Kết thúc tuần từ 21 – 25/7/2014, chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu – Oryza White Rice Index đạt 480 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn so với một tuần trước đó, tăng 19 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 6/2014 và tăng 4 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. Trong tuần vừa qua, gạo Thái Lan tiếp tục là loại gạo Châu Á có giá thấp nhất. Tuy nhiên, trang Oryza.com nhận định nhiều khả năng giá gạo Thái Lan đã chạm đáy.
Giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu - Oryza White Rice Index (1/6/2011 - 1/6/2014) (Nguồn: oryza.com)Thái Lan
Kết thúc tuần từ 21 – 25/7/2014, giá gạo 5% tấm Thái Lan đạt 435 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với một tuần trước đó, tăng 50 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 6/2014 nhưng vẫn thấp hơn 30 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Trang oryza.com cho biết sản lượng thóc của Thái Lan trong niên vụ 2013/2014 có thể chỉ đạt 34 triệu tấn, giảm 10% so với niên vụ 2012/2013 do tình trạng hạn hán và việc Chính phủ Thái Lan kết thúc chương trình trợ giá thu mua lúa gạo. Đây có thể là mức sản lượng thóc thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của Thái Lan.
Bộ Thương mại Thái Lan hiện đang đề nghị Ủy ban chính sách lúa gạo Thái Lan cho phép tiếp tục xả bán gạo trở lại vào tháng 8/2014. Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến sẽ bán ra 500.000 tấn gạo mỗi tháng thông qua các phiên đấu thầu, giao dịch liên Chính phủ (G2G) và thông qua Sàn giao dịch nông sản tương lai Thái Lan. Giới truyền thông Thái Lan cho biết Ủy ban hòa bình và trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO) đã đồng ý thông qua kế hoạch cho phép bán gạo dự trữ của Thái Lan trong vòng 3 năm tới.
Hiệp hội nông dân canh tác lúa gạo Thái Lan đã kêu gọi NCPO nâng giá bán gạo trung bình trên thị trường từ 7.000 Baht (220 USD)/tấn lên mức 10.000 – 12.000 Baht (314 – 376 USD)/tấn nhằm đảm bảo thu nhập cho nông dân do chi phí sản xuất tăng cao.
Ấn Độ
Vào ngày 25/7/2014, gạo 5% tấm Ấn Độ đạt 440 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước đó, tăng 5 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 6/2014 và giảm 5 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Trong tuần trước, lượng mưa tại Ấn Độ chỉ đạt 65% so với lượng mưa trung bình trung bình kể từ khi mùa mưa bắt đầu (tháng 6 – tháng 9 hàng năm). Lượng mưa ít đã khiến diện tích canh tác vụ mùa Kharif (vụ mùa chính) tại Ấn Độ, tính đến ngày 25/7/2014, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích canh tác lúa gạo của Ấn Độ hiện chỉ đạt 16,571 triệu ha, giảm so với mức 19,638 triệu ha vào thời điểm này năm 2013. Mùa mưa kém thuận lợi cho hoạt động canh tác lúa gạo của Ấn Độ có thể là cơ hội đối với các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan với kỳ vọng các nước nhập khẩu gạo sẽ trả nhiều tiền hơn để nhập gạo Thái Lan trong trường hợp nguồn cung gạo xuất khẩu của Ấn Độ bị thiếu hụt. Tuy nhiên, hoạt động canh tác gạo basmati của Ấn Độ vẫn ở mức tốt bất chấp tình trạng mưa ít. Việc giá gạo basmati tăng cao trong năm 2013 đã khuyến khích nông dân nước này gia tăng diện tích canh tác loại gạo này với diện tích trong năm 2014 đạt 1,9 triệu ha, tăng 6% so với năm 2013.
Pakistan
Kết thúc tuần từ 21 – 25/7/2014, giá gạo 5% tấm Pakistan đạt 440 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước đó, giảm 5 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 6/2014 và tăng 15 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Cơ quan vũ trụ quốc gia Pakistan (SUPARCO) dự báo sản lượng gạo của Pakistan trong năm tài chính 2013/2014 (tháng 7/2013 – tháng 6/2014) sẽ đạt 7,1 triệu tấn với diện tích canh tác đạt 2,879 triệu ha.
Theo Cơ quan thống kê Pakistan, trong cả năm tài chính 2013/2014, Pakistan đã xuất khẩu 3,16 triệu tấn gạo, giảm 7% so với năm tài chính 2012/2013.
Các thị trường khác
Kết thúc tuần từ 21 – 25/7/2014, giá gạo 5% tấm Campuchia đạt 455 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với một tuần trước và cùng kỳ tháng 6/2013.
Cơ quan quản lý lương thực quốc gia Philippines (NFA) cho biết sẽ nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm 2014 nhằm đảm bảo mức dự trữ gạo sau khi cơn báo Rammasun (Glenda) đổ bộ vào nước này vào ngày 15/7/2014. Trang oryza.com cho biết, ước tính có 16.553 ha lúa trị giá 23 triệu USD của Philippines bị cơn bão tàn phá. Giá bán gạo trung bình trong nội địa Philippines đã tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2014 và đạt ngưỡng cao nhất kể từ tháng 1/2011.
Các nhóm người tiêu dùng tại Philippines đã cảnh báo NFA về việc gạo nhập khẩu bị nhiễm hàm lương arsenic vượt ngưỡng cho phép; theo khuyến nghị mới của WTO, hàm lượng arsenic tiêu chuẩn được phép có trong gạo là 0,2 milligrams/kg.
Trong một nỗ lực thiết lập thương mại gạo chính thức với Myanmar, Trung Quốc đã yêu cầu nước này ký kết hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đối với gạo nhập khẩu. Dự kiến Myanmar sẽ sớm hoàn thiện các yêu cầu nói trên để duy trì mức độ cạnh tranh với gạo Việt Nam.
Trang oryza.com cho biết, Chính phủ Gambia có thể sẽ xem xét lại quyết định cấm nhập khẩu gạo từ năm 2016 nếu như sản lượng gạo của nước này trong niên vụ tới không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Gambia kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu tự cung tự cấp gạo vào cuối năm 2015; tuy nhiên, điều này rất khó đạt được và bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu gạo nào sẽ dẫn tới tình trạng buôn lậu gạo gia tăng.