Chia sẻ chân thành của bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Central Group bên lề hội thảo Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn do Bộ Công Thương tổ chức đã cho thấy sự gặp nhau giữa chính sách và mong muốn của doanh nghiệp trong việc đưa người tiêu dùng tìm tới đúng địa chỉ thực phẩm an toàn.
Mới đây, ngày 2/5/2018, nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại các địa phương, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng, bảo đảm an toàn của các vùng, miền, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 3397/BCT- TTTN về việc kết nối thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền năm 2018. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở Công Thương đề xuất các mặt hàng thực phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền (nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến) đã được chứng nhận an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đang có nhu cầu quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ vào hệ thống phân phối của các tỉnh thành khác, tập trung tại các thị trường của các thành phố lớn.
Được lời như cởi tấm lòng, công văn này là nhịp cầu mà Bộ Công Thương bắc cho các doanh nghiệp nhỏ, lẻ bước chân vào các siêu thị lớn mà trước đây có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Để ý tưởng biến thành sự thật, Bộ Công Thương với vai trò và sự ảnh hưởng của mình phải làm việc với các siêu thị lớn như Big C, Lotte... để họ dành ra một góc đặc sản cho các đặc sản mùa vụ này, đó có thể như một chợ quê xinh xinh nằm ở trong các siêu thị… Chả thế mà 64 tỉnh thành nô nức đăng ký các sản vật của địa phương mình. Người hưởng lợi đầu tiên chính là người tiêu dùng. Khi bấy lâu họ mong muốn được đổi bữa, được có thêm những món ăn mới ngon và đảm bảo chất lượng vào bữa cơm hàng ngày của gia đình thì khi đi siêu thị đi mua sắm trong những dịp này thật sự ai cũng toại nguyện.
Chứng kiến sự tươi mới này, phía các nhà bán lẻ, hệ thống các siêu thị như Big C, Lotte… cũng chung một tâm trạng như “mở tiệc trong lòng” này. Chương trình thí điểm đầu tiên đã diễn ra thành công ngoài sức mong đợi đó là Tuần lễ cá Sông Đà với đặc sản là cá của Hòa Bình, Sơn La – nơi có dòng sông Đà hũng vĩ quanh năm cung cấp cho người dân nguồn thực phẩm dồi dào và chất lượng. Chỉ có duy nhất 2 tuần để chuẩn bị từ khi có ý tưởng đến khi đi sự kiện diễn ra, vậy mà con số tăng trưởng về sức mua đã tăng kỷ lục: Tước khi bước vào tuần lễ, Big C đã tổ chức bán cá và đạt dưới 100 tấn. Tuy nhiên, đến khi chính thức khai mạc lễ hội cá Sông Đà thì doanh số bán cá sông Đà trong tuần lễ tăng lên gấp 5 lần so với trước khi đi vào chương trình!
“Là đối tác của Bộ Công Thương được hưởng lợi đủ đường!” - bà Lê Thị Mai Linh chia sẻ thêm. Đó là vì doanh nghiệp ngoài việc có được sự đồng cảm trong cách đưa ra chính sách định hướng tiêu dùng của Bộ Công Thương bấy lâu nay thì còn được hưởng lợi từ công tác truyền thông chuyên nghiệp và hiệu quả. “Truyền thông ở đây không phải là vấn đề quảng cáo mà chính là quảng bá. Nhờ quảng bá tốt mà khiến cho nhiều người tiêu dùng biết cá sông Đà được nuôi thả trong lòng hồ tự nhiên, biết cá sông Đà đạt kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế, được Bộ này chứng nhận là cá sông Đà trên cả tuyệt vời với 2 đặc điểm: Thứ nhất, có độ đạm cao, rất tốt cho sức khỏe và đặc biệt tốt với người già và trẻ em. Thứ hai là nồng độ kim loại nặng rất thấp và thấp hơn nhiều mức độ cho phép. Đây chính là hiệu ứng cực kỳ tốt do đã xây dựng cách thức truyền thông quảng bá” – bà Linh nhấn mạnh.
Tuần lễ cá Sông Đà khép lại với những dư âm rất tích cực. Với đà thắng lợi này, chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được thiết lập chặt chẽ nhờ sự đồng điệu giữa chính sách đúng và doanh nghiệp có tâm.