Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dữ liệu được thu thập bởi Hệ thống của Ủy ban châu Âu về Hỗ trợ hành chính & Gian lận thực phẩm (AAC-FF) cho thấy, trong năm 2018 thủy sản và các sản phẩm thủy sản có tỷ lệ gian lận thực phẩm cao nhất ở EU.
Dữ liệu của Giáo sư Alan Reilly, Đại học Dublin chỉ ra rằng thủy sản và các sản phẩm thủy sản được cho là sản phẩm thực phẩm gian lận nhiều hơn so với các sản phẩm protein, chất béo hoặc đồ uống có cồn khác trong năm 2018.
93% các gian lận xảy ra trong chuỗi chế biến thủy sản được phân loại dựa trên việc nhà máy chế biến không được công nhận, dán nhãn sai và thay thế/pha loãng/bổ sung nguyên liệu khác vào sản phẩm.
Giáo sư Reilly cảnh báo rằng, các vụ gian lận thực phẩm thủy sản đã tăng lên khi thị trường chuyển sang xu hướng thương mại điện tử.Thương mại điện tử có thể đẩy nhanh tốc độ gian lận thực phẩm, loại hình này tạo điều kiện cho những kẻ gian lận thực phẩm và thu hút tội phạm từ các ngành nghề khác do không được quy định chặt chẽ.
Reilly cho rằng, sự chênh lệch lớn về giá từ việc dán nhãn sản phẩm thủy sản nuôi là sản phẩm khai thác tự nhiên, có thể sẽ khuyến khích những kẻ gian lận.
Thu nhập ước tính từ khai thác thủy sản bất hợp pháp ước tính từ 10-25 tỷ USD trên toàn thế giới.
Ngành thủy sản đã áp dụng Hệ thống kiểm tra HAACP (Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn), nhưng cũng cần bắt đầu tiến hành đánh giá lỗ hổng gian lận thực phẩm nghiêm trọng để trấn áp hoạt động thương mại thủy sản bất hợp pháp. Đây là một kịch bản có rủi ro thấp và đem lại nhiều lợi ích.
EU luôn được nhìn nhận là thị trường khó tính với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch động thực vật với nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, như phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn được quy định trong Luật Thực phẩm, Luật Thú y, quy định bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, quy định về chất độc hại, dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu…