Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa cho biết, trong tháng 8 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng 7.
Theo đó, tính chung 8 tháng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhờ đóng góp của nhóm hàng điện thoại và linh kiện nên cán cân thương mại tháng 8 đã nghiêng về xuất siêu với 1,7 tỷ USD, tương đương giá trị xuất siêu của 7 tháng năm 2019.
Như vậy, tính tổng 8 tháng, xuất siêu của cả nước đạt 3,4 tỷ USD. Trong đó có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt, có tới 5 nhóm mặt hàng góp mặt trong "câu lạc bộ" xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, tăng 2 nhóm so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, top 5 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch 10 tỷ USD trở lên bao gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có thêm 2 mặt hàng ra nhập "câu lạc bộ" xuất khẩu 10 tỷ USD, đó là nhóm giày dép và máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Theo đó, tính đến hết 15/8, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 11,12 tỷ USD, tăng gần 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ 2018, tương đương tốc độ tăng trưởng gần 13%.
10,49 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Như vậy, với tổng kim ngạch khoảng 92 tỷ USD, 5 nhóm hàng chủ lực chiếm đến 58,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhận định của các chuyên gia cũng cho thấy, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kế đó là thị trường EU đạt 27,7 tỷ USD giảm 0,5%; Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD giảm 2,5% và thị trường ASEAN đạt 17,3 tỷ USD tăng 3,6%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 đạt 22,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước.
Như vậy, sau 8 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 70,43 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 96,15 tỷ USD, tăng 4,8%.
Theo các chuyên gia, với kết quả đã đạt được có thể hoàn toàn tin tưởng những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ vẫn theo chiều hướng tốt, đặc biệt khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn đang phải đối diện với số lo ngại như một số mặt hàng truyền thống có kim ngạch giảm là gạo, than đá, dầu thô…
Theo phân tích, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước có tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao hơn khối FDI nhưng vẫn chưa đủ.
Chính vì thế, doanh nghiệp cần tận dụng những ưu đãi từ các FTA đã ký kết, chú ý xác nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các cam kết đã ký.
Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu, Cục Xuất nhập khẩu phải chủ động nghiên cứu trong công tác phối hợp với các đơn vị trong Bộ để xây dựng các kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 5 tháng còn lại ở các thị trường và các ngành hàng. Đánh giá những thực tế trong 6 tháng đầu năm từ đó có những dự báo những diễn biến thị trường 6 tháng cuối năm.
Cùng với đó, phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến tranh chấp thương mại để chủ động hơn với các vụ việc liên quan đến lĩnh vực này.
Ngoài ra, Cục Xuất Nhập khẩu cần phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng rà soát, đánh giá lại các thị trường có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp điều hành cụ thể, chỉ đạo kịp thời trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, kiểm soát chặt nhập khẩu, nhất là các mặt hàng như ô tô, đường… và có các phương án, dư địa thực thi cam kết hội nhập theo hướng hài hòa lợi ích quốc gia và doanh nghiệp.