Thực trạng việc sử dụng thuyết minh báo cáo tài chính trong phân tích tài chính

ThS. ĐINH THỊ THU HIỀN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân)

TÓM TẮT:

Vai trò của phân tích tài chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, biến số liệu trên giấy thành những thông tin “biết nói” ngày càng trở nên quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Để quá trình phân tích được diễn ra liên tục, có hiệu quả thì nguồn dữ liệu được cung cấp phải có tính trung thực, hợp lý và kịp thời. Nguồn dữ liệu đó có thể là thông tin bên trong doanh nghiệp, nhưng cũng có thể là bên ngoài doanh nghiệp. Đây là nguồn thông tin quan trọng nhất phục vụ cho việc phân tích, nếu thiếu nguồn thông tin này thì tất yếu không hình thành quá trình phân tích. Thực tế cho thấy, chỉ có một số các báo cáo được sử dụng trong phân tích, như: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, còn Thuyết minh báo cáo tài chính (TMBCTC) thì hầu như không tác động. Bài viết muốn đề cập đến thực trạng việc sử dụng TMBCTC trong phân tích tài chính, đồng thời đưa ra những đóng góp, phương hướng giải pháp, nhằm phát huy hơn nữa việc sử dụng TMBCTC trong phân tích tài chính.

Từ khóa: Thuyết minh báo cáo tài chính, phân tích tài chính, báo cáo tài chính.

1. Đặt vấn đề

Trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp luôn phải vận động để tồn tại, phát triển và bền vững, khi có sự giao thoa giữa nền kinh tế trong nước và nền kinh tế thế giới thì hoạt động của doanh nghiệp trở nên phong phú và phức tạp hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro hơn. Do đó, các nhà quản trị trong doanh nghiệp cần thiết phải sử dụng một công cụ, đó là phân tích tài chính để giúp doanh nghiệp đánh giá được hoạt động của mình, thấy những hạn chế còn tồn tại và có những biện pháp khắc phục. Đồng thời giúp các đối tượng quan tâm bên ngoài doanh nghiệp có những nhìn nhận ban đầu về doanh nghiệp, để có thể đưa ra những quyết định như đầu tư, góp vốn... Phân tích tài chính có thể được thực hiện bởi một bộ phận riêng biệt với doanh nghiệp hoặc có thể thực hiện bởi các nhân viên có kinh nghiệm trong doanh nghiệp, để có những đánh giá sát thực nhất, chính xác và có hiệu quả nhất thì trước khi phân tích cần được cung cấp những thông tin mang tính trung thực và hợp lý nhất của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Nguồn dữ liệu quan trọng nhất được sử dụng đó là nguồn thông tin từ Báo cáo tài chính, tùy thuộc vào từng mục tiêu, nội dung phân tích mà sử dụng những chỉ tiêu cụ thể trên các báo cáo tài chính. Cụ thể là Bảng cân đối kế toán, Báo cáo Kết quả kinh doanh, Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính. Khác với 3 báo cáo trên, TMBCTC là một báo cáo hợp nhất không thể tách rời của Báo cáo tài chính doanh nghiệp, Bản thuyết minh báo cáo tài chính bao gồm các phần mô tả mang tính tường thuật hoặc những phân tích chi tiết hơn các số liệu đã được thể hiện trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin bổ sung cần thiết khác. Quá trình phân tích ngày càng trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp, nội dung phân tích ngày càng đa dạng hơn, vậy TMBCTC được sử dụng như thế nào trong quá trình phân tích?

2. Thực trạng việc sử dụng TMBCTC trong phân tích tài chính

Thuyết minh BCTC là báo cáo phục vụ cho việc giải thích chi tiết về sự thay đổi của chỉ tiêu nào đó trong năm tài chính. Đây là báo cáo có vai trò rất quan trọng không chỉ trong doanh nghiệp mà còn phục vụ cho quá trình phân tích. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy báo cáo này chưa được phát huy hết vai trò của mình. Đặc biệt là trong quá trình phân tích tài chính. Chúng ta sẽ tìm hiểu thực trạng sử dụng thuyết minh BCTC thông qua việc tìm hiểu các nội dung được phân tích và nguồn dữ liệu cụ thể của từng nội dung đó. Cụ thể như sau:

Theo dữ liệu có được từ việc đánh giá sức mạnh tài chính của các nhóm ngành có giao dịch trên thị trường chứng khoán, bao gồm nhóm ngành bất động sản, cao su, dịch vụ công ích… thấy rằng công tác phân tích tài chính đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các doanh nghiệp, các nội dung phân tích ngày càng đa dạng, phong phú, như “Tổng nợ/tổng nguồn vốn, thanh toán nhanh, thanh toán nợ ngắn hạn, ROA, ROE, tỷ lệ doanh thu…” làm cho quá trình đánh giá được cụ thể, chi tiết nhìn nhận được nhiều khía cạnh của doanh nghiệp hơn rất nhiều. Để xác định những giá trị theo từng nội dung thì hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nguồn dữ liệu từ báo cáo tài chính, nhưng chủ yếu là Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh để phục vụ cho các nội dung phân tích như ROA, ROE… Riêng thuyết minh Báo cáo tài chính thì vẫn chưa được sử dụng. Đây được coi là một hạn chế rất lớn trong quá trình phân tích. Có thể phân tích rõ thông qua một số nội dung phân tích cụ thể như sau:

Nguồn dữ liệu: www.cophieu68.vn

Đối với nhóm ngành về Cao su, ROA là 1%, ROE là 2%, tổng nợ/ tổng vốn là 66%, để tính được giá trị các nội dung trên, đã sử dụng nguồn dữ liệu trong 2 báo cáo tài chính chủ yếu là Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh. Ví dụ, để tính ROA là 1%, nhà phân tích cần thu thập dữ liệu liên quan đến lợi nhuận kế toán trước thuế (LNKTTT), doanh thu thuần (DTT) các hoạt động trong doanh nghiệp và tài sản (TS) thông qua công thức phân tích sau: ROA = (LNKTTT/DTT)*(DTT/TS)*100%. Những phân tích trên nhận thấy rằng không có sự xuất hiện của Thuyết minh Báo cáo tài chính trong quá trình tính toán lấy số liệu. Tuy nhiên, khi tính ROA = 1%, nhận định là có hiệu quả trong việc sử dụng tài sản làm tăng khả năng sinh lời, giúp lợi nhuân tăng 1%, thì việc xác định nguyên nhân vì sao ROA tăng lại được sử dụng các chỉ tiêu liên quan đến lợi nhuận, doanh thu, tài sản được thể hiện chi tiết trong Thuyết minh báo cáo tài chính.

Hoặc, đối với nhóm ngành Giáo dục, nội dung về tổng nợ/ tổng nguồn vốn là 34%, để tính được giá trị này nhà phân tích sử dụng các chỉ tiêu như Nợ phải trả, tổng nguồn vốn, tất cả được sử dụng ở Bảng cân đối kế toán. Khi nhận định chỉ tiêu này cao hay thấp, chiếm 34% trong tổng nguồn vốn tốt hay không tốt, hoạt động mang tính chủ động hay bị động đối với nhóm ngành này thì việc xác định nguyên nhân liên quan đến nợ phải trả phải được sử dụng Thuyết minh Báo cáo tài chính.

Tương tự với các nhóm ngành khác thì Thuyết minh Báo cáo tài chính chủ yếu chỉ được sử dụng khi xác minh nguyên nhân sự biến động của chỉ tiêu liên quan đến nội dung phân tích. Từ việc phân tích trên có thể đưa ra những đánh giá về việc sử dụng Thuyết minh Báo cáo tài chính như sau:

Thuận lợi: Mục đích chính của Thuyết minh Báo cáo tài chính là dùng để giải thích trình bày rõ sự thay đổi của chỉ tiêu trong các báo cáo, do đó mục đích này cũng phát huy tác dụng trong phân tích khi xác định nguyên nhân của một nội dung phân tích nào đó. Từ nhận xét đó, doanh nghiệp sẽ thấy rõ được ảnh hưởng của từng chỉ tiêu cụ thể tác động đến nội dung phân tích. Từ đó có những nhận định, biện pháp nhằm khắc phục các chỉ tiêu liên quan. Trong quá trình phân tích, Thuyết minh chỉ tác động đến phần nhận xét của nội dung nào đó mà không tác động đến quá trình lấy số liệu phục vụ cho phân tích.

Khó khăn: Các nội dung phân tích thường không hướng đến việc phân tích chi tiết từng chỉ tiêu bên trong, nên hầu như không tác động các kỹ thuật phân tích, các nội dung phân tích cụ thể cho Thuyết minh báo cáo tài chính. Đây có thể coi là một điểm thiếu sót rất lớn bị bỏ qua của các doanh nghiệp. Các nhận xét cũng chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên nhân dựa trên thuyết minh chứ không phân tích cụ thể. Đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, những tập đoàn thì việc phân tích càng chi tiết, cụ thể, càng giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh; do đó việc không sử dụng TMBCTC làm cho việc phân tích chưa thật sự có hiệu quả. Nguyên nhân có thể do doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc phân tích các nội dung trong tài chính nên dẫn đến việc sử dụng các báo cáo chưa được chú trọng, trong đó có TMBCTC, bên cạnh đó việc lặp lại các nội dung phân tích cơ bản của doanh nghiệp qua từng năm không thay đổi, nên hầu như năm nào doanh nghiệp cũng nhìn nhận thông qua các chỉ tiêu đã phân tích, chưa có hướng đi mới cho việc phân tích trong TMBCTC.

Vậy tất yếu để phát huy tối đa mục đích của quá trình phân tích, giúp doanh nghiệp đánh giá được tình hình của doanh nghiệp thì cần có những giải pháp nhằm tác động đến việc phân tích dựa trên nguồn dữ liệu là TM BCTC.

3. Giải pháp nhằm tăng cường việc sử dụng nguồn dữ liệu TMBCTC trong phân tích tài chính

Để hoàn thiện hơn quá trình sử dụng nguồn dữ liệu là TMBCTC trong phân tích tài chính, tác giả xin đề xuất một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, mở rộng nội dung phân tích

Như đã phân tích ở trên, hầu hết các doanh nghiệp hướng đến 3 nội dung chính là phân tích cấu trúc, phân tích khả năng sinh lời và phân tích khả năng thanh toán. Tuy nhiên, việc này làm cho TMBCTC không được sử dụng. Do đó, cần mở rộng nội dung phân tích, cụ thể: trong TMBCTC có nội dung về Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Bảng cân đối kế toán bao gồm tiền, đầu tư tài chính, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho… thì tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, nếu chỉ tiêu nào có sự biến động lớn, có thể phân tích chi tiết về chỉ tiêu có sự biến động này để đối tượng quan tâm hiểu rõ và chính xác về chỉ tiêu đó. Ví dụ, doanh nghiệp nhận thấy chỉ tiêu về hàng tồn kho có sự biến động lớn hơn so với các năm trước, doanh nghiệp muốn xác định nguyên nhân của biến động này, thì doanh nghiệp sử dụng TMBCTC ở chỉ tiêu “04-hàng tồn kho” ở đầu năm và cuối năm.

Sau khi phân tích, doanh nghiệp có thể nhìn nhận rằng hàng tồn kho này tăng 130 (triệu đồng), nguyên nhân do sự tác động của một số chỉ tiêu như thành phẩm, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ và chi phí SXKD dở dang..., từ đó doanh nghiệp có những biện pháp cho từng chỉ tiêu ảnh hưởng đến hàng tồn kho. Tương tự cho các thông tin trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Việc phân tích chi tiết các chỉ tiêu trong TMBCTC mặc dù sẽ làm tốn thời gian hơn, nhưng sẽ giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh trong từng lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ, sản xuất, thương mại có những phương hướng kinh doanh phù hợp hơn.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp và nhà phân tích

Việc có sử dụng TMBCTC trong phân tích tài chính hay không phụ thuộc rất lớn vào nhìn nhận của doanh nghiệp và nhà phân tích, nếu doanh nghiệp chú trọng đến quá trình phân tích, mở rộng nội dung phân tích tích TMBCTC sẽ được sử dụng tối đa nhất cả việc xác định nguyên nhân sự biến động đến việc phân tích sâu cho riêng một chỉ tiêu nào đó. Và ngược lại nếu doanh nghiệp và nhà phân tích chỉ cần những số liệu phục vụ cho việc báo cáo thì TMBCTC sẽ không phát huy hết tác dụng của mình, quá trình phân tích sẽ không có ý nghĩa. Do đó, cần có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về quá trình phân tích, về nội dung phân tích và nguồn dữ liệu trong phân tích.

4. Kết luận

Thực tế đang cho thấy tầm quan trọng của phân tích tài chính, có thể được xem là vấn đề quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp và để phát huy đúng tinh thần đó việc sử dụng nguồn số liệu đặc biệt là TMBCTC cần được quan tâm hơn nữa. Thuyết minh không chỉ làm nhiệm vụ là tường thuật lại chi tiết từng chỉ tiêu mà còn là một nguồn dữ liệu quan trọng để doanh nghiệp có thể khai thác thông qua các nội dung mà doanh nghiệp cần phân tích. Nhìn nhận đúng về phân tích, xác định đúng các nội dung cần phân tích sẽ là điều kiện để nguồn dữ liệu trong phân tích được sử dụng tối đa nhất, trong đó có Thuyết minh báo cáo tài chính ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Ngọc Quang (2013), Phân tích Báo cáo tài chính, Nhà xuất bản Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân.

2. Nguyễn Văn Công (2005), Chuyên khảo về Báo cáo tài chính và lập, đọc, kiểm tra, phân tích Báo cáo tài chính, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

3. Chuẩn mực kế toán số 21: Trình bày báo cáo tài chính.

4. http://www.cophieu68.vn

USE OF FINANCIAL STATEMENT EXPLANATIONS

IN FINANCIAL ANALYSIS

● MA. DINH THI THU HIEN

Faculty of Accounting, Duy Tan University

ABSTRACT:

The role of financial analysis in the business operations of enterprises, turning the data on paper into "talking" information, is becoming more important in the integration period. For the analysis process to be continuous and effective, the data sources provided must be transparent, reasonable and timely. That data may be inside the enterprise, but it may also be outside of the business. They are the most important sources of information for analysis. Without these sources of information, the analysis process cannot happen. In fact, only some of the reports used in the analysis, such as balance sheet, income statement, cash flow statement, and notes to financial statements, having almost no impact. The article discusses the use of financial statement explanations in financial analysis, as well as suggests some implications for further improvement.

Keywords: Financial statement, financial analysis, financial report.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây