TÓM TẮT:
Tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là chuyển dịch từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang mô hình Nhà nước giám sát với các mức độ tự chủ cao hơn để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học vận hành hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính về nguồn thu, mức thu; sử dụng nguồn tài chính; sử dụng kết quả tài chính trong năm và trích lập các quỹ đã giúp các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương chủ động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) giao tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, giúp các trường tăng nguồn thu ngoài NSNN thông qua đa dạng hóa hoạt động sự nghiệp, liên doanh, liên kết.
Tuy nhiên, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách cho đến quá trình triển khai thực hiện. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, làm cơ sở đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trong thời gian tới.
Từ khóa: tự chủ đại học, tự chủ tài chính, giáo dục đại học, đại học công lập, Bộ Công Thương.
1. Đặt vấn đề
Trên thế giới, tự chủ đại học (TCĐH) là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) theo hướng giảm dần sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước đối với các cơ sở GDĐH. Ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Đức hay Nhật Bản, TCĐH được thực hiện cách đây nhiều thập kỷ và đã trở thành các quốc gia điển hình cho nền giáo dục mở, chất lượng trên thế giới.
Ở Việt Nam, TCĐH đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ hệ thống GDĐH vận hành theo mệnh lệnh và chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đến nay, quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH đã được mở rộng thông qua việc ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các cơ sở GDĐH ở Việt Nam ngày càng chủ động, linh hoạt trong tổ chức, thực hiện các hoạt động của nhà trường; thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những vướng mắc, bất cập, như quyền tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở GDĐH phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động; giao quyền TCĐH đang thực hiện trong phạm vi thí điểm; văn bản pháp luật của Nhà nước về TCĐH còn thiếu đồng bộ.
Đối với các trường đại học công lập (ĐHCL) trực thuộc Bộ Công Thương, tiền thân từ các trường công nhân, trung cấp, cao đẳng lâu đời ở Việt Nam được nâng cấp lên đại học giai đoạn 2004 - 2011. Vì vậy, nền tảng đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm quản trị đại học của nhiều trường còn những hạn chế nhất định trong quá trình phát triển. Thực hiện cơ chế TCĐH nói chung, tự chủ tài chính (TCTC) nói riêng đã tạo cơ hội cho các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương chủ động trong quản lý tài chính và tài sản, sử dụng NSNN giao tiết kiệm, hiệu quả và tăng nguồn thu ngoài NSNN thông qua đa dạng hóa các hoạt động sự nghiệp, sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển quy mô; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người học và xã hội, càng đặt ra nhiều vấn đề từ cơ chế quản lý, hệ thống chính sách đến tạo lập, sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính. Vì vậy, cần đánh giá thực trạng cơ chế TCTC tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương, từ đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu hoàn thiện cơ chế TCTC trong thời gian tới là vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. Kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương
Các trường ĐHCL ở Việt Nam nói chung và các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương nói riêng, thực hiện cơ chế TCTC theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Việc giao quyền tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho các trường ĐHCL nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Để cụ thể hóa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐHCL, đồng thời thúc đẩy TCĐH ở Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017. Kế tiếp, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ - CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ). Đến nay, đã có 5/9 trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ (Năm 2015, có 3 trường: Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực; Năm 2017 có 2 trường: Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghiệp Hà Nội); 4/9 trường đại học còn lại thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.
2.1. Cơ chế tự chủ về nguồn thu, mức thu
Thực hiện cơ chế TCTC đã thúc đẩy các trường ĐHCL chủ động trong tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nhu cầu của xã hội, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để tạo ra các giá trị thực tiễn thông qua việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
- Xét về quy mô nguồn tài chính: Kết quả khảo sát cho thấy, các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương ở các thành phố lớn, vị trí địa lý thuận lợi, có thương hiệu và đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh có quy mô nguồn thu sự nghiệp lớn, khoảng 700 tỷ đồng/năm và tăng trưởng qua các năm. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng nguồn thu sự nghiệp của các trường này tăng cao hơn so với trước khi thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Đây là cơ sở để các trường tăng cường cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho đội ngũ viên chức và người lao động, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đối với các trường tự chủ một phần chi thường xuyên có quy mô nguồn tài chính còn nhỏ, dưới 100 tỷ đồng/năm và quy mô nguồn tài chính qua các năm tăng trưởng không đáng kể, thậm chí có năm biến động giảm.
- Xét về cơ cấu nguồn tài chính: Nguồn tài chính của các trường chủ yếu từ NSNN cấp và nguồn thu sự nghiệp; nguồn viện trợ, tài trợ và nguồn thu khác chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu nguồn tài chính. Đối với các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên và đầu tư, NSNN cấp chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu nguồn thu sự nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 90% tổng thu. Đối với các trường tự chủ một phần chi thường xuyên, NSNN cấp chiếm tỷ trọng lớn từ 49,0% đến 58,5%, nguồn thu sự nghiệp chiếm từ 41,5% đến 51,0% tổng thu.
Trong cơ cấu thu sự nghiệp: Thu từ học phí là nguồn thu chính, chiếm tỷ trọng từ 59,2% đến 93,8%; thu dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 5,2% đến 35,8%; thu từ các hoạt động khác của hầu hết các trường chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
2.2. Cơ chế tự chủ về sử dụng nguồn tài chính
Thực hiện cơ chế TCTC đã tác động tích cực đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài chính. Kết quả khảo sát cho thấy, 85,6% ý kiến cho rằng thực hiện cơ chế TCTC đã tác động tích cực đến việc sử dụng các nguồn lực tài chính tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương.
- Xét về quy mô các khoản chi: nguồn tài chính sử dụng cho các khoản chi của các trường giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 7,5%, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có mức tăng bình quân lớn nhất 16,5%. Trong đó, chi thường xuyên của các trường tăng bình quân thấp 2,8%, chi không thường xuyên tăng bình quân rất cao 38,5%, nhưng chủ yếu do các trường tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị sau khi được nâng cấp lên đại học và đặc biệt sau khi các trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ.
- Xét về cơ cấu chi thường xuyên: chủ yếu chi thanh toán cá nhân chiếm từ 40,5% đến 59,6%; chi mua sắm, sửa chữa tài sản chiếm từ 22,5% đến 31,3% chủ yếu đầu tư mua sắm, sửa chữa tài sản nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học; chi nghiệp vụ chuyên môn chiếm từ 9,5% đến 27,1%; chi khác chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu chi thường xuyên của các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương.
2.3. Cơ chế tự chủ về tiền lương, tiền công và sử dụng kết quả tài chính trong năm
Trong những năm qua, công tác tuyển sinh của không ít trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương gặp khó khăn. Tuy nhiên, kết quả tài chính của các trường luôn đảm bảo cân đối thu chi tài chính. Đặc biệt, đối với các trường tự chủ chi thường xuyên và đầu tư có kết quả tài chính tăng cao hơn so với trước khi thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ đã giúp cho các trường tăng trích lập các quỹ và chi thu nhập tăng thêm cho người lao động. Chi cho con người của các trường bình quân tăng 15 - 20%/năm, hệ số thu nhập tăng thêm từ 1,5 - 2,5 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Kết quả khảo sát cho thấy 82,5% ý kiến cho rằng thực hiện cơ chế TCTC đã tác động tích cực đến thu nhập của viên chức và người lao động của các trường.
3. Một số bất cập, hạn chế trong thực hiện cơ chế TCTC tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện cơ chế TCTC tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương vẫn còn một số tồn tại bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Một là, cơ chế phân bổ NSNN cho các trường ĐHCL còn mang tính bình quân, chủ yếu căn cứ theo mức độ tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên mà chưa gắn với chất lượng sản phẩm đầu ra, hiệu quả sử dụng nguồn tài chính của từng trường. Mặt khác, cơ chế phân bổ NSNN chưa thực sự trở thành công cụ điều tiết quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Hai là, chính sách học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ chưa bảo đảm tính đủ chi phí đào tạo cần thiết, đặc thù đào tạo của từng ngành, nghề cũng như chưa gắn với yêu cầu chất lượng sản phẩm đầu ra và thương hiệu của từng trường. Bên cạnh đó, chính sách học phí và cơ chế phân bổ NSNN chưa có sự kết hợp để thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng sinh viên diện chính sách, sinh viên theo cơ chế đặt hàng đào tạo ở các ngành ít hấp dẫn, không thu hút được người học, nhưng cần thiết cho xã hội.
Ba là, nguồn thu sự nghiệp của các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu học phí. Trong khi, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là một trong những hoạt động chính, quan trọng của trường đại học nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nguồn thu từ tài trợ, viện trợ… của các tổ chức, cá nhân còn rất hạn chế đối với nhiều trường. Ngoài ra, nguồn thu sự nghiệp của một số trường ở địa phương do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển chưa cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học nên việc huy động nguồn tài chính ngoài NSNN gặp khó khăn, quy mô nguồn thu nhỏ và phụ thuộc rất lớn vào NSNN cấp.
Bốn là, trong cơ cấu chi của một số trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương, chi cho con người chiếm tỷ trọng lớn, nhưng thu nhập của viên chức và người lao động chủ yếu là tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Mặt khác, nguồn tài chính chi cho đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học còn hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Năm là, cơ sở pháp lý về TCĐH thiếu đồng bộ, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện. Ví dụ, Điều 32 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH quy định “các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật…”. Tuy nhiên, trong lĩnh vực GDĐH còn bị chi phối bởi rất nhiều quy định khác, như: Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,… Ngoài ra, thực hiện quy định của pháp luật về Hội đồng trường còn mang tính hình thức, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
4. Một số giải pháp chủ yếu hoàn thiện cơ chế tài chính tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH ngày 19/11/2018, Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ quy định cơ chế TCTC của đơn vị sự nghiệp công lập, tác giả đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế TCTC tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương trong thời gian tới như sau:
Một là, đổi mới cơ chế phân bổ NSNN cho các trường ĐHCL theo hướng giảm dần phân bổ NSNN chi thường xuyên, tiến tới các trường ĐHCL tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Khi đó, NSNN tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ĐHCL và thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng sinh viên diện chính sách, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ GDĐH ở các ngành ít hấp dẫn nhưng cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, xây dựng khung học phí đa dạng, linh hoạt gắn với kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài. Đồng thời, quy định mức thu học phí theo 4 mức độ TCTC: (1) tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (2) tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (4) Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ về mức thu học phí cho các trường ĐHCL, chính sách hỗ trợ tài chính sinh viên cần được thiết kế lại bảo đảm mức vay hoặc hỗ trợ tài chính cho sinh viên đủ chi trả học phí, chi phí sinh hoạt học tập.
Ba là, ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng tài sản công trong các cơ sở GDĐH công lập khi thành lập các đơn vị liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các tài sản công theo tinh thần của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH ngày 19/11/2018, Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến TCTC trong lĩnh vực GDĐH để đảm bảo các cơ sở GDĐH công lập được quyền quyết định đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị bằng nguồn thu hợp pháp của nhà trường.
Bốn là, thực hiện rà soát, sắp xếp lại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện tốt nhiệm vụ này góp phần cơ cấu lại NSNN thông qua phương thức đặt hàng, đấu thầu và tập trung nguồn tài chính cho các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương.
Năm là, nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường để thực hiện tốt chức năng quản trị đại học, phê duyệt và giám sát các chính sách về TCĐH. Ban hành văn bản quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất về thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ giữa Đảng ủy nhà trường, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu.
Sáu là, sắp xếp bộ máy, nhân sự của các đơn vị thuộc, trực thuộc các trường theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ tiền lương, tiền công, tiết kiệm các khoản chi hành chính. Đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá chất lượng viên chức và người lao động, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng viên chức và người lao động theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, kết quả thực hiện công việc; áp dụng cơ chế tiền lương đặc thù để thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài. Tăng cường phân cấp quản lý tài chính cho các đơn vị thuộc, trực thuộc các trường, thực hiện cơ chế khoán chi thường xuyên (chi thanh toán cá nhân, chi nghiệp vụ chuyên môn,...) để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản. Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định tài chính nội bộ của các trường phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH ngày 19/11/2018, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ.
5. Kết luận
Thời gian qua, thực hiện cơ chế TCTC tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương đã mang lại một số kết quả tích cực, nhiều trường đã nâng cao vị thế và dần khẳng định vai trò là cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế TCTC vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn cơ chế TCTC. Nghiên cứu này đã đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế TCTC thông qua các giải pháp đổi mới cơ chế phân bổ NSNN, chính sách học phí, cơ chế huy động nguồn tài chính ngoài NSNN, khung pháp lý về TCTC và các giải pháp nâng cao năng lực quản lý tài chính tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ.
- Chính phủ (2014), Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017.
- Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Fielden, J. (2008), Global Trends in University Governance. Education Working Paper Series, number 9. Washington, D. c., World Bank.
- Quốc hội (2018), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018.
The implementation of financial autonomy at public universities under the Ministry of Industry and Trade: Current situation and solutions
Ph.D Nguyen Dong Anh Xuan 1
Master. Pham Thu Ha 1
1 Hanoi University of Industry
ABSTRACT:
University autonomy is a necessary condition for the implementation of advanced university governance methods to upgrade and improve the quality of training and education. The general global university governance trend is to shift from a state-controlled model to a state-supervised model with a higher level of autonomy to facilitate the operations of higher education institutions. This study’s results show that the implementation of financial autonomy mechanism in terms of revenue sources, using financial resources, and creating financial funds has helpd public universities under the Ministry of Industry and Trade to acively manage and use their allocated state budget effectively. Moreover, it has helped universities increase their non-state budget revenues through diversifying their activities. However, the implementation of financial autonomy mechanism at public universities under the Ministry of Industry and Trade still faces some shortcomings and difficulties about mechanisms and policies. This paper assesses the current implementation of financial autonomy mechanism at public universities under the Ministry of Industry and Trade and proposes some solutions to improve the effectiveness of financial autonomy mechanism at these public universities in the coming time.
Keywords: university autonomy, financial autonomy, higher education, public university, Ministry of Industry and Trade.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]