Dự kiến trong chương trình chuyến thăm New Zealand, Thủ tướng Chính phủ sẽ hội kiến, hội đàm với các lãnh đạo cấp cao của New Zealand; dự toạ đàm và làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand; thăm, làm việc với các tổ chức khoa học, công nghệ, giáo dục New Zealand và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand.
Trong chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, trong đó thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng tâm, truyền thống như thương mại, đầu tư, đặc biệt là hợp tác về lao động, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp…
Doanh nghiệp New Zealand đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại Việt Nam
Sáng 10/3, tại Auckland, trong chương trình chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Simon Bridges, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Auckland và lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu của New Zealand.
Ông Simon Bridges cho biết, các doanh nghiệp New Zealand đã quan tâm quá trình phát triển vượt bậc của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua; nhận thấy có nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và có nhiều dự án thành công tại Việt Nam.
Đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp New Zealand cho biết, đang làm việc tích cực với các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam; mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện, thúc đẩy để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo, bất động sản, hàng không, xuất nhập khẩu rau quả…
Sau khi các bộ trưởng trao đổi, giải đáp các đề xuất của lãnh đạo các doanh nghiệp New Zealand, phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam; cho biết, Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư để các nhà đầu tư đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng Chính phủ, sau gần 50 năm, quan hệ Việt Nam - New Zealand đang phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới tầm cao mới. Hai bên cùng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
"Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho biết các lĩnh vực mà các doanh nghiệp New Zealand quan tâm, hợp tác đầu tư tại Việt Nam đều là những lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng phát triển tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp New Zealand tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể.
Trong đó, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi năng lượng và có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời; nhu cầu phát triển nhiều khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp; có nhu cầu nhập khẩu một số loại nông thủy sản của New Zealand, cũng như mong muốn xuất khẩu các loại hoa quả, nông sản mà New Zealand có nhu cầu.
Trong lĩnh vực hàng không, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước đây Việt Nam đã có đường bay thẳng tới New Zealand, song từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra đường bay bị gián đoạn. Tuy nhiên, trên đà phục hồi kinh tế - xã hội, trong khi Việt Nam có hàng nghìn người đang làm ăn, sinh sống, học tập tại New Zealand và người dân Việt Nam rất yêu thích du lịch New Zealand, tới đây hai bên sẽ có những thỏa thuận cải thiện chính sách visa…, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa hai nước sẽ tăng, việc mở lại đường bay thẳng hoàn toàn có cơ hội lớn.
Khẳng định dư địa hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam-New Zealand còn rất lớn, Thủ tướng cho rằng cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, trước mắt khắc phục đứt gẫy chuỗi cung ứng, sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD.
Gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-New Zealand không ngừng phát triển, nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược từ tháng 7/2020. Hai nước duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD. Đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 11.000 người, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Christchurch và Wellington.
Mong muốn hàng hóa Việt Nam được thâm nhập sâu hơn vào thị trường New Zealand
Chiều 10/3 theo giờ địa phương, ngay sau khi tới Thủ đô Wellington của New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ rất thân tình, gần gũi và xúc động với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại nước này.
Theo Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung, cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng trên 10.000 người. Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand ngày càng đóng góp quan trọng trong đời sống sở tại, hướng về quê hương, đất nước và vun đắp cho quan hệ Việt Nam - New Zealand.
Trong cộng đồng đã thành lập các hội đoàn theo nghề nghiệp, lĩnh vực, địa bàn hoạt động… Nhiều người Việt thành công trên các lĩnh vực, như kinh doanh, nghiên cứu khoa học, làm việc trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp của New Zealand, đặc biệt có người trở thành nghị sĩ của New Zealand.
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand bày tỏ vui mừng và tự hào trước bước phát triển vượt bậc, tương lai tươi đẹp của đất nước và quan hệ tốt đẹp Việt Nam - New Zealand; xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều chính sách chăm lo cho cộng đồng, gần đây nhất là điều chỉnh pháp luật về đất đai, bất động sản, nhà ở, tạo cơ hội cho người Việt ở nước ngoài có nhà ở quê hương.
Bà con bày tỏ mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục đàm phán, thúc đẩy các thỏa thuận để hàng hóa Việt Nam được thâm nhập sâu hơn vào thị trường New Zealand; các bộ ngành liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại New Zealand, nâng cao chất lượng các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của New Zealand; có chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động New Zealand.
Kiều bào cũng đề nghị Chính phủ hai nước đàm phán để nới lỏng chính sách visa, tạo điều kiện hơn để công dân hai nước giao lưu, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập tại New Zealand; hai bên công nhận văn bằng chứng chỉ của nhau; có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại nước ngoài… Bà con cũng phản ánh một số vụ việc, bất cập cụ thể cần xem xét, xử lý.
Khái quát lại từng nhóm vấn đề trong các ý kiến, Thủ tướng giao Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời về các quan tâm, đề xuất của kiều bào về giáo dục, học tập tiếng Việt; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời về hợp tác nông nghiệp, xuất nhập khẩu nông sản; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề cập lĩnh vực thương mại; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời về quan hệ song phương và các vấn đề chung liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài…
Chia sẻ với bà con sau đó, Thủ tướng vui mừng khi cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand tuy không lớn nhưng tham dự cuộc gặp rất đông đảo với các đại biểu ở đủ các lứa tuổi, các giới, ngành nghề khác nhau…; với các ý kiến sôi nổi cho thấy tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm sâu sắc với quê hương, đất nước.
Thủ tướng lấy ví dụ vừa qua, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham gia World Cup bóng đá nữ tại Australia và New Zealand đã nhận được sự chăm lo, giúp đỡ, ủng hộ của bà con cô bác tại đây.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng chia sẻ với bà con những nét lớn về tình hình đất nước, những minh chứng, ví dụ cho thấy đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, truyền thống của đất nước ta là càng khó khăn, áp lực lại càng nỗ lực, quyết tâm và càng đoàn kết, thống nhất. Phát huy truyền thống đó, kiều bào ta dù ở đâu cũng nỗ lực vươn lên, ổn định và phát triển, trong đó có có cộng đồng người Việt tại New Zealand.
Một trong những bài học lớn của chúng ta là bài học đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Thủ tướng nói.
Về quan hệ song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Qua gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã trở thành Đối tác Chiến lược và đang hướng tới tầm mức cao hơn.
Theo Thủ tướng, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là điều kiện quan trọng để trao đổi với các nhà lãnh đạo New Zealand nhằm giải quyết các đề xuất, kiến nghị của kiều bào.
Thủ tướng cho biết sẽ đề nghị với các nhà lãnh đạo New Zealand xem xét, công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số; thúc đẩy thành lập các hội đoàn của người Việt Nam với địa lý pháp lý được công nhận và hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng mong bà con tiếp tục đoàn kết, người đi trước giúp đỡ người đi sau, "lá lành đùm lá rách", đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh; nêu cao lòng tự hào dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt; nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật; động viên người thân để ngày càng có nhiều người Việt Nam sang làm việc, học tập tại New Zealand.
Từ đó, góp phần phát huy các lợi thế bổ sung nhau giữa hai nước khi New Zealand đất rộng người thưa còn Việt Nam đất chật người đông hơn, đóng góp cho phát triển ở sở tại, tiếp tục làm cầu nối ngày càng vững chắc trong quan hệ song phương.
Thủ tướng mong muốn kiều bào dù sống ở đâu cũng trước hết tự lo được cho chính mình, cho gia đình và khi có điều kiện thì có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về cội nguồn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục quan tâm, với tinh thần "coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt của mình" để làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhiều vấn đề bà con quan tâm, đề xuất đã và đang được các bộ, ngành xử lý tích cực; giao các bộ ngành tiếp tục xử lý và thông báo kết quả tới bà con. Trong đó, về vấn đề visa, các cơ quan sẽ trao đổi với phía New Zealand giải quyết các vướng mắc trên nguyên tắc "có đi có lại" để tạo thuận lợi cho người dân hai bên.