Thực trạng luật ngân sách nhà nước Việt Nam hiện nay

TS. ĐỖ THU HIỀN (Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Tóm tắt:

Luật Ngân sách Nhà nước Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017. Trong quá trình thực hiện, Luật đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của công tác tài chính - ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh cấp bách. Tuy nhiên, Luật vẫn còn những vấn đề tồn tại nhất định cần sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ chế, chính sách tài chính.

Từ khóa: ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn thu ngân sách, nhiệm vụ chi.

1. Vấn đề chung về ngân sách nhà nước, Luật Ngân sách Nhà nước

1.1. Khái niệm, đặc điểm của ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước là một phạm trù kinh tế và cũng là phạm trù lịch sử, là một thành phần trong hệ thống tài chính. Khái niệm ngân sách nhà nước được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế, xã hội ở mọi quốc gia. Tùy theo từng trường phái, góc độ nghiên cứu mà người ta đưa ra cách định nghĩa khác nhau về ngân sách nhà nước.

Các nhà kinh tế học Trung Quốc cho rằng ngân sách nhà nước là kế hoạch thu chi tài chính hàng năm của Nhà nước được xét duyệt theo trình tự pháp định[1].

Từ điển Bách khoa toàn thư về kinh tế của Pháp đưa ra định nghĩa: ngân sách là văn kiện được Nghị viện hoặc Hội đồng thảo luận và phê chuẩn mà trong đó các nghiệp vụ tài chính (bao gồm thu và chi) của một tổ chức công (Nhà nước, chính quyền, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội,...) được dự kiến và cho phép[2].

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ngân sách nhà nước bao gồm tất cả các khoản chi tiêu và các khoản thu của Chính phủ, được trình lên cơ quan lập pháp xem xét và phê duyệt trước khi bắt đầu 1 năm ngân sách mới [3].

Ở Việt Nam, khi nghiên cứu, các học giả cũng đưa ra các quan niệm về ngân sách nhà nước. Theo Hoàng Phê và nhóm tác giả định nghĩa: ngân sách nhà nước là tổng số tiền thu và chi trong một thời gian nhất định của nhà nước[4].

Hiện nay, Luật Ngân sách Nhà nước quy định: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.”[5]

Như vậy, với tư cách là công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý, điều tiết nền kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, ngân sách nhà nước có những đặc điểm chính như sau:

Thứ nhất: về mặt nội dung.

Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu - chi của Nhà nước. Trong đó, các khoản thu là tất cả các nguồn tiền được huy động cho Nhà nước; còn các khoản chi là tất cả các khoản chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách và các khoản chi khác theo luật định.

Thứ hai: về mặt pháp lý.

Các khoản thu - chi của Nhà nước nằm trong dự toán ngân sách được quyết định bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thể hiện mối quan hệ về lợi ích kinh tế giữa Nhà nước và xã hội. Ngân sách Nhà nước được thực hiện trong 1 năm (gọi là năm ngân sách), thường tính theo năm dương lịch từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm, nhưng có một số quốc gia lại tính theo mốc thời gian khác.

Thứ ba: về mục đích.

Ngân sách Nhà nước nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Chức năng nhà nước là hoạt động nhà nước mang tính cơ bản nhất, thường xuyên, liên tục, ổn định nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu cơ bản của nhà nước, có ý nghĩa quyết định sự tồn tại, phát triển của nhà nước; nhiệm vụ là các công việc cụ thể ở từng giai đoạn nhất định. Ngân sách nhà nước giúp Nhà nước giải quyết các quan hệ lợi ích trong xã hội khi Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính giữa Nhà nước với các tổ chức kinh tế - xã hội, các tầng lớp dân cư,... và cả trong phân bổ các nguồn lực tài chính cho các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.[6]

1.2. Luật Ngân sách Nhà nước

Luật Ngân sách Nhà nước ra đời mang tính tất yếu và có vai trò quan trọng trong điều hòa lợi ích công tư, duy trì và bảo vệ các lợi ích đó trong quá trình thực hiện hoạt động ngân sách Nhà nước.

Luật Ngân sách nhà nước là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước và quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước.

Luật Ngân sách Nhà nước là hệ thống quy phạm cho cân đối Ngân sách Nhà nước tích cực, vững chắc, thông qua việc cân đối thu - chi Ngân sách Nhà nước, đóng vai trò điều chỉnh hoạt động thu, chi tiền tệ của quốc gia; giúp củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của công tác tài chính - Ngân sách Nhà nước, góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước cũng đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả, cũng như tính chủ động của công tác quản lý và điều hành Ngân sách Nhà nước; công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách, thực hiện công khai ngân sách được đẩy mạnh.

Luật Ngân sách Nhà nước điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội cụ thể:

Thứ nhất, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình lập, phê chuẩn, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước. Đây là nhóm quan hệ xã hội phát sinh giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc lập, phê chuẩn, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước đối với nhau hoặc giữa các cơ quan này đối với các đơn vị dự toán ngân sách nhà nước.

Thứ hai, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Nhóm quan hệ xã hội này phát sinh giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia vào hoạt động quản lý và điều hành ngân sách nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp).

Thứ ba, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập quỹ Ngân sách Nhà nước (quá trình thu nộp ngân sách). Những quan hệ xã hội này phát sinh giữa các chủ thể là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực thu nộp ngân sách (cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan, kho bạc nhà nước,…) với các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ hay có quyền đóng góp cho Ngân sách Nhà nước.

Thứ tư, nhóm các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sử dụng quỹ Ngân sách Nhà nước (quá trình chi tiêu ngân sách). Nhóm quan hệ xã hội này phát sinh giữa các chủ thể là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chấp hành dự toán chi Ngân sách Nhà nước hằng năm với các đơn vị dự toán Ngân sách Nhà nước có quyền được tiếp nhận và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm.

2. Một số hạn chế của Luật Ngân sách Nhà nước ở Việt Nam hiện nay

          Luật Ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017 trên cơ sở kế thừa có chọn lọc Luật Ngân sách 2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trở thành cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý ngân sách và các hoạt động khác có liên quan. Tuy nhiên, sau thời gian có hiệu lực thi hành, vì nhiều lý do, Luật Ngân sách 2015 bộc lộ những mẫu thuẫn, vướng mắc khi thực hiện.

Thứ nhất, về quy định mức hỗ trợ cụ thể về số thu bổ sung có mục tiêu hỗ trợ khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Tại điểm c, khoản 7, Điều 9 và điểm c, khoản 3, Điều 40, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành (điểm c, khoản 3, Điều 19, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP; điểm c, khoản 2, Điều 9, Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP), thì số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; khả năng của ngân sách cấp trên và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương cấp dưới; để hỗ trợ ngân sách cấp dưới trong các trường hợp: hỗ trợ chi khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp dưới, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính của địa phương theo quy định nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo đó, khi có tình huống xảy ra, ngân sách cấp dưới gặp khó khăn, khó cân đối và sử dụng quỹ dự phòng, thì ngân sách cấp trên sẽ bố trí bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới. Tuy nhiên, luật lại không quy định cụ thể mức bổ sung là bao nhiêu, một phần hay toàn bộ số phải chi còn lại, trong khi đó tất cả các khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới đều quy định cụ thể mức hỗ trợ. Sự không thống nhất này gây khó khăn cho các chủ thể khi thi hành chính sách.

Thứ hai, quy định về tăng thu từ nguồn thu phát sinh từ dự án mới đi vào hoạt động.

Về nguyên tắc quản lý Ngân sách Nhà nước, Ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi Quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và hỗ trợ các địa phương; ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao.

Trong trường hợp có số tăng thu, ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Số tăng thu được xác định theo các quy định của Luật. Nếu có số tăng thu lớn từ các dự án mới đi vào hoạt động như trong các lĩnh vực điện tử, luyện thép, lọc dầu, điện hạt nhân,… thì phải nộp về ngân sách cấp trên. Sau khi nộp về ngân sách cấp trên, ngân sách cấp trên sẽ bổ sung có mục tiêu lại một phần cho ngân sách cấp dưới[7].

Với mục tiêu cân đối Ngân sách Nhà nước, lấy từ địa phương có nguồn thu lớn hỗ trợ địa phương không có nguồn thu nhằm bảo đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội thì quy định trên là hoàn toàn phù hợp. Nhưng, quy định này lại mâu thuẫn với quy định về phân cấp ngân sách tại Điều 35, Điều 37 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Bởi vì, tất cả số tăng thu từ dự án mới đi vào hoạt động không phân biệt, đó là thu từ khoản thu nào thì phải nộp lại cho ngân sách cấp trên, trong khi Điều 35 (nguồn thu của Ngân sách Trung ương), Điều 37 (nguồn thu của ngân sách địa phương), Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định rất rõ khoản thu nào là nộp về ngân sách và cấp nào được hưởng.

Thứ ba, về thẩm quyền của hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Phân cấp cấp quản lý nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp Ngân sách Nhà nước được hiểu là việc phân định trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ và lợi ích giữa các cơ quan chính quyền nhà nước các cấp trong việc quyết định các bộ phận chủ yếu của ngân sách nhà nước gồm thu, chi, lập, chấp hành, kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước.

Điều 30 Luật Ngân sách xác định quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân: Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 còn có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật[8].

Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 quy định thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các sắc thuế”[9] thuộc về Quốc hội. Luật Phí, Lệ phí năm 2015 cũng quy định Quốc hội có thẩm quyền ban hành danh mục phí, lệ phí; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí[10]. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh không có thẩm quyền quy định các nguồn thu từ thuế; các khoản thu từ phí, lệ phí Hội đồng nhân dân chỉ được quy định và thu trong khung danh mục do Quốc hội ban hành và các khoản đóng góp từ nhân dân (tiền, ngoại tệ, các loại tài sản, hiện vật có giá trị kinh tế,...).

Sự mâu thuẫn này đã hạn chế tính chủ động của chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm các nguồn thu làm tăng sự phụ thuộc của ngân sách địa phương vào ngân sách trung ương.

Thứ tư, về xử lý các hành vi vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước.

Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành liệt kê các hành vi bị cấm trong lĩnh vực Ngân sách Nhà nước nhưng không có chế định xử lý các hành vi vi phạm này, mà chế tài xử phạt được xác định tại các văn bản pháp quy khác, đó là:

Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước quy định việc xử phạt hành vi chi ngân sách nhà nước sai tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước quy định được thực hiện theo quy định[11]; quy định xử phạt các cơ quan, tổ chức mà có hành vi vi phạm về mua sắm hoặc thuê tài sản nhà nước vượt tiêu chuẩn định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định[12]; quy định các biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi các khoản đã chi sai mục đích, chi sai quy định đối với hành vi bị phát hiện sau khi Kho bạc Nhà nước đã thực hiện thanh toán, chi trả[13].

Thông tư số 87/2019/TT-BTC ngày 19 tháng 12 năm 2019 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước dẫn chiếu tới Bộ luật Hình sự xử lý người người có hành vi chi ngân sách nhà nước sai mục đích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ[14] (theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Như vậy, mặc dù có chế tài xử phạt nhưng lại không thống nhất, tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, khiến cho việc giải quyết vi phạm rườm rà, mất thời gian và có thể sai sót, nhầm lẫn.

3. Một số kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước

Thứ nhất, Luật Ngân sách Nhà nước cần xác định rõ mức hỗ trợ cụ thể trong quy định về số thu bổ sung có mục tiêu hỗ trợ khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; quy định rõ số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; khả năng ngân sách cấp trên và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương cấp dưới, để hỗ trợ ngân sách cấp dưới khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Chỉ khi có quy định chính xác, cụ thể, mới tránh được tình trạng xin cho, ỷ lại vào ngân sách nhà nước cấp trên. Ngoài ra, bổ sung quy định này sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ số bổ sung có mục tiêu của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, loại bỏ khả năng lạm quyền của nhà chức trách khi quyết định phân bổ ngân sách. Điều này cũng tạo sự đồng bộ với các quy định khác về số bổ sung có mục tiêu, cần định rõ mức hỗ trợ là bao nhiêu sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng cả quỹ dự phòng, quỹ dự trữ tài chính.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về tăng thu từ nguồn thu phát sinh từ dự án mới đi vào hoạt động.

Các dự án mới trong các lĩnh vực: điện tử, lọc dầu,… đi vào hoạt động sẽ mang lại cho địa phương nguồn thu rất lớn, nhưng không phải địa phương nào cũng có được dự án, hay dự án có cũng không thường xuyên. Do đó, để địa phương quản lý tốt hơn các dự án, cũng như thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước về nội dung này hết sức cần thiết. Có thể cân nhắc sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng quy định riêng, độc lập về nội dung này; bổ sung thêm quy định loại trừ các nguồn thu phát sinh từ dự án mới đi vào hoạt động khỏi quy định về nguồn thu ngân sách trung ương, nguồn thu ngân sách địa phương, qua đó tạo sự thống nhất giữa các quy định liên quan.

Thứ ba, quy định rõ các thẩm quyền quyết định về ngân sách nhà nước.

Thẩm quyền quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, thẩm quyền ban hành chính sách thu ngân sách nhà nước, thẩm quyền ban hành chính sách chi ngân sách cần được quy định rõ thuộc về cơ quan nào; đặc biệt bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo hướng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định và thu các nguồn thu khác, phù hợp với tình hình của địa phương (trừ thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ), từ đó tạo điều kiện và cơ chế để chính quyền địa phương có sự tự chủ nhất định trong các quyết định phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực theo các thứ tự ưu tiên của địa phương.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, cần bổ sung quy định cho phép chính quyền địa phương được điều hành trong tổng mức vay và bội chi của ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định, nhưng có thể điều chỉnh các địa phương với nhau; đổi mới khâu lập dự toán ngân sách nhà nước, mở rộng thẩm quyền của chính quyền địa phương. Cân nhắc có hay không thực hiện thảo luận dự toán thu ngân sách nhà nước giữa cơ quan tài chính và ủy ban nhân dân cấp dưới như hiện nay.

Thứ tư, bổ sung, hệ thống hóa các quy định xử phạt vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, mặc dù đã có một số văn bản như: Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019,… quy định về hình thức, mức độ xử lý người có hành vi vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các quy định lại tản mạn và chưa bao quát hết các dạng hành vi vi phạm được đề cập tại Điều 18 của Luật Ngân sách Nhà nước. Để bảo đảm tính logic, hệ thống của pháp luật, đảm bảo hiệu quả xử lý vi phạm cần hệ thống hóa các quy định xử phạt và có sự hướng dẫn cụ thể, đầy đủ; có thể cân nhắc bổ sung 1 chương về xử lý các hành vi vi phạm, trong đó quy định cụ thể về hình thức xử lý, khung xử phạt; Chính phủ cần ban hành các Nghị định quy định cụ thể về vấn đề này; chỉ trong trường hợp cần thiết mới dẫn chiếu tới các văn bản pháp quy khác.

Luật Ngân sách Nhà nước khi được sửa đổi, bổ sung sẽ hạn chế được những lỗ hổng, từ đó phát huy tốt hơn vai trò của mình, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước; cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Aman Khan W.Bartley Hildreth (2012), Case studies in Public Budgeting and Financial Management, Marcel Dekker, Inc., New York.

2Bogoev, Ksente (1991), The dangers of decentralization: Experience of Yugoslavia, Foundation Journal Public Finance, 1991, p. 99-112.

3Jay-Hyung Kim, The quality of Public expenditure: Challenges and solutions of result focused management system in The Korean public sector, https://www.oecd.org/gov/budgeting/2497102.pdf..

4Hoàng Phê (chủ biên) (2013), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr867.

6Quốc hội (2015), Luật ngân sách Nhà nước, K14 Đ4.

7Dương Đăng Chinh (2010), Giáo trình lý thuyết tài chính, Nhà xuất bản Tài chính, tr72.

8Quốc hội (2015), Luật Ngân sách Nhà nước, Đ30.

9Quốc hội (2013), Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, K4Đ70.

10 Quốc hội (2015), Luật Phí, Lệ phí, Đ4, Đ10, Đ17, Đ18, Đ19, Đ21.

11 Chính phủ (2019), Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, Đ54.

12 Chính phủ (2019), Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, Đ5, Đ6.

13 Chính phủ (2019), Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, K3 Đ54.

14 Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 87/2019/TT-BTC ngày 19 tháng 12 năm 2019 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước, K1 Đ3.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aman Khan, W.Bartley Hildreth. (2012). Case studies in Public Budgeting and Financial Management, Marcel Dekker, Inc., New York.
  2. Bogoev, Ksente. (1991). The dangers of decentralization: experience of Yugoslavia. Foundation Journal Public Finance, 99-112.
  3. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 87/2019/TT–BTC ngày 19 tháng 12 năm 2019 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
  4. Dương Đăng Chinh (2010), Giáo trình lý thuyết tài chính, Nhà xuất bản Tài chính.
  5. Chính phủ (2019), Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
  6. Hoàng Phê (chủ biên) (2013), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
  7. Jay-Hyung Kim (2003), The quality of Public expenditure: Challenges and solutions of result focused management system in The Korean public sector, https://www.oecd.org/gov/budgeting/2497102.pdf.
  8. Quốc hội (2013), Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  9. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách Nhà nước.
  10. Quốc hội (2015), Luật Phí, Lệ phí, Đ4, Đ10, Đ17, Đ18, Đ19, Đ21.

 

THE CURRENT SITUATION OF THE LAW ON STATE BUDGET

IN VIETNAM

Ph.D DO THU HIEN

Faculty of State and Law,

Academy of Journalism and Communication

ABSTRACT:

The Law on State Budget was passed by the National Assembly of Vietnam on June 25, 2015 and it took effect on January 1, 2017. The law’s enforcement has achieved many important results, consolidating and enhancing the position and role of the state budget and finance work, contributing to ensuring the national defense, security, foreign affairs, and economic development, and timely handling of urgent arising issues. However, the law still has certain shortcomings that need to be amended and supplemented to improve its effectiveness and efficiency, and to further improve the country’s system of financial mechanism and policies.

Keywords: state budget, central budget, local budget, budget revenue sources, expenditure task.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]