Sáng 21/8/2018, tại Hà Nội, Chuyên đề thị trường vốn - tài chính trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (ViEF) với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam - Giải pháp và thách thức” đã chính thức được diễn ra nhằm tìm lời giải cho bài toán xây dựng thị trường vốn đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tính tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, tỷ lệ vốn hóa từ các thị trường như bất động sản, chứng khoán…
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, thị trường vốn tài chính Việt Nam tồn tại nhiều điểm nghẽn nhất định, do vậy, trong Diễn đàn lần này, Phó Thủ tướng mong muốn các diễn giả, chuyên gia tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện những thể chế phát triển thị trường chứng khoán, vốn, tài chính.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, để giải quyết điểm nghẽn trong thị trường vốn cần đánh giá lại sự mất cân đối giữa lĩnh vực tín dụng với thị trường vốn..."Chúng ta phải phát triển thị trường theo hướng hiện đại và quốc tế, đặc biệt là giải pháp cung cấp vốn, các giải pháp cần đẩy mạnh trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn, tái cấu trúc thị trường, tăng cường năng lực hấp thu của hệ thống các chủ thể tham gia thị trường, nhất là trong tình hình kinh tế có nhiều biến động", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ diễn ra, Phó Thủ tướng, các chuyên gia, diễn giả cùng hàng trăm doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu ra 03 điểm nghẽn, điểm hạn chế của thị trường vốn – tài chính Việt Nam hiện nay. Cụ thể:
Việt Nam đang thiếu vốn dài hạn
Tham luận tại Diễn đàn, ông Fiachra MacCana - Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty CT Chứng khoán TP. HCM (HSC) đã đưa ra nhiều số liệu cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam đang thiếu vốn trầm trọng. Ông Fiachra MacCana dẫn chứng, vay thế chấp từ 2015 đến 2017 tăng từ 24,6 lên 43,8 tỷ USD nhưng tỷ trọng so với GDP hiện chỉ ở 19,6%. Đây là tỷ lệ thấp nếu so với các nước lân cận như Malaysia (42,4%), Thái Lan (46,8%), Singapore (54,2%). Trong khi đó, vốn dài hạn chính là giải pháp để các ngân hàng nâng vốn để hạn chế tình trạng vốn mỏng, đồng thời có khả năng cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn.
Ông Fiachra MacCana đã đưa ra nhiều số liệu cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam đang thiếu vốn trầm trọngĐồng quan điểm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25%. Trong khi quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu. Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn nên khi nhu cầu vốn vay trung dài hạn lớn sẽ tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng. Hiện tỷ trọng vốn ngắn hạn chiếm 70%.
Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong những năm qua đã chú trọng khắc phục 2 điểm này và đã thu được những thành quả nhất định.
Đại diện HSC đưa ra dự báo vấn đề vốn dài hạn của Việt Nam sẽ được giải quyết trong khoảng 20 năm nữa, khi đó Việt Nam sẽ xây dựng được khoản vay dài hạn lớn, dựa vào nhiều công cụ ví dụ quỹ hưu trí tư nhân, trái phiếu.
Để làm được điều đó, chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ, thông qua các biện pháp như đào tạo, phát triển quỹ tư nhân, gia tăng sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài, thành lập quỹ lưu ý không có quyền biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài... "Ngay bây giờ chúng ta thực hiện những sáng kiến này thì con cháu chúng ta khoảng 20-30 năm nữa sẽ được hưởng thành quả", ông Fiachra MacCana nói.
Sự mất cân bằng trên thị trường về vốn – tài chính
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thị trường tài chính Việt Nam hiện nay được cấu thành bởi thị trường vốn và tiền tệ, trong đó ngân hàng giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù thị trường chứng khoán và các định chế phi ngân hàng có nỗ lực nào đó phát triển tích cực, nhưng đây vẫn mất cân bằng. Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tăng vai trò của định chế phi ngân hàng, một vấn đề nữa là giải quyết tốt thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Thủ tướng ví dụ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Chính phủ bảo lãnh thị trường tiền tệ, trước đây thị trường Việt Nam không đáp ứng được. Do đó Chính phủ quyết định chỉ có những công trình rất quan trọng Chính phủ mới bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, nhưng cũng chỉ ở mức 30%, còn các trường hợp khác các doanh nghiệp phải tự giải quyết, nhưng hiện nay thị trường Việt Nam đã đáp ứng được vấn đề này.
"Chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Một trong những điều kiện quan trọng để giải quyết là áp dụng các công cụ, gỡ áp lực về mặt tỷ giá, lãi suất biến động", Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng đưa ra một số giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, thị trường chứng khoán phải phát triển cả ở thị trường cơ sở, chính phủ cần có biện pháp phát triển thị trường này. Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần đột phá, phát triển sản phẩm hưu trí tự nguyện...
Nguồn vốn không chính thức chiếm 60% tổng vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt VERCO khẳng định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có cấu trúc vốn. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia tái cấu trúc nhiều doanh nghiệp, ông nhận thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được chia thành 3 loại, trong đó, phần lớn là những thanh niên, kỹ sư đi lên từ đam mê, mong muốn khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Kim Hùng nhận định, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ nguồn vốn không chính thứcTheo ông, nhóm doanh nghiệp này không có nhiều kiến thức về vốn trong khi việc tiếp cận ngân hàng lại gặp nhiều khó khăn. Vốn thực của họ chỉ chiếm từ 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận trái phiếu Chính phủ, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi còn gọi là “tín dụng đen”.
"Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “cho vay vốn” Google sẽ ra 20 triệu kết quả ngay tức khắc. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại hình cho vay vốn, nhưng chi phí lãi suất tương đối cao, thậm chí rất cao”, ông Hùng cho biết.
"Cá biệt, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen", ông Hùng nhấn mạnh.
Giải pháp tạo dựng thị trường vốn – tài chính bền vững
Để giải quyết những điểm nghẽn trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với những giải pháp của các diễn giả, trong đó có việc cần nâng cao vai trò của các định chế phi ngân hàng. Một trong những thể chế phi ngân hàng đã quen thuộc với nhiều nhà đầu tư là thị trường cổ phiếu. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đề cao môi trường pháp lý, chính sách minh bạch để gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho thị trường.
Minh chứng cho giải pháp của mình, ông Andy Ho cho biết, từ năm 2014 đến nay, thị trường vốn tài chính Việt Nam phát triển nhanh và sôi động, nổi bật là thị trường cổ phiếu với nhiều khởi sắc. Theo ông, đây là cách hữu hiệu để tăng nguồn vốn dài hạn và là động lực để khuyến khích các nhà đầu tư tập trung vào thị trường trái phiếu. Ông cũng cho rằng khi áp dụng các hình thức đầu tư, chúng ta cần xem lợi nhuận thu được và khả năng thanh khoản.
Phó thủ tướng cho rằng, để giải quyết bài toán này,thị trường vốn cần tăng vai trò của thể chế phi ngân hàngBên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được các chuyên gia, diễn giả nhắc đến như mô hình các quỹ, trong đó có quỹ hưu trí. Một giải pháp phi ngân hàng khác chưa được các diễn giả bàn tới nhưng được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra trong bài phát biểu kết thúc diễn đàn là các công cụ phái sinh. Phó Thủ tướng nhận định: "Công cụ phái sinh trong thị trường ngoại hối sẽ giúp chúng ta đỡ được những áp lực trong vấn đề tỷ giá, trong điều kiện lãi suất thế giới biến động phức tạp".
Ngoài ra, để thúc đẩy nguồn vốn cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, trong đó có việc yêu cầu cắt giảm khoảng 50% điều kiện kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thể chế để phát triển các thị trường.
Hơn nữa, “Chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Một trong những điều kiện quan trọng để giải quyết vấn đề này là áp dụng các công cụ, gỡ được áp lực về mặt tỷ giá, lãi suất biến động", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.