quốc tế như SEGAME, APEC…
Nằm trong điểm du lịch làng nghề, làng Chuông luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ bởi sản phẩm nón, mà còn bởi nét đẹp văn hóa của một làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời. Hàng năm vào ngày mùng 10 âm lịch, tại làng có hội khai chợ Chuông, thu hút rất nhiều khách tham quan. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nghề khác, sản xuất nón của bà con nơi đây chủ yếu còn mang tính tự phát, vì vậy, Lãnh đạo xã đã có chủ trương, phải xây dựng làng Chuông có thương hiệu, đồng thời đang xúc tiến quy hoạch điểm công nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất trong làng có đủ mặt bằng sản xuất và địa điểm giới thiệu sản phẩm.
Làng nghề kim khí xã Thanh Thùy
Cách Hà Đông khoảng 4 cây số về phía nam theo quốc lộ 21B là xã Thanh Thùy nổi tiếng với nghề kim khí. Khởi thủy của làng là nghề làm đinh sắt, ban đầu là làm đinh ốc theo nghề cũ, rồi mua thêm tôn, chế thêm những chi tiết máy cơ khí. Hiện tại, 5 trong 6 thôn của xã Thanh Thùy là làm nghề cơ khí, được chính thức công nhận làng nghề vào năm 2001. Xã Thanh Thùy cố tổng số 1.648 hộ, thì có gần 100% số hộ tại 5 thôn (Rùa Hạ, Gia Vĩnh, Rùa Thượng, Từ Am, Dụ Tiền) là làm nghề kim khí. Nghề cho thu nhập trung bình 9,2 triệu đồng/người/năm. Bình quân một tháng, nghề kim khí ở Thanh Thùy tiêu thụ từ 300 đến 400 tấn sắt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều lao động địa phương, góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân tại các làng nghề. Sản phẩm kim khí của Thanh Thùy cũng khá đa dạng, ngoài đinh ốc truyền thống, còn có phụ tùng xe máy, xe đạp, cửa khóa, cửa xếp,… Nhiều sản phẩm của làng hiện nay được làm theo đơn đặt hàng xuất khẩu nên trong làng ngày càng có nhiều gia đình khá giả. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều làng nghề thủ công, nghề kim khí ở Thanh Thùy đang tồn tại vấn nạn ô nhiễm môi trường. Để giải quyết tình trạng này, xã Thanh Thùy đang tiến hành quy hoạch cụm, điểm công nghiệp làng nghề kim khí với diện tích 5,9 ha. Điểm công nghiệp này sẽ di các dời các cơ sở sản xuất của những hộ làm nghề ra khỏi khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nghề mở rộng sản xuất.
Làng nghề điêu khắc thôn Dư Dụ
Làng nghề điêu khắc Dư Dụ, xã Thanh Thùy nằm cách thị xã Hà Đông chừng 10 km, đi dọc quốc lộ 21 B, làng được chính thức công nhận làng nghề vào năm 2001, có đến 80% lao động trong làng làm nghề điêu khắc truyền thống, với nhiều sản phẩm điêu khắc tinh xảo như tượng Phật Di Lặc, tượng Phúc Lộc Thọ, tượng Tiên lữ, tượng phù điêu…
Thu nhập từ làm nghề điêu khắc của làng ngày càng tăng và chiếm tỉ trọng chính trong sự phát triển kinh tế của thôn, bình quân lao động tham gia nghề có thu nhập khoảng 6,8 triệu đồng/người/năm, cao hơn 1,5 lần lao động chưa có nghề. Thù lao cho thợ làm công đoạn xâu chuỗi hạt làm chiếu hạt (mức độ công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp nhiều) là từ 300.000 đến 500.000 đồng/người/tháng (có ăn trưa tại xưởng), còn với thợ chuyên đục, có kỹ thuật cao thì thu nhập lên tới trên 2 triệu đồng/người/tháng. Toàn thôn có 8 cơ sở sản xuất kinh doanh, thu hút số lượng lớn lao động của thôn cũng như ở các địa phương khác đến học và làm nghề tại cơ sở. Hiện nay, nghề này đã giải quyết được rất nhiều lao động với thu nhập ổn định, sản phẩm của làng không chỉ có mặt trên thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước như: Trung Quốc và các nước Đông Nam Á... Người thợ của làng nghề điêu khắc Dư Dụ cũng đã đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số khâu pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm mà trước đây chỉ làm bằng thủ công thuần túy, và đã hỗ trợ rất nhiều cho người thợ giảm sức lao động, nâng cao độ tinh xảo của sản phẩm. Nếu như trước đây, sản phẩm điêu khắc của làng Dư Dụ được làm chủ yếu từ các loại gỗ quý hiếm, thì đến nay đã dần được thay thế bằng các loại gỗ thông dụng như gỗ mít, gỗ xà cừ. Hiện nay, nghề điêu khắc ở Dư Dụ đang rất phát đạt, tuy nhiên, nguồn nguyên liệu gỗ làm ra sản phẩm của Dư Dụ hiện không đáp ứng được về khối lượng và chủng loại, nhất là những loại gỗ quý, do nguồn gỗ tự nhiên đang cạn dần, nên đã diễn ra tình trạng người thợ phải làm cầm chừng để đợi nguyên liệu. Mặt bằng sản xuất của các cơ sở của làng cũng ngày càng trở nên chật hẹp, hơn nữa các cơ sở sản xuất đều nằm trong khu dân cư nên bụi mùn cưa, mùi sơn phun... đã làm ô nhiễm môi trường. Để tạo điều kiện mở rộng mặt bằng và quy hoạch sản xuất vào một khu riêng, chính quyền xã Thanh Thùy đã triển khai quy hoạch 5,8 ha đất dành làm điểm công nghiệp, vận động nhân dân làm đường làng, ngõ xóm bê tông, gạch hóa được 90%. Cho tới nay, xã Thanh Thùy còn 1,5 km đường liên xã là chưa được bê tông hóa, Đảng bộ và chính quyền xã rất mong được các cấp, các ngành đầu tư kinh phí hoàn thiện hệ thống đường giao thong, giúp Dư Dụ và 5 thôn nghề kim khí của xã được thuận lợi hơn trong sự phát triển nghề truyền thống.
Làng nghề làm quạt giấy ở Vác (xã Dân Hòa)
Nói đến Thanh Oai thi không thể không nhắc đến làng nghề làm quạt giấy ở làng Vác (Kẻ Vác) hay Canh Hoạch xã Dân Hoà. Làng cách Hà Nội khoảng 35 km. Nghề làm quạt xuất hiện ở Vác bắt đầu có từ khoảng nửa cuối Thế kỷ XIX, cách đây khảng 130 - 150 năm, do cụ Mai Đức Siêu là người đầu tiên khởi nghiệp. Quạt Vác nổi tiếng bền, đẹp, nan quạt không bị mối mọt, giấy bồi quạt dai, nhưng mỏng và nhẹ nên được ưa chuộng. Quạt Vác được làm bằng chất liệu giấy dó, cật tre, sừng trâu, trên bề mặt có trang trí hình vẽ và hoa văn cổ truyền qua những nét châm kim khéo léo. Trung bình thu nhập từ nghề khoảng 500 ngàn đến 700 ngàn đồng/gia đình/tháng. Ngoài ra, nghề chính của làng vẫn là nông nghiệp. Đa phần người dân làng Vác là làm quạt xoàng (rẻ tiền), giá bán chỉ vài trăm đồng/chiếc, loại quạt này tiêu thụ được khá nhiều. Bên cạnh đó, nhiều hộ làm quạt cao cấp giá bán từ 2.000 đến 17.000 đồng/chiếc.
Trước đây, người Canh Hoạch chủ yếu làm các loại quạt thông dụng, nhưng ngày nay, các hộ dân nơi đây chủ yếu sản xuất các loại quạt mỹ nghệ bằng sừng, lụa, xương... để phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau như biểu diễn nghệ thuật, hay làm vật trang trí trong gia đình.
Về Thanh Oai hôm nay, vào bất cứ xã nào, ta cũng cảm nhận được không khí sôi động của hoạt động các làng nghề. Sự phát triển của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Thanh Oai đang góp phần làm cho đời sống của người dân ngày một được cải thiện, kinh tế xã hội của địa phương ngày một phồn vinh. Và xa hơn thế, nó còn góp phần bảo tồn những di sản văn hoá truyền thống của dân tộc.