TÓM TẮT:
Đề tài nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện công tác quản lý đất đai trong hoạt động nghĩa trang và nghĩa địa trên địa bàn quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh” được thực hiện nhằm đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện công tác quản lý đất đai trong hoạt động nghĩa trang và nghĩa địa trên địa bàn quận Tân Phú. Ngoài ra, trong nghiên cứu này còn đề xuất giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa và một số giải pháp liên quan tới công tác vận động bốc mộ.
Từ khóa: quản lý đất đai, hoạt động nghĩa trang và nghĩa địa, quận Tân Phú.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, trên địa bàn quận Tân Phú có gần 400 khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa lớn nhỏ với diện tích khoảng 12 ha. Những ngôi mộ đã có từ rất lâu và xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai cũng như chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận. Ở những khu vực này việc triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những nơi không thể quy hoạch. Công tác quản lý đối với những khu vực này vì thế cũng không thể thực hiện, bởi trên thực tế đất đã được sử dụng sai mục đích. Hệ lụy theo đó là mất mỹ quan đô thị, ngập úng do nền đất thấp không được nâng cấp, vứt rác bừa bãi, tiềm ẩn rủi ro về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội ở những khu nghĩa trang không có người trông coi, quản lý, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân khu vực do chất thải ra từ việc phân hủy,… Ngoài ra, tranh chấp đất đai liên quan đến đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa cũng là một vấn đề nan giải cho cơ quan nhà nước.
Để hạn chế những hệ lụy trên, quận Tân Phú đã từng bước thực hiện tốt việc quản lý đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa thông qua việc xây dựng bản đồ, lập quy hoạch sử dụng đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa, vận động người dân bốc mộ, thu hồi đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa,... Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực nhưng trên thực tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn và bất cập nên công tác quản lý vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Xuất phát từ thực tế đó, bài báo này góp phần thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân vướng mắc và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa của Tân Phú.
2. Khái niệm về đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa
Đất nghĩa trang, nghĩa địa là loại đất đặc biệt, nơi diễn ra hoạt động chôn cất hoặc xử lý thi thể của người chết. Chính vì vậy, đất nghĩa trang, nghĩa địa hội tụ đầy đủ những đặc điểm nổi bật về mặt tâm linh, thể hiện tập tục dân tộc, văn hóa cộng đồng được tổ chức theo một trật tự xã hội nhất định, có kèm theo những quy định chặt chẽ hoặc luật lệ về sắp xếp, bố cục không gian, tôn giáo, tín ngưỡng, hay phong tục tập quán. Sau khi con người chết đi theo quy luật sinh tồn: sinh - lão - bệnh - tử của tự nhiên, sẽ được táng hay mai táng theo các nghi thức truyền thống. Việc táng hay mai táng thể hiện ý niệm đưa người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng, mong muốn linh hồn của họ sớm được siêu thoát, đồng thời cũng thể hiện lòng thương tiếc, biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, của dân tộc với những người có công.
Pháp luật về đất nghĩa trang, nghĩa địa là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý, khai thác và sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa, phục vụ cho đời sống tâm linh của người đã khuất và giữ gìn truyền thống hiếu nghĩa của người còn sống nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo Điều 162 Luật Đất đai 2013 quy định “Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất”. Điều 12 Luật Đất đai 2013 còn quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó Khoản 2 Điều 12 có quy định nghiêm cấm vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. Như vậy, đối với việc quản lý đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa, việc xây mộ phần hoặc lập nghĩa trang, nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Thực trạng sử dụng đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn quận Tân Phú
Đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn quận Tân Phú, đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa có diện tích 11,94 ha chiếm 0,77% diện tích đất phi nông nghiệp và chiếm 0,75% diện tích đất tự nhiên (5). Ở tất cả 11 phường của quận Tân Phú đều có đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa, tuy nhiên diện tích phân bổ không đồng đều.
3.2. Thực trạng công tác quản lý đất hoạt động nghĩa trang và nghĩa địa
- Về công tác thống kê, kiểm kê đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa: Hiện nay, trên địa bàn quận Tân Phú không còn được chôn cất, xây mộ phần mới và quận Tân Phú có thực hiện công tác thống kê, kiểm kê đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa ở những khu vực đất đang có mộ phần. Với tổng diện tích đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa là 11,942 ha, quận Tân Phú đang có 397 khu vực có mộ phần, tổng số mộ lên đến 9.324 ngôi mộ (4).
- Công tác lập bản đồ đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa: công tác đo đạc bản đồ địa chính được triển khai thực hiện tại quận Tân Phú bằng phương pháp và phương tiện kỹ thuật số từ năm 1997 đến nay. Tuy nhiên với tình hình biến động về đất đai theo sự phát triển đô thị hóa và nhu cầu thực tế của xã hội trên địa bàn quận Tân Phú liên tục không ngừng, do đó công tác chỉnh lý biến động, cập nhật hồ sơ địa chính phải liên tục và kịp thời để hỗ trợ và đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai. Hiện nay, 11 phường trên địa bàn quận Tân Phú đều có bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ địa giới hành chính. Tuy nhiên, trên bản đồ vẫn chưa được cập nhật đầy đủ, đồng bộ đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa, có khu vực được cập nhật, có khu không được cập nhật. Việc chưa cập nhật một cách đầy đủ, đồng bộ đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa trên hệ thống bản đồ địa chính dẫn đến hệ quả hiện nay quận Tân Phú không có cơ sở dữ liệu không gian, thông tin về đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa có chất lượng cao.
- Công tác quy hoạch đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa: Tính đến thời điểm hiện tại, 397 khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn quận Tân Phú đã được quy hoạch toàn bộ sang mục đích khác chứ không còn là đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa nữa. Trong đó, số lượng khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa được quy hoạch đất nhóm nhà ở hiện hữu chỉnh trang chiếm số lượng nhiều nhất, tuy nhiên tổng diện tích không lớn, chỉ chiếm 38,26%, còn các khu đất được quy hoạch công viên cây xanh có tổng diện tích đất lớn chiếm 51,3% do có nhiều khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa có diện tích lớn (5). Tuy nhiên, công tác quy hoạch cụ thể vẫn chưa thật sự phù hợp với thực tiễn nên vẫn còn nhiều bất cập, nhất là đối với các khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa có quy hoạch công viên cây xanh.
Qua khảo sát thực tế, trên địa bàn quận Tân Phú hiện có 107 khu đất quy hoạch công viên cây xanh, trong đó có khoảng 36 khu đất có diện tích nhỏ, vị trí nằm riêng lẻ, vị trí giao thông không thuận lợi (nằm sau nhà dân, hẻm cụt,…) nhưng lại quy hoạch đất công viên cây xanh. Nguyên nhân do quy hoạch sử dụng đất đối với những khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn quận chỉ dựa vào thống kê trên giấy tờ, chưa có sự đồng bộ trên bản đồ địa chính, không có dữ liệu thông tin về đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Việc quy hoạch chưa phù hợp này dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác vận động cất bốc mộ, công tác cấp Giấy chứng nhận sau khi bốc mộ. Người dân cho rằng sau khi họ cất bốc mộ xong sẽ trở thành đất bị quy hoạch công viên cây xanh; đất giao thông, công trình công cộng. Vì vậy, nhiều hộ sau khi đã cất bộc mộ đã tận dụng để làm những mục đích khác mà không đi đăng ký cấp Giấy chứng nhận.[A1]
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Mội trường quận Tân Phú, hiện trạng sử dụng đất tại các khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa được quy hoạch công viên cây xanh - công trình công cộng - giao thông sau khi bốc mộ hoàn toàn trên địa bàn quận Tân Phú, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất, cho thấy sau khi bốc mộ và di dời mộ xong, người dân không có nhu cầu làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất, mà tận dụng vào những mục đích khác nhau. Những mục đích đó gồm sử dụng vào mục phi nông nghiệp là chính, chủ yếu làm bãi giữ xe, nơi để hàng hóa, khuôn viên sinh hoạt chung của gia tộc, kinh doanh nhỏ lẻ như xe đẩy bán nước,… Không có khu nào sử dụng vào mục đích nông nghiệp và số ít bỏ trống chưa sử dụng chủ yếu là khu đất quy hoạch đất giao thông. Người dân không làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận là vì tâm lý sau khi cấp Giấy chứng nhận sẽ không được chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp và cũng không được định đoạt mua bán trên tài sản vốn đang là của mình.
Tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi bốc mộ: Theo chủ trương chung của địa phương về việc di dời các mồ mả ra khỏi khu vực đô thị nếu đất đang có mồ mả mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được cấp giấy chứng nhận. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú năm 2023, hiện nay trên địa bàn quận đã có 90 khu mộ đã được cấp Giấy chứng nhận với tổng diện tích được công nhận lên đến 76.756,94 m2 (4). Tuy nhiên, trên địa bàn quận Tân Phú đang tồn tại thực trạng có rất nhiều hộ gia đình sau khi đã cất bốc mộ nhưng vẫn không đăng ký cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất. Cụ thể có đến 97/187 khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa sau khi hoàn tất cất bốc mộ nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận, chiếm 51,87% tổng khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa đã cất bốc mộ (4). Thực trạng này xuất phát từ tâm lý người dân cho rằng hiện tại đất đang là của họ nhưng sau khi bốc mộ và thực hiện thủ tục cấp Giấy đất lại được quy hoạch sử dụng với mục đích khác không phải đất ở, họ không thể chuyển đổi mục đích cũng như định đoạt mua bán, như vậy là họ đang bị “mất đất”. Vì vậy, có hộ không đồng ý cất bốc mộ, có hộ đồng ý nhưng sau khi đã cất bốc hoàn toàn mộ thay vì đi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận lại tận dụng đất đó làm bãi xe, khu sinh hoạt chung của gia đình hoặc để đó không sử dụng đất. Ngoài ra, theo phong tục, sau khi vừa bốc mộ cần tập trung một nơi xây dựng thờ cúng. Do đó, phần lớn các gia tộc đề nghị được sử dụng một phần đất mộ để xây dựng nhà lưu trữ tro cốt kết hợp nhà thờ của họ tộc. Tuy nhiên, nếu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được công nhận là đất nông nghiệp thì theo quy định không được xây dựng trên mảnh đất đấy. Do đó, người dân cũng không muốn bốc mộ. [A2]
- Công tác vận động bốc mộ: để phù hợp với sự phát triển đô thị hóa, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của quận Tân Phú, công tác vận động bốc mộ trên địa bàn quận được thực hiện qua nhiều năm. Tính đến năm 2023, tổng số mộ đã được cất bốc trên địa bàn quận Tân Phú là 4.626/9.324 mộ, đạt tỷ lệ 49,61%, số khu mộ đã cất bốc xong hoàn toàn là 187/397 khu, đạt tỷ lệ 47,1% và ước tính tổng diện tích cất bốc 10,49 ha (4). Công tác vận động bốc mộ ra khỏi khu dân cư là vấn đề cần thiết và phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay. Công tác này hiện đang được triển khai liên tục hàng năm, tuy nhiên đến nay vẫn chỉ gần 50% số mộ phần, số khu mộ được bốc cất. Công tác này còn gặp nhiều khó khăn bởi những nguyên nhân theo phong tục, tập quán lâu đời của người Việt Nam, nhiều người cho rằng việc hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà gần nhà để thường xuyên trông nom, nhang đèn, bên cạnh đó, những yếu tố về tâm linh khác… nên họ không muốn di chuyển phần mộ của gia đình. Ngoài ra đối với những khu đất mộ gia tộc thuộc quy hoạch công viên cây xanh; đất giao thông, công trình công cộng và quy hoạch đất hỗn hợp, đa số người dân không đồng thuận bốc mộ vì tâm lý sau khi bốc mộ xong sẽ “không còn là đất của mình”.
Trong nhiều năm qua, tình trạng phát sinh tranh chấp đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn quận Tân Phú xảy ra và kéo dài gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai. Các vấn đề tranh chấp như:
- Tranh chấp giữa các bên có liên quan đến khu đất có mộ tộc về quyền sử dụng đất sau khi bốc mộ, di dời hết mộ và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
- Chính sách bồi thường đất và việc chưa có quy định về hỗ trợ kinh phí bốc mộ, di chuyển mồ mả ở những khu mộ tộc thuộc quy hoạch công viên cây xanh; đất giao thông, công trình công cộng, đặc biệt đối với khu mộ tộc đồng sở hữu của nhiều người khi không thống nhất được ý kiến chung của dòng tộc.
- Các gia tộc lớn kiến nghị được xây dựng nhà sinh hoạt tộc. Về vấn đề này, hiện nay quận Tân Phú đang chủ trương chỉ cấp phép xây dựng đối với đất đã có giấy tờ hợp pháp, có mục đích sử dụng phù hợp với mục đích cấp phép xây dựng. Điều này đã làm cho vấn đề xin xây dựng nhà sinh hoạt tộc, xin xây dựng nhà lưu trữ tro cốt trước khi bốc mộ gặp nhiều vướng mắc.
4. Kết luận và kiến nghị giải pháp
4.1. Kết luận
Qua kết quả nghiên cứu trên tác giả rút ra các kết luận sau:
1. Bên cạnh đặc điểm liên quan đến tâm linh, đất nghĩa trang, nghĩa địa còn mang đầy đủ đặc điểm của loại đất đang được khai phá dần về tiềm năng kinh doanh với nhu cầu ngày càng tăng theo xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Quản lý nhà nước trong hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa là một dạng quản lý đặc biệt mang tính văn hóa tâm linh sâu sắc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhằm đạt được mục tiêu sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường, thỏa mãn nhu cầu về việc táng của nhân dân và giữ được những phong tục tập quán tốt, văn minh, hiện đại.
2. Trên địa bàn quận Tân Phú, đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa có diện tích 11,94 ha chiếm 0,77% diện tích đất phi nông nghiệp và chiếm 0,75% diện tích đất tự nhiên với 397 khu vực có mộ phần, tổng số mộ lên đến 9.324 ngôi mộ. Trong đó, số lượng khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa được quy hoạch đất nhóm nhà ở hiện hữu chỉnh trang chiếm số lượng nhiều nhất, tuy nhiên tổng diện tích không lớn, chỉ chiếm 38,26%. Còn các khu đất được quy hoạch công viên cây xanh có tổng diện tích đất lớn chiếm 51,3%, do có nhiều khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa có diện tích lớn. Hiện nay trên địa bàn quận đã có 90 khu mộ đã được cấp Giấy chứng nhận với tổng diện tích được công nhận lên đến 76.756,94 m2 (5). Có đến 97/187 khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa sau khi hoàn tất cất bốc mộ nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận, chiếm 51,87% tổng khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa đã cất bốc mộ.
3. Xây dựng và cập nhật bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa năm 2023 được lập theo đơn vị hành chính phường. Nghiên cứu đã tiến hành điều tra và đề xuất điều chỉnh quy hoạch 8 khu đất hoạt động nghĩa trang nghĩa địa có diện tích bé hơn 160 m2 hiện được quy hoạch công viên cây xanh thành quy hoạch đất ở. Ngoài ra, còn đề xuất giải pháp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa và một số giải pháp liên quan tới công tác vận động bốc mộ.
4.2. Kiến nghị giải quyết
- Xây dựng, cập nhật bản đồ hiện trạng sử dụng đất trong hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa: Việc xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa là nhu cầu thiết yếu, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa hiệu quả hơn. Do đó, để công tác quản lý được tốt và thuận lợi, trước tiên quận Tân Phú cần có bản đồ có biên tập chú thích đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa và phải xây dựng thêm bản đồ chuyên đề cho đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa với chất lượng cao. Cập nhật thông tin đầy đủ để làm cơ sở cho công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Cụ thể khi xây dựng bản đồ cần đánh dấu vị trí và diện tích các khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa kèm thông tin liên quan khu đất (như người quản lý, số mộ, phân biệt màu khoanh vùng theo quy hoạch) ở từng phường, yêu cầu có sự thống nhất giữa các phường.
- Quy hoạch sử dụng đất trong hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa phải phù hợp với thực tiễn: quy hoạch phù hợp với thực tế sẽ góp phần tạo thuận lợi cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận, ngoài ra đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả, khoa học, hợp lý hơn. Cần phải đẩy mạnh công tác vận động bốc mộ, di dời toàn bộ mộ ra khỏi khu dân cư, muốn thực hiện điều đó thì quy hoạch sử dụng đất phải hợp lý. Đối với các khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa có diện tích nhỏ có vị trí nằm riêng lẻ, vị trí giao thông không thuận lợi cần xem xét lại về việc quy hoạch đất công viên cây xanh.
- Giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: nếu phần đất có hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa của các hộ gia đình đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai 2013. Việc có mồ mả trên đất thì khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những ngôi mộ này phải được xác định và ghi rõ về vị trí và diện tích ngôi mộ. Đối với đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa có quy hoạch sử dụng đất là đất ở còn mộ chưa bốc hết, đề xuất chủ trương cho phép xây dựng công trình tạm để tạm lưu tro cốt khi thực hiện bốc mộ và hoàn tất các thủ tục liên quan đến nhà đất. Giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho phần đất sử dụng xây dựng nhà sinh hoạt gia tộc sẽ được thực hiện trước hoặc đồng thời với việc cất bốc mộ của các gia tộc, mục đích sử dụng đất theo dạng đất ở, thời hạn sử dụng lâu dài. Tuy nhiên ghi chú nội dung “khu đất chỉ được xây dựng nhà sinh hoạt gia tộc theo đơn cam kết của gia tộc được thông qua Ủy ban nhân dân phường xác nhận”.
- Giải pháp vận động bốc mộ: phân loại các khu đất hoạt động nghĩa trang, nghĩa địa chưa được cất bốc, di dời mộ thành 3 nhóm theo khả năng cất bốc, di dời mộ. Trên cơ sở phân loại đối tượng vận động, kiến nghị UBND quận Tân Phú tiếp tục đẩy mạnh vận động, hỗ trợ kinh cất bốc, di dời mộ cho các trường hợp khó khăn, cũng như giải quyết nhu cầu về xây dựng nhà sinh hoạt gia tộc của người dân đối với các khu đất. Từ đó, đẩy mạnh công tác vận động bốc mộ, di dời mộ đạt hiệu quả cao nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Hữu Cường, Trần Thiện Phong, (2016). Thực trạng ô nhiễm môi trường và giải pháp quản lý sử dụng đất xung quanh các nghĩa trang nghĩa địa tại TP. Hồ Chí Minh. Kỷ yếu Hội nghị KHCN Lần III. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Ủy ban nhân dân quận Tân Phú, (2023), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
- Ủy ban nhân dân quận Tân Phú, (2023), Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
- Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú (2023), Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác vận động bốc mộ, di dười các khu mộ trên địa bàn quận Tân Phú năm 2023.
- Ủy ban nhân dân quận Tân Phú (2023), Báo cáo thống kê đất đai năm 2023 quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh
Current situation and solutions for improving the land management of cemeteries and graveyards in Tan Phu district, Ho Chi Minh City
Ph.D Nguyen Huu Cuong1
Chau Thanh Phuong2
1Deputy Dean, Faculty of Land Management, Ho Chi Minh City University of Natural Resources and Environment
2People's Committee of Tan Son Nhi ward, Tan Phu district, Ho Chi Minh City
Abstract:
This study analyzed the current land management of cemeteries and graveyards in Tan Phu district, Ho Chi Minh City. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to improve the district’s land management of cemeteries and graveyards in the coming time. The study also proposed a solution for granting land use rights certificates for cemeteries and graveyards and some solutions for grave excavation work.
Keywords: land management, cemetery and graveyard operations, Tan Phu district.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]