Thực trạng lạm phát năm 2022 và giải pháp đạt mục tiêu Quốc hội đề ra năm 2023

THS. ĐỖ THỊ THU QUỲNH (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trên toàn cầu, các nước đang trải qua lạm phát ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ khi giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sưởi ấm, phương tiện đi lại và chỗ ở tăng vọt. Trong bối cảnh đó, với sự điều hành chủ động, linh hoạt, Chính phủ đã kiềm chế lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn rất lớn, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiềm chế lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023, như mục tiêu Quốc hội giao. Bài viết này bàn về thực trạng lạm phát năm 2022 và giải pháp đạt mục tiêu Quốc hội đề ra năm 2023.

Từ khóa: lạm phát, giá, nguyên vật liệu, lương thực, chính sách.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh dịch bệnh, giá cả tăng cao, tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Mỹ. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 11/2022 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 7,1% và FED tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 11/2022 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5%; Indonesia tăng 5,4%; Trung Quốc tăng 1,6%; Nhật Bản tăng 3,8%. Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát của Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong nước, kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh 1 năm nhiều biến động khó lường. 

2. Diễn biến tình hình lạm phát năm 2022

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 so với cùng kỳ năm trước có xu hướng tăng liên tục qua các tháng, duy nhất giảm tốc độ tăng vào tháng 2 và tháng 8, tương ứng là 1,42% và 2,86%. Ngay lập tức sau đó, các tháng 3 và tháng 9 là chỉ số CPI tăng so với cùng năm 2021 với tốc độ gấp 1,5 lần. Quan sát có thể thấy chu kỳ 6 tháng đầu năm với 6 tháng cuối năm 2022 gần như tương đồng, nhưng mức độ thấp hơn. (Xem Bảng)

Lý do về sự tăng giảm CPI trong nửa đầu năm 2022 bởi giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 20,12%; giá nội tạng động vật giảm 9,52%; giá thịt chế biến giảm 3,89%. Giá thịt lợn giảm sâu chủ yếu do Việt Nam đã sản xuất được vắc xin dịch tả lợn châu Phi nên chủ động trong phòng ngừa dịch khiến nguồn cung đảm bảo, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao làm cho các hộ chăn nuôi phải bán sớm cắt lỗ. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% do một số tỉnh, thành miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm. Đồng thời, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá. Các chính sách, giải pháp tài chính tiền tệ được ban hành kịp thời đã giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, công tác điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới, nguồn cung xăng dầu được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Các địa phương tăng cường quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá.

Trước bối cảnh lạm phát nhiều quốc gia khác trong 6 tháng đầu năm 2022 khá cao, Quốc hội đã đặt ra mục tiêu lạm phát 4% của năm 2022. Lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4% tương đương với Việt Nam; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%. Một số yếu tố chính có thể khiến CPI tăng cao trong các tháng cuối năm như giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao, Việt Nam lại là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế. Đặc biệt giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải. Ngoài ra còn phải kể đến giá lương thực, thực phẩm cũng có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.

Tuy nhiên, tính đến hết quý IV năm 2022, CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra, chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân kiềm chế giá cũng như làm tăng giá. Về nguyên nhân tăng CPI, trong năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt, trong đó giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.030 đồng/lít. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%, làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2022, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022 gas tăng 11,49% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết làm cho giá gạo năm 2022 tăng 1,22% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm. Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62% so với năm 2021, làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá thịt bò tăng 0,8%; giá thịt gà tăng 4,29%.

Giá nhà ở và vật liệu xây dựng năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục năm 2022 tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023.

Có được những con số ấn tượng trên, bên cạnh sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới đồng hành, chia sẻ, kịp thời ban hành thể chế; sửa đổi, bổ sung thể chế; giám sát, ban hành những chính sách quan trọng để Chính phủ đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Trong đó, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường để ban hành 1 luật sửa 9 luật; ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… nhanh chóng, kịp thời.

Nhận định xu hướng giá cả năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát còn rất lớn. Nguyên nhân do diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ucraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Bên cạnh đó, năm 2023 một số sắc thuế hết hiệu lực; thực hiện tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023; khởi công một loạt dự án lớn… sẽ làm giá cả một số mặt hàng tăng lên, đặc biệt là xăng dầu. Vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.

3. Giải pháp đạt mục tiêu Quốc hội đề ra năm 2023

Để đạt được mục tiêu Quốc hội giao năm 2023: tăng trưởng kinh tế đạt là 6,5%, lạm phát dưới 4,5%, Nhà nước cần thực hiện nhiều giải pháp kết hợp, đó là:

- Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn, để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.

- Kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế.

- Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Do đó, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác với chính phủ các nước giàu tài nguyên, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát.

- Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI). Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm.

- Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay, sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

- Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương và Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Thời gian qua, giá xăng dầu đã giảm hơn 25%, nhưng giá nhiều mặt hàng chưa giảm, thậm chí tăng cao. Cần sớm có các biện pháp ổn định để đưa giá các mặt hàng về đúng vị trí. Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, tránh các tình huống ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2022), Thông cáo báo chí về tình hình giá tháng 12, quí IV năm 2022.
  2. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình giá 6 tháng đầu năm 2022.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Chỉ thị số 15/CT-TTg năm 2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

 The inflation situation in Vietnam in 2022 and solutions to reach the National Assembly’s set inflation target in 2023

Master. Do Thi Thu Quynh

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Many countries are experiencing inflation at levels not seen for decades as the price of essential goods and services such as food, heating fuels, transportation and accommodation is skyrocketing. In this context, thanks to the proactive and flexible management approach, the Government of Vietnam successfully kept the inflation rate below 4 percent in 2022, reaching the National Assembly’s set target. However, the inflationary pressure on Vietnam in 2023 is still high. It requires the Government to keep a prudent monetary policy in line with fiscal policy and other macroeconomic policies to curb inflation at 4.5 percent in 2023. This paper discusses the inflation situation in Vietnam in 2022 and proposes solutions to support the Government achieve the goal of keeping inflation below 4.5 percent in 2023.

Keywords: inflation, prices, raw materials, food, policy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]