TÓM TẮT:
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy vậy, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Định trong thời gian tới.
Từ khóa: Bình Định, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI.
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh và bổ sung một số chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa liên thông”, cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, kết quả thu hút FDI của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực mà điểm nhấn chính là khu kinh tế và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc thu hút FDI của tỉnh chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của tỉnh. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu thực trạng để tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường thu hút các dự án FDI với quy mô vốn lớn và công nghệ hiện đại để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Kết quả thu hút FDI tại Bình Định trong giai đoạn 2011 - 2016
Giai đoạn 2011 - 2016, nền kinh tế thế
giới đã bước qua giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh
tế Bình Định nói riêng cũng đã dần hồi phục. Do vậy, tình hình thu hút FDI của
tỉnh Bình Định đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Trong giai đoạn này, Bình Định
đã thu hút được 42 dự án mới với tổng số vốn đăng ký là 282,49 triệu USD. Riêng
trong năm 2016, toàn tỉnh có 10 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư với tổng vốn đăng ký 84,099 triệu USD. Như vậy, tính đến nay, tỉnh Bình Định
có 65 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 475,87 triệu USD, gồm 56 dự án 100%
vốn nước ngoài và 9 dự án liên doanh. Trong đó, tại Khu kinh tế Nhơn Hội và các
Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 22 dự án với tổng vốn đăng ký
là 285,56 triệu USD, ngoài Khu kinh tế Nhơn Hội và các Khu công nghiệp có 43 dự
án đầu tư với tổng vốn đăng ký 190,31 triệu USD.
Hình 1: Số lượng dự án FDI tại Bình Định giai đoạn 2011 - 2016
Hình 2: Số vốn đăng ký FDI tại Bình Định giai đoạn 2011 - 2016
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định)Trong tổng số 56 dự án FDI tại tỉnh Bình Định có đến 36 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng (chiếm 76% với số vốn đăng ký là 339,66 triệu USD); 19 dự án thuộc lĩnh vực Dịch vụ (chiếm 21% với số vốn đăng ký là 83,72 triệu USD); 10 dự án thuộc lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp (chiếm 3% với số vốn đăng ký là 52,49 triệu USD).Hình 3: FDI tại Bình Định giai đoạn 2011 - 2016 phân bổ theo ngành
Qua bảng 1 có thể thấy, trong tổng số
19 đối tác đầu tư vào Bình Định giai đoạn 2011 - 2016 thì Trung Quốc, Thái Lan,
Hồng Kông và Singapore chính là những đối tác đầu tư quan trọng của tỉnh Bình
Định cả về số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có
thể được xem là một đối tác tiềm năng của tỉnh Bình Định.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Quy Nhơn
đang là địa bàn dẫn đầu trong việc thu hút FDI với số lượng dự án lên đến 20 và
tổng số vốn đầu tư là 113,539 triệu USD. Các dự án FDI chủ yếu tập trung tại
các Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu công
nghiệp Long Mỹ và Khu công nghiệp Phú Tài thuộc thành phố Quy Nhơn. Huyện An
Nhơn vươn lên đứng vị trí thứ 2 nhờ thu hút được 9 dự án FDI với tổng số vốn
đăng ký là 97,41 triệu USD. Tiếp đó là các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy
Phước và Hoài Nhơn. Riêng các huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thanh và Hoài Ân
chưa thu hút được dự án nào trong giai đoạn này.
Hình 4: FDI của Bình Định giai đoạn 2011 - 2016 phân bổ theo khu vực
Nhìn chung, số lượng dự án và tổng vốn đăng ký FDI trong những năm gần đây đã có sự cải thiện đáng kể. Lĩnh vực đầu tư của các dự án FDI khá đa dạng như chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nhựa dân dụng, may mặc, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp… nguồn vốn chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore. Tuy nhiên, tình hình thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn một số hạn chế, như:
- Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016 đã có những đóng góp nhất định trên cả ba phương diện: đóng góp thuế, kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, những đóng góp này vẫn chưa thật sự ấn tượng bởi không có nhiều những dự án với quy mô lớn và công nghệ hiện đại từ các nước phát triển.
- Tình hình triển khai và thực hiện các dự án lớn thường diễn ra chậm, tỉ lệ vốn giải ngân thấp. Nhiều dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai rất chậm, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không đáp ứng yêu cầu tiến độ đầu tư.
- Công tác quảng bá và tuyên truyền chưa phong phú, việc đưa tin trên các website chưa phản ánh kịp thời diễn biến và tình hình đầu tư của tỉnh. Chưa quảng bá được bằng nhiều thứ tiếng (chỉ mới có tiếng Anh) và chưa đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình và báo chí nước ngoài.
- Tỷ trọng và quy mô FDI từ các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước châu Âu chưa đạt được sự kỳ vọng.
- Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư cả về lượng lẫn chất, kể cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề cho các dự án lớn vẫn không được đảm bảo.
3. Giải pháp thu hút FDI tại Bình Định trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Bình Định xác định FDI vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong tổng thể kinh tế của tỉnh, do vậy, cần thiết phải tăng cường các giải pháp nhằm thu hút FDI như:
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian cấp phép. Nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để giúp các doanh nghiệp triển khai dự án nhanh chóng. Nâng cao ý thức tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ quan công quyền và dịch vụ công.
Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2016, chỉ số PCI của Bình Định đạt 60,24 (tăng 1,01 so với năm 2015), xếp thứ 18 trên toàn quốc. Tỉnh xác định trong thời gian tới bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, vấn đề nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cũng cần được thực hiện quyết liệt để góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Sớm hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh chủ động hơn trong mời gọi đầu tư và khi nhà đầu tư vào tỉnh thì không phải chờ đợi. Căn cứ các quy hoạch được duyệt, việc chấp thuận chủ trương đối với từng dự án đầu tư sẽ được xem xét, quyết định nhanh hơn. Đối với dự án có tính chất quan trọng, nhất là dự án có sử dụng đất, giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí dự án, sau đó giao cho cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh tổ chức mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.
Tăng cường thu hút FDI từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… bởi đây là yếu tố quan trọng để tiếp cận được công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, Bình Định xác định các doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác mục tiêu trong thời gian tới. Do vậy, tỉnh cần thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá đầu tư tại thị trường Nhật Bản. Bên cạnh việc tiếp tục thu hút các nhà đầu vừa và nhỏ phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa bàn cũng cần phải chú ý thu hút những nhà đầu tư lớn, có sử dụng công nghệ cao, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Liên kết phát triển 9 tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) nhằm nghiên cứu, đề xuất các chính sách, cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả thu hút FDI của mỗi địa phương. Do vậy, tỉnh Bình Định muốn đẩy mạnh thu hút FDI cần phải liên kết kinh tế với các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung với các giải pháp đồng bộ: liên kết phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, liên kết trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực và liên kết trong việc thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng.
Nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề ở khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Do vậy vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được tỉnh chú trọng hơn nữa để thu hút FDI. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở dạy nghề, trong đó có 2 trường đại học và 3 trường cao đẳng. Để đáp ứng nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực, các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng đào tạo như đổi mới chương trình đào tạo, chủ động mời các chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy và trao đổi chuyên môn, liên kết với các doanh nghiệp để tăng cơ hội thực hành, thực tập cho sinh viên tiếp cận thực tế.
Cải tiến các website để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin của tỉnh, trang thông tin xúc tiến đầu tư và hợp tác, website của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố… Thông tin đầy đủ, chính xác và công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính, các chính sách mới ban hành để giúp các đối tác đầu tư có đầy đủ những thông tin cần thiết.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, cố tình sử dụng công nghệ lạc hậu, bắt tay với nhau để làm giá, chuyển giá,… góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn FDI vào tỉnh. Để làm được điều này, tỉnh cần phải đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, kiểm soát đủ trình độ, năng lực và phẩm chất; trang bị các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để phát hiện những sai phạm.
4. Kết luận
Tóm lại, những năm qua, Bình Định đã rất tích cực và chủ động trong việc cải cách thủ tục hành chính cũng như xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thu hút FDI từ các nước phát triển để tiếp cận với công nghệ hiện đại, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện tốt các giải pháp này, sẽ giúp tỉnh tăng cường thu hút FDI cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Đình Hiền (2012), Giải pháp liên kết vùng Duyên hải miền Trung trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Bình Định, Kỷ yếu Hội thảo khoa học tháng 8/2012, trang 175 - 183.
2. Phan Hữu Thắng (2016), Cơ hội và thách thức mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Tạp chí Tài chính kỳ 1, tháng 2/2016, trang 26 - 28.
3. UBND tỉnh Bình Định, Kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Bình Định, Kỷ yếu Hội thảo khoa học tháng 8/2012, trang 229 - 236.
4. http://www.binhdinhinvest.gov.vn
5. http://skhdt.binhdinh.gov.vn
THE CURRENT STATUS AND SOLUTION TO ATTRACT FOREIGN
DIRECT INVESTMENT INTO BINH DINH PROVINCE
MA. LE MONG HUYEN
Lecturer Faculty of Economics - Accounting, Quy Nhon University
ABSTRACT:
In the period 2011 - 2016, Binh Dinh province has made many efforts to attract foreign direct investment. However, the results of attracting foreign direct investment did not match the potential and advantages of the province. The paper proposes some measures to promote foreign direct investment in Binh Dinh province in the coming time.
Keywords: Binh Dinh, foreign direct investment, FDI.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây