Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi đối với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam

ThS. ĐẶNG HOÀNG ANH (Trường Đại học Thương mại)

Tóm tắt:
Kết cấu hạ tầng thương mại miền núi (KCHT TMMN) có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam. Những năm gần đây, KCHT TMMN đã có sự phát triển và đạt được những thành công nhất định, nhưng cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển KCHT TMMN đối với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam thời gian qua từ các nguồn thông tin, dữ liệu thứ cấp, bài viết chỉ ra một số nguyên nhân hạn chế, từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển KCHT TMMN trong thời gian tới.
Từ khóa: Kết cấu hạ tầng thương mại miền núi, các tỉnh phía Bắc, Việt Nam.

1. Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi
Trong nghiên cứu này, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi đối với các tỉnh phía Bắc tác giả tập trung vào nghiên cứu đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của địa phương để phát triển hệ thống KCHT TMMN của các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.
Kết cấu hạ tầng thương mại miền núi bao gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm, hệ thống kho thương mại… trên địa bàn các tỉnh miền núi. Kết cấu hạ tầng thương mại là yếu tố quan trọng có ý nghĩa nền tảng đối với sự phát triển thương mại miền núi; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, để giúp các doanh nghiệp kinh doanh thương mại nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện giao lưu hàng hóa, mở rộng phát triển thị trường trong nước và nước ngoài.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đối với khu vực nông thôn, niền núi, biên giới và hải đảo. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong những nội dung quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, miền núi; nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực này.
Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi hiện nay được chia thành hai nhóm là chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và chính sách hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương). Hiện mới chỉ có loại hình chợ được hưởng chính sách này, còn các loại hình thương mại khác (siêu thị, trung tâm thương mại, kho, trung tâm logistics…) phát triển chủ yếu huy động từ các nguồn lực của xã hội.
Đối với kết cấu hạ tầng thương mại các tỉnh miền núi phía Bắc, từ phía Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh miền núi phía Bắc đã xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lới chợ giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý để phát triển và quản lý chợ trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc; khuyến khích các tổ chức cá nhân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn xây dựng chợ; nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Nhà nước quy định ngân sách tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo; hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ biên giới và chợ dân sinh xã thuộc các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; dự án đầu tư chợ của các thành phần kinh tế thì được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý để khuyến khích các tổ chức, các nhân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn xây dựng chợ.
Bên cạnh các loại hình thương mại khác, chợ được xem là bộ phận cấu thành quan trọng của mạng lưới thương mại xã hội ở mỗi vùng, địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi. Mặc dù hơn 60% cụm xã đã có chợ, song nhìn chung ở các tỉnh miền núi, mạng lưới chợ còn rất thưa thớt, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nghèo nàn. ( Bảng 1). Từ Bảng 1, ta có thể nhận thấy tổng số chợ vùng Tây Bắc là ít nhất (543 chợ). Qua đó, Nhà nước đã có chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ hạng 1, khu triển lãm giới thiệu sản phẩm tại vùng nông thôn; siêu thị, trung tâm thương mại, kho, trung tâm logictis được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.
Ngoài ra, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhằm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông nghiệp, nông thôn trong đó có cả miền núi như: Chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình hỗ trợ các huyện nghèo; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình phát triển điện lưới quốc gia; chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; hỗ trợ đầu tư khu vực kinh tế cửa khẩu… các chương trình, dự án này tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội như hệ thống đường giao thông, nước sinh hoạt, hệ thống điện, thông tin liên lạc. Cơ sở hạ tầng này phục vụ cho nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, trong đó có tác động trực tiếp đến phát triển thương mại của khu vực miền núi nên được gọi là cơ sở hạ tầng chung.
Về phía địa phương, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có chính sách từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng kết hợp giữa phát triển thương mại tại khu vực đô thị với phát triển thị trường nông thôn, miền núi, phát triển các chợ đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố, trung tâm tỉnh, huyện có kinh tế phát triển trong khu vực miền núi…, quy hoạch và nâng cấp chợ nông thôn.
Các tỉnh miền núi phía Bắc đã xây dựng và banh hành các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn các tỉnh miền núi. Mặt khác, từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng phát triển thương mại tại khu đô thị với phát triển thị trường nông thôn, phát triển các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị… cụ thể: Tập trung xây dựng chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các vùng sẩn xuất hàng hóa tập trung; nâng cấp, mở rộng, cải tạo xây mới chợ hạng I hoặc chợ hạng II tại thành phố, trung tâm huyện; cải tạo, nâng cấp xây mới chợ dân sinh có quy mô hạng III ở địa bàn xã; xậy dựng hội trợ triển lãm và trung tâm thông tin xúc tiến thương mại thống nhất với quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng kho hàng, kho trung chuyển, phát triển hệ thống kho dự trữ hàng hóa tại một số khu, cụm công nghiệp, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu và bảo quản hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền núi. Từ Bảng 2, nhận thấy hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị các tỉnh miền núi phía Bắc tuy đã phát triển nhưng số lượng còn ít, quy mô còn nhỏ, tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
2. Đánh giá thực trạng chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi đối với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam
2.1. Một số kết quả đạt được
Thứ nhất, kết cấu hạ tầng thương mại có bước phát triển hơn trước, từng bước tiếp cận theo hướng văn minh, hiện đại: Các hình thức kinh doanh tiên tiến như trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tự phục vụ, hội chợ - triển lãm thương mại, trung tâm giao dịch hàng hóa…, đang từng bước được hình thành và phát triển ở một số thành phố, trung tâm một số tỉnh.
Thứ hai, tăng cường bố trí vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại, chủ yếu là nâng cấp các chợ ở thành phố, thị trấn nhằm tạo điều kiện cho giao lưu thương mại và mua bán, trao đổi hàng hóa của dân cư. Việc đầu tư cải tạo mạng lưới chợ cũng đã tạo thị trường phục vụ cho nhu cầu lưu thông hàng hóa của dân cư, tạo tiền đề thúc đẩy hàng hóa phát triển; đó là nơi mua bán nông sản, bán buôn vật tư và hàng tiêu dùng, góp phần mở rộng các quan hệ trao đổi, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương.
2.2. Một số hạn chế
Thứ nhất, vốn chủ yếu tập trung bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt, điện… mà chưa chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại. Hệ thống hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thương mại của các tỉnh Tây Bắc.
Thứ hai, chưa có chính sách đồng bộ khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế theo hướng công tư kết hợp để đầu tư hoặc góp vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chuyên dùng cho hoạt động thương mại, nhất là đối với khu vực vùng cao, biên giới.
Thứ ba, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là mạng lưới chợ, tuy có bước phát triển nhưng số lượng, chất lượng chợ hầu như chưa đạt tiêu chí về “Chợ” trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, cơ sở vật chất kỹ thuật của đa số chợ vẫn nghèo nàn, sơ sài và còn đang trong quá trình củng cố, nâng cấp từng bước, một số chợ hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động; siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi mới chỉ phát triển ở khu vực thành thị và đa số siêu thị không đạt tiêu chuẩn xếp hạng; hệ thống kho bãi giao nhận vận tải và các dịch vụ logistic hầu như chưa có hoặc có quy mô nhỏ.
2.3. Nguyên nhân của một số hạn chế
Thứ nhất, hoạt động thương mại trên địa bàn các tỉnh miền núi trong những năm gần đây còn thiếu các quy định pháp luật của Nhà nước. Nhà nước chưa có nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển thương mại nội địa, trong khi ngành Nông nghiệp có chính sách khuyến nông; ngành Công nghiệp có chính sách khuyến công nhưng thương mại không có chính sách khuyến thương. Ngân sách nhà nước đầu tư cho xúc tiến thương mại hạn hẹp. Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về đầu tư phát triển chợ, trong đó có một số chính sách khuyến khích phát triển chợ nhưng kết quả đạt được còn thấp, chủ yếu do thiếu nguồn lực đầu tư. Nguồn vốn đầu tư cho thương mại nội địa còn rất hạn chế; một số chính sách ưu tiên cho phát triển thương mại miền núi theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc chậm được triển khai. Các tỉnh miền núi chưa xây dựng được Chiến lược phát triển thương mại thời kỳ trước đây và hiện nay; chưa xây dựng được Quy hoạch phát triển thương mại; Quy hoạch mạng lưới TTTM, siêu thị, cửa hàng kinh doanh…
Thứ hai, miền núi là khu vực có địa hình trắc trở, núi non hiểm trở, bị phân tán, khó khăn về giao thông vận tải trong vùng cũng như khó khăn trong kết nối với các trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại của cả nước, chi phí lưu thông cao. Miền núi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư phân tán (trừ khu vực thành thị), thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, dẫn đến sức mua thấp và đây cũng là nơi có kết cấu hạ tầng thương mại vừa thiếu, vừa yếu kém, từ đó ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, dự trữ, phân phối hàng hóa của khu vực miền núi. Các tỉnh Tây Bắc chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng và phát huy triệt để các lợi thế của khu vực miền núi; hoạt động thương mại còn thiếu nhiều phương thức kinh doanh hiện đại. Có tiềm năng về du lịch nhưng lĩnh vực du lịch chưa phát triển bền vững, chưa hỗ trợ đắc lực cho thương mại. Có tiềm năng phát triển ngành Công nghiệp chế biến (khoáng sản, nông lâm sản) nhưng trình độ chế biến sâu hiện ở mức thấp.
Thứ ba, kinh phí thực hiện hoạch định và tổ chức thực thi chính sách phát triển thương mại miền núi còn ít và chưa hiệu quả. Chưa huy động được kinh phí từ các tổ chức xã hội, tư nhân, các đối tượng hưởng lợi từ chính sách, tài trợ từ tổ chức nước ngoài. Nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu tập trung bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt, điện… mà chưa chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại. Hệ thống hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thương mại miền núi. Kinh phí đầu tư cho hệ thống kho bãi giao nhận vận tải và các dịch vụ logistic hầu như chưa có hoặc có quy mô nhỏ.
3. Định hướng và một số giải pháp nhằm phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi đối với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam
3.1. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi đối với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam
Đối với hệ thống hạ tầng bán buôn: Hình thành các chợ đầu mối phục vụ lưu thông bán buôn hàng nông sản; các chợ/trung tâm bán buôn hàng tiêu dùng nhập khẩu phục vụ bán buôn hàng tiêu dùng nhập khẩu.
Đối với hệ thống hạ tầng bán lẻ: Tại địa bàn đô thị định hướng các loại hình bán lẻ hiện đại, văn minh như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh…; đối với địa bàn miền núi định hướng phát triển các loại hình chợ truyền thống là chủ yếu; tại các khu du lịch phát triển các loại hình hạ tầng thương mại đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch gắn với các điểm, tuyến, khu du lịch đã được quy hoạch; đối với hệ thống hạ tầng xuất nhập khẩu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về quy hoạch không gian, hình thành các phân khu chức năng, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh… để xây dựng một khu vực thuận lợi phát triển nhanh các hoạt động thương mại dịch vụ, tài chính, viễn thông, kho bãi…
Căn cứ vào đặc điểm thị trường của khu vực miền núi và gắn với không gian kinh tế, các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại miền núi được phân bố, phát triển với các quy mô, tính chất và trình độ khác nhau theo các định hướng chủ yếu sau đây:
a) Các loại hình chợ truyền thống và các loại hình thương mại bán buôn nông sản hiện đại:
- Chợ miền núi;
- Chợ thành thị;
- Chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu;
- Chợ đầu mối tổng hợp hoặc chợ chuyên doanh phát luồng bán buôn;
- Sàn giao dịch, trung tâm đấu giá;
b) Các loại hình thương mại hiện đại:
- Trung tâm thương mại, siêu thị;
- Khu mua sắm, khu thương mại
- Dịch vụ tập trung;
- Trung tâm logistics, tổng kho bán buôn;
- Siêu thị ảo, chợ ảo, nhà mua bán trung gian trên mạng Internet.
3.2. Một số giải pháp nhằm phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi đối với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam
Kết cấu hạ tầng thương mại miền núi là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển thương mại miền núi; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, mở rộng phát triển thị trường trong nước và ngoài nước. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
- Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi; ưu tiên bố trí quỹ đất đầu tư cho kết cấu hạ tầng thương mại nhằm đảm bảo nhu cầu hiện tại, phù hợp với sự gia tăng của các dự án đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động của các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại trong tương lai; có chính sách đồng bộ trong việc giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn miền núi.
- Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kế cấu hạ tầng thương mại của khu vực miền núi.
- Thứ ba, khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia cùng các doanh nghiệp đầu tư hoặc đảm bảo tín dụng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
- Thứ tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại được tiếp cận các nguồn tài chính một cách bình đẳng, nhanh chóng, đảm bảo nguồn vốn để triển khai các dự án đầu tư đã được cấp phép như những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác.
- Thứ năm, xây dựng các doanh mục kết cấu hạ tầng thương mại trong khu vực miền núi được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư như ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các chính sách ưu tiên đối với các nhà đầu tư: Cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về các loại quy hoạch có liên quan trong quá trình lập dự án; cải cách thủ tục hành chính; cho phép nhà đầu tư được huy động vốn của doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh để triển khai dự án…
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2009), Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ.
2. Chính phủ (2015), Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020.
3. Nguyễn Hữu Hải (2013), “Giáo trình hoạch định và phân tích chính sách công”, Học viện Hành chính Quốc gia.
4. Tô Đức Hạnh, Phạm Văn Linh (2000), “Phát triển kinh tế hàng hóa trong nông thôn các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Nguyễn Văn Long (2009), “Hoàn thiện chính sách thương mại biên giới của Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Công Thương.
6. Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013), “Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020”.
7. Lê Danh Vĩnh (2012), “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020”, NXB Công Thương.
8. Một số trang thông tin điện tử: http://www.chinhphu.vn/;http://www.moit.gov.vn/; http://www.ciem.org.vn/; http://www.viennghiencuuthuongmai.com.vn/

STATUS OF DEVELOPMENT OF COMMERCIAL INFRASTRUCTURE IN MOUNTAINOUS AREAS
IN NORTHERN PROVINCES OF VIETNAM
MA. DANG HOANG ANH
Thuongmai University

ABSTRACT:
The mountainous commercial infrastructure plays an important role in the socio-economic development planning of the northern midland and mountainous regions of Vietnam. In recent years, commercial infrastructure has achieved certain successes, but there are still many shortcomings. Based on the research on the status of development of the mountainous commercial infrastructure in the Northern provinces of Vietnam, sources of information and secondary data, the article points out the causes of limitations, thus suggesting orientations and solutions in the future.
Keywords: Commercial infrastructure in mountainous areas, Northern provinces, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây