Báo cáo tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho hay, tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình cung ứng hàng thực phẩm tươi sống tiếp tục được cải thiện sau khi nhiều doanh nghiệp mở các điểm bán rau, củ, quả. Thêm vào đó, nhiều quầy bán hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống cũng đã mở bán lại.
Đáng chú ý, từ trưa ngày 17 đến sáng ngày 18/7/2021 người mua đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm hơn so với những ngày trước, không còn xếp hàng dài hoặc phát phiếu hẹn giờ vào siêu thị.
Hàng hóa nhìn chung được cung ứng tương đối đầy đủ, một số cửa hàng vào chiều hoặc tối thiếu rau xanh. Nhiều cửa hàng thuộc hệ thống Điện Máy Xanh sau 15h chiều chỉ còn vài loại rau xanh như cải ngọt, rau muống... Sau 19h, rau xanh cũng bắt đầu hết ở những siêu thị, cửa hàng tiện lợi khác.
Đặc biệt, trong ngày, các điểm bán rau, củ, quả do các doanh nghiệp mới mở đã góp phần tăng nguồn cung ứng cho thị trường, đến tối ngày 17/7 các điểm này này vẫn còn nhiều hàng rau, củ, quả.
Sau 2 ngày thiếu trứng (gà, vịt), thì đến sáng 17/7, hệ thống siêu thị Coopmart, Food Mart… và một số siêu thị khác nhập về nhiều trứng gà, đến chiều tối vẫn còn hàng. Giá trứng gà dao động từ 28.000-30.000 đồng/10 trứng.
Tại tỉnh Bình Dương, tình hình thí điểm tổ chức các điểm bán hàng bình ổn, hàng hóa thiết yếu tại các Bưu cục trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân góp phần giảm sự ùn tắc, tập trung đông người tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Tại tỉnh Đồng Nai, mặt hàng thuốc tân dược tại một số địa phương mặt hàng thuốc hạ sốt và viên sủi Beroca có tình trạng ít hàng, do nhu cầu người dân đột ngột tăng cao.
Tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh và một số tỉnh khác, sau khi có thông báo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhiều người dân đến các chợ truyền thông mua các loại rau, củ, quả, trứng, gạo, mì ăn liền, sức mua tăng cao kéo theo giá hàng cũng tăng 10%-30% nhưng không xảy ra khan hiếm hàng hóa. Tại Mỹ Tho, hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh xảy ra tình trạng thiếu trứng (gà, vịt).
Mạnh tay xử lý hành vi đầu cơ, tăng giá
Nhằm ngăn chặn, tiếp nhận phản ánh của người dân về hành vi gom hàng, nâng giá, trục lợi từ đại dịch Covid-19, Cục QLTT các tỉnh phía Nam đã công bố số hotline, công bố số điện thoại của Cục trưởng QLTT và các Đội trưởng Đội QLTT để người dân kịp thời phản ánh tình trạng nâng giá, đội giá quá quy định.
Sau khi ghi nhận phản ánh của người dân có hiện tượng siêu thị tăng giá, bán không đúng giá niêm yết, trong ngày 17/7, Đội QLTT số 2, Cục QLTT Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.
Cụ thể, sản phẩm cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; sản phẩm cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói.
Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính vụ việc, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Tương tự, từ ngày 8/7 đến nay, Cục QLTT Đồng Nai đã kiểm tra, xử phạt 21 vụ, số tiền là gần 16 triệu đồng về hành vi không thực hiện niêm yết giá bán.
Ngoài ra, tại Cục QLTT Tiền Giang, từ ngày 1/6/2021 đến nay Cục kiểm tra đột xuất 41 vụ, thu phạt 33.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Ngoài nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, các Cục QLTT còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chông dịch