Kết thúc tuần từ 1/9 – 5/9/2014, chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trên toàn cầu – Oryza White Rice Index đạt 473 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn so với một tuần trước đó, giảm 12 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước nhưng tăng 23 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Trong tuần vừa qua, Hội đồng ngũ cốc thế giới (IGC) đưa ra dự báo, tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2014 sẽ đạt 40 triệu tấn, tăng 5% so với mức 38 triệu tấn trong năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do lượng gạo nhập khẩu của các quốc gia thuộc khu vực Viễn Đông Châu Á như Philippines, Trung Quốc, Indonesia cũng như các quốc gia Châu Phi sẽ tăng lên.
Trong tháng 8/2014, chỉ số giá gạo thế giới – All Rice Price Index của Tổ chức nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) tăng 2% so với tháng 7/2014, đạt 242 điểm. Nguyên nhân chủ yếu do giá các loại gạo gồm: gạo Aromatic chất lượng cao, gạo Indica chất lượng thấp tăng lên.
Thái Lan
Kết thúc tuần từ 1/9 – 5/9/2014, giá gạo 5% tấm Thái Lan đạt 430 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với một tuần trước đó và so với cùng kỳ tháng trước; tăng 10 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, Thái Lan sẽ xuất khẩu được 9,5 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng 34% so với năm 2013. Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, Thái Lan đã xuất khẩu được 5,62 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm 2014 và đem về cho nước này 2,8 tỷ USD, tăng 55% về lượng và tăng 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
TREA cũng cho biết hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan sang các quốc gia Châu Phi, bao gồm: Benin, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Mozambique, Nigeria và Nam Phi có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola do các hãng tàu biển từ chối vẩn chuyển gạo đến các khu vực trên. Các nhà xuất khẩu Thái Lan hiện lo ngại rằng điều này có thể tạo áp lực khiến giá gạo Thái Lan giảm xuống hơn nữa. Mặc dù nhu cầu về gạo Thái Lan của Trung Quốc và Indonesia đang tăng lên, giá gạo Thái Lan đã giảm tới 22 USD/tấn.
Hãng tin Reuters cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan và TREA sẽ cung cấp cho Indonesia 175.000 tấn gạo trắng loại 5% và 15% tấm theo một hợp đồng liên chính phủ mới. Bộ Thương mại Thái Lan cũng cho biết sẽ ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) mới với Chính phủ Philippines về thỏa thuận bán cho Philippines 1 triệu tấn gạo/năm trong giai đoạn từ 2014 – 2016.
Ấn Độ
Trong ngày 5/9/2014, giá gạo 5% tấm Ấn Độ đạt 445 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với một tuần trước đây và so với cùng kỳ tháng trước; tăng 40 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, tính đến ngày 5/9/2014, diện tích canh tác vụ Kharif (tháng 6 – tháng 12) chỉ đạt 36 triệu ha, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2013. Lần đầu tiên trong vòng 30 năm trở lại đây, Chính phủ Ấn Độ sẽ phải tiến hành nhập khẩu 100.000 tấn gạo từ Myanmar để đáp ứng nhu cầu phân phối lương thực tại hai bang Manipur và Mizoram.
Pakistan
Trong ngày 5/9/2014, giá gạo 5% tấm Pakistan đạt 420 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với một tuần trước đó và giảm 30 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 8/2014 nhưng mức giá này vẫn cao hơn 15 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 9/2013.
Các thị trường khác
Giá gạo 5% tấm Campuchia trong ngày 5/9/2014 đạt 470 USD/tấn – không đổi so với một tuần trước đó và tăng 15 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 8/2014. Ban Thư ký dịch vụ một cửa đối với hoạt động xuất khẩu gạo, Campuchia đã xuất khẩu được 233.859 tấn gạo trong 8 tháng đầu năm 2014, giảm 1,2% so với mức 236.728 tấn trong cùng kỳ năm 2013.
FAO đã lên tiếng cảnh bảo dịch bệnh Ebola tại khu vực Tây Phi đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh lương thực tại các quốc gia trong khu vực như Liberia, Sierra Leone và Guinea do hoạt động giao thương xuyên biên giới và các hoạt động thương mại bị gián đoạn. Chính phủ Liberia vừa qua đã điều chỉnh giá gạo và các mặt hàng nhu yếu phẩm trong nỗ lực kiềm chế đà tăng giá hàng hóa.
Bộ Nông nghiệp Philippines đưa ra cảnh báo rằng giá gạo trên thị trường nội địa của nước này sẽ còn tiếp tục tăng lên cho đến khi gạo thuộc vụ thu hoạch mới được đưa vào thị trường trong tháng 10/2014. Nguyên nhân do sự trì hoãn canh tác của nông dân và tiến độ thu mua bổ sung gạo của Chính phủ Philippines diễn ra chậm.
Theo chiến lược xuất khẩu quốc gia giai đoạn 2014 – 2019 của Myanmar mới được công bố, Myanmar đang nỗ lực nâng tầm hoạt động xuất khẩu gạo của nước này và sẽ tiếp cận các thị trường mới, bao gồm: Nga, Châu Âu và Trung Quốc.