Thúc đẩy liên kết công nghệ các doanh nghiệp công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

PGS.TS. Nguyễn Chí Hải - TS. Phạm Mỹ Duyên - ThS. Trà Văn Trung (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp. HCM)

Tóm tắt:

Nghiên cứu đề cập đến các đặc trưng về liên kết công nghệ trong doanh nghiệp (DN) vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN). Kết quả nghiên cứu cho thấy, công nghệ sản xuất của DN phần lớn là công nghệ có tuổi đời trên 10 năm. Liên kết công nghệ trong DN được thực hiện theo hình thức liên kết xuôi và liên kết ngược với nhà cung cấp nước ngoài và nhà cung cấp trong nước, khách hàng nước ngoài và khách hàng trong nước. Nhóm liên kết công nghệ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với nhóm không có liên kết. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết công nghệ của vùng trong thời gian tới.

Từ khóa: công nghệ, liên kết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

1. Đặt vấn đề

Công nghệ là chìa khóa giúp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của DN, ngày nay liên kết công nghệ hỗ trợ DN các nước đi sau chuyển giao công nghệ, chuyển đổi sản xuất, khai thác hiệu quả lợi thế các bên trong liên kết. Theo Andersen và cộng sự (1981), các liên kết dọc được bản địa hóa có thể tạo ra hoặc củng cố khả năng cạnh tranh, chuyên môn hóa đối với cả người sử dụng (liên kết thượng nguồn) và nhà sản xuất (liên kết hạ nguồn), làm cho các ngành phát triển ở cấp độ quốc gia. Thông qua hình thức liên kết về công nghệ, đặc biệt là giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đem lại các tác động tràn tích cực đối với các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư. Vùng KTTĐPN là vùng đóng góp quan trọng đối với sản xuất công nghiệp Việt Nam, thu hút lượng lớn đầu tư trong và ngoài nước. Để gia tăng hiệu quả sản xuất, cải tiến công nghệ thông qua các hình thức liên kết về công nghệ, chuyển giao công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp toàn vùng.

Dựa trên bộ dữ liệu DN của Tổng cục Thống kê Việt Nam, bài viết tập trung phân tích đặc điểm của liên kết công nghệ của DN công nghiệp vùng KTTĐPN, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết công nghệ của toàn vùng.

2. Thực trạng liên kết công nghệ trong doanh nghiệp công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Công nghệ là nguồn lực sản xuất quan trọng hàng đầu đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm sản xuất ra. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn công nghệ sử dụng của các DN công nghiệp vùng KTTĐPN là công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc. Công nghệ sản xuất đang áp dụng ở các DN phần lớn là công nghệ trước năm 2010, thậm chí khoảng 15,3% DN sử dụng các máy móc được sản xuất trước năm 2000, tỷ trọng các DN sử dụng các máy móc được sản xuất trong vòng 10 năm trở lại đây của vùng chỉ là 18,7%. (Hình 1)

Hình 1: Tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sử dụng máy móc theo quốc gia cung cấp và theo năm sản xuất  - ĐVT %

liên kết công nghệ các doanh nghiệp công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Nguồn: Xử lý từ dữ liệu điều tra DN của Tổng cục Thống kê, năm 2020

Nguồn cung cấp công nghệ, máy móc thiết bị cho các DN của vùng hiện nay qua 6 kênh chủ yếu từ các DN Việt Nam, DN nước ngoài đặt tại Việt Nam, DN nước ngoài nằm ngoài Việt Nam trong cùng ngành hoặc khác ngành. Kênh cung cấp từ các DN nước ngoài ở ngoài Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 43% (bao gồm cả cùng ngành và khác ngành), kênh cung cấp công nghệ phụ thuộc vào trung gian từ các DN Việt Nam khác ngành (40%). Các DN trong cùng ngành cung cấp máy móc, công nghệ bao gồm DN Việt Nam cùng ngành (7%) và DN nước ngoài tại Việt Nam cùng ngành (5%). Qua đó cho thấy, mức độ liên kết về cung cấp công nghệ trong chuỗi giá trị sản xuất còn lỏng lẻo, công nghệ sản xuất phụ thuộc vào các DN khác ngành cung ứng là chủ yếu. (Hình 2)

Hình 2: Nhà cung cấp công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất chủ yếu cho doanh nghiệp công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - ĐVT %

liên kết công nghệ

Nguồn: Xử lý từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2012 - 2020

DN có liên kết trong cùng tỉnh hoặc với các tỉnh trong vùng so với các DN không tham gia liên kết giai đoạn 2012 - 2019 cho thấy, đối với các DN có liên kết thì cơ cấu cung cấp công nghệ và máy móc thiết bị có xu hướng gia tăng sử dụng từ các DN nước ngoài ở Việt Nam khác ngành, DN nước ngoài ở ngoài Việt Nam cùng ngành và DN nước ngoài ở ngoài Việt Nam khác ngành; trong đó các DN Việt Nam khác ngành dẫn đầu về cung cấp công nghệ, máy móc thiết bị với tỷ lệ 34,6%; kế đến là từ các DN nước ngoài ở ngoài Việt Nam khác ngành là 23,4%; DN nước ngoài ở ngoài Việt Nam cùng ngành 20,6%. Ngược lại, đối với DN không tham gia liên kết với các tỉnh trong vùng hoặc với các DN trong cùng tỉnh có đặc điểm gia tăng sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị nhập khẩu từ các DN nước ngoài ở ngoài Việt Nam khác ngành và DN nước ngoài ở ngoài Việt Nam cùng ngành, giảm sử dụng từ các DN Việt Nam cùng ngành và khác ngành. (Hình 3)

Hình 3: Nhà cung cấp công nghệ, máy móc thiết bị chủ yếu cho doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - ĐVT %

liên kết công nghệ

Nguồn: Xử lý từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2012 - 2020

Mối quan hệ về chuyển giao công nghệ giữa DN ngành công nghiệp với khách hàng trong nước và nước ngoài của vùng KTTĐPN thông qua hình thức liên kết xuôi với khách hàng trong nước sử dụng sản phẩm của DN đi kèm chuyển giao công nghệ (hình thức 1); hình thức liên kết xuôi giữa DN với khách hàng ngoài đi kèm chuyển giao công nghệ (hình thức 2); hình thức liên kết ngược giữa DN và nhà cung cấp đầu vào ở Việt Nam đi kèm chuyển giao công nghệ (hình thức 3); liên kết ngược với các đối tác nước ngoài cung cấp đầu vào cho DN đi kèm với chuyển giao công nghệ (hình thức 4).

Việc chuyển giao công nghệ của 4 hình thức liên kết công nghệ trên được thực hiện qua 5  đường: đầu tư công nghệ mới thông qua hàng hóa, máy móc thiết bị; nâng cấp/ chỉnh sửa công nghệ hiện tại; sử dụng công nghệ do các DN trong cùng tập đoàn cung cấp; sử dụng công nghệ do các công ty ngoài tập đoàn cung cấp; kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động mới. Trong 5 đường chuyển giao công nghệ thì hình thức chuyển giao thông qua sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động mới và hình thức sử dụng công nghệ do các DN ngoài tập đoàn cung cấp chiếm tỷ trọng cao hơn phương thức chuyển giao khác. (Bảng 1)

Bảng 1. Liên kết ngược và liên kết xuôi về công nghệ - ĐVT % doanh nghiệp

liên kết công nghệ

Nguồn: Xử lý từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2020

Tính bình quân giá trị chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị mới và nâng cấp máy móc thiết bị của hình thức liên kết xuôi giữa DN với khách hàng trong nước (hình thức 1) của vùng KTTĐPN cao hơn các vùng KTTĐ khác, giá trị mua công nghệ và nâng cấp công nghệ của hình thức liên kết ngược với nhà cung cấp nước ngoài (hình thức 4) có giá trị thấp nhất trong các hình thức chuyển giao công nghệ. (Bảng 2)

Bảng 2. Giá trị chuyển giao công nghệ qua 4 hình thức liên kết công nghệ năm 2019 - ĐVT: triệu đồng/doanh nghiệp

liên kết công nghệ

Nguồn: Xử lý từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2020

Đặc điểm của các DN liên kết công nghệ cũng phản ánh, các DN có tham gia liên kết về công nghệ ở cả 4 hình thức liên kết đều có quy mô tài sản/DN, lao động/ DN thấp hơn so với DN không tham gia liên kết. Điều này phù hợp đặc điểm của các DN nhỏ có khả năng đổi mới công nghệ cao hơn các DN quy mô lớn do dễ chuyển đổi về cấu trúc tổ chức trong DN, từ đó thúc đẩy khả năng liên kết, chuyển đổi công nghệ của các DN vừa và nhỏ có tính cơ động hơn so với các DN quy mô lớn.

Hiệu quả liên kết công nghệ đo lường thông qua chỉ tiêu doanh thu/ DN, lợi nhuận/ DN, tỷ suất lợi nhuận/vốn sản xuất của các DN tham gia liên kết cho thấy các DN có tham gia liên kết về công nghệ mặc dù có doanh thu/DN, lợi nhuận/DN thấp hơn nhóm không tham gia liên kết nhưng tỷ suất lợi nhuận của nhóm có liên kết về công nghệ đều cao vượt trội so với nhóm không tham gia liên kết công nghệ trong giai đoạn 2012 - 2019. Điều này phù hợp đặc tính của các DN đổi mới công nghệ, tham gia liên kết về công nghệ có quy mô vốn, lao động bình quân DN nhỏ hơn, do vậy lợi nhuận bình quân tạo ra nhỏ hơn. Tuy nhiên, đổi mới và liên kết công nghệ thông qua chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chứng minh được liên kết công nghệ ở cả 4 phương thức liên kết xuôi và liên kết ngược đều đem lại hiệu quả tích cực cho các DN có tham gia liên kết. (Bảng 3)

Bảng 3. Đặc điểm và hiệu quả các hình thức liên kết công nghệ giai đoạn 2012 - 2019 doanh nghiệp công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - ĐVT (triệu đồng/ DN; lao động/ doanh nghiệp; %)

liên kết công nghệ

Nguồn: Xử lý từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê

(Ghi chú hình thức 1: Liên kết xuôi giữa DN với khách hàng trong nước ở Việt Nam; Hình thức 2: liên kết xuôi giữa DN với khách hàng nước ngoài; Hình thức 3: liên kết ngược giữa DN với nhà cung cấp ở Việt Nam; Hình thức 4: liên kết ngược giữa DN với nhà cung cấp nước ngoài)

3. Giải pháp thúc đẩy liên kết công nghệ trong doanh nghiệp công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Liên kết công nghệ không chỉ giúp cho DN đáp ứng yêu cầu sản xuất mà còn là cách thức để nâng cao, đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các giải pháp thúc đẩy liên kết về công nghệ cần thực hiện đồng bộ cả về phía DN và cơ quan quản lý nhà nước, địa phương. Về phía các DN công nghiệp, cần tập trung vào các giải pháp:

Thứ nhất, các DN cần coi hợp tác liên kết công nghệ sản xuất không chỉ là phương thức kinh doanh thông thường, mà là giải pháp quan trọng để cải thiện, nâng cấp trình độ công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với các DN nhỏ và vừa trong vùng, giải pháp này càng có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với điều kiện nguồn lực tài chính, thiết bị, nhân lực của DN.

Thứ hai, trong xây dựng chiến lược kinh doanh, các DN cần xác định vị trí và các định hướng hợp tác liên kết công nghệ sản xuất có tính dài hạn phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và thị trường sản phẩm.

Thứ ba, trong điều kiện xuất phát điểm về khoa học công nghệ của vùng KTTĐPN (Việt Nam nói chung) còn hạn chế, việc mở rộng hợp tác, liên kết, tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ bên ngoài là hướng ưu tiên phù hợp đối với các DN công nghiệp, tuy nhiên, các DN cần cân nhắc: (i) Hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mặc dù chi phí thấp hơn các công nghệ tiên tiến; (ii) Cân nhắc sử dụng công nghệ trong nước, nếu đáp ứng được yêu cầu sản xuất của DN, đây cũng là giải pháp để nâng cao nội lực, năng lực nội sinh về công nghệ của Việt Nam; (iii) Đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong ngành công nghiệp, chính là giải pháp đột phá để các DN vùng KTTĐPN có những phát minh, ứng dụng mới về công nghệ, nhất là đối với các ngành công nghiệp mới.

Thứ tư, các DN (đặc biệt là các DN có ưu thế về quy mô, DN khởi nghiệp) cần tăng cường đầu tư cho hoạt động R&D, đồng thời mở rộng liên kết công nghệ đối với các DN cùng ngành và ngoài ngành, phù hợp với yêu cầu sản xuất.

Thứ năm, các DN công nghiệp vùng đa dạng hóa hình thức chuyển giao công nghệ, qua hình thức liên kết xuôi giữa DN với khách hàng trong nước, chuyển giao công nghệ qua hình thức liên kết ngược giữa DN với nhà cung cấp, kết hợp giữa liên kết ngược và liên kết xuôi tại các khu công nghiệp, cụm liên kết công nghiệp.

Thứ sáu, các DN công nghiệp vùng có thể tận dụng liên thông về công nghệ dưới hình thức cho thuê tài chính trong việc sử dụng chung các thiết bị máy móc, nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Về phía các bộ, ngành và địa phương, để tạo điều kiện cho các DN công nghiệp vùng KTTĐPN mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác liên kết công nghệ trong sản xuất, cần có các giải pháp.

Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới công nghệ theo hướng hỗ trợ các DN đầu tư cho đổi mới công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư khởi nghiệp; áp dụng các chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm mới, nhập khẩu công nghệ tiên tiến, công nghệ thích ứng với môi trường, biến đổi khí hậu; thể chế hóa các chính sách khuyến cáo DN mở rộng hợp tác liên kết công nghệ sản xuất…

Thứ hai, rà soát quy hoạch vùng KTTĐPN và quy hoạch công nghiệp vùng KTTĐPN, qua đó bổ sung các định hướng ưu tiên trong phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp vùng và từng địa phương, hình thành các cụm liên kết công nghiệp cho từng sản phẩm, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực gắn với công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Đây là cơ sở để các DN mở rộng hợp tác liên kết công nghệ trong hoạt động sản xuất.

Thứ ba, phát huy vai trò của các DN FDI, các công ty đa quốc gia đầu tư vào Vùng KTTĐPN, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cấp năng lực công nghệ nội sinh của vùng, hỗ trợ cho các DN công nghiệp trong nước (của Vùng) phát triển. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, vai trò của các DN FDI và các công ty đa quốc gia đã đóng góp tích cực vào chuyển giao công nghệ cho các DN công nghiệp địa phương, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của các DN nội địa. Vai trò lan tỏa của các DN FDI và tập đoàn đa quốc gia đối với công nghiệp địa phương theo mô hình kim cương Porter (1990) sẽ góp phần thúc đẩy liên kết đối với công nghiệp của vùng.

Thứ tư, sự đồng hành của chính quyền địa phương trong phát triển khoa học công nghệ và liên kết công nghệ sản xuất đối với các DN công nghiệp là hết sức quan trọng. Theo đó, trước hết 4 tỉnh, thành phố vùng “tứ giác phát triển” nên có cơ chế tài chính riêng nhằm hỗ trợ các DN khởi nghiệp, các nhà đầu tư mạo hiểm và các đóng góp về công nghệ sản xuất. Các cấp chính quyền địa phương có thể tổ chức các triển lãm công nghệ liên vùng, giúp DN kết nối và hợp tác công nghệ trong sản xuất,…

Thứ năm, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao… trên địa bàn vùng KTTĐPN tham gia trực tiếp vào việc cung ứng và tham gia chuỗi liên kết công nghệ sản xuất công nghiệp, phải được coi là một trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, vai trò của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, của Trung tâm công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh,… phải đóng vai trò quan trọng hơn bằng các biện pháp và dự án công nghệ cụ thể nhằm đóng góp vào sự phát triển của các DN công nghiệp vùng KTTĐPN.

Thứ sáu, phát triển thị trường khoa học công nghệ chính là môi trường, cầu nối cung - cầu, nhằm thúc đẩy hợp tác liên kết khoa học công nghệ trong sản xuất ngành công nghiệp vùng KTTĐPN. Bên cạnh các chính sách, giải pháp đã và đang thực hiện, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới: (i) Sở Công Thương và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh/thành phố trong vùng cần hợp tác và định hướng, thông tin cho các DN về hoạt động và chuyển giao công nghệ phục vụ cho sản xuất công nghiệp (và hoạt động kinh tế nói chung); (ii) Các trường, viện nghiên cứu cần phát huy vai trò của phòng truyền thông và xúc tiến chuyển giao công nghệ, nhằm cung cấp thông tin và kết nối cung ứng sản phẩm khoa học công nghệ ra thị trường; (iii) Hội đồng vùng cần có bộ phận tư vấn về chính sách, giải pháp phát triển công nghiệp và khoa học công nghệ vùng, thực hiện chức năng tư vấn cho các địa phương trong phát triển và liên kết công nghiệp vùng KTTĐPN.

4. Kết luận

Nhìn chung, liên kết công nghệ trong DN công nghiệp vùng KTTĐPN từ năm 2012 đến nay đã đem lại hiệu quả cao cho các DN tham gia liên kết. Tuy nhiên, liên kết về công nghệ chưa được sự quan tâm đúng mức của DN, giá trị công nghệ chuyển giao và tỷ lệ DN có tham gia liên kết về công nghệ toàn vùng rất thấp, công nghệ toàn vùng chủ yếu do DN nằm ngoài Việt Nam cung cấp. Để gia tăng liên kết về công nghệ, cần có những giải pháp đồng bộ về phía DN, địa phương và trung ương để thúc đẩy DN, đặc biệt là DN FDI liên kết với DN trong nước, để tạo các hiệu ứng tích cực trong quá trình phát triển công nghiệp của vùng.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số B2019- 34-01.

Tài liệu tham khảo:

  1. Andersen, E.S., B. Dalum and G. Villumsen. (1981). The importance of the home market for the technological development and the export specialization of manufacturing industry, in Freeman, C. (ed). Technological Innovation and National Economic Performance, Aalborg University Press.
  2. Porter, M. (1990). The competitive advantage of notions. Harvard Business Review.
  3. Tổng cục Thống kê (2012, 2020). Kết quả điều tra doanh nghiệp các năm 2012, 2020.
  4. Tổng cục Thống kê (2021). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021. NXB Thống kê, Hà Nội.

PROMOTING THE TECHNOLOGICAL LINKAGES AMONG INDUSTRIAL ENTERPRISES IN THE SOUTHERN KEY ECONOMIC REGION

Assoc.Prof.Ph.D Nguyen Chi Hai1

Ph.D Pham My Duyen1

Master. Tra Van Trung1

1University of Economics and Law, 

Vietnam National University Ho Chi Minh City

Abstract:

This study presents the characteristics of technological linkages among industrial enterprises in the Southern key economic region, Vietnam. The study’s results show that the production technology of enterprises is mostly over 10 years old. Enterprises’ technological linkages are in forward and backward forms between foreign and domestic suppliers, foreign customers and domestic customers. Enterprises with technological linkages have a higher profitability than ones without technological linkages. Based on these results, some solutions are proposed to promote the technological linkages among industrial enterprises in the Southern key economic region.

Keywords: technology, linkage, the Southern key economic region.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]