Cục Thi hành Dân sự TP.Hồ Chí Minh vừa có thông báo về việc phong toả 28,6 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD - sàn HoSE) để thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế với cho Công ty TNHH Boho Decor.
Trước đó, vào năm 2020, Boho Decor đã ký hợp đồng thiết kế, cung cấp và thi công nội thất cho các công trình xây dựng với Xây dựng Coteccons. Đến ngày 18/4/2023, Boho Decor yêu cầu Xây dựng Coteccons thanh toán 44 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Xây dựng Coteccons cho rằng, việc thực hiện thanh toán theo yêu cầu trên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích cổ đông do hồ sơ gửi kèm của Boho Decor không đủ cơ sở pháp lý và các hợp đồng ký kết không được phê duyệt theo quy định. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt các bên liên quan trong khoảng thời gian nói trên.
Sau nhiều lần đề nghị tổ chức cuộc họp để làm rõ yêu cầu thanh toán và cung cấp hồ sơ minh chứng giá trị thanh toán, Boho Decor đã quyết định khởi kiện Xây dựng Coteccons tại Trung Tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Đến ngày 2/1/2024, Hội đồng Trọng tài phán quyết Xây dựng Coteccons phải thanh toán gần 22 tỷ đồng cho Boho Decor, thay vì 44 tỷ đồng như yêu cầu ban đầu.
Sau phán quyết trên, Xây dựng Coteccons đã yêu cầu Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh hủy phán quyết. Tuy nhiên, vào ngày 19/7/2024, Tòa án đã ra Quyết định bác bỏ yêu cầu của công ty và yêu cầu thực hiện theo phán quyết của Trọng tài.
Boho Decor là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thiết kế và thi công nội thất. Đây là công ty do ông Nguyễn Minh Hoàng, con trai ông Nguyễn Bá Dương - người sáng lập và cựu lãnh đạo Xây dựng Coteccons, làm người đại diện pháp luật.
Đây không phải là lần đầu các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương yêu cầu Xây dựng Coteccons thanh toán công nợ. Hồi cuối tháng 7/2023, Ricons nộp đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh mở thủ tục phá sản đối với Xây dựng Coteccons do chưa trả hơn 322,5 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Tòa án đã bác đơn vào đầu tháng 10/2023.
Xây dựng Coteccons từng giải thích do chưa được chủ đầu tư dự án trả tiền và hợp đồng đã ký giữa đôi bên có điều khoản quy định rõ, chỉ khi Xây dựng Coteccons nhận khoản thanh toán từ chủ đầu tư, mới chi trả cho các nhà thầu phụ. Sau đó, Ricons đã phải trích lập dự phòng hơn 227 tỷ đồng, tương đương 70% khoản phải nợ trên, đồng nghĩa xác định đây là nợ khó đòi.
Ricons từng là một đơn vị thành viên trong hệ sinh thái của Xây dựng Coteccons dưới thời ông Nguyễn Bá Dương làm lãnh đạo.
Về phía Xây dựng Coteccons, trong niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/7/2023 – 30/6/2024), công ty ghi nhận doanh thu đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với niên độ trước và đạt mức cao nhất 4 năm qua. Lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ đồng, tăng 343% so với kết quả đạt được trong niên độ 2022 - 2023.
Qua đó, hoàn thành 105% mục tiêu doanh thu và 104% mục tiêu lợi nhuận cả niên độ theo kế hoạch kinh doanh mới được công ty điều chỉnh hồi cuối tháng 4/2024.
Đáng chú ý, về giá trị gói thầu, Xây dựng Coteccons đã ký mới được hơn 15.000 tỷ đồng lượng backlog mới trong 8 tháng đầu niên độ tài chính 2023 - 2024. Theo ước tính mới đây của hãng Chứng khoán Rồng Việt, từ tháng 3 đến tháng 5/2024, Xây dựng Coteccons có thể đã ký được thêm hơn 5.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng, nâng lượng backlog ký mới lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Qua đó, Xây dựng Coteccons dần cho thấy đang trở lại vị thế đầu ngành như đã từng đạt được trong quá khứ sau giai đoạn biến động ban lãnh đạo giữa nhóm ông Nguyễn Bá Dương với nhóm cổ đông ngoại do ông Bolat Duisenov - Tổng giám đốc Kusto Việt Nam đứng đầu. Ông Bolat Duisenov hiện là Chủ tịch HĐQT Xây dựng Coteccons.