TÓM TẮT:
Bài viết này phân tích những ảnh hưởng từ sự biến động của các chỉ tiêu thể hiện nguồn lực tài chính của ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) bao gồm quy mô vốn, chất lượng tài sản, khả năng huy động vốn, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời v.v. Để đánh giá khả năng độc lập tài chính của một ngân hàng TMCP cần xem xét khả năng tự tài trợ vốn đảm bảo hoạt động kinh doanh của các ngân hàng TMCP, hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn (TSDH), hệ số tự tài trợ (TSCĐ).
Từ khóa: hệ số tự tài trợ, độc lập tài chính, ngân hàng thương mại cổ phần.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế trong nước cũng như khu vực và trên thế giới có biến động phức tạp gây nhiều trở ngại cho xã hội. Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) gặp không ít khó khăn, một số ngân hàng TMCP cũng rất vất vả mới có thể đứng vững trên thị trường. Để đánh giá một ngân hàng TMCP có phát triển bền vững hay không thì cần phải xem xét và đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau như: quy mô, lợi nhuận, nguồn nhân lực, công nghệ,...trong đó, quan trọng nhất là khả năng độc lập tài chính của ngân hàng.
Xuất phát từ tầm quan trọng nêu trên cho thấy việc đánh giá khả năng độc lập tài chính của một số ngân hàng TMCP ở giai đoạn hiện nay là rất quan trọng, vì ngân hàng TMCP sẽ xác định được các yếu tố ảnh hưởng và từ đó giúp các nhà quản lý có căn cứ đưa ra các giải pháp khả thi nhằm đạt được mục tiêu: các ngân hàng TMCP hoạt động có hiệu quả hơn, đẩy lùi nguy cơ thiếu vốn, phát triển bền vững và có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng khác.
2. Khả năng độc lập tài chính trong các ngân hàng thương mại cổ phần
2.1. Khái niệm về khả năng độc lập tài chính trong ngân hàng thương mại cổ phần
Độc lập tài chính trong ngân hàng TMCP được hiểu là ngân hàng TMCP không cần phụ thuộc vào đối tượng nào ngoài bản thân ngân hàng để có thể đáp ứng các nhu cầu về tài chính. Các ngân hàng TMCP có thể chủ động về mặt tài chính, gắn liền với sự vận động của hình thái tiền tệ và các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế.
Để một ngân hàng TMCP tiến hành hoạt động kinh doanh, vốn là điều kiện không thể thiếu, nó phản ánh được nguồn lực tài chính. Sức mạnh tài chính của ngân hàng TMCP thể hiện tiềm lực tài chính của chủ sở hữu và không chỉ dừng lại ở việc huy động vốn lớn, chi phí sử dụng vốn thấp mà còn sử dụng vốn có hiệu quả. Để làm được điều đó ngân hàng TMCP phải xây dựng được chiến lược kinh doanh đúng đắn, hiệu quả đáp ứng được mục tiêu là nâng cao giá trị ngân hàng TMCP.
2.2. Các chỉ tiêu phản ánh khả năng độc lập tài chính của ngân hàng thương mại cổ phần
Để đánh giá khả năng độc lập tài chính của ngân hàng TMCP thông qua chỉ tiêu nguồn vốn thì vốn chủ sở hữu được xem nhiều nhất, vì nếu ngân hàng TMCP có vốn chủ sở hữu (CSH) lớn thì có thể tạo được lòng tin đối với đối tác do khả năng chi trả, khả năng thanh toán được đảm bảo. Các chỉ tiêu phản ánh mức độ ổn định và tự chủ tài chính cũng như khả năng sử dụng nợ vay của ngân hàng TMCP là:
2.2.1. Hệ số tự tài trợ
Hệ số tự tài trợ là chỉ tiêu để người sử dụng thông tin biết được một đồng tài sản của ngân hàng TMCP được tài trợ bởi mấy đồng vốn CSH. Trị số của chỉ tiêu này càng lớn, mức độ tự chủ về tài chính của ngân hàng TMCP càng cao và ngược lại, khi trị số của chỉ tiêu càng nhỏ, mức độ tự chủ về mặt tài chính của ngân hàng TMCP càng thấp, dẫn đến mức độ độc lập về tài chính của ngân hàng TMCP càng thấp.
2.2.2. Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn
Hệ số tự tài trợ là chỉ tiêu phản ánh khả năng tự đảm bảo về mặt tài chính và mức độ độc lập về tài chính của ngân hàng TMCP. Chỉ tiêu này cho biết trong tổng nguồn vốn tài trợ của ngân hàng TMCP, nguồn vốn chủ sở hữu chiếm bao nhiêu. Trị số của chỉ tiêu này càng lớn, chứng tỏ khả năng tự đảm bảo về mặt tài chính càng cao, mức độ độc lập càng lớn (tức là > 1), chứng tỏ khả năng bảm đảm về mặt tài chính càng cao, mức độ độc lập của ngân hàng TMCP ngày càng tăng và ngược lại, khi trị số của chỉ tiêu càng nhỏ (<1), khả năng tự đảm bảo về mặt tài chính của ngân hàng TMCP càng thấp dẫn đến mức độ độc lập về tài chính của ngân hàng TMCP ngày càng giảm.
2.2.3. Hệ số tự tài trợ
Hệ số tự tài trợ TSCĐ là chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng trang trải bộ phận TSCĐ đã và đang đầu tư bằng nguồn tài trợ thường xuyên. Khi trị số của chỉ tiêu hệ số tài trợ TSCĐ lớn hơn hoặc bằng 1 (> = 1), nguồn tài trợ thường xuyên có đủ và thừa khả năng để trang trải TSCĐ. Ngược lại, khi trị số của chỉ tiêu hệ số tự tài trợ TSCĐ nhỏ hơn 1 (<1 ), chứng tỏ ngân hàng TMCP đã sử dụng nguồn tài trợ tạm thời để đầu tư vào một bộ phận TSCĐ và các TSDH khác.
3. Thực trạng khả năng độc lập tài chính tại một số ngân hàng thương mại cổ phần năm 2021
Để phản ánh thực trạng độc lập tài chính của ngân hàng TMCP trong năm 2021, tác giả đã nghiên cứu, phân tích và đánh giá trên 5 ngân hàng TMCP tại Việt Nam như sau: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPbank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB-Bank).
Bảng. Khả năng độc lập tài chính của một số ngân hàng
thương mại cổ phần vào năm 2021
Đơn vị tính: lần
Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng TMCP năm 2021
Biểu đồ: Hệ số tự tài trợ của một số ngân hàng thương mại cổ phần
vào năm 2021
Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng TMCP năm 2021
3.1. Hệ số tự tài trợ
Căn cứ vào hệ số tự tài trợ thì người sử dụng thông tin sẽ biết được một đồng tài sản của ngân hàng được tài trợ bởi mấy đồng vốn CSH. Chỉ tiêu này cho biết mức độ tài trợ hay sở hữu tài sản bởi các chủ sở hữu. Từ Bảng 1 ta thấy, khả năng độc lập về tài chính của một số ngân hàng TMCP: Vietinbank, Vietcombank, VPBank, ACB và MB-Bank trong năm 2021 như sau: Ngân hàng VPBank có hệ số tự tài trợ cao nhất đạt 0,16 lần, chứng tỏ mức độ tự chủ tài chính của VPBank cao, đứng thứ hai là MB-Bank có hệ số tự tài trợ là 0,1 lần, theo sát sau đó là ACB và Vietcombank đạt lần lượt là 0,09 lần và 0,08 lần. So với 4 ngân hàng trên thì Vietinbank có hệ số tự tài trợ thấp nhất là 0,06 lần, cho thấy mức độ sở hữu tài sản của VPBank là tốt nhất và Vietinbank cần cải thiện trong thời gian tới.
3.2. Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn
Hệ số tự tài trợ TSDH của ngân hàng TMCP thể hiện ở Bảng 1 cho thấy hệ số này của tất cả các ngân hàng TMCP được xem xét đều lớn hơn 1, trong đó hệ số tự tài trợ TSDH của VPBank là lớn nhất, đứng thứ hai là ACB, tiếp đó là MB-Bank, Vietcombank và đứng sau cùng là Vietinbank. Chứng tỏ khả năng tự đảm bảo về mặt tài chính của VPBank, ACB rất tốt và mức độ độc lập đảm bảo hiệu quả cao. Trong khi đó, Vietinbank có hệ số tự tài trợ TSDH thấp nhất so với các ngân hàng TMCP còn lại thì khả năng bảm đảm về mặt tài chính và mức độ độc lập cần làm tốt hơn trong thời gian tới.
3.3. Hệ số tự tài trợ
Bảng 1 cho thấy hệ số tự tài trợ TSCĐ của VPBank là cao nhất, ở vị trí thứ hai là MBBank, kế tiếp là Vietcombank, ACB và ở vị trí cuối là Vietinbank. Chỉ tiêu này thể hiện nguồn tài trợ thường xuyên có đủ và thừa khả năng để trang trải TSCĐ của các ngân hàng TMCP.
Đánh giá xu hướng tăng trưởng về mức độ tự chủ tài chính căn cứ vào trị số của các chỉ tiêu “hệ số tự tài trợ”, “ hệ số tự tài trợ TSDH”, “hệ số tự tài trợ TSCĐ”, tác giả đã tiến hành tính toán hệ số của chỉ tiêu để thấy được tốc độ tăng trưởng về tự chủ tài chính. Trên cơ sở đó, sử dụng đồ thị để phản ánh kết quả tính toán và căn cứ vào đồ thị nhận thấy được sự tăng trưởng tự chủ tài chính của ngân hàng TMCP là có xu hướng tăng. Trên kết quả tính toán, đánh giá được nhịp điệu tăng trưởng về tự chủ tài chính của ngân hàng TMCP năm 2021 là ổn định.
4. Những mặt tồn tại và nguyên nhân
- Sự gia tăng của tài sản chủ yếu vẫn là tài sản ngắn hạn, điều này gây ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của ngân hàng TMCP trong thời gian tới, vì chú trọng nhiều hơn đến đầu tư chiều rộng mà ít quan tâm đến chiều sâu, đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì rõ ràng sẽ làm công ty khó khăn hơn trong việc cạnh tranh.
- Cơ cấu nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn là vốn vay trong khi tỉ trọng vốn chủ sở hữu là quá thấp. Điều này cho thấy khả năng tự chủ về tài chính là thấp. Cần phải có sự điều chỉnh để vừa đảm bảo được sự an toàn trong hoạt động, vừa tận dụng tốt được yếu tố đòn bẩy tài chính.
- Nợ phải thu giảm với quy mô lớn là một vấn đề khá phức tạp mà ngân hàng TMCP cần chú ý cân nhắc, vì việc thu hồi nợ không phải lúc nào cũng thuận lợi và đúng hạn. Tuy nó giúp ngân hàng TMCP mở rộng được thị trường song lại gây ra thiếu vốn kinh doanh do bị chiếm dụng.
- Các khoản phải trả cũng có sự biến động lớn theo chiều hướng bất lợi. Tuy gia tăng được khoản chiếm dụng nhưng lại làm cho tình hình tài chính trở nên căng thẳng, gây áp lực thanh toán.
- Sự đầu tư đổi mới trang thiết bị của ngân hàng TMCP vẫn chưa thực sự chủ động, lợi thế cạnh tranh chính là ứng dụng công nghệ cao thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng mình. Vậy, trong thời gian tới, ngân hàng TMCP nên quan tâm hơn đối với vấn đề này.
5. Biện pháp nâng cao khả năng độc lập tài chính tại một số ngân hàng thương mại cổ phần
Đặt trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, biện pháp có ý nghĩa chiến lược giúp ngân hàng TMCP vượt qua khủng hoảng là: Quyết liệt tái cơ cấu cả về tài chính và nhân sự, tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặt kế hoạch kinh doanh sát với thực tế. Đây chính là những đối sách hợp lý nhất mà ngân hàng TMCP cần đề ra những phương án cụ thể để tiến hành:
5.1. Các biện pháp tăng doanh thu và giảm chi phí
- Tăng cường giám sát, quản lý các khoản chi phí. Cần giảm thiểu các khoản chi phí không cần thiết, đồng thời với việc quản lý các khoản chi phí như chí phí văn phòng, chi phí tiếp khách như chi phí điện nước. Để giảm khoản chi phí này, trước hết lãnh đạo ngân hàng TMCP phải quán triệt ý thức tiết kiệm đến từng phòng ban, từng nhân viên và có biện pháp quản lý chi phí chặt chẽ.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng TMCP, bởi không có vốn sẽ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào được thực hiện. Trong thời gian tới, ngân hàng TMCP cần có biện pháp để tránh tình trạng bị tồn đọng vốn, bị chiếm dụng vốn. Để giải quyết vấn đề này, ngân hàng TMCP cần quan tâm đến công tác thu nợ thông qua việc giao trách nhiệm cho bộ phận kế toán lập sổ theo dõi công nợ, theo dõi các khoản phải thu của khách hàng theo từng hợp đồng tín dụng.
- Hạ thấp phí dịch vụ, sản phẩm. Đây cũng là một biện pháp nhằm nâng cao lợi nhuận cho ngân hàng TMCP. Với dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng TMCP thì phí dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng TMCP cần hạ thấp sao cho hợp lý và trở thành lợi thế cạnh tranh với ngân hàng khác.
5.2. Các biện pháp lựa chọn cơ cấu tài chính tốt nhất
- Nâng cao trình độ, tính cách, hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân của đội ngũ cán bộ nhân viên trong ngân hàng TMCP. Nếu sai, kém sẽ kìm hãm sự phát triển của tổ chức.
- Cơ cấu tài chính cho phù hợp, chuẩn mực và cung cấp đầy đủ các hệ thống, công cụ kiểm soát cần thiết.
- Quản trị nguồn nhân sự cho hiệu quả. Nếu sự yếu kém nảy sinh từ vấn đề này thì cần phải được điều chỉnh kịp thời và phải có định hướng mang tính lâu dài gắn bó với ngân hàng TMCP.
- Sự phối hợp hoạt động trong tổ chức cần phải hiệu quả. Một cơ cấu tổ chức được thiết kế tốt sẽ có khả năng cho phép ngân hàng TMCP sử dụng các thông tin từ các bộ phận một cách hiệu quả nhất và lãnh đạo điều hành tốt hơn.
5.3. Các biện pháp làm tăng tính thanh khoản của ngân hàng thương mại cổ phần
Thanh khoản là khả năng thanh toán những hóa đơn đáo hạn bằng tiền mặt của ngân hàng TMCP. Do đó, lượng tiền mặt mà ngân hàng TMCP sở hữu có tầm quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Sau đây là các biện pháp làm tăng tính thanh khoản của ngân hàng TMCP:
- Tài khoản chuyển khoản: cần tận dụng dạng tài khoản này trong các hoạt động tài chính vì nó sẽ cho phép ngân hàng TMCP có được một khoản lợi tức từ khoản tiền mặt dôi ra sau khi đã chi trả hoặc chuyển khoản lượng tiền dự trữ vào tài khoản tiết kiệm.
- Tài sản không mang đến lợi nhuận: những tài sản không còn sử dụng cần phải thanh lý như máy móc, trang thiết bị văn phòng và phương tiện đi lại,... để tạo ra doanh thu mới.
- Khoản phải thu: giám sát những khoản phải thu một cách thật hiệu quả để đảm bảo thu hồi được những khoản cần thu sớm nhất.
- Khoản phải chi: giảm tối đa những khoản chi không cần thiết.
- Việc rút tiền của CSH: giám sát số lượng tiền bị rút ra phục vụ cho mục tiêu phi lợi nhuận.
- Lợi nhuận: cần kiểm tra tỷ suất lợi nhuận của những mặt hàng sản phẩm và dịch vụ khác nhau của ngân hàng một cách thường xuyên để góp phần duy trì hoặc tăng trưởng doanh lợi.
5.4. Các biện pháp đồng bộ khác
- Ngân hàng TMCP cũng cần phải bồi dưỡng, đào tạo thêm cho cán bộ nhân viên đặc biệt là nhân viên phòng kế toán và nhân viên kinh doanh. Vì hiện nay, phần lớn công tác kế toán là được thực hiện trên máy vi tính, do đó các nhân viên kế toán cần phải thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm kế toán nhằm giúp cho việc xử lý và quản lý các thông tin được nhanh chóng, kịp thời và chính xác hơn, còn nhân viên kinh doanh có đủ năng lực giao dịch khách hàng đến ngân hàng. Qua đó, cũng góp phần nâng cao được năng suất lao động, hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Ngân hàng TMCP cần phải đẩy nhanh tốc độ quay vòng của vốn lưu động. Đây được coi là biện pháp quan trọng nhất nhằm tránh tình trạng ứ đọng vốn.
- Cần đẩy mạnh công tác xây dựng kế hoạch năm tới trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng và nội lực của ngân hàng TMCP, đảm bảo kế hoạch xây dựng mang tính khả thi và sát với thực tế. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, tổng hợp tình hình kinh doanh, đề xuất phương án khắc phục những bất cập về kế hoạch phát sinh trong quá trình kinh doanh.
- Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Hội đồng quản trị trong ngân hàng TMCP. Đẩy mạnh hoạt động của tổ chức công đoàn và phong trào thi đua lao động giỏi, sáng kiến cải tiến, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo nên không khí phấn khởi góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh doanh trong ngân hàng TMCP.
6. Kết luận
Để tồn tại và phát triển vững mạnh, ngoài những nỗ lực cố gắng của ngân hàng TMCP thì những chính sách và qui định của nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhà nước nên xây dựng một hệ thống luật gọn nhẹ, tránh rườm rà nhiều thủ tục, tránh thường xuyên thay đổi để tạo sự an tâm cho đối tác khi có quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. Nhà nước xem xét và nắm rõ các thông tin phản hồi từ ngân hàng TMCP khi họ thực hiện những qui định và nghị định mới, để sửa đổi kịp thời và hợp lý. Ngân hàng TMCP tiếp tục nghiên cứu và triển khai nghiên cứu thị trường, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh thương hiệu. Mạnh dạn cung cấp chi phí cho nghiên cứu thị trường và tìm kiếm khách hàng, tích cực trong việc quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, khẳng định vị thế và uy tín của ngân hàng TMCP trên thị trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Báo cáo tài chính (2021). Báo cáo tài chính năm 2021 của các ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, VPBank, ACB, MB-Bank., Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.
- Nguyễn Văn Công (2019). Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính. NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Trần Mạnh Dũng (2019). Giáo trình Lập, đọc, phân tích và kiểm tra Báo cáo tài chính. NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Nguyễn Ngọc Quang (2014). Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính. NXB Tài chính.
- Nguyễn Năng Phúc (2019). Giáo trình Phân tích hoạt động kinh doanh. NXB Thống kê.
- Phạm Thị Thủy (2018). Giáo trình Báo cáo tài chính phân tích - dự báo và định giá. NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Trang thông tin điện tử của một số Ngân hàng thương mại cổ phần:
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu. Truy cập tại: http://www.acb.com.vn
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam. Truy cập tại: http://www.vietinbank.vn
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Truy cập tại: http://www.vietcombank.com.vn
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội. Truy cập tại: http://mbb.com.vn
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng. Truy cập tại: http://www.vpbank.com.vn
THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS
TO IMPROVE THE FINANCIAL INDEPENDENCE
OF SOME JOINT STOCK COMMERCIAL BANKS
NGO THI NGUYEN1
1Faculty of Finance and Accounting, Hai Phong University
ABSTRACT:
This study analyzes the impacts of fluctuations in the financial resources (capital size, asset quality, capital raising capacity, solvency capacity, profitability, etc.) of a joint stock commercial bank. To assess the financial independence of a joint-stock commercial bank, it is necessary to examine the bank’s self-financing capacity to ensure its business operations, the self-financing capacity for long-term assets, and the self-financing capacity for fixed assets.
Keywords: self-financing ratio, financial independence, joint-stock commercial bank.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 8, tháng 4 năm 2022]