Tự chủ đại học trong giai đoạn chuyển đổi mô hình trường đại học: Kinh nghiệm của một số đại học trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam

ĐINH VĂN TOÀN (Đại học Quốc gia Hà Nội) và HOÀNG THỊ CẨM THƯƠNG (Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Cơ chế tự chủ đóng vai trò rất quan trọng đối với chuyển đổi trường đại học (ĐH) theo mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam. Bài viết bàn luận về vấn đề tự chủ đại học (TCĐH), trong đó tập trung sâu hơn vai trò của tự chủ về tổ chức đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ cấu tổ chức và kinh nghiệm của một số trường ĐH trên thế giới. Bài viết đưa ra các hàm ý về chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi các trường ĐH ở Việt Nam.

Từ khóa: Tự chủ đại học, trường đại học, chuyển đổi mô hình, đại học khởi nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Để thực hiện được sứ mệnh của mình và phát huy được cơ cấu quản trị ĐH tiên tiến trong giai đoạn hiện nay, các trường ĐH cần sự tự chủ cao trong các quyết định nội bộ. Tự chủ sẽ tạo động lực cho đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong mọi hoạt động của mình, đồng thời tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động trong nhà trường và tăng tính cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở giáo dục ĐH. Trong giai đoạn hiện nay, tự chủ về tổ chức và quản lý có vai trò quyết định, bởi vì phát triển tổ chức để tăng cường hoạt động kết nối, thương mại hóa và khởi nghiệp kinh doanh là một yêu cầu tiên quyết ở các trường Đại học khởi nghiệp.

Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu học thuật, bài viết phân tích, làm rõ về lý luận và thực tiễn vai trò của thực hiện TCĐH đối với chuyển đổi mô hình trường ĐH theo hướng ĐH khởi nghiệp. Đồng thời phân tích một số kết quả đạt được về khởi nghiệp học thuật tại một số trường ĐH tiêu biểu tại Singapore, Hà Lan và New Zealand với sự khác biệt nhất định trong thiết chế quản lý giáo dục nhưng có nguyên nhân chung là ảnh hưởng tích cực của TCĐH sẽ minh họa rõ thêm nhận định này.

2. Tự chủ đại học

Cùng với sự ra đời của phương thức quản lý công mới, vào những năm 1980, quản lý giáo dục ĐH trên thế giới đã chuyển dần từ nhà nước kiểm soát sang mô hình nhà nước giám sát. Với xu hướng này, TCĐH được quan tâm trong giới nghiên cứu về quản trị cũng như các nhà hoạch định chính sách giáo dục. Tuy vẫn có những cách giải thích khác nhau, nhưng nói chung TCĐH nói về sự “tự quyết định các vấn đề của chính trường ĐH” trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Nói cách khác, TCĐH được hiểu là mức độ độc lập cần có của các trường ĐH trong tổ chức và quản trị nội bộ, giảm bớt các tác động, can thiệp từ bên ngoài.

Cho đến nay, vẫn chưa có một quan niệm thống nhất cho TCĐH về nội dung, phạm vi, mức độ giữa các các hệ thống giáo dục và quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, có sự thống nhất trong nhiều nghiên cứu về quản trị ĐH và cũng phù hợp với lý thuyết quản lý công mới về xu hướng vận dụng cách quản lý của doanh nghiệp trên cơ sở phát huy quyền tự chủ của các trường ĐH để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tùy theo trình độ phát triển kinh tế và truyền thống văn hóa, chế độ chính trị, thể chế giáo dục và sự sẵn sàng của các ĐH mà các quốc gia thực hiện TCĐH ở mức độ khác nhau. Song nói chung, TCĐH chỉ được thực hiện và tăng cường khi có sự cam kết liên tục và tích cực giữa nhà nước, các cơ quan quản lý ngành và các trường ĐH.

3. Vai trò của tự chủ trong chuyển đổi mô hình trường đại học

Để trở thành một ĐH khởi nghiệp, một trong những thách thức lớn đối với các ĐH theo mô hình truyền thống là cơ cấu và cơ chế hiệu quả để tích hợp được các hoạt động nghiên cứu khoa học với thương mại hóa (Chang và cộng sự, 2009). Các cơ chế này phụ thuộc sự đổi mới trong tổ chức và quản trị trường ĐH - từ chiến lược đến lãnh đạo, quản lý và điều hành và đặc biệt là mạng lưới kết nối với các ngành công nghiệp và thị trường. Tuy nhiên, Sporn (2001) cũng khẳng định ngoài mạng lưới bên ngoài thì một loạt các yếu tố trong nội bộ trường ĐH như: tầm nhìn, mục tiêu, cơ cấu tổ chức, quản lý, quản trị, lãnh đạo và văn hóa là quan trọng cho một ĐH khởi nghiệp.

Từ các kết quả nghiên cứu, Etzkowitz (2002) cho rằng bên cạnh mối liên kết gần gũi với các doanh nghiệp và chính phủ, sự độc lập với các thể chế và hình thức tổ chức phù hợp để vốn hóa tri thức, đổi mới sáng tạo là những nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy và đảm bảo mô hình trường ĐH khởi nghiệp. Lý thuyết cũng như các nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy chuyển đổi mô hình trường ĐH gắn liền với sự phát triển và đổi mới quản lý trong các trường theo hướng hiệu quả, gắn với kết quả đầu ra nhằm thỏa mãn các bên liên quan. Tăng tính tự chủ sẽ cho phép trường ĐH phát huy được các thế mạnh và tiềm năng vốn có - sáng tạo và chuyển giao tri thức.

Kết quả nghiên cứu về mô hình ĐH khởi nghiệp được công bố gần đây đã chỉ ra: để thực hiện sứ mạng và các mục tiêu hoạt động của mình, trường ĐH khởi nghiệp cần đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, quản trị và phương thức vận hành (so với mô hình truyền thống) để tăng cường khai thác kết quả của các hoạt động học thuật (Dinh Van Toan, 2020). Tổng hợp của tác giả Chang và cộng sự (2016) cho thấy: trong cơ cấu của ĐH khởi nghiệp, các doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu, hợp tác với ngành công nghiệp là các cấu phần quan trọng để triển khai các hoạt động khởi nghiệp kinh doanh. Các doanh nghiệp thường là công ty được hình thành từ ý tưởng, kết quả nghiên cứu, sáng tạo trong nhà trường, tiêu biểu là các spin-off (Farsi và cộng sự, 2012). Bên cạnh các đơn vị chuyên môn (khoa, bộ môn) và đơn vị chức năng (phòng, ban) vốn có của các trường ĐH truyền thống, Đại học khởi nghiệp có các đơn vị như văn phòng chuyển giao công nghệp và vườn ươm khởi nghiệp.

Như vậy, TCĐH xét ở khía cạnh tổ chức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi theo hướng ĐH khởi nghiệp. Đồng thời, quá trình chuyển đổi đặt ra yêu cầu tất yếu phải đổi mới cơ cấu tổ chức trong các trường ĐH. Sự đổi mới này mở ra cơ hội phân quyền, tạo động lực và thúc đẩy khởi nghiệp cho các cá nhân và đơn vị. Bên cạnh đó, tự chủ trong các quyết định linh hoạt hơn về tài chính để phù hợp với yêu cầu của các bên và hoạt động kinh doanh sẽ góp phần bù đắp nguồn thu thuần túy từ kinh phí đào tạo và nghiên cứu khoa học.

4. Kinh nghiệm từ một số trường đại học trên thế giới

4.1. Đại học NUS và đại học NTU, Singapore

Năm 2005, chính phủ Singapore chấp thuận các ĐH National University of Singapore (NUS), Nanyang Technological University (NTU) và Singapore Management University trở thành các “ĐH tự chủ“ theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Tài trợ, quản trị và tự chủ ĐH (University Autonomy, Governance and Funding Steering Committee). Đây là quyết định có tính chiến lược nhằm thúc đẩy việc tạo ra sự khác biệt và định hướng chiến lược riêng theo thế mạnh cho mỗi trường ĐH để đạt được thành tích xuất sắc về học thuật và khởi nghiệp. Hiện nay, NUS và NTU là hai ĐH hàng đầu Singapore và châu Á. Hai ĐH này hoạt động theo mô hình trường ĐH khởi nghiệp với cơ chế doanh nghiệp phi lợi nhuận. Bên cạnh tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức bộ máy là nhân tố quyết định giúp các trường linh hoạt hơn trong điều hành và tạo ra những bước đột phá trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Xét trên khía cạnh tổ chức bộ máy, chuyển đổi mô hình theo hướng ĐH khởi nghiệp nhấn mạnh vai trò của hội đồng trường như hội đồng quản trị/hội đồng thành viên trong quản trị công ty. Hội đồng trường đưa ra định hướng và quyết định các chiến lược, kế hoạch phát triển với các thay đổi mang tính tích cực, chủ động thực hiện, tổ chức quản lý và giám sát nội bộ việc thực thi để đạt được các mục tiêu. Bên cạnh việc được quyết định các vấn đề như: mức học phí khác nhau cho các chương trình đào tạo, chế độ linh hoạt để tuyển dụng, đãi ngộ nhân tài dựa trên thành tích và năng lực, các chính sách tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thì việc tự quyết định các chính sách trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển mạng lưới học thuật và khởi nghiệp toàn cầu đã mang lại kết quả vượt trội ở NUS về khởi nghiệp.

Thiết chế TCĐH tại hai ĐH trên khuyến khích các trường đa dạng hóa các nguồn thu như: quỹ hiến tặng từ nhiều nguồn (cựu sinh viên, doanh nghiệp, chính quyền địa phương...); thu nhập từ sinh viên quốc tế; thu từ các hoạt động chuyển giao công nghệ và sản xuất, kinh doanh khác. Nhưng đặc biệt hơn, tính tự chủ trong quản trị giúp các trường mở rộng quan hệ đối tác, hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài, đồng thời tạo môi trường đổi mới sáng tạo để phát triển doanh nghiệp bên trong nhà trường thông qua hình thành các công ty spin-offs và startups (Đinh Văn Toàn, 2019a).

4.2. Đại học Twente, Hà Lan

Trường ĐH Twente (UT) là một trong 13 trường ĐH đầu tiên tại Hà Lan do chính phủ thành lập. Trải qua quá trình phát triển hơn 50 năm, UT hiện nay được đánh giá là trường có mức độ khởi nghiệp cao nhất ở Hà Lan. Trong sứ mệnh của mình, UT tuyên bố là “trường đại khởi nghiệp (entrepreneurial university)“. Với cơ chế TCĐH trong tổ chức và quản trị, UT trao quyền chủ động hoàn toàn cho mỗi khoa, đơn vị trực thuộc nhà trường trong triển khai các hoạt động. Chính cách làm này đã thúc đẩy các đơn vị thành viên phát huy tiềm lực học thuật và nâng cao trách nhiệm trong sử dụng ngân sách hiệu quả nhất. Cũng từ đó, các sáng kiến khởi nghiệp đã được hình thành và phát triển hiệu quả.

Tiếp cận của UT trong chuyển đổi mô hình trường ĐH dựa theo mô hình các trường ĐH Hoa Kỳ. Theo đó, cơ chế tự chủ về cơ cấu tổ chức và quản trị đã tạo điều kiện phát triển các hoạt động hướng đến việc tìm kiếm các nguồn tài chính từ bên ngoài để giảm sự phụ thuộc vào chính phủ. Theo Lazzeretti và Tavoletti (2005), tính đến năm 2005, UT đã đạt được nhiều thành tựu trong chuyển đổi mô hình theo hướng ĐH khởi nghiệp:

- 427 công ty Spin-offs đã được thành lập, trong đó 219 công ty hoạt động theo cơ chế vận hành doanh nghiệp mới của UT có tên gọi “Temporary Entrepreneurial Placements”, 68% số này đã tạo ra 3.134 việc làm, 44% do UT thành lập dựa trên nền tảng tri thức và nhân lực của nhà trường trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn và rất lớn;

- Hình thành Công viên “Kinh doanh và Khoa học” với khuôn viên hơn 40 ha đất. Tại đây, đã có 195 doanh nghiệp hoạt động và tạo ra 4.000 việc làm;

- Thành lập một đơn vị “ươm mầm doanh nghiệp” theo mô hình công ty TNHH do nhà trường là thành viên góp vốn chính. Công ty này đã giúp các công ty Spin-offs mới thành lập tiếp cận với Công viên Kinh doanh và Khoa học và làm giảm khoảng cách tồn tại giữa giới học thuật với doanh nghiệp.

4.3. Đại học Auckland, New Zealand

ĐH Auckland của New Zealand là một ví dụ điển hình của sự đổi mới mạnh mẽ nhờ cơ chế tự chủ trong hai thập niên qua ở một đất nước vẫn luôn coi cơ sở giáo dục ĐH công lập là đơn vị hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Từ những năm 2000, trường từ bỏ cơ chế tài trợ kinh phí nghiên cứu, thay vào đó đẩy mạnh liên kết trong đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và thực hiện các hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn đổi mới tổ chức từ năm 1989 đến năm 2006, ba tổ chức tiêu biểu đã được hình thành theo mô hình liên kết ở ĐH Auckland bao gồm Công ty UniService, Viện Nghiên cứu sáng tạo về công nghệ sinh học (IIB) và Trường Kinh doanh.

Các đơn vị này hoạt động tốt, đóng góp mạnh mẽ vào thành công của UT (Đinh Văn Toàn, 2019a: 190). Ngay sau khi hình thành, Công ty Uniservices trở thành một doanh nghiệp đầu tàu cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học trong các tổ chức công tại New Zealand. Viện IIB là không gian mới cho tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo theo mô hình hợp tác công - tư. Trường Kinh doanh thuộc ĐH Auckland được coi là biểu tượng mạnh mẽ nhất của tinh thần khởi nghiệp đối với giáo dục ĐH ở New Zealand.

Những hoạt động đổi mới về phát triển cơ cấu tổ chức của các trường ĐH kể trên cho thấy rõ vai trò quan trọng của cơ chế tự chủ về tổ chức đối với phát huy tiềm năng của các nhà khoa học và chuyển đổi mô hình theo hướng ĐH khởi nghiệp. Thành tựu đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp đưa các trường ĐH trên luôn được xếp thứ hạng cao trong khu vực và thế giới cùng với phương thức quản trị tiên tiến đã tạo ra động lực và nguồn cảm hứng vô tận cho giới học thuật và các nhà khoa học trong thời gian qua.

5. Thực trạng thực hiện tự chủ ở các trường ĐH tại Việt Nam và một số gợi ý chính sách

Để giảm chi ngân sách nhà nước và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục ĐH công lập. Từ đó đến nay, các trường ĐH công lập đã có những bước chuyển biến để thích ứng với xu hướng đổi mới quản trị ĐH gắn với tự chủ và tự chịu trách nhiệm đang diễn ra mạnh mẽ.

Thủ tướng Vhính phủ đã phê duyệt (thông qua đề án thí điểm tự chủ) cơ chế tự chủ cho 23 trường ĐH công lập. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ về chính sách và chồng chéo về pháp luật như: chậm sửa đổi Luật Đấu thầu và Luật, Nghị định về thuế, phí; chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công; Luật, nghị định hướng dẫn về kế toán vẫn còn áp dụng theo các quy định cũ,…đã tạo ra các mâu thuẫn và cản trở thực hiện quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và TCĐH nói riêng (Hồng Thủy, 2020). Theo Luật Đầu tư công hiện hành, nguồn vốn đầu tư của các trường ĐH công lập tự chủ cũng chưa được xác định cụ thể.

Nhiều nghiên cứu gần đây về thực hiện TCĐH cho thấy các nhận định chung: về mức độ tự chủ trong các cơ sở giáo dục ĐH, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có mức độ TCĐH thấp nhất (Hoàng Minh Sơn và cộng sự, 2019); các trường ĐH chưa có sự tự chủ, thậm chí thiếu chủ động trong mọi hoạt động do phụ thuộc vào các chỉ đạo, phê duyệt của bộ và cơ quan chủ quản (Đinh Văn Toàn, 2020). Điều này cũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến chuyển đổi sang mô hình ĐH khởi nghiệp còn rất chậm trong các trường ĐH công lập: hình thành và phát triển doanh nghiệp cũng như đổi mới trong các hoạt động có tính 'tự chủ' trong trường ĐH vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, rào cản do sự thiếu đồng bộ, xung đột của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành (Dinh Van Toan, 2020).

Về tổ chức và quản trị ĐH, trước yêu cầu chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp để tăng cường các hoạt động thương mại hóa ngày càng cao trong xu hướng chuyển đổi, việc chậm đổi mới về mô hình tổ chức là những cản trở lớn nhất trong các trường ĐH ở Việt Nam. Điều này dẫn đến việc các trường ĐH thiếu các hoạt động hỗ trợ, ươm tạo, xúc tiến để chuyển giao thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ các phòng thí nghiệm, các trung tâm và viện nghiên cứu. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, các bộ chủ quản hạn chế việc thành lập các đơn vị mới nếu không tự chủ về tài chính. Điều này là các thách thức đối với các trường công lập vì hoạt động của các đơn vị mới (nếu thành lập) chưa mang lại lợi nhuận trong giai đoạn hình thành. Với các hạn chế trong phát triển cơ cấu tổ chức và thực hành tự chủ, nhìn chung chưa có sự chuyển biến rõ nét trong thể chế quản trị tại các trường ĐH ở Việt Nam với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Từ thực trạng trên, một số gợi ý về mặt chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi ĐH khởi nghiệp được đề xuất như sau đây.

Thứ nhất, cần đồng bộ thể chế thúc đẩy và nuôi dưỡng các hoạt động hướng tới ĐH khởi nghiệp.

Thúc đẩy và nuôi dưỡng tinh thần doanh nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tạo động cơ đổi mới trong tổ chức quản lý và phương thức vận hành của các trường ĐH nói chung, đặc biệt là tại các trường công lập. Bên cạnh việc các trường tự đổi mới để thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bớt phụ thuộc ngân sách nhà nước, cần sự đồng bộ về môi trường pháp luật theo hướng gỡ bỏ các rào cản, hạn chế và thúc đẩy, hỗ trợ:   

- Hệ thống luật pháp và các quy định cần đồng bộ để các trường thực hiện được các mục tiêu quan trọng: liên kết chặt chẽ và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, đẩy mạnh khởi nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa hướng đến hình thành doanh nghiệp từ các hoạt động trong nhà trường (spin-off). Trong đó, Chính phủ cần có chính sách hoàn thiện thị trường và cơ chế về hoạt động khoa học công nghệ, một số quy định trong các luật đất đai, đầu tư cần được điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc cho thành lập và hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ĐH;

- Cần có các cơ chế và các chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý và nguồn lực để nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp startup từ trường ĐH - còn gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để có hệ sinh thái này, Việt Nam cần những cải thiện và đồng bộ hệ thống luật pháp, thể chế. Song, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là có chính sách đối với các nhà khoa học, giảng viên hiện là viên chức trong các trường công lập được tham gia thành lập và quản lý các công ty gắn với kết quả nghiên cứu và công nghệ được chuyển giao; 

Thứ hai, hoàn thiện khung khổ pháp lý để đảm bảo thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy trong các trường ĐH.

Để chủ chương đẩy mạnh tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội của các trường ĐH của Đảng và Chính phủ vào thực tiễn, nhiều rào cản về cơ chế thực hiện và chính sách quản lý cần được gỡ bỏ và thúc đẩy tính tự chủ về tổ chức, nhân sự của các trường ĐH:

- Xóa bỏ sớm cơ chế cơ quan, bộ chủ quản đối với các trường ĐH để các trường được quyết định các vấn đề của nhà trường trong khuôn khổ pháp luật;

- Điều chỉnh bổ sung Luật và Nghị định về tổ chức bộ máy, viên chức và giao tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó các trường ĐH cần được đối xử đặc biệt theo hướng “tự trị”, phát huy tiềm năng sáng tạo, tự do học thuật để đóng góp cho cộng đồng và đề cao trách nhiệm giải trình;

- Tự chủ trong hình thành các đơn vị đặc thù phục vụ kết nối, chuyển giao tri thức và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (văn phòng chuyển giao, cấp phép, vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp, cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp,…) cần gắn với các chính sách hỗ trợ hoạt động ban đầu về nguồn lực của nhà nước (như dịch vụ công) mà không yêu cầu có lợi nhuận, tự cân đối chi phí hoạt động;   

Thứ ba, tháo gỡ các rào cản trong thực hiện tự chủ về tài chính.

Tự chủ, đổi mới về tổ chức bộ máy và quản trị nội bộ không thể tách rời với các chính sách và cơ chế thực hiện về tài chính, tải sản và kế toán. Do vậy, các rào cản về các lĩnh vực này cần được Nhà nước sớm tháo gỡ thông qua điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật: điều chỉnh bổ sung Luật và Nghị định về quản lý thuế, phí, Luật Kế toán; ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công theo hướng làm rõ đối với các trường ĐH công lập khi được giao thực hiện tự chủ.

Đương nhiên, về mặt tài chính, điều này sẽ tạo sức ép mạnh mẽ hơn đối với các trường ĐH phải tăng tính hiệu quả trong các hoạt động, tăng hoạt động kinh doanh có thu ngoài ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu học phí. Điều này càng thúc đẩy sự đổi mới cơ cấu tổ chức theo hướng ĐH khởi nghiệp, đặc biệt giúp các trường tiếp cận nhiều hơn với các thực hành tốt, các nguyên tắc tiên tiến về quản trị ĐH trên thế giới.

Thứ tư, có cơ chế và hướng dẫn rõ ràng về chế độ kế toán và sử dụng tài sản trong các trường ĐH công lập khi thực hiện tự chủ.

Không chỉ đối với các trường ĐH công lập, ngay cả các trường tư thục cũng gặp lúng túng trong thực hiện quyền tự chủ khi thực hiện hoạt động về tài chính (định mức thu, chi), tài sản (đặc biệt là tài sản công, sở hữu tập thể) và chế độ kế toán (ở các đơn vị có mô hình khác nhau). Chính phủ và Bộ Tài chính cần có các hướng dẫn rõ ràng về cơ chế định giá, sử dụng cơ sở hạ tầng, đất đai, tài sản công, thương hiệu để góp vốn khi tham gia thành lập đơn vị mới và các hoạt động mang tính kinh doanh thu lợi nhuận. Bởi lẽ, mọi hoạt động đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức mới (nếu được thành lập) đều chịu sự điều chỉnh bởi các quy định này. Nhưng hiện nay chưa có các hướng dẫn chi tiết phù hợp với đặc thù các trường ĐH được giao tự chủ về tổ chức bộ máy và tài chính để thực hiện.   

Thứ năm, hoàn thiện văn bản pháp luật về quản trị đại học phù hợp với mô hình khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Quản trị ĐH là một hệ thống các thiết chế được thiết lập và thực hiện dựa vào những nguyên lý và thông lệ hướng đến việc trường ĐH thực hiện được sứ mệnh của mình, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các bên liên quan. Bản chất của quản trị ĐH yêu cầu tính tuân thủ các nguyên tắc mang tính thể chế của quản lý nhà nước và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý và hoạt động (Đinh Văn Toàn, 2020). Chính phủ cần hoàn thiện các thiết chế này theo hướng quản trị ĐH tiên tiến và phù hợp với mô hình ĐH khởi nghiệp, với các yêu cầu đặt ra như:

 - Làm rõ nguồn lực và tính khả thi trong thực hiện về quyền hạn, vai trò và trách nhiệm lãnh đạo và giám sát của hội đồng trường trong các trường công lập; quan hệ và trách nhiệm giữa hội đồng quản trị với hiệu trưởng trong các trường ngoài công lập;

- Xác định rõ ràng trong các văn bản pháp lý về trách nhiệm, vai trò các bên liên quan bên ngoài trường ĐH, trong đó có vai trò của Nhà nước, Bộ Giáo dục và đào tạo, các cơ quan bên ngoài và các bên có liên quan khác;

- Trong nội bộ trường ĐH, phải tuân thủ các nguyên tắc mang tính thông lệ trong quản lý điều hành, theo đó chú trọng phát huy vai trò của khoa/bộ môn và các chủ thể trong nội bộ trường, đảm bảo dân chủ và phát huy tự do học thuật của các giảng viên, nhà khoa học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Minh Sơn, Vũ Văn Yêm, Nguyễn Thị Hương (2019). Một số kiến nghị về đầu tư cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Vấn đề và giải pháp, Hà Nội, tháng 5/2019.
  2. Hồng Thủy (2020). Những quy định nào đang bó chặt chủ trương tự chủ đại học của Trung ương?. (https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-quy-dinh-nao-dang-bo-chat-chu-truong-tu-chu-dai-hoc-cua-trung-uong-post205510.gd.)
  3. Đinh Văn Toàn (2019a). Phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học - Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn Việt Nam. Sách chuyên khảo, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội.
  4. Đinh Văn Toàn (2019b). Tinh thần doanh nghiệp trong quản trị và điều hành trường ĐH: Kinh nghiệm từ đại học Auckland. Tạp chí Kinh tế và dự báo, số tháng 8/2019, tr.57-60.
  5. Đinh Văn Toàn, 2020. Quản trị đại học tiên tiến: Những thách thức đặt ra cho các trường đại học Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, số tháng 2/2020, tr. 116-121.
  6. Chang, Y. C., Yang, P.Y., Chen, M.H., (2009). The determinants of academic research commercial performance, towards an organizational ambidexterity perspective, Res. Policy 38 (6), 936-946.
  7. Chang, Y. C., Yang, P.Y., Martin, B.R., Chi, H.R., Tsai-Lin, T.F., (2016). Entrepreneurial universities and research ambidexterity: A multilevel analysis. Technovation 2016, (http://dx.doi.org/10.1016/j.technovation.2016.02.006).
  8. Dinh Van Toan (2020). Entrepreneurial Universities and the Development Model for Public Universities in Vietnam. International Journal of Entrepreneurship (Indexed by Scopus), Vol. 24, Issue 1, 2020.
  9. Etzkowitz, H. (2002). MIT and The Rise of Entrepreneurial Science, 1st Ed., Research Policy, Routledge, London. (https://doi.org/10.4324/9780203216675).
  10. Farsi, J.Y., Imanipour, N., and Salamzadeh, A. (2012). Entrepreneurial university conceptualization: Case of developing countries. Global Business and Management Research, Vol 4, No 2, pp. 193-204.
  11. Lazzeretti, L., Tavoletti, E. (2005). Higher education excellence and local economic development: The case of the entrepreneurial University of Twente, European Planning Studies, 13(3), 475-493.
  12. Sporn, B. (2001). “Building Adaptive Universities: Emerging Organisational Forms Based on Experiences of European and US Universities”, Education and Management, 7: 12. (https://doi.org/10.1023/A:1011346201972)

 

UNIVERSITY AUTONOMY IN THE ORGANIZATIONAL TRANSFORMATION PERIOD: EXPERIENCE OF SOME UNIVERSITIES IN THE WORLD AND IMPLICATIONS FOR VIETNAMESE UNIVERSITIES

DINH VAN TOAN

Vietnam National University - Hanoi

HOANG THI CAM THUONG

Vinh University

ABSTRACT:

The autonomy mechanism plays a key role in the transformation of universities under the model of innovative unniversity start-up in the current conditions of Vietnam. This article discusses the issue of university autonomy, focusing on the role of organizational autonomy to meet the requirements of transforming the organizational structure and presents experience of some universities in the world. This article provides policy implications to accelerate the transformation of universities in Vietnam.

Keywords: University autonomy, university, transformation, university start-up.