Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế vùng Bắc Trung bộ

Bài "Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế vùng Bắc Trung bộ" do TS. Nguyễn Thị Bích Liên - PGS.TS. Thái Thị Kim Oanh - TS. Lê Vũ Sao Mai - TS. Trần Thị Thanh Thủy - TS. Trần Thị Thanh Tâm - ThS. Nguyễn Thị Tiếng - ThS. Lương Quỳnh Mai - ThS. Trần Thị Hồng Lam - ThS. Cao Thị Thanh Vân - ThS. Nguyễn Mai Hường (Khoa Kinh tế - Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Khu công nghiệp, khu kinh tế vùng Bắc Trung bộ đã có nhiều đóng góp tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và của từng địa phương nói riêng. Nghiên cứu này tập trung đánh giá thực trạng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế vùng Bắc Trung bộ thời gian qua. Thực trạng cho thấy, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, do vậy, trong thời gian tới, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, để tăng cường thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp của vùng Bắc Trung bộ.

Từ khóa: khu công nghiệp, khu kinh tế, thu hút đầu tư, Bắc Trung bộ.

1. Đặt vấn đề

Vùng Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế với diện tích tự nhiên khoảng 51.458,8 km2, là cầu nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc với miền Trung và miền Nam. Với chiều dài đường biên giới đất liền khoảng 1.251,84 km và chiều dài đường bờ biển khoảng 632,04 km, đây là vùng có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của cả nước. Vị trí địa lý của vùng Bắc Trung bộ có nhiều thuận lợi cho sự hình thành các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Phần lớn các KCN, KKT của vùng đều đặt ở vị trí gần biển, nơi có các cảng nước sâu, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa. Hiện nay, trên địa bàn 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã có 39 KCN, 8 KKT phân bố trên khắp các địa phương, tuy nhiên hoạt động của các KCN, KKT này vẫn còn chưa hiệu quả, với tỷ lệ lấp đầy cũng như mức đóng góp vào ngân sách chưa cao.

2. Thực trạng thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp khu vực Bắc Trung bộ

Các KCN, KKT phân bố tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ như sau: (Bảng 1)

Bảng 1. Số Khu công nghiệp, Khu kinh tế khu vực Bắc Trung bộ

Tỉnh

Số Khu công nghiệp

Số Khu kinh tế

Thanh Hóa

8

1

Nghệ An

9

1

Hà Tĩnh

5

2

Quảng Bình

8

2

Quảng Trị

4

1

Thừa Thiên Huế

5

1

Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê

Với tổng 39 KCN, 8 KKT phân bố trên địa bàn 6 tỉnh (trung bình mỗi địa phương 6,5 KCN và 1,3 KKT), vùng Bắc Trung bộ có rất nhiều ưu thế để có thể phát triển các KCN, KKT, đây là cơ sở để các địa phương phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động của các KCN, KKT của vùng vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lấp đầy cũng như mức đóng góp vào ngân sách chưa cao, thậm chí có KCN vẫn ở trong trạng thái treo, hoặc đã đầu tư nhưng còn chưa hoạt động. 

Bảng 2. Số nhà đầu tư và tỷ lệ lấp đầy KCN, KKT vùng Bắc Trung bộ

Tỉnh

Số nhà đầu tư

Tỷ lệ lấp đầy (%)

Thanh Hoá

178

43,8

Nghệ An

306

48,9

Hà Tĩnh

97

35,6

Quảng Bình

64

27,2

Quảng Trị

59

28,5

Thừa Thiên Huế

73

39,9

Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê

Đến nay, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%. Như vậy, tỷ lệ lấp đầy ở các KCN, KKT vùng Bắc Trung bộ so với mức trung bình của cả nước còn thấp, trong đó thấp nhất là 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị với tỷ lệ dưới 30%, cao nhất là tỉnh Nghệ An cũng chưa đến 50%. (Bảng 2)

Khu kinh tế ven biển: Những năm qua trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cùng với hỗ trợ của Trung ương, các KKT ven biển khu vực Bắc Trung bộ đã được quy hoạch, thành lập và đi vào hoạt động. Bắc Trung bộ là vùng tập trung các KKT ven biển với mật độ nhiều nhất của cả nước. Tính đến hết năm 2023, vùng Bắc Trung bộ có 6 KKT ven biển đang hoạt động. (Bảng 3)

Bảng 3. Số lượng khu kinh tế ven biển vùng Bắc Trung bộ

Tên KKT

Địa phương

Ngày thành lập

Diện tích (ha)

Chân Mây-Lăng Cô

Thừa Thiên Huế

05/01/2006

27.108

Vũng Áng

Hà Tĩnh

03/04/2006

22.781

Nghi Sơn

Thanh Hóa

15/05/2006

106.000

Đông Nam Nghệ An

Nghệ An

11/06/2007

20.776

Hòn La

Quảng Bình

10/06/2008

10.000

Đông Nam Quảng Trị

Quảng Trị

27/02/2015

23.972

Tổng

 

 

210.637

Nguồn: Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Số liệu cho thấy, vùng Bắc Trung bộ có số KKT ven biển tập trung lớn hơn so với các vùng khác trên cả nước, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đều có KKT ven biển hoạt động với 06/18 KKT ven biển, chiếm 33,3% tổng số KKT ven biển của cả nước; diện tích trung bình của một KKT ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ là 35.106 ha, tương đương với diện tích trung bình của các KKT ven biển của cả nước. Là vùng tập trung nhiều KKT ven biển và được hưởng các chính sách ưu đãi vượt trội, các KKT ven biển ở vùng Bắc Trung bộ ngày càng khẳng định vai trò là động lực trong phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Khu kinh tế cửa khẩu: Tính đến cuối năm 2023, vùng Bắc Trung bộ có 4 KKT cửa khẩu, đó là:

+ Khu kinh tế Lao Bảo, La Lay (Quảng Trị)

+ Khu kinh tế Cha Lo (Quảng Bình)

+ Khu kinh tế Cầu Treo (Hà Tĩnh)

+ Khu kinh tế A Đớt (Thừa Thiên Huế)

Các KKT cửa khẩu đã tạo điều kiện phát huy tiềm năng, ưu thế các địa phương biên giới, góp phần mở rộng giao lưu, buôn bán, xây dựng các hệ thống phân phối, cung cấp trên các lĩnh vực, từ đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và các khu vực lân cận.

Việc thu hút đầu tư vào các KCN, KKT vùng Bắc Trung bộ thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào phát triển công nghiệp của vùng. Kết quả phát triển công nghiệp các tỉnh Bắc Trung bộ thời gian qua đạt khá, chỉ số phát triển công nghiệp các tỉnh tăng trưởng liên tục qua các năm. (Bảng 4)

Bảng 4. Chỉ số phát triển công nghiệp các tỉnh Bắc Trung bộ

Đơn vị: %

Tỉnh

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Thanh Hóa

109,2

134,2

123,9

129,2

131,5

134,8

Nghệ An

117,1

116,6

112,7

119,3

121,6

132,9

Hà Tĩnh

171,0

188,5

182,2

171.2

189,3

195,6

Quảng Bình

107,0

107,2

103,5

104,7

112,1

134,5

Quảng Trị

115,0

109,2

119,3

109,3

115,2

126,7

Thừa Thiên Huế

113,4

108,0

105,9

109,5

116,3

125,8

   Nguồn: Tổng cục Thống kê

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số phát triển công nghiệp các tỉnh vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2017-2022 đạt mức khá và liên tục tăng, đặc biệt tăng những năm gần đây. Trong năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh có mức tăng rất cao 195,6%, trung bình của vùng đạt 141,7%.

Kết quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT vùng Bắc Trung bộ thời gian qua cho thấy mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên các địa phương chưa khai thác một cách hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực sẵn có để tạo đột phá trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thu hút đầu tư, nhất là các dự án mang tính động lực của các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước, đặc biệt là dòng vốn FDI trên thế giới vào KCN, KKT vùng Bắc Trung bộ.

3. Một số giải pháp thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp khu vực Bắc Trung bộ

3.1. Giải pháp đối với yếu tố cơ sở hạ tầng

* Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KKT

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KKT gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn của các chủ đầu tư, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư và các nguồn vốn khác.

Khuyến khích thành lập các công ty cổ phần đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, KKT để huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác nhau.

Thu hút và lựa chọn các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng nước ngoài, những doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực tài chính vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KKT.

Huy động vốn góp ứng trước của các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các KCN, KKT để đầu tư cơ sở hạ tầng và cho họ hưởng một số ưu đãi.

* Đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN, KKT

Đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong và ngoài KCN, KKT và giảm bớt chi phí vận chuyển.

Chú trọng đầu tư hệ thống cảng biển giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư giảm được chi phí đầu vào trong lĩnh vực sản xuất. Tìm ra biện pháp để trọng tải tàu thuyền vận chuyển hàng hóa được tăng thêm. Ngoài ra cũng cần chú ý đến các phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường hàng không hay là đường sắt sao cho tận dụng được hết những tài nguyên sẵn có ở khu vực Bắc Trung bộ.

* Xây dựng đồng bộ và hiện đại hoá hạ tầng xã hội ngoài hàng rào KCN, KKT

Ngoài việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cho các KCN, KKT, các địa phương và nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, KKT còn cần quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội ngoài hàng rào KCN, KKT gồm nhà ở, các công trình phục cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các công trình phục vụ văn hóa, thể thao, giải trí, các công trình phục vụ dân sinh… Khi người lao động có nơi ăn chốn ở ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, người lao động sẽ yên tâm làm việc, cống hiến và gắn bó lâu dài với công việc.

* Liên kết xây dựng đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ

Các địa phương cần phối hợp để xây dựng và nâng cấp, mở rộng những tuyến đường bộ xuyên vùng, đường liên tỉnh nối các KCN, KKT của các tỉnh.

Lập kế hoạch chung trong việc xây dựng các tuyến vận chuyển hành khách, hàng hóa liên tỉnh, nâng cấp các cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga,… nhằm đảm bảo tính nhất quán và sự bổ trợ trong các kế hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển KCN, KKT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực Bắc Trung bộ nói chung.

3.2. Giải pháp đối với yếu tố nhân lực

Để thu hút đầu tư thì tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng. Một số giải pháp cụ thể như sau:

Lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hiện tại và tính đến xu hướng thay đổi ngành nghề trong tương lai; Đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở đào tạo; Nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, giảng viên; Đa dạng hóa các loại hình đào tạo; Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo; Hoàn thiện chính sách đãi ngộ lao động để nâng cao chất lượng nhân lực.

3.3. Giải pháp đối với quy hoạch và chính sách đầu tư

* Về quy hoạch phát triển KCN, KKT

Quy hoạch phát triển KCN, KKT phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, vùng lãnh thổ và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp. Quy hoạch phát triển các KCN, KKT phải tính đến lợi thế so sánh của từng địa phương trong khu vực và nhu cầu của thị trường trong, ngoài nước để tạo nên mối quan hệ đa chiều: tỉnh - tỉnh, tỉnh - ngành, ngành - ngành.

Quy hoạch KCN, KKT cần phải dự tính được vị trí xây dựng để vừa thuận tiện trong giao thông nhưng không ảnh hưởng đến hành lang phát triển các đô thị trong tương lai, như vậy sẽ đảm bảo KCN, KKT được phát triển bền vững. Quy định cụ thể về quy mô cho từng loại KCN, KKT. Các KCN, KKT có quy mô quá lớn hoặc nhỏ sẽ khó đảm bảo tính chất bền vững của chính KCN, KKT.

Quy hoạch các KCN, KKT phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tỷ lệ lấp đầy KCN, KKT hiện có khi mở rộng và bổ sung quy hoạch KCN, KKT mới của các địa phương cho phù hợp với yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, đảm bảo yêu cầu tiết kiệm tài nguyên đất.

Quy hoạch hạ tầng trong KCN, KKT gồm mạng lưới giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc phải đồng bộ với hạ tầng ngoài KCN, KKT.

* Về chính sách đầu tư

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành để đảm bảo các ưu đãi thuận lợi, ổn định giúp nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư. Thời gian tới, các địa phương cần đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư đột phá có tính cạnh tranh quốc tế, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính sàng lọc để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư có chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, R&D, bảo vệ môi trường...; danh mục ngành, nghề được áp dụng ưu đãi cũng phải có tính chọn lọc gắn với các lợi thế và định hướng ưu tiên chiến lược của từng địa phương.

Nghiên cứu để đa dạng hóa chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng không phụ thuộc vào ưu đãi thuế theo thu nhập (miễn, giảm thuế như trước), mà cần kết hợp song song, vận dụng hợp lý cả ưu đãi theo thu nhập và ưu đãi theo chi phí để thu hút được những nhà đầu tư thế hệ mới, đi vào thực chất đầu tư góp phần làm gia tăng giá trị.

Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước.

Xây dựng hệ thống chính sách pháp luật minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước, cũng như nước ngoài. Hệ thống chính sách cần phải cụ thể, rõ ràng; không phân biệt đối tượng áp dụng và được công khai cho mọi doanh nghiệp đều biết và thực hiện. Có những biện pháp chế tài đầy đủ giúp cho việc thực thi chính sách được nghiêm minh, tránh sự trục lợi từ chính sách của những doanh nghiệp làm ăn không chân chính và những cán bộ chính quyền tha hóa.

3.4. Giải pháp đối với yếu tố chất lượng dịch vụ công

Tập trung các nguồn lực để tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ mà mỗi địa phương đề ra, duy trì và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS), từ đó nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các tỉnh vùng Bắc Trung bộ.

Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp quản lý; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số để cải tiến quy trình, thủ tục; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, giảm văn bản giấy tờ hành chính.

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số xã hội số, gắn với cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, hiệu lực. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập những điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào các KCN, KKT vùng Bắc Trung bộ.

3.5. Giải pháp đối với yếu tố tính liên kết vùng

Cần sớm xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho vùng để làm cơ sở cho các địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với thúc đẩy liên kết vùng, tránh hiện tượng các cấp chính quyền địa phương đều mong muốn “duy trì cơ cấu sản xuất khép kín” hay “phát triển kinh tế khép kín”.

Thể chế liên kết vùng cần hướng tới thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng, phù hợp với chức năng kinh tế, xã hội, bảo tồn sinh thái, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn. Nghiên cứu xây dựng đa dạng các mô hình thể chế quản trị, điều phối vùng trên cơ sở lợi ích, các yếu tố liên kết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám thống kê, Nxb Thống kê.
  2. Zeng, D.Z. (2010). Building engines for growth and competitiveness in China: Experience with special economic zones and industrial clusters’. Regional studies, Vol.45.
  3. UNIDO (2019). International Guidelines for Industrial Parks
  4. UNIDO Country Office in Vietnam (2015). Economics Zone in the ASEAN.
  5. Chính phủ (2008, 2013). Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ qui định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
  6. Chikatisrinu (2013)/ Challenges and future of special economic zones in India - A perspective. International Journal of Marketing, Financial Services & Management Research 2, 86-92.

ATTRACTING INVESTMENT INTO ECONOMIC ZONES AND INDUSTRIAL ZONES IN THE NORTH CENTRAL COAST

Ph.D Nguyen Thi Bich Lien1

Assoc.Prof, Ph.D Thai Thi Kim Oanh1

Ph.D Le Vu Sao Mai1

Ph.D Tran Thi Thanh Thuy1

Ph.D Tran Thi Thanh Tam1

Master. Nguyen Thi Tieng1

Master. Luong Quynh Mai1

Master. Tran Thi Hong Lam1

Master. Cao Thi Thanh Van1

Master. Nguyen Mai Huong1

Faculty of Economics, School of Economics, Vinh University

Abstract:

Industrial parks and economic zones have played a pivotal role in driving socio-economic development in Vietnam's North Central Coast region. However, the current investment attraction rates in these zones are not fully aligned with the region's potential and strengths. It is necessary to have synchronous and drastic solutions to increase investment attraction in economic zones and industrial zones in the North Central Coast.

Keywords: industrial park, economic zone, investment attraction, North Central Coast.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]