Tóm tắt:
Khởi nghiệp tạo ra một làn sóng mới và trở thành nền tảng quan trọng đối với phát triển kinh tế. Các nỗ lực trong triển khai hỗ trợ khởi nghiệp đã dần đạt được các thành tựu đáng ghi nhận. Dù vậy, vẫn tồn tại một số hạn chế làm cho nguồn lực hỗ trợ bị lãng phí. Dựa trên tổng hợp các tài liệu, nguồn thông tin từ các bộ, ngành, nghiên cứu phân tích thực trạng các hoạt động hỗ trợ đã và đang triển khai. Căn cứ vào kết quả đánh giá, tại bài nghiên cứu này, các giải pháp đã được đề xuất nhằm giúp Nhà nước, doanh nghiệp khởi nghiệp cùng các cơ sở liên quan phát huy tối đa hiệu quả của chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.
Từ khóa: doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hạn chế, giải pháp.
1. Đặt vấn đề
Khởi nghiệp trở thành một trong những yếu tố giúp đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đã và đang tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế với những hướng đi mới, những cách làm sáng tạo. Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến hết năm 2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5,7% so với cùng thời điểm năm 2020, tăng 16,7% so với bình quân giai đoạn 2017 - 2020 (Tổng cục Thống kê, 2022).
Nhận thức được tầm quan trọng của khởi nghiệp, Việt Nam đã áp dụng các chính sách khởi nghiệp và tiến hành hỗ trợ thể chế tương ứng để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả của việc triển khai các chính sách, cấp thiết cần có những giải pháp khắc phục hạn chế của các chương trình, đề án thúc đẩy khởi nghiệp đang triển khai. Đây là cơ sở để phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam hiệu quả, phù hợp hơn.
2. Tình hình triển khai các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp ở Việt Nam
2.1. Xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được ký ngày 18/5/2016 đã quy định chi tiết về đối tượng hỗ trợ là các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp và các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp các dịch vụ, cơ sở vật chất,… hoàn thiện thể chế, xây dựng đầy đủ các chính sách bổ trợ cho khởi nghiệp. Tiếp đến, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời ngày 12/6/2017 do Quốc hội ban hành và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018. Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Cùng với đó, Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Một số đề án khác cũng tạo tiếng vang như Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hay Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày 18 tháng 02 năm 2020; phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030, đồng hành cùng các hoạt động Ngày hội học sinh sinh viên khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo,…
2.2. Hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã phối hợp cùng các Bộ, Ban, ngành thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng có ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt là tầng lớp thanh niên bao gồm đoàn viên thanh niên, sinh viên đại học và sau khi ra trường,… nhận biết về vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tự tạo việc làm; các chương trình giáo dục khởi nghiệp của địa phương, quốc gia và thế giới; các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước; các vườn ươm, không gian khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài thông qua các hoạt động giáo dục; các video clip, hình ảnh, ấn phẩm; qua tài liệu và các phương tiện truyền thông. Trong báo cáo tổng kết Techfest 2021, mạng lưới nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã có hơn 400 thành viên, tiếp cận được hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia và các đối tượng quan tâm về khởi nghiệp từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ trong nước và nước ngoài. Đồng thời, mạng lưới liên kết truyền thông với hơn 60 đơn vị đã đồng hành, cam kết và kiến tạo nhiều kênh thông tin từ các phương tiện thông tin truyền thông chính thống tới mạng xã hội, từ địa phương tới trung ương và gắn kết chặt chẽ với các kênh quốc tế nhằm hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp cũng như từng bước hình thành tinh thần, triết lý và văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, văn hóa dấn thân và văn hóa chấp nhận rủi ro.
Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục cũng tiếp cận và đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy, như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa, Học viện Bưu chính Viễn thông,… (Biểu đồ 1)
Biểu đồ 1: Phân loại tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam theo hình thức sở hữu
Nguồn: Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở năm 2022
2.3. Xây dựng và liên kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm nhiều khía cạnh. Đầu tiên, Cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang có những cơ chế, chính sách và hoạt động hỗ trợ rất thiết thực để hỗ trợ và phát triển hoạt động khởi nghiệp từ khuôn khổ pháp lý, như: Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Đầu tư,… và các chương trình, đề án cấp Quốc gia như Đề án 844, Đề án 1665 với hướng tiếp cận tổng thể theo hệ sinh thái. Tiếp theo, doanh nghiệp khởi nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái. Về bản chất, các doanh nghiệp khởi nghiệp khi thành lập đã hội tụ đủ 3 yếu tố tri thức, văn hóa và công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn hạn chế trong năng lực cạnh tranh để duy trì thị trường và khách hàng.
Trường đại học, viện nghiên cứu là những đơn vị tiên phong trong triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học, đào tạo và triển khai thương mại. Tính đến nay, Việt Nam đã có 43 vườn ươm được thành lập bởi các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện và cao đẳng và có hơn 40 cơ sở giáo dục - đào tạo đã hình thành mô hình câu lạc bộ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Tỷ lệ các trường có môn học về khởi nghiệp chiếm khoảng 7-8%. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của các tổ chức trung gian tư vấn, cố vấn, đầu tư, gọi vốn, hỗ trợ về thị trường, mô hình kinh doanh. Hiện nay, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở địa phương chiếm 35% trong tổng số 197 tổ chức hỗ trợ đang hoạt động ở Việt Nam. Đồng thời, tổ chức tư nhân chiếm 56,9%, trong khi tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo công lập chỉ có 85 tổ chức với 43,1%. Điều này đã cho thấy các tổ chức tư nhân đóng vai trò quan trọng đối với thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam (Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng, 2022).
2.4. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam
Tính đến hết năm 2021 cả nước có 116.839 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,4% về số doanh nghiệp so với năm 2020, giảm 8,9% so với bình quân năm giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân do từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của toàn thế giới, dẫn tới phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. (Biểu đồ 2)
Biểu đồ 2: Doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2021
Nguồn: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, 2022
Về phương diện vốn, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất - kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2021 đạt 48,7 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng thời điểm năm 2020. Trong đó, “nhà đầu tư thiên thần” sẽ hỗ trợ vốn cho các DN khởi nghiệp với các khoản vốn từ trên 500 triệu đồng đến dưới 3 tỷ đồng. Chủ yếu các DN vẫn đang ở bước gọi vốn vòng A, đây là bước có mô hình kinh doanh để phát triển ra thị trường. Như vậy, các DN được khảo sát đều có tiềm năng trong việc định hình ý tưởng, kinh doanh và mở rộng thị trường.
Về phương diện đào tạo, phát triển nhân lực. Trong giai đoạn năm 2019 - 2021, Việt Nam tổ chức được 3.426 phóng sự để tuyên truyền hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tổ chức 1.257 lớp đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, đạt 112.815 lượt người tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Chính phủ đã hỗ trợ tổ chức 244 khóa đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp sáng tạo. Những chương trình đào tạo, tập huấn cụ thể như: Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn “Khởi nghiệp thông minh” cho phụ nữ; Trung tâm Đào tạo TSC - Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và công nghệ tập huấn kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, thanh niên, phụ nữ. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các tỉnh; Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp giữa các trường đại học). Cùng với đó, tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn với tổng số 1.245 lượt nhằm nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo cho các tổ chức cá nhân.
2.5. Hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã luôn chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Một số văn bản luật có giá trị pháp lý cao trong lĩnh vực này đã lần lượt được ban hành, từ Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, Nghị định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đến Luật Thanh tra năm 2004 và mới đây nhất là Luật Thanh tra năm 2010, cùng hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật (Nguyễn Thị Hoài Phương, 2019). Theo đó, số lượng các vụ việc vi phạm được phát hiện ngày càng nhiều, từ đó giảm tình trạng tiêu cực trong hoạt động sử dụng tài nguyên khởi nghiệp. Cụ thể kết quả năm 2021, cả nước đã triển khai thực hiện gần 400 cuộc thanh tra đối với gần 3.000 tổ chức/cá nhân, theo đó phát hiện gần 900 trường hợp vi phạm.
3. Các hạn chế tồn tại trong hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia
Từ các thực trạng trêncho thấy các ưu điểm, những nỗ lực mà Nhà nước đã thực hiện nhằm thúc đẩy khởi nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách Nhà nước triển khai, cũng như bản thân doanh nghiệp cũng đang gặp phải một số hạn chế. Cụ thể như sau:
Một là, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp còn thiếu sót, chưa toàn diện.
Các chính sách còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực. Còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp. Thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp vẫn còn thiếu sót.
Hai là, mức độ tiếp cận vốn đầu tư còn thấp.
Các khoản vốn trên 3 tỷ đồng mới được ít nhà đầu tư hỗ trợ, rất ít các “nhà đầu tư thiên thần” thực hiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn e ngại và thận trọng trong việc hỗ trợ nguồn vốn. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ vốn hoặc hỗ trợ vay còn phức tạp, chồng chéo.
Ba là, hoạt động đào tạo, tập huấn còn mang tính hình thức, không thực tiễn.
Các hoạt động đào tạo chưa được tổ chức thường xuyên và các kiến thức đào tạo thiếu tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, việc các chính sách hỗ trợ đào tạo bao quát các kiến thức về kinh doanh, tài chính, bán hàng, marketing và quản lý nhân sự vẫn chưa phổ biến rộng rãi.
Bốn là, hoạt động thanh tra, hỗ trợ khởi nghiệp chưa có cơ sở pháp lý vững chắc.
Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng về hoạt động kiểm tra đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặt khác, một doanh nghiệp đang phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thanh tra Nhà nước và đồng thời của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; Chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về một số lĩnh vực đặc thù như lĩnh vực thuế, hay khái niệm “kiểm tra không quá 01 lần/năm”, nên gây ra nhầm lẫn, khó thực hiện trong thực tế.
4. Một số giải pháp hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp
Thứ nhất, đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước.
Thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách trên từng ngành, lĩnh vực cụ thể, nhất là những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước khuyến khích phát triển và xuất khẩu để tạo ra thế chủ động và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Rà soát, kiện toàn bộ máy pháp lý đủ năng lực, tạo uy tín cho chính quyền địa phương bằng việc nâng cao năng lực thực thi pháp lý, quản lý dân chủ, có khả năng hợp tác, hỗ trợ các DN, nhà đầu tư trong điều kiện mới.
Đơn giản hóa các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường và các hoạt động của DN. Tạo điều kiện tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các DN đặc biệt là tại các địa phương, thông qua việc hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung.
Thứ hai, thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn đầu tư của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tăng cường tầm ảnh hưởng và hiệu quả hoạt động của quỹ phát triển DN và quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm. Đổi mới, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, thực hiện triển khai lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Thứ ba, cải thiện hiệu quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp.
Khuyến khích huy động các nguồn tài chính bổ sung vào nguồn quỹ đào tạo tài năng, đào tạo các nhà quản lý, cho các nghiên cứu phát triển DN. Hoàn thiện các quy định pháp lý, các chính sách cho các DN, hình thành quỹ phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực và đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ DN. Trong đó, Nhà nước cần hỗ trợ về kinh phí đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các DN.
Với vai trò đại diện cho các DN, các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần đứng ra tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các hội viên, hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu truyền đạt kinh nghiệm giữa các hội viên với nhau. Tổ chức thăm quan, khảo sát thực tế theo chương trình các khóa học, quan tâm đến chất lượng, nội dung, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tế của các DN, như: kỹ năng bán hàng, phong cách lãnh đạo, tin học ứng dụng, xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, lập dự án vay vốn, tư vấn hành lang pháp lý và kiểm soát nội bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, kỹ thuật trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, giải pháp hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm soát hoạt động khởi nghiệp.
Nhà nước cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn đối với Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tránh cách hiểu tùy tiện về “kiểm tra không quá 01 lần/năm” như hiện nay; Đẩy mạnh hoạt động thanh tra liên ngành; Xây dựng cơ chế để các cơ quan phải công nhận kết quả thanh tra, kiểm tra của nhau; Thực hiện được điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho đoàn kiểm tra, đồng thời hạn chế các áp lực thanh tra của doanh nghiệp.
Nâng cao nghiệp vụ và đạo đức công vụ của cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; Xử lý nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng lợi dụng hoạt động thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp như hiện nay.
Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Để áp dụng nguyên tắc này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chia thành các cấp độ rủi ro khác nhau, để từ đó có các cách “đối xử” khác nhau đối với các doanh nghiệp sau khi đã được phân loại. Ví dụ trong lĩnh vực kiểm dịch, nên phân thành 3 loại tương ứng 3 mức độ nguy cơ, gồm: nguy cơ cao sẽ kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu kiểm tra từng lô hàng; nguy cơ trung bình sẽ kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên và theo tần suất; nguy cơ thấp chỉ kiểm tra hồ sơ. Căn cứ vào mức độ rủi ro để áp dụng phương thức, phạm vi, mức độ, địa điểm kiểm dịch khác nhau. Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro này sẽ tạo động lực kích thích cho doanh nghiệp và tăng hiệu quả quản lý nhà nước, vì khi đó, sẽ chỉ có khoảng 5 - 10% doanh nghiệp cũng như nhóm hàng cần tiến hành kiểm tra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2021), Tham khảo về hỗ trợ khởi nghiệp dành cho cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp các trường đại học.
- Bộ Khoa học và Công nghệ, (2021). Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Không chỉ là từ khóa trên các diễn đàn và truyền thông. Truy cập tại: http://vjst.vn/vn/_layouts/15/ICT.Webparts.TCKHCN/mt_poup/Intrangweb.aspx?IdNews=4698
- Nguyễn Thị Hoài Phương, (2019). Công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạp chí Công Thương. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-doi-voi-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-khoi-nghiep-64925.htm
- Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng, (2022). Tăng cường vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Truy cập tại: https://dost.danang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc?dinhdanh=6818757&cat=4801
- Tổng cục Thống kê, (2022). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam (2022). Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2022/11/Sach-trang-DN-2022.pdf
- Tổng cục Thống kê, (2022). Thông cáo Báo chí Kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2021. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/07/thong-cao-bao-chi-ket-qua-chinh-thuc-tong-dieu-tra-kinh-te-nam-2021/
CURRENT STARTUP SUPPORT POLICIES AND SOLUTIONS TO FACILITATE THE GROWTH OF STARTUPS IN VIETNAM
Master. Pham Thi Quynh Nga
University of Finance - Marketing
Abstract:
Entrepreneurship creates a new wave of businesses and it becomes an essential foundation for economic development. Efforts in providing supports to startups have gradually achieved remarkable achievements. However, there are still some limitations that hinder these supports. By reviewing documents and information sources from ministries and branches, and analyzing current supports for startups, this paper proposes some solutions to help the government, startups and related parties maximize the effectiveness of startup support policies.
Keywords: startups, support, limitations, solutions.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]