Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và triển khai Nghị quyết số 13 ngày 10/5/2012 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ngày 19/10/2012, 16 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã ký kết một thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Trên nền tảng đó, trong 2 năm qua, các đơn vị đã thực hiện nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa, đồng thời, tìm hiểu nhu cầu của nhau để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, các lĩnh vực có khả năng hợp tác.
Hướng đi và biện pháp thực hiện đúng đắn của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã mang lại kết quả rất đáng khích lệ. Việc triển khai thỏa thuận này đã mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, đã tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần giảm hàng tồn kho cũng như giảm chi phí, từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ thực hiện thỏa thuận, tỷ lệ hàng hóa trong nước được sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh và các dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước của nhiều đơn vị được nâng cao, giúp tăng cường hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, xét từ góc độ hội nhập kinh tế và thương mại quốc tế, liệu thỏa thuận “ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” có vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam? Tính tương thích với WTO và các hiệp định đa phương khác của thỏa thuận này như thế nào? Các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận cần lưu ý gì khi sản phẩm của họ xuất khẩu sang thị trường nước ngoài?
Hội nghị Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện "Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhauTrước tiên, cần xác định rõ, thỏa thuận “ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương là kết quả của một cuộc tuyên truyền mang tính tự nguyện chứ không phải là một quyết định hành chính mang tính bắt buộc. Nó không phải là một chủ trương bảo hộ thương mại hay tẩy chay hàng nước ngoài. Ý nghĩa sâu xa của việc vận động ưu tiên dùng hàng nội, là kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước, tạo dựng vị thế cho hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau là một cam kết mở, tạo thuận lợi lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương trong nỗ lực đổi mới, cạnh tranh hơn, chứ không phải là một biện pháp bảo hộ.
Từng có lo ngại cho rằng cam kết “ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” của các doanh nghiệp nhà nước có thể vi phạm các quy định của Hiệp định Mua sắm Chính phủ (GPA) của WTO. Và trong lâu dài có thể vi phạm các điều khoản về mua sắm chính phủ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang đàm phán như TPP hay một số FTA khác.
Đến nay, Việt Nam chưa chính thức là thành viên của GPA mà mới chỉ tham dự với tư cách quan sát viên. Mặt khác, khi gia nhập WTO, các nước đã thừa nhận Việt Nam không coi mua sắm của doanh nghiệp nhà nước là mua sắm chính phủ. Do đó, Việt Nam không chịu điều chỉnh bởi các quy định của GPA.
Đối với TPP và các FTA mà Việt Nam đang theo đuổi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, từng cho biết, khái niệm mua sắm chính phủ trong các hiệp định này chỉ là mua sắm của các cơ quan nhà nước chứ không bao gồm của các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, mối quan hệ “ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” của các doanh nghiệp nhà nước sẽ không chịu điều chỉnh bởi chương Mua sắm Chính phủ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sẽ ký trong tương lai.
Một câu hỏi nữa đặt ra, đó là việc các doanh nghiệp nhà nước ưu tiên sử dụng hàng của nhau có bị coi là một dạng trợ cấp xuất khẩu nếu sản phẩm cuối xuất khẩu ra nước ngoài? Hành vi này có tiềm ẩn rủi ro bị khởi kiện ở thị trường nước ngoài do vi phạm các quy định của Hiệp định về Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng (SCM) của WTO?
Trong WTO, trợ cấp được hiểu là hỗ trợ tài chính của Nhà nước hoặc một tổ chức công (trung ương hoặc địa phương) mang lại lợi ích cho doanh nghiệp/ngành sản xuất, trong đó có hình thức “mua hàng, cung cấp các dịch vụ hoặc hàng hóa”. Các khoản hỗ trợ này bị coi là mang lại lợi ích không bình đẳng cho doanh nghiệp nhà nước được hưởng hỗ trợ nếu nó được thực hiện theo cách mà các doanh nghiệp ngoài nhà nước bình thường sẽ không làm (vì đi ngược lại những tính toán thương mại thông thường). WTO quy định có 3 nhóm trợ cấp: (i) Trợ cấp bị cấm; (ii) Trợ cấp không bị khiếu kiện; (iii) Trợ cấp không bị cấm nhưng có thể bị khiếu kiện.
Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” chỉ gồm các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát, không bao gồm tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ hoàn toàn hoạt động theo các tiêu chí thương mại, nhưng Nhà nước với tư cách là một cổ đông hoặc thành viên góp vốn, vẫn có quyền được can thiệp bình đẳng vào hoạt động của doanh nghiệp như các cổ đông hoặc thành viên góp vốn khác.
Trên thực tế, một vụ kiện chống trợ cấp là hệ quả do việc “ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” hầu như rất khó xảy ra vì các lý do pháp lý, thực tiễn hay kinh tế. Tuy thế các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên có sự chủ động đề phòng. Các doanh nghiệp có thể tự trang bị cho mình những hiểu biết chung, cơ bản về nguy cơ bị kiện tại các thị trường xuất khẩu, nhóm thị trường và loại mặt hàng có thể bị kiện; trong chiến lược kinh doanh, nên tăng cường đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, kiểm soát tốc độ tăng trưởng (nhằm tránh phát triển quá đột ngột) tại một thị trường; tăng dần cạnh tranh bằng chất lượng và giảm dần cạnh tranh bằng giá; phối hợp với các doanh nghiệp bạn hàng để có kế hoạch hành động chung nếu có vụ kiện xảy ra; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan để có thông tin cần thiết…
Bên cạnh đó, một số biện pháp mang tính chiến thuật có thể thực hiện như: lưu giữ tất cả các số liệu, tài liệu có thể làm bằng chứng chứng minh không trợ cấp; thực hiện chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, sử dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế (mục đích để số liệu của doanh nghiệp được cơ quan điều tra chấp nhận sử dụng khi tính toán biên độ trợ cấp); nếu vụ kiện xảy ra, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình điều tra…
Là thành viên của WTO, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của WTO. Đồng thời, như mọi thành viên khác, Việt Nam có quyền ban hành các cơ chế, chính sách mang tính khuyến khích và định hướng, nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo vệ thị trường và người tiêu dùng nội địa, miễn không trái với các quy định của WTO.
Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với sự xuất hiện và phát triển ngày càng phong phú về chủng loại, đa dạng về sở hữu cũng như nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá và dịch vụ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đầu vào có tính cạnh tranh cao để giảm chi phí là rất lớn và là xu thế tất yếu. Các tập đoàn, các tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương đều vận hành theo cơ chế thị trường và theo các tiêu chí thương mại. Do đó, nếu hàng hóa đáp ứng các yêu cầu về mẫu mã, chủng loại, chất lượng, giá thành... thì không cần vận động khuyến khích mà họ sẽ tự nhiên sử dụng sản phẩm của nhau.
Thỏa thuận ưu tiên sử dụng các sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương là một giải pháp hiệu quả, mang tính tương trợ lẫn nhau, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các đơn vị trong Bộ để vượt qua giai đoạn suy thoái, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Mô hình này phù hợp với thực tiễn, đáp ứng quy định của WTO và các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế và thương mại quốc tế, có thể được nghiên cứu hoàn thiện thêm để nhân rộng.