TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam. UNCTAD (2012) đưa ra 6 nội dung cơ bản liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cần ưu tiên đầu tư, bao gồm: (i) xây dựng  chiến  lược khởi nghiệp quốc gia; (ii) tối ưu hóa môi trường pháp lý; (iii) tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng; (iv) tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ; (v) hỗ trợ tiếp cận tài chính; và (vi) nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ. Kết quả khảo sát 198 doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2015 - 2016 trên địa bàn Hà Nội chỉ ra rằng tuy các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp rất được Nhà nước quan tâm, nhưng vẫn còn những lỗ hổng, hạn chế, khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đủ điều kiện phát huy hết tiềm năng của mình. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp cải thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Khởi nghiệp, doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ, Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp.

1. Mở đầu

Hiện nay, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã và đang đưa ra các chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia khởi nghiệp thông qua các chính sách thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, trợ giúp khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏvà các đề án hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp với nhiều ưu đãi… Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015/2016 (GEM 2015/2016) của Hiệp hội Các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA) công bố vào tháng 2/2016, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Cụ thể, có 8/12 chỉ số được các chuyên gia đánh giá dưới mức trung bình. Khởi nghiệp tại Việt Nam còn gặp khá nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhận thức về vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đúng; công tác thể chế hóa còn nhiều bất cập; hệ thống thị trường hàng hóa; dịch vụ và các yếu tố đầu vào sản xuất chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa được chú trọng; chưa có cơ chế quản lý, điều hành từ các hiệp hội, ngành hàng… (Hoàng Thị Tư, 2016).

2. Cơ sở lý luận

* Khởi nghiệp và Công ước khung pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp UNCTAD

Nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, UNCTAD (2012) đã xây dựng một khung Công ước về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho một quốc gia trong quá trình xây dựng và hoàn thiện môi trường khởi nghiệp, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp mới phát triển.

Mục tiêu bao trùm của Công ước khung chính sách hỗ trợ khởi nghiệp là đóng góp cho sự phát triển toàn diện và bền vững của các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi. Phát triển bền vững bao gồm xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và phát triển bền vững môi trường. Về vấn đề này, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp có thể là một chất xúc tác để đạt được những mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.

* Các yếu tố chính của bộ khung chính sách hỗ trợ khởi nghiệp UNCTAD

Khung chính sách hỗ trợ khởi nghiệp UNCTAD đề xuất sáu nội dung cơ bản liên quan đến khởi nghiệp cần ưu tiên đầu tư. Đây là những nội dung được xác định có tác động trực tiếp đến hoạt động khởi nghiệpcủa một quốc gia. Cụ thể gồm:

(1) Xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia: Chiến lược khởi nghiệp quốc gia là một chương trình được lên kế hoạch thực hiện trong chuỗi giá trị giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Tùy vào thế mạnh riêng, mỗi quốc gia và địa phương chọn cho mình những lĩnh vực ưu tiên phù hợp, sau đó Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt độnghiệu quả (Xuân Lan, 2016).

(2) Tối ưu hóa môi trường pháp lý: Môi trường pháp lý cần hướng đến nâng cao tinh thần khởi nghiệp của các cá nhân trong xã hội nhằm thực hiện những ý tưởng kinh doanh mới trên cơ sở chấp nhận rủi ro có thể tính toán được. UNCTAD đưa ra các giải pháp tối ưu hóa môi trường pháp lý về khởi nghiệp của một quốc gia, cụ thể: (i) Rà soát các yêu cầu pháp lý khởi nghiệp; (ii) Giảm thiểu rào cản pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp; (iii) Xây dựng niềm tincho doanh nghiệp khởi nghiệp về môi trường pháp lý; và (iv) Hướng dẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp.

(3) Tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng: Trọng tâm của kỹ năng khởi nghiệp bao gồm kỹ năng mềm và các năng lực chuyên môn cần có như kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, kế hoạch kinh doanh, năng lực tài chính và kỹ năng quản lý. Chính sách và các chương trình giáo dục khởi nghiệp hiệu quả tập trung vào phát triển năng lực kinh doanh và kỹ năng cần thiết trong các điều kiện công việc cụ thể nhằm nâng cao năng lực khởi nghiệp và phát triển văn hóa khởi nghiệp trong xã hội.

(4) Tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ: Khởi nghiệp và công nghệ luôn hỗ trợ lẫn nhau. Tại các nước đang phát triển, cả hai yếu tố này đều quan trọng tùy vào mức độ phát triển kinh tế, tỷ lệ ứng dụng công nghệ và khả năng đổi mới của doanh nghiệp. Các quốc gia có thể áp dụng các giải pháp như: (i) Hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông cho khu vực tư nhân; (ii) Tăng cường mạng lưới liên kết, cụm công ty, cụm ngành nhằm phổ biến công nghệ và đổi mới; (iii) Xây dựng cầu nối giữa cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, các trường đại học và khu vực tư nhân; và (iv) Hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ cao.

(5) Hỗ trợ tiếp cận tài chính: Các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp tiếp cận tài chính như: (i) Tăng cường tiếp cận với các dịch vụ tài chính; (ii) Đẩy mạnh tài trợ cho đổi mới công nghệ; (iii) Nâng cao năng lực cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính để phục vụ khởi nghiệp; và (iv) Cung cấp các chương trình đào tạo về tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

(6) Nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ: Các quốc gia có thể áp dụng các giải pháp cụ thể như: (i) Nâng cao hiểu biết cộng đồng về giá trị của khởi nghiệp và giải quyết những thành kiến tiêu cực trong nhận thức xã hội, (ii) Nâng cao nhận thức cộng đồng về các cơ hội khởi nghiệp; và (iii) Khuyến khích các sáng kiến trong khu vực tư nhân và tăng cường mạng lưới giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu thu thập các dữ liệu thứ cấp từ năm 2012 đến năm 2016 thông qua các bài báo, sách nghiên cứu chuyên khảo, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước và các báo cáo liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

Để thu thập đầy đủ, chính xác và làm đa dạng các dữ liệu thông tin, đề tài thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua khảo sát điều các chủ doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 - 2016 trên địa bàn Hà Nội nhằm có cái nhìn bao quát về thực trạng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam, từ đó đề xuất hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới. Bảng hỏi được thiết kế gồm 2 phần: (1) các thông tin chung về đại diện doanh nghiệp và doanh nghiệp, và (2) đánh giá thực trạng chính sách khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Chúng tôi tiến hành phát bảng hỏi trực tiếp và qua email cho 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Số phiếu phản hồi thu về là 198 và tất cả đều hợp lệ.

4. Kết quả nghiên cứu

* Thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (2016), Việt Nam có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 là 1.268 nghìn lao động, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới giảm ở ba ngành nghề so với cùng kỳ năm 2015 đó là: (i) Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; (ii) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; và (iii) Khai khoáng. Ngoài ra, trong năm 2016, xuất hiện một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường, gồm có: (i) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (ii) Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; và (iii) Xây dựng.

Theo báo cáo Doing Business 2016 của nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 90/189 nền kinh tế, tăng 3 bậc so với năm 2015. Còn theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016, Việt Nam xếp thứ hạng 56 trên tổng số 140 nền kinh tế, với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu đạt 4,3 trên thang điểm 7. Đáng lưu ý, trong Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015/2016 (GEM 2015/2016) cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2015 vẫn không thay đổi nhiều so với năm 2014 và vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, chỉ có 4 trên tổng số 12 chỉ số trên mức trung bình.

* Thực trạng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó gần đây là Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, đặt mục tiêu tới năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp (hiện nay mới có trên 500.000 doanh nghiệp).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” hướng tới cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí của Đề án.

Ngoài đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Chính phủ còn nhiều các giải pháp, chính sách trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp khác và đã triển khai thường xuyên và rầm rộ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo như Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, Dự án đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ, Dự án xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo Doanh nghiệp...; và các sự kiện cho khởi nghiệp Techfest, Demoday, HatchFair,

Venture Cup, StartupWeekend, Startup Fair Danang…

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu tính đồng bộ và hệ thống, vẫn còn tồn tại sự xung đột. Quy mô hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn hẹp, hiện chỉ mới tập trung vào hỗ trợ vườn ươm doanh nghiệp, bảo lãnh tín dụng, chính sách tư vấn về quản trị kinh doanh và nâng cao hiệu quả sản xuất. Hoạt động trợ giúp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng, còn chồng chéo và phân tán. Tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thấp do các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp kém hiệu quả. Các cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu những đánh giá cụ thể về hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, hệ thống triển khai các chương trình, chính sách trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp chưa được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương (Hoàng Thị Tư, 2016).

* Kết quả điều tra đánh giá về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Kết quả khảo sát điều tra đã chỉ ra đánh giá chi tiết của các doanh nghiệp khởi nghiệp về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Cụ thể:

+ Đánh giá các chính sách về xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia

Theo kết quả khảo sát điều tra, chiến lược khởi nghiệp quốc gia được các doanh nghiệp khởi nghiệp đánh giá cao. Cụ thể, chiến lược khởi nghiệp quốc gia được các doanh nghiệp tham gia đánh giá là phù hợp và hỗ trợ tích cực cho hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh của họ. Có đến 74,24% doanh nghiệp đánh giá các chính sách này phù hợp và hỗ trợ tích cực hoạt động khởi nghiệp. Điểm trung bình của yếu tố này là 3,38/5. Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp cũng đồng ý rằng chiến lược khởi nghiệp quốc gia gắn kết chặt chẽ với các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác của nhà nước với 77,27% số doanh nghiệp tham gia hài lòng và chấp nhận được. Tuy nhiên, có đến 32,32% doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng chiến lược khởi nghiệp quốc gia chưa thực sự chú trọng vào lĩnh vực và nguồn nhân lực phục vụ khởi nghiệp, điểm đánh giá trung bình của yếu tố này chỉ đạt 3,12/5.

+ Đánh giá các chính sách về môi trường pháp lý cho khởi nghiệp

Kết quả khảo sát điều tra chỉ ra rằng các chính sách hỗ trợ môi trường pháp lý đều nhận được sự hài lòng từ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, chính sách tiết kiệm, rút ngắn thời gian, chi phí đăng ký quyền sở hữu tài sản được đánh giá cao với 35,86% doanh nghiệp đánh giá chấp nhận được, 24,75% đánh giá hài lòng và 12,63% đánh giá rất hài lòng. Chính sách hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp cũng như chính sách về thời gian, chi phí thành lập/đóng cửa doanh nghiệp đạt được điểm trung bình đánh giá lần lượt là 3,08/5 và 3,05/5. Duy chỉ có cơ chế giải quyết tranh chấp chưa thực sự cụ thể, rõ ràng khi có đến 42,93% doanh nghiệp không hài lòng.

+ Đánh giá các chính sách về giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển kỹ năng

Theo kết quả khảo sát điều tra, nhìn chung, các chính sách về giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển kỹ năng chưa nhận được sự hài lòng hoàn toàn từ các doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện tại được các doanh nghiệp đánh giá đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng và thúc đẩy đào tạo cho khởi nghiệp với tỷ lệ lần lượt là 72,73% và 56,06%. Tuy nhiên, có đến 56,06% doanh nghiệp tham gia cho rằng các chính sách hiện nay không khuyến khích người dân khởi nghiệp.

+ Đánh giá các chính sách về trao đổi và đổi mới công nghệ

Các chính sách về trao đổi và đổi mới công nghệ đạt được hiệu quả tích cực và được các doanh nghiệp khởi nghiệp chấp nhận rộng rãi. Trong đó, chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông cho doanh nghiệp khởi nghiệp được triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả với 55,56% doanh nghiệp hài lòng và rất hài lòng trên tổng số 198 doanh nghiệp tham gia khảo sát. Ngoài ra, 41,92% doanh nghiệp đánh giá các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện tại góp phần tăng cường mạng lưới liên kết, cụm công ty, cụm ngành để phổ biến công nghệ. Thêm vào đó, 27,28% doanh nghiệp cho rằng chính sách góp phần xây dựng cầu nối giữa cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, các trường đại học và khu vực tư nhân. 51,01% doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chính sách hiện tại hỗ trợ tích cực hoạt động khởi nghiệp công nghệ cao.

+ Đánh giá các chính sách về tiếp cận tài chính cho khởi nghiệp

Theo kết quả khảo sát điều tra, các chính sách hỗ trợ tiếp cận tài chính cho khởi nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Có đến 77,78% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá các chính sách về tiếp cận tài chính cho khởi nghiệp góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của họ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng các chính sách về tiếp cận tài chính hiện nay của Nhà nước chưa chú trọng vào việc tài trợ đổi mới công nghệ (35,36%), chưa hỗ trợ quá trình đào tạo tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp (43,94%). Đáng chú ý, các chính sách về nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính được các doanh nghiệp khởi nghiệp đánh giá cao, có đến 56,57% doanh nghiệp chấp nhận được các chính sách này.

+ Đánh giá các chính sách về nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ

Các chính sách về nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ đều đạt được sự hài lòng khá caocủa các doanh nghiệp tham gia khảo sát. Cụ thể, chính sách nâng cao hiểu biết cộng đồng về giá trị của khởi nghiệp đạt điểm trung bình 3,51. 43,43% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện tại góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về các cơ hội khởi nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện tại khuyến khích các sáng kiến trong khu vực tư nhân và tăng cường mạng lưới giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp đạt điểm trung bình 3,39.

5. Giải pháp

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, chúng tôi đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách khởi nghiệp tại Việt Nam, cụ thể:

- Về chính sách xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia: Tùy vào thế mạnh riêng, mỗi quốc gia và địa phương chọn cho mình những lĩnh vực ưu tiên phù hợp, sau đó Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhà nước cần nghiên cứu kỹ để có thể đưa ra một chiến lược quốc gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động khởi nghiệp, phù hợp với các chính sách khác của quốc gia cũng như chính sách quốc tế, đồng thời vẫn chú trọng vào các lĩnh vực, ngành mục tiêu khởi nghiệp.

- Về chính sách tối ưu hóa môi trường pháp lý: Nhà nước có thể thực hiện các biện pháp giảm thuế, thay đổi cách tính thuế GTGT. Cụ thể, Nhà nước cần giảm thuế hoặc không đánh thuế từ 1-3 năm từ khi thành lập doanh nghiệp, thuế doanh nghiệp và khu vực tư nhân được giảm thấp hơn, và ưu đãi về thuế. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục nhà nước, loại bỏ tính quan liêu. Cụ thể, Nhà nước cần tổ chức lại hệ thống hành chính, quản lý tài chính liên quan đến công quỹ, và đơn giản hóa thủ tục thành lập/ đóng cửa doanh nghiệp. Khung pháp lý mới cũng cần đặt ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thúc đẩy cơ hội tái khởi động sau khi doanh nghiệp phá sản, đẩy nhanh thủ tục phá sản, đẩy mạnh hệ thống phòng ngừa phá sản. Nhà nước cũng cần đề cao yếu tố minh bạch trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như: xoá bỏ tham nhũng, số liệu được chính phủ công bố, chia sẻ thông tin sớm

- Về chính sách tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng: Nhà nước cần quan tâm đến các chính sách đẩy mạnh giáo dục như: tài trợ các chương trình đào tạo khởi nghiệp, đào tạo miễn phí trong ngành lên kế hoạch kinh doanh, đào tạo sau đại học về khởi nghiệp, học vị Thạc sĩ. Ngoài ra, cần thay đổi hệ thống giáo dục, các biện pháp giáo dục, thay đổi tổ chức các trường đại học và toàn bộ hệ thống trường trung học, nâng cao kiến thức khởi nghiệp.

- Về chính sách tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ: Để có một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ cao, Nhà nước cần nâng cao cơ sở hạ tầng trực tuyến và trực tiếp như tạo ra các cơ chế để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng nền tảng cho việc tìm kiếm đối tác, nền tảng giao kết và các sự kiện, cổng thông tin ảo. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu của bên yêu cầu, tạo lập các vườn ươm doanh nghiệp có chất lượng, đầu tư các khu công nghệ cao, không gian công cộng cho mạng lưới liên kết và làm việc nhóm; cần tăng cường trao đổi kiến thức và chia sẻ bằng cách tăng cường hợp tác giữa các tổ chức giáo dục và khởi nghiệp, viện nghiên cứu và khu công nghiệp, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong môi trường kinh doanh, chia sẻ và hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài.

- Về chính sách hỗ trợ tiếp cận tài chính: Nhà nước cần có các cơ chế hỗ trợ tài trợ như kết hợp nguồn vay không hoàn lại cũng như nguồn vay hoàn lại và các khoản đầu tư, tài trợ của chính phủ; các khoản trợ cấp, đồng tài trợ, tài trợ hạt giống doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, cần hỗ trợ cho các chương trình sáng tạo, tạo lập các khoản cho vay sử dụng trợ cấp của Nhà nước, tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu; đồng thời, nên tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tài trợ dễ dàng hơn bằng cách cung cấp các phương pháp tiếp cận dễ dàng hơn và nhanh hơn; tìm kiếm phương pháp thay thế tài chính; ban hành các chính sách tiền tệ và giúp xác định các nguồn tin tài chính trong khu vực tư nhân, quốc gia, khu vực và quốc tế. Các giải pháp tối ưu hóa thủ tục tài trợ vốn như đơn giản hóa và làm rõ điều kiện tài trợ vốn, tạo lập các Quỹ kết cấu, hệ thống giám sát dễ dàng hơn, thủ tục thực hiện nhanh chóng hơn cũng là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính. Ngoài ra, giảm thuế đối với nhà đầu tư cũng là giải pháp hỗ trợ cần thiết cho các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư mạo hiểm, và đầu tư tư nhân. Chính phủ cũng cần tạo thêm các công cụ tài chính như Quỹ cho vay không hoàn vốncho các doanh nghiệp khởi nghiệp mạo hiểm, các sáng kiến đổi mới theo định hướng và các thí nghiệm được triển khai

thực nghiệm.

- Về chính sách nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ: Để thúc đẩy nhận thức vể khởi nghiệp trong cộng đồng, Nhà nước nên hỗ trợ quảng cáo và truyền thông như có các chương trình truyền thông rộng rãi trong công chúng; tạo các diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, những đổi mới sáng tạo cần vốn; phổ biến về các sáng kiến mới và xúc tiến các cơ hội quốc tế.

6. Kết luận

Bài viết sơ lược cơ bản về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, trên cơ sở lý thuyết về hỗ trợ khởi nghiệp của UNCTAD (2012), bài nghiên cứu đã đi vào phân tích thực trạng khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bên cạnh những mặt đạt được, nổi lên một số vấn đề cần chú ý liên quan đến 6 chính sách khởi nghiệp chính, cụ thể: (1) xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia; (2) tối ưu hóa môi trường pháp lý; (3) tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng; (4) tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ; (5) hỗ trợ tiếp cận tài chính; và (6) nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, như: xây dựng khung pháp lý để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững; tăng cường giáo Xục tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tài chính cũng như các hoạt động tạo điều kiện trao đổi và chuyển giao công nghệ. Trong giới hạn bài viết, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên trong tương lai, bộ mặt nền kinh tế đất nước phát triển hay thụt lùi phụ thuộc rất nhiều vào quá trình hoàn thiện, quyết định đúng đắn trong việc áp dụng, thay đổi chính sách thúc đẩy khởi nghiệp. Mặt khác, mức độ thiết thực của những giải pháp trên (hoặc khả năng áp dụng sâu vào thực tiễn, từ đó đi đến thành công của những giải pháp trên) đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải nhìn về một hướng, với trách nhiệm tương đương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bạch Dương (2016), “10 tháng qua, mỗi giờ Việt Nam có 16 doanh nghiệp mới”, Vneconomyngày 31/10/2016.

2. Hiến pháp ngày 28/11/2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Hiệp hội các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA) (2016), “Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015/2016 (GEM 2015/2016)”.

4. Hoàng Thị Tư (2016), “Cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 9/2016.

5. Mrak Mojmir (2000), “Globalization: Trends, Challenges and Opportunites for Countries in Transition”, United Nations Industrial Development Organization, Vienna.

6. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020.

7. Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/05/016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

8. Terpstra David E., Olson Philip D. (1993), “Entrepreneurial start-up and growth: a classification of problems”, Entrepreneurship: Theory and Practice, Vol. 17, Issue 3, pp. 5-19.

9. United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD) (2012), Entrepreneurship Policy Framework and Implementation Guidance, United nations, New York and Geneva, 2012.

10. VCCI (2016), Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015.

11. Xuân Lan (2016), “Xây dựng quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp cần những chiến lược dài hạn”, Báo Điện tử Công lý số ngày 21/9/2016.

START-UP SUPPORT POLICIES: CURRENT STATUS AND SOLUTIONS

Ph.D.  NGUYEN HOANG QUY

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

The paper researches the  current start-up policies in Vietnam. UNCTAD (2012) outlined six basic issues related to start-up investment incentive policies, including: (i) developing a national start-up strategy; (ii) optimizing legal environment; (iii) strengthening the education of entrepreneurship and developing skills; (iv) facilitating technology exchange and innovation; (v) accessing to finance; And (vi) raising awareness about start-up and setting up inter- clusters, industrial clusters as well as supportive associations. The results of the survey from 198 start-up enterprises in 2015-2016 in Hanoi show that although the government has been showing great concerned toward the startup support policies, there are still gaps and limitations, causing businesses to falter. Hence, the article proposes some solutions to improve start-up policies in Vietnam in the future.

Keywords: startup, business, support policy, Vietnam, startup ecosystem.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây