Tổng hợp tin thị trường gạo quốc tế ngày 25/7/2014

Trong ngày 25/7, thị trường gạo quốc tế có một số tin chính như sau.

FAO: Dự báo Việt Nam xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo trong năm 2014

Cơ quan nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng 5% so với mức 6,65 triệu tấn trong năm 2013 nhờ vào sản lượng tăng và nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia Châu Á, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Philippines tăng lên.

Tổng cục thống kê Việt Nam (GSO) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,3 triệu tấn gạo, giảm 6% so với mức 3,5 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2013.

Theo FAO, mặc dù diện tích canh tác lúa gạo của Việt Nam giảm nhẹ nhưng sản lượng thóc của Việt Nam trong năm 2014 dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục mới 44,5 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức kỷ lục 43,859 triệu tấn trong năm 2013. FAO cũng cho biết, hoạt động thu hoạch lúa gạo vụ Đông Xuân, niên vụ 2013/2014 đã gần như hoàn tất. Sản lượng thóc vụ Đông Xuân chiếm 45% tổng sản lượng thóc hàng năm của Việt Nam. FAO dẫn số liệu GSO cho biết, sản lượng thóc vụ Đông Xuân niên vụ 2013/2014 của Việt Nam đạt 20,8 triệu tấn, tăng 4% so với mức 20 triệu tấn trong niên vụ trước. Nguyên nhân do điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn nước phục vụ hoạt động canh tác được cung cấp đầy đủ trong suốt quá trình sản xuất. Trong khi đó, hoạt động thu hoạch vụ Hè Thu, niên vụ 2013/2014, mới bắt đầu được tiến hành; sản lượng vụ Hè Thu thường chiếm 32% tổng sản lượng thóc hàng năm của Việt Nam.

FAO cho biết, mức giá bán buôn gạo tại Việt Nam đã giảm xuống trong tháng 6/2014, tuy nhiên, nhu cầu về gạo xuất khẩu sẽ hạn chế đà giảm của giá gạo. Trong tháng 6/2014, giá bán buôn trung bình gạo trăng 25% tấm đạt 340 USD/tấn, giảm 1,5% so với mức 350 USD/tấn trong tháng 5/2014 nhưng vẫn cao hơn 6% so với hồi tháng 6/2013.

Thái Lan lên kế hoạch tiếp tục xả bán gạo trong tháng 8/2014

Trang oryza.com cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan đang xin phép Ủy ban chính sách lúa gạo Thái Lan tiến hành xả bán gạo trở lại vào tháng 8/2014. Trước đó, Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO) đã ngừng việc xả bán gạo để tiến hành thanh tra toàn bộ các kho dự trữ gạo nhằm đánh giá chất lượng và khối lượng gạo dự trữ.

Bộ Thương mại Thái Lan hiện lên kế hoạch bán ra 500.000 tấn gạo mỗi tháng thông qua các cuộc đấu thầu, các hợp đồng bán gạo liên Chính phủ (G2G) và thông qua Sàn giao dịch nông sản tương lai Thái Lan (AFET). Tuy nhiên, Chủ tịch TREA cho biết, Chính phủ Thái Lan nên bán gạo thành từng lô nhỏ 100.000 - 200.000 tấn mỗi lô nhằm tránh áp lực giảm giá.

Sau khi NCPO yêu cầu ngừng xả bán gạo, giá gạo Thái Lan đã bắt đầu tăng giá trở lại. Giá gạo trắng xuất khẩu 5% tấm Thái Lan đã tăng lên mức 425 USD/tấn trong tuần này, tăng 4% so với mức 410 USD/tấn trong tuần trước và tăng 12% so với hồi đầu tháng 6/2014. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn 10% so với mức 470 USD/tấn trong cùng kỳ năm 2013.

Lượng gạo còn tồn đọng trong các kho dự trữ của Chính phủ Thái Lan hiện đạt 18 triệu tấn và dự kiến hoạt động thanh tra các kho gạo này sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2014. Các chuyên gia dự báo nhu cầu về gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế sẽ tăng lên trong bối cảnh sản lượng gạo của Ấn Độ và một số quốc gia Châu Á khác sẽ chịu tác động xấu từ hiện tượng El Nino, mùa mưa không thuận lợi và hạn hán.

Theo trang oryza.com, Bộ Thương mại Thái Lan đang tìm sự ủng hộ từ Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, Bộ Tài chính Thái Lan để đảm bảo tính minh bạch trong các hợp đồng bán gạo và sự hỗ trợ từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) để giúp nước này lấy lại vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong việc bán gạo tại một số thị trường nhất định.

Theo số liệu của TREA, trong 4 tháng đầu năm 2014, Thái Lan xuất khẩu được 2,94 triệu tấn gạo, tăng 48% so với mức 1,985 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2013. TREA dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu được 9 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng 34% so với mức 6,7 triệu tấn trong năm 2013.

Đặng Quang (Theo oryza.com)