TÓM TẮT:
Thực tế công tác kế toán ở Việt Nam và các nước trên thế giới luôn tồn tại chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế. Việc vận dụng các chuẩn mực kế toán vào thực tế trong các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bằng việc hệ thống hóa chuẩn mực số 17- Thuế thu nhập doanh nghiệp và các căn cứ khác để thực hiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp, bài viết đưa ra các nhận định về thực trạng công tác thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời đề xuất một số giải pháp giúp các doanh nghiệp vận dụng tốt hơn chuẩn mực 17 trong việc thực hiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp có chất lượng ngày càng cao hơn. Hoàn thiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp là một nội dung quan trọng trong đổi mới công tác quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp, chuẩn mực kế toán số 17, đổi mới quản lý.
I. Đặt vấn đề
Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 - Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được Bộ Tài Chính ban hành theo Quyết định 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/2/2005 và Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/3/2006 hướng dẫn chi tiết các vấn đề như: cơ sở thuế TNDN, thuế TNDN hiện hành, thuế TNDN hoãn lại,… Chuẩn mực này là cơ sở để các doanh nghiệp (DN) hiểu và ứng xử phù hợp nhất đối với các chênh lệch phát sinh giữa số liệu ghi nhận theo chính sách kế toán do DN lựa chọn và số liện theo quy định của các chính sách thuế hiện hành. Mặc dù Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 - Thuế TNDN đã được ban hành cách đây rất nhiều năm nhưng khi vận dụng Chuẩn mực này vào trong thực tế các doanh nghiệp đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề hiểu và vận dụng đúng theo nội dung quy định trong chuẩn mực. Từ đó, việc tìm hiểu thực trạng vận dụng chuẩn mực kế toán hiện nay nói chung và Chuẩn mực kế toán số 17 - Thuế TNDN nói riêng ở các doanh nghiệp là rất cần thiết để nhận diện những nguyên nhân của vấn đề, qua đó có định hướng phù hợp đưa chuẩn mực đi vào thực tế nhằm tạo sự đơn giản, dễ hiểu cho những kế toán viên, cán bộ thuế khi giải quyết các vấn đề liên quan.
II. Thực trạng
Cơ sở tính thuế là yếu tố cơ bản, thể hiện bản chất, nội dung của sắc thuế. Có thể nói cơ sở tính thuế giúp phân biệt sắc thuế này với sắc thuế khác, thường được sử dụng để đặt tên cho sắc thuế. Thông thường mức thuế phải nộp của mỗi sắc thuế được tính theo công thức sau:
Mức thuế phải nộp = Cơ sở tính thuế x Thuế suất (1)
Trong đó, thuế suất có thể thay đổi tùy theo đối tượng chịu thuế, chính sách thuế từng thời kỳ còn cơ sở tính thuế về bản chất không thay đổi, có chăng chỉ thay đổi phương pháp tính cơ sở tính thuế. Bài viết này có mục đích làm rõ hơn cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thông qua 2 góc độ tính thu nhập chịu thuế. Theo Luật thuế TNDN thì cơ sở tính thuế TNDN là thu nhập tính thuế. Từ công thức (1) triển khai cho thuế TNDN, ta có:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN
Trong đó,
Thu nhập chịu thuế trong công thức (3) chính là kết quả kinh doanh trong kỳ và được tính theo nguyên tắc phù hợp của kế toán:
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu thuần - Các chi phí tương ứng (tạo ra) doanh thu đó (4)
Chuẩn mực kế toán số 17 “Thuế thu nhập doanh nghiệp” không đề cập riêng đến khái niệm cơ sở tính thuế TNDN, không gắn cơ sở tính thuế với thu nhập chịu thuế. Mặt khác, điều 03 của chuẩn mực 17 lại đề cập các khái niệm cơ sở tính thuế của tài sản, cơ sở tính thuế của nợ phải trả, theo đó cơ sở tính thuế thu nhập của một tài sản hay nợ phải trả là giá trị tính cho tài sản hay nợ phải trả cho mục đích xác định thuế TNDN. Phải chăng giữa Luật Thuế TNDN và Chuẩn mực kế toán Thuế TNDN có mâu thuẫn với nhau về cơ sở tính thuế. Thật ra, đây chỉ là sự khác nhau giữa 2 phương pháp tính cơ sở tính thuế TNDN mà thôi. Bài viết này sẽ chứng minh bằng các phương trình toán học mối liên hệ giữa 2 phương pháp này. Để đơn giản trong công thức (3) do các khoản lỗ năm trước chuyển sang và các khoản thuế ưu đãi chưa sử dụng là có sẵn, không phải tính, nên ta sẽ tập trung vào sự khác biệt trong tính thu nhập chịu thuế hay kết quả kinh doanh. Ngoài cách tính theo công thức (4), kết quả kinh doanh còn có thể tính bằng cách so sánh tăng giảm vốn chủ sở hữu cuối kỳ với đầu kỳ. Thật vậy, do ông chủ lời ăn lỗ chịu nên toàn bộ kết quả kinh doanh sau khi tính xong sẽ được nhập vào vốn chủ sở hữu, từ đó ta có:
Do vốn chủ sở hữu bỏ thêm hay rút bớt trong kỳ không tham gia vào tính thuế TNDN nên để đơn giản ta giả sử trong kỳ ông chủ không bỏ thêm vốn cũng như không rút bớt vốn (hoặc loại trừ các yếu tố trên), khi ấy nếu chuyển vế phương trình (5), ta sẽ có:Kết quả kinh doanh trong kỳ = Vốn chủ sở hữu cuối kỳ - Vốn chủ sở hữu đầu kỳ (6)
Nếu thay các phương trình tài chính:
Vốn chủ sở hữu đầu kỳ = Tổng tài sản đầu kỳ - Tổng nợ phải trả đầu kỳ (7)
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ = Tổng tài sản cuối kỳ - Tổng nợ phải trả cuối kỳ (8)
Vào phương trình (6), khi ấy ta có phương trình:
Kết quả kinh doanh trong kỳ = Tổng tài sản cuối kỳ - Tổng nợ phải trả cuối kỳ - Tổng tài sản đầu kỳ + Tổng nợ phải trả đầu kỳ (9)
Hay:
Kết quả kinh doanh trong kỳ = (Tổng tài sản cuối kỳ - Tổng tài sản đầu kỳ) - (Tổng nợ phải trả cuối kỳ - Tổng nợ phải trả đầu kỳ) (10)
Qua công thức (10), có thể dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp sẽ có lãi nếu như cuối kỳ so với đầu kỳ (sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của việc bỏ thêm hay rút bớt vốn của ông chủ):
a) Tổng tài sản tăng đồng thời tổng nợ phải trả giảm
b) Tổng tài sản tăng nhiều hơn tổng nợ phải trả tăng
c) Tổng nợ phải trả giảm nhiều hơn tổng tài sản giảm
Bởi cả 3 trường hợp a, b, c đều làm gia tăng vốn chủ sở hữu cuối kỳ so với đầu kỳ. Các trường hợp ngược lại đều chứng tỏ doanh nghiệp bị thua lỗ.
Từ đó, ta thấy rõ là giá trị các tài sản cùng với các khoản nợ phải trả được ghi nhận vào các thời điểm đầu và cuối kỳ ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập chịu thuế. Do đó, mỗi sự chênh lệch về ghi nhận giá trị các tài sản hay các khoản nợ phải trả đều ảnh hưởng đến thu nhập chịu thuế và hệ quả là ảnh hưởng đến chi phí thuế TNDN. Tuy nhiên chênh lệch này chỉ là tạm thời và sẽ chấm dứt khi toàn bộ giá trị tài sản được thu hồi hay thanh lý (thông qua phân bổ vào chi phí) và khi toàn bộ nợ phải trả được thanh toán. Các chênh lệch tạm thời này sau khi nhân với thuế suất thuế TNDN sẽ cho ta Tài sản thuế TNDN hoãn lại (a) hoặc Thuế TNDN hoãn lại phải trả (b). Tổng đại số (a) và (b) tạo nên Chi phí thuế TNDN hoãn lại. Chi phí thuế TNDN hoãn lại cùng với Chi phí thuế TNDN hiện hành lại tạo thành Chi phí thuế TNDN. Mối quan hệ giữa các khái niệm trên được thể hiện trên sơ đồ sau:
Hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hoãn lại là một vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Việc không thống nhất cách tính toán thuế TNDN hoãn lại theo VAS 17 và Thông tư số 20/2006/TT-BTC dẫn đến sự khó hiểu và khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc áp dụng VAS 17, nhất là trong trường hợp có thay đổi thuế suất thuế TNDN.Các phương pháp tiếp cận về thuế TNDN hoãn lại:
Các phương pháp tiếp cận khác nhau về thuế TNDN hoãn lại sẽ đem lại các kết quả khác nhau về số liệu liên quan đến thuế TNDN được trình bày trên các báo cáo tài chính. Có ba cách tiếp cận về thuế TNDN hoãn lại được đề xuất là: (1) phương pháp hoãn lại, (2) phương pháp tài sản - nợ phải trả, (3) phương pháp thuế thuần.
Phương pháp hoãn lại:
Theo phương pháp hoãn lại, số liệu thuế TNDN hoãn lại được tính căn cứ trên thuế suất có hiệu lực khi khoản chênh lệch tạm thời phát sinh. Chi phí thuế TNDN được tính như thể lợi nhuận kế toán được tính là thu nhập chịu thuế khi tính thuế. Số dư thuế TNDN hoãn lại không được điều chỉnh để phản ánh sự thay đổi thuế suất sau đó hoặc áp dụng luật thuế mới. Do vậy, số dư thuế TNDN hoãn lại không phản ánh chính xác số tiền thuế TNDN phải trả hoặc được nhận trong các kỳ mà khoản chênh lệch tạm thời được hoàn nhập. Đây là cách tiếp cận theo hướng Báo cáo kết quả kinh doanh và nhấn mạnh về sự phù hợp giữa doanh thu và chi phí.
Phương pháp tài sản - nợ phải trả (phương pháp nợ phải trả):
Theo phương pháp nợ tài sản - nợ phải trả, số liệu thuế TNDN hoãn lại được tính căn cứ trên thuế suất dự kiến có hiệu lực trong các kỳ mà khoản chênh lệch tạm thời được hoàn nhập. Theo phương pháp này thì thuế TNDN hoãn lại được xem là nợ phải trả cho các khoản thuế sẽ phải nộp hay tài sản do các khoản sẽ được khấu trừ thuế trong tương lai. Phương pháp này là cách tiếp cận dựa trên Bảng cân đối kế toán và nhấn mạnh vào tính hữu ích của báo cáo tài chính trong việc đánh giá tình hình tài chính và dự đoán các dòng tiền trong tương lai.
Phương pháp thuế thuần:
Phương pháp thuế thuần thực ra là phương pháp trình bày báo cáo tài chính về thuế TNDN hơn là phương pháp tính thuế TNDN. Theo phương pháp này, không có khoản thuế TNDN hoãn lại được trình bày trên Bảng cân đối kế toán. Số liệu chi phí thuế TNDN được báo cáo trên Báo cáo kết quả kinh doanh cũng chính bằng số thuế TNDN hiện hành phải nộp. Ảnh hưởng về thuế của khoản chênh lệch tạm thời (tính theo phương pháp hoãn lại hoặc tài sản - nợ phải trả) không được báo cáo riêng mà được báo cáo là khoản điều chỉnh số dư của các tài sản và khoản nợ phải trả cụ thể liên quan đến các khoản doanh thu và chi phí. Quan điểm này cho rằng, các khoản thuế phải trả hoặc các khoản được khấu trừ thuế trong tương lai là các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc xác định giá trị của các tài sản hoặc nợ phải trả cá biệt.
Mặc dù Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 (VAS 17) quy định áp dụng phương pháp tiếp cận nợ phải trả dựa trên Bảng cân đối kế toán trong kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng hướng dẫn tại Thông tư số 20/2006/TT-BTC lại trình bày cách tiếp cận theo Báo cáo kết quả kinh doanh. Việc không thống nhất này dẫn đến sự khó hiểu khi vận dụng các quy định của VAS 17 vào thực tiễn. Khi không có sự thay đổi thuế suất thuế TNDN thì kết quả tính toán thuế TNDN hoãn lại theo phương pháp tiếp cận Báo cáo kết quả kinh doanh và phương pháp tiếp cận Bảng cân đối kế toán không có sự khác biệt. Tuy nhiên nếu thuế suất thuế TNDN không ổn định thì kết quả tính toán giữa hai phương pháp này sẽ có sự khác biệt do thuế suất thuế TNDN được sử dụng để tính tài sản và nợ phải trả thuế TNDN hoãn lại. Do vậy, cần thống nhất sử dụng phương pháp tiếp cận nợ phải trả theo Bảng cân đối kế toán trong cả chuẩn mực kế toán và các hướng dẫn trong thông tư hay chế độ kế toán.
III. Giải pháp
Cơ quan quản lý cần cập nhật kiến thức định kỳ cho người làm công tác kế toán. Nên tổ chức nhiều hơn các buổi hội thảo chuyên sâu về thuế TNDN và cập nhật kịp thời IAS 12 cho người làm kế toán để hòa nhập với xu hướng chung của thế giới.
Cần quy định yêu cầu kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán. Hành nghề kế toán và dịch vụ kế toán hiện nay tại Việt Nam cũng không còn mới mẻ, song việc tổ chức vẫn còn nhiều bất cập. Đồng thời, đưa ra những quy định cụ thể bắt buộc về việc kiểm toán đối với các công ty có quy mô lớn hoặc cả với những công ty có quy mô vừa và nhỏ để nâng cao chất lượng thông tin báo cáo tài chính.
Thực hiện đúng chế độ chứng từ kế toán trong VAS 17 và Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về chế độ kế toán DN. DN phải ghi chép đầy đủ, trung thực kịp thời các hoạt động liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và lưu trữ sổ sách kế toán theo đúng chế độ kế toán của DN.
DN cần phải thực hiện việc lập báo cáo tài chính đúng quy định của Bộ Tài chính, các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính liên quan đến thuế TNDN phải được trình bày đầy đủ, kịp thời, trung thực và hợp lý, tránh trường hợp các thông tin liên quan đến thuế TNDN bị bỏ sót gây thiệt hại cho DN.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn miễn phí cho nhân viên kế toán góp phần nâng cao kiến thức mới về kế toán đặc biệt trong lĩnh vực chuẩn mực thuế TNDN.
Nghề kế toán cần có tính chuyên nghiệp hơn, khả năng vận dụng chế độ kế toán ở các DN sẽ tốt hơn và kỳ vọng chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính sẽ cao hơn. Vì vậy, cần chú trọng vào việc đào tạo chuyên môn, tư cách đạo đức, phẩm chất của người làm công tác kế toán.
Trình độ chuyên môn của người làm công tác kế toán cần phải được nâng cao từ khi còn học trong trường. Người làm kế toán phải có trách nhiệm tự nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho bản thân, không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin liên quan hệ thống văn bản kế toán nói chung và chuẩn mực kế toán nói riêng.
Về vai trò của tổ chức nghề nghiệp như công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, hội kế toán kiểm toán, đây chính là kênh thuận lợi tốt nhất giúp các DN nhận thức được tầm quan trọng của chuẩn mực kế toán và những hạn chế khi vận dụng VAS 17 vào thực tiễn. Các tổ chức nghề nghiệp này sẽ giúp DN nâng cao nghiệp vụ chuyên môn hơn trong công tác kế toán thuế TNDN. Đặc biệt, các tổ chức này cũng giúp cho việc đổi mới và cải cách kế toán Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan thuế phải được thực hiện công bằng, công khai và minh bạch. Mục đích của việc thanh tra, kiểm tra thuế là giúp cho DN nhận thức được tầm quan trọng của hành vi không tuân thủ quy định pháp luật thuế như hành vi trốn thuế, cố tình gian lận thuế, mặt khác giúp DN thể hiện được vai trò của mình đối với xã hội thông qua việc đóng thuế TNDN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thông tư 20/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Chuẩn mực kế toán Việt Nam đợt 4 ngày 20/03/2006.
2. Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính.
3. Bàn về cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp - TS. Lê Thị Hồng Phương.
4. Hoàn thiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong các doanh nghiệp Việt Nam - Văn Thị Quý - Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
CORPORATE INCOME TAX ACCOUNTING: SITUATIONS AND SOLUTIONS
MA. NGUYEN THI SAM
Faculty of Accounting, University of Economic Technical Industries
ABSTRACT:
The actual accounting in Vietnam and other countries in the world shows that there are some differences between the taxable revenue and the accounting profit of an enterprise. The implementation of the Vietnamese Accounting Standards (VAS) in accounting of enterprises still faces with challenges. By codifying the VAS 17 on Income taxes and other regulations related to corporate income tax accounting, this study introduces some views about the current situations of corporate income tax accounting in Vietnamese enterprises and presents proposals to help these enterprises apply the VAS 17 effectively. Improving the accounting related to corporate income tax is an important task of the management innovation of Vietnamese enterprises in the context of economic integration.
Keywords: Corporate income tax accounting, Vietnamese Accounting Standards 17, management innovation.