Sau gần 2 năm kinh doanh ảm đạm, năm 2021, ngành sợi bật lên nhờ giá sợi thế giới hồi phục. Từ đầu năm đến nay, giá sợi cotton có mức tăng mạnh nhất (18 - 20%), tiếp đến là sợi poly-visco (tăng 16 - 17%), sợi poly và sợi pha poly-cotton cũng tăng trên 10%.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ít tác động đến với ngành sợi trong đợt dịch vừa qua. Bên cạnh đó, trên thị trường thế giới, tồn kho sợi ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt. Sản xuất được duy trì, sản lượng đạt cao, lại được hỗ trợ bởi đà hồi phục của giá sợi thế giới. Được hưởng lợi từ những yếu tố thuận lợi trên, nên các doanh nghiệp xuất khẩu sợi có lãi cao.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 10 tháng qua, ngành sợi đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn sợi, đạt kim ngạch 4,497 tỷ USD, tăng 15,1% về sản lượng và tăng tới 52,7% về trị giá so với 10 tháng của năm 2020. Cùng kỳ năm trước, dù xuất 1,38 triệu tấn xơ sợi, nhưng ngoại tệ thu về chỉ đạt 2,945 tỷ USD.
Nằm trong bối cảnh chung đó, năm 2021, Ban Sản xuất kinh doanh sợi và 11 đơn vị sản xuất Sợi có vốn chi phối của Vinatex tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh Covid -19 trong nước và thế giới còn nhiều phức tạp, những cũng đã có nhiều cơ hội thị trường tốt hơn cho cả bông, xơ, sợi trong 11 tháng qua, trong đó ghi nhận giá bán, nhu cầu sợi và lợi nhuận trên kg sợi tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, với mức lợi nhuận các đơn vị đạt khoảng 10%/doanh thu.
Những thuận lợi về thị trường đã giúp cho các đơn vị sợi bùng nổ lợi nhuận cao cho cả năm 2021 và có thể nói là cao nhất sau 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng năm 2010-2011. Điều này tạo tiền đề cho Ban sản xuất kinh doanh Sợi cùng các đơn vị ngành Sợi quyết tâm triển khai thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Trong đó, nhóm thị trường đã duy trì kênh trao đổi thông tin thị trường giá cả nguyên liệu bông, xơ, sợi và các diễn biến thị trường hàng ngày. Cập nhật thường xuyên các báo cáo thị trường định kỳ tuần, tháng về tình hình diễn biến thị trường nguyên liệu bông, xơ, sợi nhằm chia sẻ đến các đơn vị thành viên ngành Sợi. Định hướng hạn mức tồn kho tối ưu phù hợp với tình hình sản xuất của từng nhà máy và có tính đến việc ứng phó kịp thời với tình trạng khủng hoảng logistic…
Nhóm thiết bị đã tổng hợp danh mục thiết bị ở các đơn vị sợi và có những nhận xét, đánh giá ban đầu về định hướng đầu tư. Tổng hợp danh mục dự án đầu tư của các đơn vị và tham gia thẩm định sơ bộ các dự án đầu tư như: 3,7 vạn cọc Dệt May Nam Định, 3,45 vạn cọc Vinatex Nam Định 2.
Nhóm sản xuất đã tổng hợp thống kê sản lượng, chất lượng các mặt hàng sản xuất ở các đơn vị sợi và có những nhận xét, đánh giá ban đầu. Giữ mối liên hệ trao đổi các kinh nghiệm trong công tác quản trị sản xuất ở các đơn vị, đặc biệt các đơn vị như Dệt May Huế và Dệt May Nam Định.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết hoạt động Ban sản xuất kinh doanh Sợi năm 2021 do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Bình – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Hòa Thọ, Phó Ban Sản xuất kinh doanh Sợi Vinatex cho biết: Trong những tháng cuối năm 2021, một tín hiệu đáng mừng khi thị trường ngành Sợi vẫn duy trì được nhu cầu và giá bán cho các tháng cuối năm 2021 sang đến quí I/2022.
Điều này cho thấy năm 2022, thị trường ngành Sợi tuy nhu cầu đã được cải thiện nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn do những biến động không lường trước của đại dịch covid biến thể mới, khủng hoảng logistic còn kéo dài, ảnh hưởng đến thị trường nguyên liệu bông, xơ, sợi thế giới…
Với những nhận định về khó khăn, thách thức và cơ hội, các đơn vị ngành sợi của Vinatex cần tập trung vào các giải pháp chính như: Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh việc trao đổi thông tin thị trường giá cả nguyên liệu bông xơ sợi, diễn biến thị trường, cập nhật các báo cáo thị trường có liên quan chia sẻ đến các thành viên; Thông tin kịp thời đến các thành viên những trường hợp đối tác kinh doanh bông, xơ, sợi không thực hiện cam kết hợp đồng, giao hàng chất lượng kém, không thiện chí giải quyết khiếu nại khi có xảy ra tranh chấp, có dấu hiệu gian lận thương mại… cho các đơn vị nắm bắt thông tin để tránh các rủi ro khi giao dịch mua/bán.
Cần chia sẻ các đơn hàng, khách hàng giữa các đơn vị trong trường hợp các mặt hàng/ khách hàng không phù hợp với đơn vị mình, nhằm hướng khách hàng sử dụng sợi trong hệ thống sợi của Vinatex; Tìm hiểu, chia sẻ thông tin về các mặt hàng mới có thể các đơn vị chưa sản xuất trước đây như sợi pha recycle, sợi pha recycle/bông organic… nhưng có khách hàng, thị trường yêu cầu để các đơn vị có thể nghiên cứu và sản xuất thử nếu sắp xếp được sản xuất tại nhà máy nhằm góp phần nâng giá trị cho các sản phẩm sợi trong hệ thống Vinatex
Ngoài ra, các đơn vị cũng cần triển khai phân tích, đánh giá dữ liệu thống kê về các chỉ tiêu kỹ thuật sản xuất, hệ thống cơ cấu tổ chức vận hành nhà máy dựa trên số liệu các đơn vị đã cung cấp; Xây dựng biểu mẫu tổng hợp danh mục thiết bị kéo sợi chính, mặt hàng và năng lực sản xuất thực tế để gởi các nhà máy thành viên cập nhật dữ liệu; Phân nhóm các loại thiết bị cùng chủng loại tại các đơn vị thành viên, xây dựng chương trình hỗ trợ nhau về kỹ thuật công nghệ, quản lý thiết bị, sử dụng VTPT…
Ngành Sợi Việt Nam năng lực sản xuất còn nhỏ so với các nước như Indonesia, Bangladesh, Pakistan. Việt Nam hiện có 10 triệu cọc, trong đó khối FDI: 65%, khối tư nhân: 25%, khối CP có vốn Nhà nước 10%; Nhiều nhà máy có thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu, nhiều chủng loại, nhiều xuất xứ khác nhau; Mặt hàng tập trung sản xuất sợi truyền thống với chi số trung bình, giá trị gia tăng thấp, rất ít đơn vị sản xuất các mặt hàng sợi khác biệt…,
Trước thực trạng đó, theo Ban Sản xuất kinh doanh Sợi Vinatex, các đơn vị đang có nghiên cứu dự án đầu tư từ năm 2022 cần tính toán, cân đối và lựa chọn thời điểm đầu tư hợp lý nhằm giảm thiểu các rủi ro biến động bất lợi về giá máy móc thiết bị, thời gian giao hàng thiết bị và giá cả nguyên vật liệu leo thang… Nghiên cứu đầu tư sản xuất các mặt hàng, sản phẩm khác biệt, có giá trị gia tăng cao. Ưu tiên đầu tư bổ sung chiều sâu, đầu tư thay thế và đổi mới máy móc thiết bị thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng, thâm dụng nhiều lao động và làm ra sản phẩm chất lượng thấp…
4 yếu tố sẽ tác động tới sự tăng trưởng ngành sợi Việt Nam năm 2022:
Thứ nhất, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị dệt may nói chung và ngành sợi nói riêng. Hiện nay, các nước phát triển đang ráo riết thực hiện tiêm chủng mở rộng cho toàn dân, đồng thời viện trợ vắc xin cho các nước đang và kém phát triển nhằm nỗ lực đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng cao nhất có thể. Vì vậy, có thể kỳ vọng năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương quốc tế cùng với chuỗi giá trị toàn cầu có thể được kết nối trở lại, tạo động lực cho sự phục hồi của ngành dệt may nói chung, ngành sợi nói riêng.
Thứ hai, các tổ chức kinh tế quốc tế đều đưa ra dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia EU. Sự phục hồi kinh tế của các nước này là động lực cho cầu dệt may tăng trưởng, kéo theo cầu về sợi cũng tăng cao. Ngược lại, phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển, bao gồm nhiều nước sản xuất dệt may sẽ chậm hơn. Như vậy, nhu cầu dệt may có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn nguồn cung dệt may.
Thứ ba, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 55% kim ngạch xuất khẩu sợi. Ngược lại, Việt Nam cũng là nhà cung ứng sợi lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 37% kim ngạch nhập khẩu sợi trong năm 2021 của nước này. Trung Quốc sẽ có xu hướng tập trung vào sản xuất các loại sợi cao cấp với chỉ số cao. Đồng thời, nước này sẽ tăng cường nhập khẩu các loại sợi có chỉ số thấp và trung bình hoặc dịch chuyển việc sản xuất các loại sợi này sang các nước khác. Trong ngắn hạn, việc dịch chuyển sản xuất chưa thể thực hiện ngay, mà khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sợi từ các nước khác trong năm 2022.
Thứ tư, Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia cung và cầu dệt may lớn nhất thế giới. Năm 2021, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận Giai đoạn Một, theo đó Trung Quốc đã cam kết mua một lượng lớn bông Mỹ. Vì vậy, rất có thể Thỏa thuận giai đoạn Hai sẽ được ký kết vào cuối năm nay, tạo ra cục diện hòa bình tạm thời, khơi thông dòng chảy thương mại giữa hai nước để tránh tổn thương nền kinh tế. Điều này cũng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng của dệt may toàn cầu.