Bên trong những nhân tố tích cực…
8 tháng đầu năm, thật đáng ngạc nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên mọi lĩnh vực. Nói ngạc nhiên vì đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có quá nhiều bất ổn. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dấu hiệu suy thoái của kinh tế thế giới bắt đầu rõ ràng, khó chống đỡ được trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn đồng loạt suy yếu đáng lo ngại.
Thế nhưng, xuất khẩu hàng hóa, một trụ cột quan trong trong tăng trưởng và cân đối vĩ mô đạt gần 170 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 7,3%. Trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỷ trọng vượt ngưỡng 30%, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%.
Tiêu dùng, trụ cột thứ hai trong tăng trưởng đã duy trì sức mua ở mức 2 con số. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán lẻ hàng hóa.
Các lĩnh vực khác, từ thu hút FDI đến sản xuất công nghiệp, du lịch, thành lập doanh nghiệp mới… đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Nhưng quan trọng hơn, trong đà tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực ấy, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát thấp nhất trong 3 năm, dự báo chỉ khoảng 2,5% cả năm nay. Cùng với tỷ giá ổn định là niềm tin vào đồng Việt Nam được tăng lên. Xuất siêu sau 8 tháng đạt trên 3,4 tỷ USD đã góp phần ổn định VND. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, tăng trưởng tín dụng tăng gần 8%, và quý giá hơn cả là mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn đinh.
Kinh tế vĩ mô ổn định cũng đến từ thu ngân sách. Các khoản thu nội địa đều tăng vượt dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước gần 1 triệu tỷ đồng, bằng 70,7 dự toán năm, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước trên 900 ngàn tỷ đồng, tăng 2,8%.
… là những dấu hiệu đáng lưu ý
Bên trong những nhân tố tích cực đã xuất hiện dấu hiệu ảnh hưởng đến 2 lĩnh vực của Việt Nam trong giao thương với đối tác quan trọng nhất là Trung Quốc. 8 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung tròn 70 tỷ USD chiếm trên 1/5 kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Nhưng trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 170 tỷ USD, tăng 7,3% thì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 2,5%; đổi chiều so với mức tăng 23,4% của cùng kỳ 2018. Đó là lĩnh vực thứ nhất.
Lĩnh vực thứ hai là du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng đạt 11,3 triệu lượt khách, tăng 8,7%, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng cao nhất là khách đến từ các nước châu Á, phần lớn tăng 2 con số như thị trường Hàn Quốc tăng 22,5%; thị trường Nhật Bản tăng 13,7%; Đài Loan 27,1%; Ma-lai-xi-a tăng 14,6%; Thái Lan tăng 46,3%. Riêng Trung Quốc giảm 0,9% do người dân thắt chặt chi tiêu vì bị ảnh hưởng mạnh mẽ của thương chiến Mỹ-Trung. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại vì thị trường Trung Quốc gần 3,4 triệu lượt người, đứng đầu về lượng, chiếm tròn 30% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
So sánh với cùng kỳ 2018, khi mới khởi đầu thương chiến, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 3,4 triệu lượt người tăng 28% cũng đủ thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã và đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng với một Việt Nam sát vách, mức độ ảnh hưởng trực tiếp hơn. Các nước châu Âu, châu Mỹ thường không mặn mà với bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, làn sóng đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ các nước Châu Á có nền kinh tế mạnh, mà dẫn đầu là Trung Quốc, tiếp đến Hàn Quốc, Nhật Bản. Các doanh nghiệp du lịch và bất động sản du lịch Việt Nam đang có một nguồn thu không nhỏ từ đất nước đông dân nhất thế giới.Thế nên, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam bắt đầu lo lắng, cấp bách tìm đường thoát, bằng cách cho ra nhiều sản phẩm bất động sản biển giá "mềm" hướng đến nhu cầu bình dân số đông thay vì gói gọn ở khách thượng lưu.