TÓM TẮT:
Nghiên cứu được thực hiện tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ nhằm đánh giá thực trạng sản xuất rau màu và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển sản xuất rau màu ổn định và bền vững. Kết quả nghiên cứu cho thấy sản xuất rau màu mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn cho nông hộ so với độc canh cây lúa. Tuy nhiên, sản xuất rau màu ở đây cũng phải đối mặt với những khó khăn, như: giá bán biến động, chi phí vật tư tăng cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nguồn giống chất lượng cao. Vì vậy, các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất rau màu trên địa bàn quận Ô Môn tập trung vào 03 nhóm chính, gồm: phát triển thị trường cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; phát triển và đảm bảo nguồn giống chất lượng cao và chuyển giao công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương.
Từ khóa: Canh tác, sản xuất rau màu, hiệu quả kinh tế, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
1. Đặt vấn đề
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được mệnh danh là vựa lúa số 1 của cả nước, chiếm khoảng 46% diện tích (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009). Từ năm 2000, Chính phủ có chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn đã có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Nhiều địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với sinh thái vùng và đáp ứng yêu cầu của thị trường (Nguyễn Duy Cần, 2003). Các mô hình canh tác độc canh cây lúa dần dần được thay thế bằng những mô hình luân canh lúa màu hay chuyển sang trồng chuyên màu hoặc nuôi thủy sản. Thành phố Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi, với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Lúa gạo là sản phẩm chủ lực của thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiệu quả từ việc sản xuất lúa bấp bênh do thay đổi của thị trường và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013) nên một số vùng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang canh tác các loại cây rau màu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các loại cây màu được nông dân trồng nhiều như rau muống, rau nhút, dưa hấu, rau ăn lá các loại, tập trung chủ yếu ở các quận Cái Răng, Bình Thủy và Ô Môn.
Ô Môn là quận ngoại thành của thành phố Cần Thơ đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ nhưng nông nghiệp vẫn là thế mạnh. Trong vài năm gần đây, nông dân đã chuyển sang trồng các loại rau màu đã mang lại lợi nhuận đáng kể so với độc canh cây lúa (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cần Thơ, 2015). Vì vậy, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại hoa màu khác ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này còn mang tính tự phát vì lợi nhuận trước mắt, nông dân chưa lường trước được những rủi ro có thể gặp phải như dịch bệnh, thị trường... Nghiên cứu thực hiện tại quận Ô Môn nhằm đánh giá thực trạng sản xuất và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất rau màu ổn định và bền vững trên địa bàn quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
2. Phương pháp nghiên cứu
Các số liệu và thông tin thứ cấp từ các báo cáo của các cơ quan quản lý và chuyên môn, Niên giám thống kê, báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các báo cáo chiến lược định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quận Ô Môn và thành phố Cần Thơ đã được thu thập để phân tích sâu về thực trạng sản xuất nông nghiệp, sự chuyển đổi mô hình canh tác và hiệu quả kinh tế của các mô hình canh tác rau màu.
Thu thập số liệu sơ cấp bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp các hộ nông dân tại phường Long Hưng (sản xuất rau nhút), phường Thới An (sản xuất rau muống) và phường Trường Lạc (sản xuất dưa hấu) đã được chọn và phỏng vấn bằng bảng câu hỏi theo phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên thuận tiện. Tổng số mẫu điều tra là 120 hộ nông dân đang thực hiện các mô hình trên đã được chọn để thu thập thông tin, mỗi điểm nghiên cứu phỏng vấn 40 hộ nông dân. Ngoài ra chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn những cán bộ, nông dân có am hiểu về 3 mô hình sản xuất tại địa phương (phỏng vấn chuyên gia) bằng bảng câu hỏi bán cấu trúc.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Thực trạng sản xuất rau màu trên địa bàn quận Ô Môn
Trong những năm gần đây để từng bước nâng cao hiệu quả và năng suất sản xuất quận Ô Môn đã áp dụng các biện pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa cây màu xuống ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu các loại cây trồng chủ yếu của quận Ô Môn gồm lúa, cây rau màu và cây lâu năm. Diện tích rau màu đã có sự thay đổi đáng kể từ năm 2014 đến nay. Nếu như năm 2014 toàn quận có hơn 2.500 ha thì đến cuối năm 2016 diện tích rau màu đã tăng lên hơn 3.400 ha (Trạm Khuyến nông Ô Môn, 2016).

Trong số các loại rau màu sản xuất ở Ô Môn, các mô hình trồng rau muống, rau nhút và dưa hấu có diện tích và gia tăng diện tích lớn nhất. Ngoài ra, trên địa bàn quận đã hình thành 3 nhóm nông dân sản xuất hoa màu theo khu vực như: tổ hợp tác trồng rau nhút tại Long Hưng, tổ hợp tác trồng dưa hấu tại Trường Lạc (chủ lực là cây dưa hấu) và Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát tại phường Thới An với cây trồng chủ lực là rau muống.
Hiện tại, 3 cây trồng này mang lại hiệu quả khá cao cho người dân nên nông dân đã tự ý mở rộng diện tích đất sản xuất, trong khi đó quận chưa có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất cũng như hỗ trợ trong khâu tiêu thụ cho người dân (Trạm Khuyến nông Ô Môn, 2015). Để mô hình này phát triển bền vững cần sự hợp tác và hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn đặc biệt là nông dân trực tiếp sản xuất trong việc quy hoạch và tìm kiếm đầu ra cho người dân.
Kết quả thảo luận với người dân và cán bộ địa phương cũng cho thấy những thuận lợi trong phát triển sản xuất rau màu ở quận Ô Môn như điều kiện khí hậu đất đai và khí hậu phù hợp cho sự phát triển các loại rau nhiệt đới; địa phương có chính sách quy hoạch trồng trọt và quy hoạch vành đai thực phẩm của thành phố và từng bước đi vào định hướng phát triển (Nguyễn Chí Thức, 2013); có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp với các địa phương và sự nỗ lực của nông dân đã thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định; người nông dân dần có ý thức thực hành sản xuất rau theo hướng dẫn an toàn vệ sinh thực phẩm; chủng loại giống rau thích nghi cho từng vùng và có nhiều loại phân bón và thuốc sinh học đáp ứng yêu cầu sản xuất ra các sản phẩm rau sạch an toàn và chất lượng cao trong điều kiện canh tác tự nhiên ngoài đồng theo hướng công nghệ cao (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố Cần Thơ, 2014).
3.2. Sử dụng các yếu tố nguồn lực trong sản xuất của nông hộ
3.2.1. Nguồn lực lao động của nông hộ
Số lao động chính của 3 mô hình lớn nhất là 6 lao động và nhỏ nhất là 1 lao động, trung bình của 3 mô hình là 2,96 lao động. Trong đó mô hình dưa hấu là 2,53 lao động, kế đến là mô hình rau nhút là 2,9 lao động và cao nhất là mô hình rau muống 3,45 lao động. Nếu xét về nhóm lao động thì cả 3 mô hình đều có số lao động chính trên 2 lao động (67 hộ tương đương 55,8%). Tỷ lệ cao nhất là ở mô hình rau muống (30 hộ tương đương 75%) kế đến là mô hình rau nhút (22 hộ tương đương 55%) và thấp nhất mô hình dưa hấu (15 hộ tương đương 37,5%).
3.2.2. Diện tích đất của nông hộ
Diện tích đất canh tác lớn nhất của 3 mô hình là 35.000 m2, nhỏ nhất 800 m2 và diện tích đất canh tác trung bình là 3.956,8 m2. Trong đó, diện tích trung bình của nông hộ ở mô hình dưa hấu là lớn nhất với 6.467,5 m2. Kế đến là diện tích của nông hộ của mô hình rau nhút với 2.685,5 m2 và thấp nhất là diện tích của nông hộ ở mô hình rau muống với 2.117,5 m2. Đây là diện tích khá nhỏ để việc áp dụng cơ giới vào sản xuất cũng như khó khăn cho việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa lớn.

3.2.3. Vốn sản xuất của nông hộ
Kết quả điều tra thực tế 120 hộ tại vùng nghiên cứu cho thấy có 57 hộ đủ vốn sản xuất tương đương 47,5% và có đến 52,5% nông hộ được khảo sát tương đương 63 hộ đang thiếu vốn sản xuất. Trong khi đó, chỉ có 38/63 hộ thiếu vốn được vay ưu đãi từ các ngân hàng. Số còn lại chủ yếu là mua vật tư trả chậm tại các đại lý vật tư. Điều này cho thấy, đa số nông dân tại vùng nghiên cứu còn thiếu vốn đầu tư sản xuất và phần lớn chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay. Nguyên nhân từ điều tra các nông hộ cho rằng, rất ngại khi đi hỏi vay ngân hàng, có nhiều thủ tục và các điều khoản trong hợp đồng đôi khi họ không hiểu nên chưa vay vốn từ ngân hàng.
3.2.4. Các phương tiện và dụng cụ phục vụ sản xuất
Kết quả điều tra về các phương tiện, dụng cụ phục vụ sản xuất nhận thấy, đa số các nông hộ đều có các phương tiện thiết yếu phục vụ cho quá trình sản xuất như tivi, điện thoại, máy phát cỏ, tưới nước và bình xịt thuốc. Đây là những phương tiện rất cần thiết trong quá trình sản xuất của nông hộ. Bên cạnh đó, một số nông hộ còn có thêm các phương tiện khác như máy bơm nước, xuồng, ghe, máy xới. Nông hộ đã tận dụng tốt các phương tiện hiện có nhằm phục vụ tốt cho quá trình sản xuất.
3.2.5. Khả năng tiếp cận các nguồn thông tin kỹ thuật của nông hộ
Các nguồn tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật của nông dân khá phong phú. Trong đó, nguồn tiếp cận nhiều nhất là từ những nông dân khác (94,2%), kế đến là từ các chương trình trên tivi (80,8 %), tiếp theo là từ các buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khuyến nông (79,2 %), cuối cùng nguồn tiếp cận ít nhất là từ các viện nghiên cứu và trường đại học (20,8 %).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các hộ có mức độ tiếp cận các nguồn thông tin khoa học kỹ thuật ở mức khá cao. Cụ thể, 70,8 % số hộ cho biết là họ tiếp cận thường xuyên với các thông tin, kế đến có 15,8 % hộ cho rằng thỉnh thoảng mới tiếp cận với nguồn thông tin, 13,3% nông hộ được phỏng vấn cho rằng rất ít tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Hiện nay, các kênh thông tin kiến thức về nông nghiệp khá phổ biến nên nông dân rất thuận lợi trong việc tiếp cận các kiến thức mới. Qua nghiên cứu, đa số nông dân đều nhận thấy các kênh thông tin phổ biến kỹ thuật trên tivi, đài truyền thanh, hội thảo đầu bờ đều rất bổ ít. Điều này cần được tiếp tục phát huy.
3.2.6. Tiêu thụ sản phẩm
Kết quả điều tra cho thấy, 120/120 hộ điều tra đều bán sản phẩm cho thương lái thông qua các hợp đồng ”miệng”, thiếu những đảm bảo về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp hoặc thị trường có biến động lớn. Kết quả thảo luận với cán bộ cho thấy, mặc dù địa phương rất quan tâm đến bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng do sản lượng bán ra hàng ngày rất lớn nên địa phương chưa thực hiện được việc tổ chức bao tiêu sản phẩm.
3.3. Khó khăn trong phát triển sản xuất rau màu trên địa bàn quận Ô Môn
Theo các cán bộ địa phương, sản xuất rau màu gặp phải những khó khăn như diện tích trồng nhỏ lẻ, không tập trung gây khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát số lượng, sản lượng và chất lượng cũng như việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; giá cả thị trường không ổn định, một số hợp tác xã rau an toàn hoạt động chưa hiệu quả, nên một số lượng rau an toàn phải bán ra chợ nhỏ với giá ngang bằng với rau thường; thiếu sự tuyên truyền của cơ quan truyền thông trong việc sử dụng rau sạch và quảng bá sản phẩm cho người trồng rau màu.

Theo đánh giá của nông hộ khó khăn lớn nhất là vấn đề thị trường, gồm cả thị trường cung ứng đầu vào (vật tư, giống chất lượng cao) và thị trường tiêu thụ sản phẩm (thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm). Do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên tình trạng mất giá, ép giá vẫn thường xảy ra. Tất cả các hộ hiện nay đều sản xuất mang tính tự phát, không hề có sự liên kết giữa các hộ với nhau cũng như ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với thương lái. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự bấp bênh về thị trường và giá bán sản phẩm.
3.4. Giải pháp phát triển sản xuất rau màu trên địa bàn quận Ô Môn
3.4.1. Phát triển thị trường cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm
Người sản xuất cần áp dụng một số cách làm giảm chi phí mua vật tư như tận dụng nguồn phân bón từ chăn nuôi, tạo liên kết với nhà cung cấp, định lượng số lượng cần, mua sớm, hoặc liên kết với các hộ khác để mua với số lượng lớn nhằm làm giảm giá mua. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra các cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn để sớm phát hiện các hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
Về thị trường tiêu thụ, người nông dân nên chủ động tìm thông tin giá cả, hướng tiêu thụ nông sản nhằm giúp có nhiều sự chọn lựa nơi bán nông sản, nhận ra xu hướng giá tăng giảm từ đó không bị tư thương ép giá. Các hộ sản xuất có thể tập hợp lại thành hợp tác xã, thu gom nông sản với số lượng lớn, kí hợp đồng trực tiếp với công ty không cần phải qua khâu trung gian làm giảm lợi nhuận. Ngoài ra, cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng để bình ổn giá cả các sản phẩm đầu vào, đầu ra giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Chính quyền địa phương cần phải thực hiện chủ trương hoàn thiện hệ thống tiêu thụ chuỗi giá trị hàng hóa, cần đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến và thu mua sản phẩm cho nông dân với mức giá hợp lý giải quyết vấn đề đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, để mô hình này ngày càng phát triển thì người dân cần hơn nữa sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự liên kết "4 nhà" để cây màu nói chung và cây dưa hấu, rau muống và rau nhút nơi đây nói riêng ngày càng bền vững trên đồng ruộng.
3.4.2. Phát triển và đảm bảo nguồn giống chất lượng cao
Chọn giống có chất lượng, thích hợp đối với từng vùng, từng mùa vụ, có khả năng kháng dịch bệnh là yêu cầu cơ bản nhằm phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế của nông dân. Chính quyền địa phương cần quy hoạch khu nhân giống rau màu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, các cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ nông dân trong kỹ thuật nhân giống giống rau màu nhằm sản xuất đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, cần đầu tư nghiên cứu giống mới đạt chất lượng, cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương.
3.4.3. Chuyển giao kỹ thuật và công nghệ phù hợp
Nông dân phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, phương tiện thông tin đại chúng, cũng như tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các nông hộ có mô hình hình sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để tiếp thu những kỹ thuật mới áp dụng trong sản xuất như sử dụng phân bón, nông dược, thay đổi tập quán sản xuất...
Các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu các biện pháp quản lý sâu, bệnh trên rau màu và chuyển giao các kỹ thuật này đến nông dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất, thu hút sự tham gia và ứng dụng các kỹ thuật của nông dân. Bên cạnh đó, nông hộ cũng cần canh lịch thời vụ sản xuất để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra không bị dồn ứ trong thời gian ngắn, gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Một giải pháp mang tính chiến lược cần được thực hiện đó là mở rộng và phát triển diện tích sản xuất rau an toàn tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như VietGAP, GlobalGAP nhằm hướng tới người tiêu dùng và các thị trường cao cấp như tiếp cận các hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn và xuất khẩu sang các nước phát triển.
4. Kết luận
Sản xuất rau màu ở quận Ô Môn có hiệu quả kinh tế cao hơn so với độc canh cây lúa và là một trong những định hướng phát triển ngành Nông nghiệp Cần Thơ trong thời gian sắp tới. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi nhưng nông dân sản xuất rau màu ở đây cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất rau màu. Các khó khăn chủ yếu theo quan điểm của người sản xuất đều xuất phát từ vấn đề thị trường bao gồm các khía cạnh cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ, nguồn giống chất lượng cao phù hợp với điều kiện địa phương. Vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn vì vậy cần tập trung vào 03 nhóm giải pháp chính gồm phát triển thị trường, đảm bảo nguồn giống và chuyển giao kỹ thuật và công nghệ phù hợp. Người nông dân cũng cần chủ động hơn nữa trong liên kết sản xuất, tích cực tiếp thu và áp dụng KHKT trong sản xuất, từng bước tuân thủ các tiêu chuẩn theo hướng sản xuất rau màu an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2009), Báo cáo quy hoạch sử dụng đất lúa toàn quốc đến 2020, tầm nhìn đến 2030, Tài liệu báo cáo tại TP. Cần Thơ tháng 5/2009.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2013). Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với BĐKH: Cơ hội và thách thức.
3. Nguyễn Chí Thức (2013), Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quận Ô Môn, Đề tài khoa học công nghệ cấp quận năm 2013.
4. Nguyễn Duy Cần (2003), Cơ cấu và hệ thống canh tác ở ĐBSCL: Tình hình sản xuất lúa hiện tại và tương lai, Kết quả nghiên cứu lúa vụ Hè Thu năm 2003, Viện Hệ thống Canh tác bộ môn Nghiên cứu và Phát triển tài nguyên cây trồng, tr. 1-8.
5. Trạm Khuyến nông quận Ô Môn (2015), Báo cáo mô hình hiệu quả năm 2015.
6. Trạm Khuyến nông quận Ô Môn (2016), Báo cáo tình hình sản xuất năm 2016.
7. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cần Thơ (2015), Thực trạng và giải pháp phát triển rau quả thành phố Cần Thơ.
8. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố Cần Thơ (2014), Tổng quan về thành phố Cần Thơ, Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long.
THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR THE VEGETABLE PRODUCTION DEVELOPMENT IN O MON DISTRICT, CAN THO CITY
PhD. TRAN THI THU HA
Vietnam National University of Forestry
CAO NGOC LOI
Vietnam National University of Forestry - Southern Campus
ABSTRACT:
This study which was conducted in O Mon district, Can Tho city is to assess the current situation of the vegetable production and propose solutions for the sustainable vegetable production development. The results of this study show that the vegetable production has higher economic efficiency and profit for farmers than the rice monoculture. However, the vegetable production in O Mon district, Can Tho city also faces difficulties such as fluctuating selling prices, high input costs, limited production and consumption linkages, small scale production and lack of high quality seed sources. As a result, solutions for developing the vegetable production in O Mon district focus on three main groups, namely developing markets of inputs supplying and consuming, developing and ensuring high quality seed sources, and transfering production technologies which are suitable to local conditions.
Keywords: Cultivation, vegetable production, economic efficiency, O Mon district, Can Tho city.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây